Cà Mau: Bồi thường 824 ngày tù oan chỉ bằng lời xin lỗi công khai và 502 triệu đồng

Tòa án tỉnh Cà Mau tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Anh Duy (bên trái ảnh). Người phải xin lỗi thì hớn hở, còn người chấp nhận lời xin lỗi buồn xo – Ảnh: VietnamNet

Ông Nguyễn Anh Duy (27 tuổi, ngụ ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) sau 824 ngày tù oan đã được tòa án TP.Cà Mau xin lỗi công khai tại địa phương.

Hôm 2 Tháng Ba 2023, tòa án TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã tổ chức buổi xin lỗi công khai tại trụ sở Ủy ban xã Hưng Mỹ trước sự chứng kiến của nhà cầm quyền và đông đảo người dân địa phương. Tại buổi xin lỗi, ông Phạm Việt Trung – Phó chánh án tòa án TP.Cà Mau thay mặt cơ quan tố tụng TP.Cà Mau đã nói: “Các cơ quan tiến hành tố tụng của TP.Cà Mau đã thấy được đầy đủ những sai phạm và hậu quả do người thi hành công vụ gây ra. Sai phạm này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, tinh thần của anh Duy và gia đình. Xét thấy những tổn thất đó không gì có thể bù đắp được, thay mặt tòa án TP.Cà Mau và các cơ quan tố tụng, tôi chân thành xin lỗi anh Nguyễn Anh Duy, hy vọng anh sẽ sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống”.

Ông Nguyễn Anh Duy đã chấp nhận lời xin lỗi,  chỉ mong vụ việc khép lại để ông ổn định cuộc sống.

Khi nhìn nhiều bức hình chụp ông Duy nhận bó hoa từ ông Phạm Việt Trung trong các góc độ khác nhau của truyền thông trong nước, sẽ thấy rõ cảm xúc trái ngược giữa hai người: Người nhận lỗi là ông Trung có vẻ mặt hoan hỷ, vui tươi; còn người được xin lỗi là ông Duy đầy vẻ trầm tư và có phần buồn bã, đặc biệt là đôi mắt.

Bên cạnh lời xin lỗi tổ chức công khai, tòa án TP.Cà Mau buộc phải bồi thường cho ông Duy 502 triệu đồng ($21,159).

Hơn 7 năm trước, ngày 14 Tháng Bảy 2016, ông Duy là một trong năm người (bốn người còn lại gồm Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam và Lê Phước Trung) bị tòa án TP.Cà Mau tuyên phạt tội “Cố ý gây thương tích” trong vụ án chém người, với bản án 5 năm tù giam. Đến Tháng Mười Một cùng năm, tòa án tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Ngày 1 Tháng Tám 2019, Viện kiểm sát TP.Cà Mau ra quyết định đình chỉ vụ án đối với Duy vì “không tham gia vụ án”. Cuối Tháng Mười Một 2019, Duy nộp đơn đề nghị tòa án TP.Cà Mau phục hồi danh dự và bồi thường số tiền hơn 1 tỷ đồng ($42,149) vì những thiệt hại do mất thu nhập trong 824 ngày bị câu lưu, tạm giữ, tạm giam và bị cấm đi khỏi nơi cư trú 775 ngày. Ngoài ra, Duy còn yêu cầu bồi thường thêm các khoản  thuê luật sư bào chữa, tư vấn, soạn thảo đơn kêu oan, chi phí gia đình đi lại thăm nuôi… và tổ chức xin lỗi ông tại địa phương (xã Hưng Mỹ).

Sau ba lần thương lượng, tòa án TP.Cà Mau chỉ chấp nhận bồi thường 443 triệu đồng ($18,672) và ông Duy đã khởi kiện. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do bị oan” giữa ông Nguyễn Anh Duy và tòa án TP.Cà Mau, đã tuyên tòa án TP.Cà Mau phải bồi thường oan sai cho ông Duy số tiền 502 triệu đồng ($21,159), đồng thời, tòa án TP.Cà Mau phải tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương nơi Duy cư trú, đăng lời xin lỗi trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp.

Ảnh cắt từ video của Vnexpress – Sau khi ra tù, ông Chấn thường bị bệnh do di chứng ở tù oan hơn 10 năm

Theo luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn luật sư Sài Gòn, nhận bào chữa cho Duy), nguyên nhân tòa sơ thẩm kết án oan cho Duy là các cơ quan tố tụng đánh giá chứng cứ chưa toàn diện. “Thực tế là thời điểm diễn ra vụ án, Duy đang ở nhà một người bạn”, luật sư nói.

Trong buổi xin lỗi công khai, Pháp Luật dẫn lời luật sư Trần Thị Ánh xúc động bật khóc khi kể lại tiến trình ông Duy bị oan. Bà nhấn mạnh nỗi đau khi một thanh niên 19 tuổi vướng vòng lao lý khi đang độ tuổi trẻ trung mạnh mẽ nhất.

Duy mồ côi cha từ nhỏ, vì hoàn cảnh khó khăn nên đến TP Cà Mau làm thuê. Sau bao ngày mất liên lạc vì Duy bị bắt, bỗng một đêm công an còng tay Duy đưa về nhà khám xét. Mẹ của Duy rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, sống không bằng chết, rồi bằng niềm tin Duy vô tội, gia đình đã lặn lội khắp nơi kêu oan.

Bà Ánh bùi ngùi nói: “Đến năm 2019, Duy đã được minh oan, nhưng đến hôm nay, tức 4 năm trôi qua, Duy mới nhận được lời xin lỗi. Bản thân tôi cho rằng lời xin lỗi hơi muộn màng. Bởi vì, Duy tới thời điểm này chưa tròn 27 tuổi nhưng đã mất 8 năm của tuổi trẻ. Trong đó, 27 tháng tù, 2 năm trong vòng tố tụng và 4 năm yêu cầu bồi thường”.

Thay lời ông Duy, luật sư Ánh nhắn nhủ công an, viện kiểm sát,  tòa án phải rút kinh nghiệm trong vụ việc gây oan sai cho ông Duy.

VOV ngày 2 Tháng Mười Hai 2015, trong bài viết “Những vụ án oan sai đền bù tiền tỷ ở Việt Nam” đã điểm lại những vụ án oan, như ông Huỳnh Văn Nén (sinh năm 1962, đã mất năm 2022) ở tỉnh Bình Thuận, ngồi tù oan gần 17 năm vì tội giết người, được đình chỉ điều tra ngày 28 Tháng Mười Một 2015 (đến Tháng Năm 2017 ông được tòa án tỉnh Bình Thuận bồi thường hơn 10 tỷ đồng – tương đương $421,496); vụ án oan của ông Lương Ngọc Phi (sinh năm 1948), Giám đốc công ty Hòa Bình ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị khởi tố về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, trốn thuế hồi Tháng Tư 1998, tù oan hơn 3 năm và bị tịch thu toàn bộ gia sản (đến Tháng Bảy 2016, sau 15 năm đi đòi bồi thường, ông được tòa án tỉnh Thái Bình trả 23 tỷ đồng – tương đương $969,440); vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961, ngụ thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) năm 2003 bị buộc tội giết người và tuyên án chung thân, hơn 10 năm sau, đến cuối năm 2013, khi hung thủ là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, ông Chấn mới được minh oan và được tòa án xin lỗi tại địa phương (đến Tháng Mười 2015, ông được tòa án tỉnh Bắc Giang bồi thường 7.2 tỷ đồng – tương đương $303,477)….

Vnexpress ngày 24 Tháng Năm 2017 khi đến thăm vợ chồng ông Chấn tại Bắc Giang đã tường thuật, sau khi ra tù, ông Chấn thường xuyên nằm bệnh viện, trí óc không còn minh mẫn, nên chỉ phụ vợ chăm cháu nội.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư thành phố Sài Gòn) được Vnexpress dẫn lời thời điểm năm 2013 khi ông Chấn vừa được minh oan khỏi tội giết người, đã nói chừng nào công an còn bức cung, ép cung và nguyên tắc suy đoán vô tội không được tòa án áp dụng thì chừng ấy vẫn còn những trường hợp như ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nghĩa nói: “Chúng ta phải xử lý đúng theo nguyên tắc bị can không có tội cho đến khi bản án của tòa án có hiệu lực. Làm đúng như vậy thì sẽ hạn chế được rất nhiều oan sai như trường hợp của ông Chấn”.

Cho đến nay, sau 10 năm, Việt Nam vẫn còn nhiều án oan đang mòn mỏi đi kiện bồi thường.

Quay lại trường hợp của thanh niên Nguyễn Anh Duy, mất 8 năm tuổi trẻ – trong tù và đi kiện bồi thường, số tiền 502 triệu đồng ($21,159) liệu có bù đắp được những tổn thất về tinh thần đã hằn sâu trên gương mặt chàng trai?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: