(Hình do tác giả cung cấp)

Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới.”

Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu, nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩnh của hai ông, chắc chắn vượt rất xa nhiều cây viết lừng lẫy cùng thời.

Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong sự nghiệp của giới làm phim và trong lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.

Ai cũng tưởng vậy, nhưng không phải vậy. Theo báo Phố Văn – số 3, bộ mới, phát hành từ Texas ngày 1 Tháng Tám, 2002, dù sắp bước vào tuổi 80, không hiểu sao, Kim Dung “quyết định viết lại một số tiểu thuyết đã được xuất bản trước đây, và một số nhân vật sẽ được thay thế hay ‘nhào nặn’ lại.”

Úy trời đất, thiên địa, quỷ thần ơi! Ðó là một quyết định chết người, chớ không phải giỡn chơi đâu nha, cha nội! Và kẻ đầu tiên tử nạn là chính tôi, chứ còn ai vô đây nữa.

Thuở mới lớn tôi lỡ thương thầm một nhân vật của Kim Dung. Nàng tên là Nghi Lâm. Một ni cô rất đẹp, rất dễ thương, rất thánh thiện và ngoan hiền chưa từng thấy.

Những năm tháng thanh xuân, tôi đi tìm trong vô vọng một người yêu như thế – một người không chừng dám chỉ có trong tiểu thuyết Kim Dung. Xác suất để gặp được đúng đối tượng trong tình trường, theo như tôi biết, qua thống kê, là 1/36,000!

Con số này, than ơi, quá lớn và đời người thì quá ngắn. Buồn thay! Do đó, tôi đành lựa đại một người và rồi phải sống mãn kiếp trong “cơn mộng vỡ tan tành” của chính mình.

Như thế tưởng cũng đã đủ… thấy tía đời tôi rồi, mà Kim Dung vẫn chưa hả dạ. Thử nghĩ xem lỡ ông ấy “nhào nặn lại” Nghi Lâm thành một nàng tu xuất, ngồi bán tôm bán cá ở chợ Cầu Ông Lãnh hay cho thuê video phim sex ở phố Bolsa, thì làm sao tôi sống nổi nữa, hả Giời!

Càng sống nơi đất khách quê người, càng gặp nhiều khổ đau, tôi mới càng thấm thía lời chỉ dạy thâm thúy của ông bà tổ tiên mình: “Ta về ta tắm ao ta …”

Việc gì phải chúi mũi vào sách vở Tây Tầu làm chi cho đời thêm rắc rối. Việt Nam thiếu ối gì những những người viết truyện hay ho. Đã thế, họ toàn sản xuất ra những nhân vật thơm tho và lành mạnh.

Trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, do Nhà Xuất Bản Văn Nghệ in tại Hoa Kỳ (1986) trang 257, Võ Phiến viết: “Các truyện của ông Doãn, nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo được người xấu, kể nổi việc xấu. Ðọc sách ông thơm tho cả tâm hồn.”

Cò Đùm là một người điển hình và tiêu biểu như thế:

“Khoảng một thời gian từ 1945 đến 1947, Cò Đùm như nhân vật một truyện cổ tích diễm phúc nhất. Tại cả vùng Phủ Quảng quê hương, thuở ban đầu kháng chiến, Cò Đùm là một trong số hiếm hoi những người đã thể hiện được đủ năm E: Diện bộ đồ ka-ki Ăng LE, tay đeo đồng hồ Vi–LE, đi xe đạp Luy–xi–FE bằng thứ nhôm rất nhẹ của Tây, bút máy gài túi áo nhãn hiệu Oe–rê–VE, và, chao ôi, điều này mới là vinh dự, sau khi đã cống hiến rất hậu hĩ cho chính phủ kháng chiến trong tuần lễ vàng, anh được đóng thuế hạng E, tức là hạng cao nhất sau bốn hạng A,B,C,D.

Giấc mộng đẹp phù du đó qua mau và phũ phàng.

Chỉ mới sang khoảng năm 1947, anh nhận chân rằng thuộc thành phần địa chủ như gia đình anh, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống song hành với những đảng viên Đảng Lao Động đương lãnh đạo cuộc kháng chiến. Biết là sống lộ liễu ở quê hương không nổi, anh đơn độc lẳng lặng dọn đến làng Cốc, sinh sống bằng nghề buôn thuốc Tây và chích dạo.

Gia đình anh đóng thuế nông nghiệp. Khánh tận của chìm của nổi rồi, mẹ già anh vừa mất, chắc chắn u uất mà chết, chỉ còn vợ anh và lũ con thơ. Mẹ anh được chôn cất xong, công tác bao vây địa chủ tiếp tục tiến hành.

Họ bao vây nhà anh bằng trống lớn, trống nhỏ thay phiên nhau gõ liên miên như hổ huê riễu cợt, như chửi rủa thúc dục. Nhưng vợ anh quả không còn một đồng một chữ trong tay để trả thuế nông nghiệp. Ruộng bán không ai mua, nhờ cầy nhờ cấy không ai giúp, vì tránh liên hệ với địa chủ.

Họ đánh trống liên miên như vậy suốt ba ngày đêm, tiếng trống bỗng ngưng bặt vào sớm tinh sương hôm đó giữa sự bỡ ngỡ của chị Cò Đùm. Chị bước ra sân, và chị rụng rời tưởng có thể khuỵu xuống ngất xỉu.

Ba cây cau cao ngất ngoài sân trước nhà, cây cau chính giữa phất phới một lá cờ đỏ sao vàng to gấp đôi lá cờ vuông cổ truyền vẫn treo phất phới trước sân đình vào những ngày hội ngày xuân xưa cũ. Đó là bản án tử hình căn nhà và năm mẹ con chị mà đao thủ phủ sẽ là một phi công địch nào chợt bay qua đó. Đã bao nhiêu ngày chần chừ, nhưng tới đó thì Cò Đùm không thể chần chừ được nữa. Phải về tức khắc!

Và Cò Đùm đã về tức khắc…

Cò Đùm đã về tới Phủ Quảng ra sao, trình diện ra sao, điều đình với ủy ban hành chánh kháng chiến thế nào, lá cờ đỏ sao vàng được hạ xuống khỏi cây cau chính giữa làm sao, tôi không được biết một chút chi tiết nào. Tôi chỉ nghe Cò Đùm sau giờ học Pháp Văn tâm sự, tới đâu hay tới đấy, tuyệt nhiên không gợi hỏi thêm một lời nào. Tôi theo kỷ luật này, tin rằng đó là nghi lễ tối thiểu tôi phải có với Cò Đùm.”

Tình cảnh của Cò Đùm, vẫn theo như mô tả của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là “Cảnh một ngày mùa đông mưa gió dập rùi, tơi tả, chân tay lạnh cóng, áo quần rách mướp, chỉnh gạo không có một hạt, vợ đau con ốm, vũ trụ và con người như vừa đẩy đưa tới thềm tận diệt.”

Cảnh sống “rập rìu, tơi tả” như thế đã kéo dài gần cả thế kỷ ở Việt Nam. Những anh/chị Cò Đùm đã xoay sở thế nào để bản thân và gia đình vẫn được sống còn trong những mùa đông vô tận và nghiệt ngã đó? Họ đã chịu đựng tai ương và hiểm họa cộng sản, cũng như đã âm thầm, ẩn nhẫn, chống lại với sự ác độc và xấu xa của nó cách nào để gìn giữ cho cả dân tộc Việt khỏi bị diệt vong?

(Hình do tác giả cung cấp)

Doãn Quốc Sỹ trả lời như sau: “Có thể coi Cò Ðùm là tượng trưng cho tâm hồn điển hình nhất của quảng đại quần chúng Việt Nam vùng thôn dã. Một tâm hồn bén nhạy, tuyệt luân khôn ngoan mà không biết rằng mình khôn ngoan, đôn hậu mà không biết mình đôn hậu.

Ðầu đội trời chân đạp đất, đi đứng vững chãi bằng cả con người, cảm xúc và phản ứng bằng cả con người, và cực kỳ bén nhạy, cực kỳ chu đáo, cực kỳ sáng suốt, để tự bảo tồn và cũng có nghĩa là bảo tồn dòng giống quê hương…

Cò Ðùm, hay con Cò Ðùm cũng thế, vẫn nằm nguyên đó như mầm sen lẩn sâu dưới đáy bùn. Và tôi nhìn thấy mầm sen chợt nở, đó là đêm tôi đứng khựng trước TV bắt gặp chàng thanh niên có chiếc răng khểnh…”

Ðó là vào một đêm Tháng Tám năm 1974, theo như tác giả ghi lại cuối truyện ngắn “Cò Ðùm” – trong tuyển tập truyện ngắn cùng tên do Nhà Xuất Bản Văn Nghệ in tại Hoa Kỳ năm 1997, những đoạn văn trong ngoặc kép (in nghiêng) dẫn thượng đều được trích dẫn từ truyện ngắn này.

Phần tôi, hơn một phần tư thế kỷ sau, tức là đầu thế kỷ 21, tôi mới tình cờ nhìn thấy Cò Ðùm (hay cháu Cò Ðùm cũng thế) vào một đêm giữa Tháng Tám năm 2002 trên màn ảnh internet. Ðêm hôm ấy tôi lò dò đi tìm một số tài liệu vì có dự tính sẽ cùng bạn bè tổ chức một buổi hội thảo về những người trẻ đang đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt Nam, như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn…

Và tôi tìm ra Nguyễn Vũ Bình. Anh sinh ngày 02 Tháng Mười Một năm 1968 tại tỉnh Nam Ðịnh, tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp, sau đó làm phóng viên kinh tế của Tạp Chí Cộng Sản từ năm 1992 đến năm 2000. Anh có vợ và hai con gái, sinh sống tại Hà Nội.

Những năm gần đây Nguyễn Vũ Bình tham gia tích cực vào những sinh hoạt đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt Nam. Ngày 2 Tháng Chín năm 2000, anh xin thành lập đảng đối lập. Ngày 5 Tháng Chín năm 2001, anh xin thành lập Hội Chống Tham Nhũng. Hai việc làm này đã khiến anh mất việc và bị sách nhiễu bởi nhà đương cuộc Hà Nội.

Những đe dọa “lặt vặt” như thế không làm cho Bình nao núng. Ngày 6 Tháng Bảy năm 2002, cùng 16 nhân sĩ khác, anh ký tên vào bản thỉnh nguyện, yêu cầu những người cầm đầu đảng CSVN xét lại những hành động sai trái và vi phạm dân chủ của họ. Và ngày 20 Tháng Bảy năm 2002, Nguyễn Vũ Bình đã gửi bản điều trần “về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam” đến Quốc Hội Hoa Kỳ. Anh bị câu lưu hai ngày sau đó.

Ðang lướt nhanh qua những sự kiện như thế, tôi bỗng thấy hình của một thanh niên ở độ tuổi ba mươi, trông rất quê mùa nơi trang Câu Lạc Bộ Những Chiến Sĩ Dân Chủ Cho Việt Nam (The Democracy Club for Viet Nam) khiến cho tim như vừa đập hụt đi một nhịp.

Ai như Cò Ðùm vậy kìa? Ðích thị là Cò Ðùm chứ còn ai nữa. Trực giác bảo tôi như thế. “Cò Ðùm Nguyễn Vũ Bình,” tôi thầm reo giữa đêm khuya và nước mắt bỗng ứa ra, chảy dài xuống má. Tôi chợt cảm nhận được sự kỳ diệu của hồn thiêng sông núi và sức mạnh của cả dân tộc mình đang tràn dâng qua hình ảnh của Nguyễn Vũ Bình.

Nhà đương cuộc Hà Nội không phải chỉ đang đối mặt với từng cá nhân đơn lẻ đòi hỏi tự do và công lý như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn hay Nguyễn Vũ Bình… Họ đang phải đương đầu với cả một thế hệ Cò Ðùm của thế kỷ 21 – những con người tràn đầy niềm tin, dũng khí, sinh lực và tự trang bị đầy ắp kiến thức cùng với những phương tiện tối tân nhất của thời đại thông tin.

Trong khi đó cả đảng CSVN chỉ còn những đảng viên già nua, bệnh hoạn, bẩn thỉu chân tay lập cập với những thứ “vũ khí” đã lỗi thời: dối trá, bạo lực và những thủ đoạn vặt vãnh kiểu như cắt điện thoại, xem trộm thư, ném đá vào nhà, nhìn lỗ khóa…

Cái chiến thuật “cổ điển” như “chối bai bải” hay dùng “lưỡi gỗ” chỉ còn mang lại tác dụng ngược vì những Cò Ðùm ngày nay đã chuyển dịch được tài liệu viết về dân chủ, từ những website viết bằng ngoại ngữ và “phóng ngược” lên internet cho mọi người cùng đọc. Họ viết được những bài phân tích sâu sắc và chính xác về thảm trạng của quê hương, can đảm và trung thực gửi bản điều trần về tình trạng xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam đến nhân loại khắp Năm Châu.

Và từ khắp bốn phương trời, có vô số những Cò Ðùm đang lưu lạc, nhưng mắt luôn đăm đăm nhìn về quê mẹ.

Và tôi rưng rưng xúc động khi nghe được những lời nói ôn tồn, chừng mực, trầm tĩnh thể hiện được tấm lòng nhẫn nại, nhân ái, bao dung và độ lượng vô biên của dân tộc Việt qua lời của Cò Ðùm Nguyễn Vũ Bình – khi anh trả lời phỏng vấn của đài BBC:

“Vấn đề mà tôi đặt ra là chờ đợi sự thay đổi của đảng CSVN thì rất khó khăn và tôi cho rằng đảng CSVN không thể làm nổi. Cái đơn giản nhất cho xã hội mà họ còn có thể làm được hiện nay là cho phép hình thành lực lượng đối lập để lực lượng này kiểm tra, giám sát và làm đối trọng quyền lực. Trên cơ sở đó tôi đã làm đơn xin thành lập một đảng như thế…”

Tôi cũng hy vọng, niềm hy vọng mong manh, những người đang cầm quyền ở Việt Nam còn đủ chút lý trí để nhìn ra được vấn đề như thế, trước khi quá muộn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: