‘Cực hình’ đón người tại phi trường, liệu có còn không?

Đoàn xe nối đuôi nhau bên ngoài nhà ga quốc tế tại Phi trường Quốc tế Los Angeles (LAX) Tháng 12 năm 2021. (Minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Đường sá vòng vèo, lề đường đông đúc và chờ đợi lâu ở khu vực gọi điện thoại di động… Chúng ta đang khiến những người thân và bạn bè phải chịu đựng rất nhiều tại phi trường khi họ đến đón. Đón người tại phi cảng đang dần trở thành một cực hình.

Từ niềm vui biến thành cực hình

Đón người nhà và bạn bè tại phi trường, một truyền thống ngọt ngào được tôn vinh trong những bộ phim như “Die Hard 2”, nhưng nay đã trở thành một nghĩa vụ nặng nề trong thời đại giao thông và đường sá căng thẳng.

Cha mẹ bạn nói họ không ngại đến đón bạn, nhưng khi đã lên kế hoạch thực đơn cho Thanksgiving, lôi những chiếc ghế trong kho ra, gọt khoai tây và mua bánh bí ngô, họ còn phải dũng cảm đi qua ma trận chướng ngại trong những ngày bận rộn nhất của phi trường để đón bạn.

Đối với du khách, việc được người thân đón tại phi trường là một điều kỳ diệu và ấm áp không thể nào quên. Thở phào nhẹ nhõm vì đã đến nơi an toàn, bạn bước xuống máy bay, chiếc valy lăn theo sau, có cha (hoặc mẹ) đã đợi sẵn bên lề đường để đưa bạn về nhà. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như thế.

Hãy xem xét những gì họ phải trải qua để đến được điểm đón. Một vấn đề không nhỏ là tắc nghẽn giao thông vào nhiều thời điểm trong ngày trên những con đường đang được tu sửa và nâng cấp dẫn vào phi trường. Cuộc đua đôi khi bất chấp tử thần để vào được cửa ra phi trường là một kỳ tích thực sự.

Qua được các cửa ải giao thông và bảo đảm giờ giấc rồi, cha mẹ bạn còn phải chờ đợi trong khu vực có sóng điện thoại di động cho đến khi nhận được tin chuyến bay của bạn sắp hạ cánh.

Nhưng khoan, máy bay có thể chưa đáp mà phải bay vòng 15 phút, rồi 15 phút nữa tuỳ vào sự tấp nập trên bầu trời. Cuối cùng bạn cũng rời khỏi máy bay, làm xong mọi thủ tục, gọi điện báo và mẹ bạn vui mừng tấp xe vào lề đường cửa ra. Nhưng họ chưa kịp thắng xe, chưa kịp nhìn con thì người giám sát giao thông phi trường huýt sáo yêu cầu cha (mẹ) bạn tiếp tục di chuyển nếu không sẽ bị phạt.

Nhà ga phi trường và đường bộ của nước Mỹ hiện đang đầy ắp phương tiện. Lượng hành khách tại nhiều phi trường Bắc Mỹ hiện bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, sự cạnh tranh về không gian lề đường bên ngoài các điểm đến và đi ngày càng trở nên gay gắt khi các loại xe công nghệ Uber và Lyft tranh giành không gian đón khách với taxi, limo và cả những chiếc xe gia đình.


Bãi đậu xe của JFK Airport. (ảnh: Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

Thêm vào đó là những dự án trùng tu quanh và trong các phi trường đã gây khó khăn cho việc đưa đón từ các phi trường ở San Diego, Thành phố Salt Lake, San Francisco và một số phi trường khác.

Tại phi trường quốc tế John F. Kennedy (JFK) ở New York, Nhà ga số 1 đang được xây dựng, Nhà ga số 4 và 6 cũng như một số tuyến đường vào phi trường cũng thế. Chưa kể Đường cao tốc Van Wyck, một trong những trục đường chính để đến JFK cũng đang đại tu.

Phi trường cũng không hề muốn có nhiều xe hơi xuất hiện. Cách “trị” là chi phí đậu xe ngày càng tăng và các biện pháp “trừng phạt” ngày càng nghiêm ngặt đối với những chiếc xe đậu lề đường quá thời gian cho phép. Sam Schwartz, nhà tư vấn và cựu ủy viên giao thông thành phố New York (có biệt danh quen thuộc Gridlock Sam) nói: “Tôi nghĩ mọi người không nên đi đón ai cả. Du khách trả tiền để đi taxi hay xe công nghệ cho xong.”

Chống đưa đón

Mật độ giao thông ở Hoa Kỳ đang gia tăng khi có thêm nhiều người tự lái xe đi làm, chạy ngoài đường và đội ngũ xe tải giao hàng mua trên mạng đến nhà.

Scott Monroe, Giám đốc cấp cao của Global Infrastructure Group thuộc công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, nhận định khi ông đang ngồi trên xe cùng đồng nghiệp Seth Lehman đến phi trường Newark: “Chúng tôi thấy quy mô ùn tắc giao thông ngày càng tồi tệ hơn trên khắp đất nước! Một số phi trường đang cố gắng khắc phục tình trạng này”.

Dallas Fort Worth International có diện tích lớn đến mức còn rất nhiều chỗ trống trên đường nhưng nếu chuyến bay đến muộn, những người đi đón không tìm ra chỗ đậu phải lái xe lòng vòng không mục đích chờ máy bay đáp xuống. Rất là mệt mỏi!

Trong số những người ủng hộ việc tự gọi xe bán tải (pickup) công nghệ để đi từ phi trường về nhà có nhà báo Dawn Gilbertson của chuyên mục Carry On. Phi trường quê hương của bà là Sky Harbor ở thành phố Phoenix, xếp số 1 cả nước.

Xe bán tải rõ ràng là chọn lựa lý tưởng khi những người lớn tuổi phải vật lộn với hành lý hoặc thiếu kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh để gọi Uber. Nếu bạn có thể đặt mua một chiếc bánh burrito từ điện thoại của mình, thì bạn cũng có thể gọi cho cha mẹ bạn một chiếc xe đi chung.

Thế chuyện mừng vui hội ngộ tại phi trường thì sao? Hiếm điều gì có thể dập tắt ngọn lửa hạnh phúc hơn việc ngồi trong những chiếc xe nối đuôi nhau trên đường 405, cố gắng đi vào Đại lộ Century và vào LAX với tâm trạng háo hức sắp gặp người thân.

Háo hức chờ đón người thân ở LAX. (minh họa: David McNew/Getty Images)

Phi trường Quốc tế Pearson của Toronto gần đây đã mở một cửa hàng hoa ở sảnh đến quốc tế, nơi giám đốc điều hành phi trường Deborah Flint, cho biết bà thích chứng kiến những cuộc đoàn tụ vui vẻ. “Phi trường là nơi gặp gỡ kỳ diệu,” bà nói.

Đưa đón tại phi trường là một bức tranh lãng mạn cổ điển từ khi mới có máy bay chở khách, nhưng nay đã trở thành “sự thất vọng cuối cùng”. Vâng, bạn xứng đáng có người đón từ phi trường, như United Airlines đã viết như thế trên trang mạng của nó gần đây. Nhưng người thân đi đón bạn cũng xứng đáng được hưởng sự thoải mái của những người… không phải đi đón.

Hãy thả họ ra khỏi chu kỳ đưa đón mệt mỏi tái diễn năm này qua năm khác. Thay vào đó, bạn hãy gọi một chiếc xe công nghệ hay taxi (hoặc nhờ người thân gọi) để khi xuống xe bước vào nhà thấy ngay một đĩa thức ăn ngon và đồ uống lạnh đang chờ bạn cùng với cha mẹ và gia đình.

(theo WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: