Các đại công ty và cuộc “tháo chạy” khỏi Hong Kong

Cuộc “tháo chạy” bắt đầu từ vài năm trước, khi nền dân chủ Hong Kong bị Bắc Kinh dập tan nát, giờ đây ngày càng trở nên ào ạt, từ các ngân hàng, công ty đầu tư đến công ty công nghệ.

Wall Street Journal cho biết, số công ty Mỹ hoạt động tại Hong Kong đã giảm bốn năm liên tiếp, xuống còn 1,258 công ty vào Tháng Sáu 2022 – con số thấp nhất kể từ năm 2004. Năm ngoái, số công ty Trung Quốc đại lục có trụ sở tại Hong Kong đông hơn các công ty Mỹ, lần đầu tiên trong ít nhất ba thập niên. Trong nhiều năm sau khi Vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong đã thu hút các công ty nước ngoài, vốn muốn làm ăn với thị trường Trung Quốc nhưng không muốn dính dáng chính quyền Hoa lục.

Tuy nhiên, giờ đây, khi Bắc Kinh đã phá tan nát hệ thống dân chủ Hong Kong, cộng với bối cảnh quan hệ Mỹ-Ttung ngày càng căng như dây đàn, giới làm ăn phương Tây ở Hong Kong phải chọn giải pháp thoái lui. Hong Kong ngày nay chẳng khác gì phần mở rộng của Trung Quốc. Trong một tuyên bố bằng văn bản, người phát ngôn chính quyền Hong Kong nhấn mạnh rằng Hong Kong “vẫn là một trong những nơi thân thiện với doanh nghiệp nhất trên thế giới” và là “nhà của khoảng 9,000 công ty đại lục và nước ngoài”. Người phát ngôn nói thêm rằng con số các doanh nghiệp hoạt động tại Hong Kong vẫn ổn định trong năm năm qua.

Tuy nhiên, danh sách các công ty rời đi đang tăng. Ngân hàng Westpac của Úc đã “dọn hàng” và Ngân hàng Quốc gia Úc (National Australia Bank) cũng có kế hoạch tương tự. Ba công ty thẩm định của Mỹ và Anh đang chuyển nhân viên ra khỏi Hong Kong. TTM Technologies, nhà sản xuất bảng mạch in có trụ sở tại California, đã dọn đi.

Nhà quản lý quỹ hưu trí Canada Alberta Investment Management Corp.; công ty công nghệ Vantage Data Centers của Mỹ; và chính quyền Quần đảo Cayman đều cân nhắc việc thành lập các căn cứ khu vực ở Singapore thay vì Hong Kong. FedEx đang chuyển một số công việc trong khu vực từ Hong Kong sang Singapore; trong khi nhà sản xuất nội thất văn phòng Steelcase (Mỹ) đã chuyển các giám đốc điều hành khu vực sang Singapore.

Giới đầu tư nước ngoài cũng đang rút khỏi thị trường chứng khoán Hong Kong, nơi có nhiều công ty lớn nhất Trung Quốc niêm yết. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm hơn 13% trong năm nay, tính vào thời điểm đóng cửa ngày Thứ Hai 23 Tháng Mười, trong khi các thị trường chứng khoán ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác đang hoạt động náo nhiệt. Thị trường bất động sản Hong Kong cũng trong tình trạng suy thoái.

Hội đồng lập pháp Hong Kong nay là cơ quan nối dài của chế độ cộng sản Bắc Kinh (ảnh: Hou Yu/China News Service/VCG via Getty Images)

Cách đối xử cứng rắn của Bắc Kinh đối với công ty nước ngoài và việc áp dụng lệnh cấm xuất cảnh nhắm vào các chủ ngân hàng và giám đốc điều hành đã khiến các doanh nghiệp đa quốc gia không khỏi không lo lắng. Ngày 21 Tháng Mười, cảnh sát Thượng Hải đã bắt ba nhân viên GroupM, một đơn vị của tập đoàn quảng cáo khổng lồ WPP có trụ sở tại London, cáo buộc họ nhận hối lộ.

Đầu năm nay, chính quyền Trung Quốc đại lục đã đột kích công ty thẩm định Mintz Group và công ty tư vấn Capvision, đồng thời thẩm vấn nhân viên công ty tư vấn Bain. Trung Quốc phạt Mintz tội thực hiện những cuộc điều tra thống kê chưa được chuẩn y; và cáo buộc Capvision có những hành vi đi ngược lại an ninh quốc gia.

Công ty công nghệ phát thanh truyền hình Caton Technology đã chuyển trụ sở chính từ Hong Kong đến Singapore vào năm ngoái. Giám đốc điều hành Ray Huang cho biết, do Caton có một nhà đầu tư lớn của Mỹ và họ làm ăn với các công ty ở Nhật, Đài Loan và phương Tây nên “việc trở thành một ‘công ty Singapore’ sẽ tạo nên hình ảnh trung lập hơn”. TTM Technologies, nhà sản xuất bảng mạch của Mỹ rời Hong Kong trong năm nay, cho biết khách hàng của họ muốn thiết bị được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. TTM Technologies đang mở một nhà máy ở Malaysia.

Singapore đang là điểm đến thay thế Hong Kong. Evan Siddall, giám đốc điều hành của Alberta Investment Management, công ty được thành lập tại Singapore trong năm nay để đầu tư nhiều hơn vào khu vực, cho biết: “Chúng tôi cần một trung tâm châu Á và Singapore có ý nghĩa hơn đối với chúng tôi”. Trung tâm Dữ liệu Vantage có trụ sở tại Denver từng cân nhắc việc chọn Hong Kong thành căn cứ khu vực nhưng cuối cùng chuyển sang Singapore.

Năm 2020, sau các cuộc biểu tình chống chính quyền lan rộng ở Hong Kong, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia để trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Mới đây, chính quyền Hong Kong thậm chí yêu cầu YouTube xóa bài “Nguyện vinh quang, quy Hương Cảng” (Glory to Hong Kong). Một thẩm phán Hong Kong đã bác bỏ yêu cầu của chính quyền nhưng chính quyền lại nói rằng thẩm phán phải tôn trọng quan điểm của lãnh đạo thành phố! Tháng Bảy, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hong Kong cho biết họ đã bày tỏ quan ngại với chính quyền Hong Kong về những tác động tiêu cực mà động thái cấm bài hát có thể mang lại.

Theo Dealogic, khối lượng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hong Kong đã giảm còn $13.4 tỷ vào năm ngoái, giảm hơn 2/3 so với năm 2021. Khối lượng từ đầu năm đến nay thậm chí thấp hơn, chỉ đạt $3.5 tỷ tính đến ngày 18 Tháng Mười. Văn phòng Hong Kong của các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley đã cắt bớt nhân viên. Theo một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này bởi Hiệp hội quản lý tài sản tư nhân (Private Wealth Management Association) và KPMG China, tài sản do các ngân hàng tư nhân (private banks) và nhà quản lý tài sản (wealth managers) đã giảm 15% vào năm 2022 so với năm trước, trong khi dòng vốn ròng giảm khoảng 80%.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: