Hà Nội: Bệnh nhân loạn thần vì nghiện hút thuốc lá điện tử

(minh họa: WTVA)

Một cô gái 27 tuổi ở Hà Nội đã bị loạn thần vì nghiện thuốc lá điện tử, có ngày cô hút hết một chai tinh dầu!

Khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ chẩn đoán cô gái mắc hội chứng nghiện thuốc lá, rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ, chỉ định điều trị thuốc kết hợp biện pháp tâm lý. Hiện, nữ bệnh nhân đã ổn định, hết cảm giác thèm thuốc lá, cảm xúc và hành vi dần trở lại bình thường.

Cô kể từ hồi sinh viên, cô tò mò nên lúc đi chơi cùng bạn bè đã thử hút thuốc lá điện tử và giấu cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp, do hay phải thức khuya làm đêm, nữ bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn. Khoảng ba – bốn ngày, cô dùng hết một hộp tinh dầu thuốc lá điện tử.

Một năm nay, sau khi chia tay người yêu, cô gái dùng thuốc lá điện tử hằng ngày, mỗi ngày hết khoảng một hộp tinh dầu. Thấy con dùng thuốc lá điện tử quá nhiều, gia đình ngăn cấm, nhưng thiếu thuốc, cô gái bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt. Vì thế, cô gái lại lén đặt thuốc và hút giữa đêm.

Cuối cùng, khi cô gái rơi vào trạng thái đờ đẫn, mệt mỏi, bỏ bữa, thậm chí nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử, nói những câu khác lạ, ai hỏi cũng không để ý, gia đình mới đưa cô vào bệnh viện cấp cứu.

Các loại thuốc lá điện tử thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, thu hút giới trẻ – Ảnh: Bệnh viện

Ngày 21 Tháng Tám, trao đổi với VnExpress, TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, cho biết trong thuốc lá điện tử chứa nicotine, propylene glycol, glycerine, chất tạo hương vị, chất dẫn và các loại chất khác chưa được xác định do loại hàng này bị cấm, không kiểm duyệt.

Bác sĩ Hà nhấn mạnh: “Đây là hàng loạt chất có tác động nguy hiểm tới sức khỏe con người. Trong đó, nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần. Khi phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước được hậu quả”.

Trước đó, bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một trường hợp nam 22 tuổi nguy kịch do hút thuốc lá điện tử trộn bốn chất ma túy.

Ngày 18 Tháng Bảy 2023, một chàng trai 22 tuổi được đưa đến bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tím tái, co giật, nói nhảm, tổn thương đa cơ quan, hôn mê sâu.

Ngày 22 Tháng Bảy, sau bốn ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn hôn mê, thở máy, não tổn thương nặng nề. Thân nhân nam bệnh nhân cho biết anh làm việc tại Sài Gòn, từng mua và sử dụng thuốc lá điện tử giá hơn 600,000 đồng, hút 3-4 ống một ngày.

Hơn một tuần trước khi nhập viện, nam bệnh nhân mất ngủ, hoang tưởng, thậm chí dọa sát hại cả bố và em trai.

Kết quả xét nghiệm của bệnh viện phát giác trong mẫu thuốc lá bệnh nhân sử dụng có chứa bốn chất ma túy, gồm MDMB – 4 en – Pinaca, MDMB – Chminaca, ADB- 4 en – Pinaca và ADB – Binaca.

Mẫu thuốc lá điện tử được bệnh nhân nam 22 tuổi cung cấp cho bác sĩ sau khi nhập viện – Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Giám đốc trung tâm chống độc, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận một mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử của bệnh nhân có trộn tới bốn chất ma túy, trong khi chỉ một chất cũng đủ gây nguy hiểm tính mạng và tổn thương não”.

Cùng thời gian với nam bệnh nhân, trung tâm này cũng đang điều trị cho một nữ bệnh nhân 19 tuổi ở Hà Nội, bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử, trong đó có chứa hai chất ma túy mới, là loại mới lần đầu tiên được ghi nhận.

Dù Việt Nam cấm mua bán và sử dụng, thuốc lá điện tử vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, nhắm đến giới trẻ bằng thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ…

Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh, cụ thể trong nhóm 13-15 tuổi đang có xu hướng tăng nhanh, cả ở nam và nữ. Năm 2022, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 3.5% học sinh 13-15 tuổi hút thuốc lá điện tử, trong khi ba năm trước chỉ 2.6%.

Còn tỷ lệ học sinh từng thử thuốc lá điện tử là 7.8%. Số học sinh nam hút thuốc lá điện tử nhiều hơn nữ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo thuốc lá điện tử có 15,000 loại hương vị, nguy cơ bị trộn cả chất ma túy. Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não.

Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và cả người xung quanh khi hít phải.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc lá điện tử, người dùng còn có nguy cơ bị chấn thương do cháy nổ pin.

Hiện có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, trong đó ASEAN có Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Cambodia.

Hồi cuối Tháng Năm 2023, Trung tâm Chống độc thuộc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, xét nghiệm dung dịch trong thuốc lá điện tử, lần đầu tiên phát giác thấy có chất vitamin E acetate, đó là chất gây bệnh EVALI, làm tổn thương phổi.

Cung cấp thông tin cho truyền thông trong nước ngày 25 Tháng Năm, Giám đốc Trung tâm này cho biết vitamin E acetate là dung dịch lỏng, quánh, được trộn với tetrahydrocannabinol (THC) làm dung dịch trong thuốc lá điện tử.

Khi vitamin bị nung nóng trong thuốc lá điện tử sẽ tạo thành khí ketene độc, gây bệnh tổn thương phổi cấp, liên quan thuốc lá điện tử (e-cigarette or vaping, product use associated lung injury – EVALI).

Ông khẳng định: Đây là một bệnh lý mới chưa có phác đồ điều trị chính thức, gây tổn thương phổi mạn tính.

Phim X-quang phổi bệnh nhân hút thuốc lá điện tử có chất gây bệnh EVALI, khiến phổi bị tổn thương trông như ổ bánh mì – Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

EVALI được phát giác lần đầu tại Mỹ năm 2019, tăng mạnh vào Tháng Tám và đạt đỉnh vào Tháng Chín cùng năm. Tới ngày 18 Tháng Hai 2020, Mỹ ghi nhận hơn 2,800 ca, trong đó 68 ca tử vong. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 24, trong đó 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18 đến 24 tuổi.

Dù chưa phát giác bệnh nhân bị bệnh này tại Việt Nam, nhưng chiếu theo các ca bệnh ở Mỹ, ông Nguyên cho biết tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).

Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau, rối loạn khuyếch tán kéo dài ít nhất hai tháng.

Triệu chứng của EVALI xuất hiện hằng giờ, hằng tuần trước khi nhập viện, gồm khó thở, ho, đau ngực, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt.

Sau đó, các chỉ số như máu lắng, bạch cầu đều tăng, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương trông lỗ chỗ như bánh mì hoặc như bỏng ngô!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: