US vs Apple: Tại sao nước Mỹ đưa con khủng long Apple ra pháp đình?

Ảnh: Ming Yeung/Getty Images

15 tiểu bang, trong đó có California, New York, Tennessee… cùng District of Columbia và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền liên bang.

Đơn kiện, được đệ trình lên Tòa New Jersey, qui kết Apple việc kinh doanh độc quyền một cách bất hợp pháp trên thị trường điện thoại thông minh bằng nhiều thủ đoạn ma mãnh. Vụ kiện nhắm thẳng vào sản phẩm phổ biến và sinh lợi nhất của công ty: iPhone – át chủ bài đã giúp nâng định giá của Apple lên hơn $2.7 nghìn tỷ.

Thay vì cạnh tranh với các đối thủ bằng cách cung cấp những dịch vụ giá cả phải chăng hơn, Apple đã áp đặt hàng loạt quy tắc nhằm “xây dựng và củng cố rào chắn độc quyền”, khi Apple không chỉ loại các đối thủ khỏi hệ sinh thái của họ mà còn khống chế gần như tuyệt đối trải nghiệm người dùng trên iPhone, khiến công ty có lợi thế trước các đối thủ một cách không công bằng. Vụ kiện là động thái mạnh mẽ nhất của chính phủ liên bang nhằm đánh bật sự thống trị của Apple trên thị trường.

“Apple đã củng cố quyền lực độc quyền không phải bằng cách làm cho sản phẩm của họ tốt hơn mà bằng cách làm cho các sản phẩm khác trở nên tồi tệ hơn”, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland nói trong cuộc họp báo ngày 21 Tháng Ba 2024. Tim Wu, giáo sư Trường Luật Columbia, từng là cố vấn chính sách công nghệ của Tổng thống Joe Biden, nói rằng đơn kiện “đánh trực tiếp vào con đường chính” khi nhắm vào át chủ bài trong đế chế khổng lồ của Apple: iPhone, “khiến bây giờ mọi người nhìn chằm chằm vào điện thoại và tự hỏi: Làm thế nào Apple có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận trong thời gian dài khi điện thoại Android thường rẻ hơn?”

Con khủng long Apple lâu nay đã bị tai tiếng việc chèn ép và phá tan nát các công ty nhỏ bằng cách cấm những nhà viết ứng dụng (app maker) sử dụng hệ thống thanh toán bên ngoài, trong khi lại tính phí giao dịch với họ với giá cắt cổ.

Mới đây, thượng tuần Tháng Ba 2024, châu Âu đã phạt Apple gần $2 tỷ, cáo buộc họ “lạm dụng” ảnh hưởng đối với các nền tảng phát nhạc (music streaming platform), ngăn cản các nhà viết ứng dụng (app developer) thông báo cho người dùng về các dịch vụ “thay thế và rẻ hơn”. Apple là một trong sáu gã khổng lồ công nghệ phải chịu các hạn chế cạnh tranh nghiêm ngặt theo bộ quy tắc mới và sâu rộng của châu Âu, gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act), dẫn đến khả năng có thể buộc Apple phải chấp nhận mở cửa cho các dịch vụ bên ngoài được cài đặt trên thiết bị của họ.

Trở lại với đơn kiện tại Mỹ. Hồ sơ kiện cho biết iPhone thống trị hơn 70% thị trường điện thoại thông minh cao cấp. Vấn đề ở chỗ Apple sử dụng nhiều “trò đểu” nhằm vào người tiêu dùng sử dụng điện thoại Android. Cụ thể, các cuộc trò chuyện giữa người dùng iPhone và người dùng Android không được mã hóa, video có độ nhiễu cao hơn… Tất cả nhằm khiến cho người tiêu dùng “có cảm giác” thiết bị iPhone “ngon” hơn “hàng Android”.

Một cách tổng quát, bằng cách kiểm soát chặt trải nghiệm người dùng trên iPhone và các thiết bị được sản xuất từ lò Apple, con khủng long công nghệ này đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng, nơi Apple cấp cho các sản phẩm và dịch vụ của mình quyền truy cập vào những tính năng cốt lõi mà đối thủ cạnh tranh không thể có. Lâu nay, ai cũng biết rằng cái gọi là “hệ sinh thái” (ecosystem) của Apple là một đế chế khổng lồ và độc quyền tuyệt đối và người dùng luôn bị ràng buộc, chính xác hơn là trói buộc, vào “lãnh thổ” này.

Chẳng có đối thủ nào có thể lọt được vào “hệ sinh thái” của Apple. Nhiều năm qua, Apple đã hạn chế quyền truy cập của các công ty tài chính vào chip thanh toán lẫn kết nối Bluetooth của iPhone để khai thác tính năng dịch vụ định vị (location-service feature) trên iPhone. Và như đã nói, ai xài iPhone thì chỉ có thể kết nối với những thiết bị được sản xuất từ lò Apple, chẳng hạn đồng hồ thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng (tablet)…, hơn là với sản phẩm của các nhà sản xuất khác.

Đơn kiện yêu cầu tòa phải buộc Apple chấm dứt những trò độc quyền hiện tại, trong đó có việc chặn các ứng dụng phát trực tuyến (cloud-streaming app) hoặc gây khó trong việc tạo ra các giải pháp thay thế ví kỹ thuật số. Một quan chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, theo luật, Bộ Tư pháp có quyền yêu cầu thay đổi cơ cấu hoạt động kinh doanh của Apple – trong đó có việc “chẻ nhỏ” tập đoàn. Vụ kiện chắc chắn kéo dài nhiều năm.

Apple là công ty mới nhất mà chính phủ liên bang đang cố kiểm soát trước làn sóng áp lực chống độc quyền những năm gần đây từ Bộ Tư pháp lẫn Ủy ban Thương mại Liên bang. Google, Meta và Amazon đều đang đối mặt những vụ kiện chống độc quyền tương tự, trong khi các công ty như Kroger và JetBlue Airways chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về những hoạt động sáp nhập trong tương lai.

Cụ thể, Ủy ban Thương mại Liên bang đã đệ đơn kiện, cáo buộc Meta, công ty sở hữu Facebook, cản trở cạnh tranh khi mua Instagram và WhatsApp; và một vụ kiện khác cáo buộc Amazon lạm dụng quyền lực đối với sân chơi bán lẻ trực tuyến. Năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump, các cơ quan liên bang đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google, Meta, Amazon và Apple. Chính quyền Biden thậm chí dồn nhiều công sức hơn cho việc này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: