Khúc gỗ dưới ruộng được xác lập… quyền sở hữu toàn dân!

Số gỗ người dân trục vớt dưới ruộng đã được đem về trụ sở công an huyện Sa Thầy từ năm ngoái vì là “sở hữu toàn dân” hiện nay đã có một số bị mục nát – Ảnh: Thanh Niên

Loay hoay trong hơn một năm, tốn thời gian họp bàn nhiều cuộc, tỉnh Kon Tum mới có quyết định xác lập “quyền sở hữu toàn dân” đối với số gỗ được người dân tìm thấy và trục vớt dưới ruộng tại huyện Sa Thầy.

Tài sản được xác lập “quyền sở hữu toàn dân” gồm những gì? Chỉ gồm 4.3 m3 gỗ phay nhóm 6, tình trạng là gỗ cũ và sáu tấm bìa gỗ đã mục nát. Tất cả số gỗ này đều có nguồn gốc là tài sản bị vùi lấp được người dân tìm thấy.

Chuyện thật như hài, vì một năm trước đó, người dân đào được số gỗ này dưới ruộng khi đem gia công để làm đồ gia dụng thì đã bị công an huyện Sa Thầy phạt 4 triệu đồng ($169) vì “có hành vi chiếm giữ tài sản của người khác” (?!).

Thật chả hiểu chữ “người khác” mà công an huyện Sa Thầy sử dụng để phạt người dân là ám chỉ ai? Thổ địa chăng, vì số gỗ trước đó nằm sâu dưới ruộng của ông A Khái (thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy)?

Ông Nam và quyết định xử phạt hành chính về “hành vi chiếm giữ tài sản của người khác” – Ảnh: Thanh Niên

Ngày 23 Tháng Ba 2022, khi ông Khái thuê ông Lê Quang Nam (45 tuổi, ngụ thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) đến xới đất ruộng cho ông thì ông Nam phát giác ra số gỗ này nằm sâu dưới bùn 6m. Ông Khái đã cho ông Nam số gỗ, như một cách trả công, với điều kiện ông Nam tự tìm người đưa số gỗ lên bờ. Ông Nam đã bỏ ra 90 triệu đồng ($3,824) thuê người trục vớt số gỗ đó lên bờ trong 10 ngày.

Ông Nam đã trình báo cho Ủy ban xã Sa Sơn ngày 8 Tháng Tư 2022 về số gỗ, nhưng không thấy ai nói gì. Đến ngày 20 Tháng Năm 2022, nghĩ số gỗ không có giá trị nên nhà cầm quyền không can thiệp, ông Nam mang số gỗ đi gia công thì bị công an xử phạt, sung số gỗ kia thành của công, đem về trụ sở công an huyện đắp bạt để đấy, không làm gì cả, khiến số gỗ có dấu hiệu bị mục nát (của công có khác!).

Từ ngày đó đến nay, sau nhiều cuộc họp, ngày 22 Tháng Sáu 2023 tỉnh Kon Tum mới có quyết định “xác lập quyền sở hữu toàn dân” số gỗ trên, thế mà từ hơn một năm trước, họ đã xử phạt ông Nam và ngó lơ ông Nam khi ông đòi hoàn số tiền trục vớt số gỗ từ dưới ruộng lên.

Câu chuyện cười ra nước mắt này khiến Thanh Niên đưa tin liên tục từ Tháng Ba 2022 đến nay (tất cả sáu bài báo), trong đó dẫn công văn trả lời báo ngày 19 Tháng Bảy 2022 của Công an huyện Sa Thầy cho rằng “ông Nam đã cố ý cưa, xẻ, rao bán và vận chuyển gỗ trục vớt mà chưa được cơ quan chức năng cho phép là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhà nước” (?!)

Công an huyện Sa Thầy đo đạc, sung số gỗ ông Nam đã đào và cưa xẻ làm của công trước khi có quyết định xác lập “quyền sở hữu toàn dân” với số gỗ – Ảnh: Thanh Niên

Trước đó ngày 16 Tháng Bảy 2022, Thanh Niên dẫn lời luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư thành phố (Sài Gòn) cho hay, căn cứ Điều 229 Bộ luật Dân sự, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy áp dụng trong trường hợp này, nhưng trước hết phải xác định chi phí tìm kiếm, bảo quản và phần này phải trả cho người đã bỏ công tìm kiếm.

Phần còn lại nếu giá trị của tài sản nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở (1,490,000 đồng) thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở, cộng với 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở. Phần còn lại sau các khoản phải chi ấy mới thuộc về nhà nước, ông Hoan giải thích.

Ông Hoan nhận định quyết định xử phạt của Công an huyện Sa Thầy là chưa phù hợp, vì thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về số gỗ chưa làm xong, chưa có!

Thật tội nghiệp ông Nam, chả biết đến khi nào được nhận lại số tiền đã bỏ ra để trục vớt số gỗ, chứ đừng mơ đến việc được nhà nước cộng sản trả thêm tiền (thưởng thêm) như điều 229 Bộ luật Dân sự quy định.

Ông Nam cưa bỏ phần gỗ mục sau khi trục vớt được số gỗ bị chôn dưới ruộng – Ảnh: Thanh Niên

Đã vậy, trả lời Thanh Niên ngày 22 Tháng Sáu 2023, Thượng tá Phan Tiến Dũng, trưởng công an huyện Sa Thầy, khẳng định việc ra quyết định xử phạt ông Nam 4 triệu đồng là có căn cứ và đúng theo quy định của pháp luật (?!). Ông Dũng còn bảo ông Nam tự kê khai ra số tiền trục vớt số gỗ chứ chắc gì đó là số tiền ông Nam bỏ ra, nên phải có cơ quan chuyên môn thẩm định!?

Cũng theo ông này, sau khi xử lý tài sản (số gỗ), các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét, đánh giá để xem ông Nam có thuộc đối tượng được “hưởng số tiền” đã bỏ ra để đào, trục vớt số gỗ hay không? Đúng là của vào tay quan là của quan, nói gì mà chả được.

Dưới bài báo này, bạn đọc Giang Hoàng “còm”: “Chỉ đọc tin thôi đã thấy ấm ức nói chi người trong cuộc”.

“Quyền sở hữu toàn dân” thật ra chỉ là cái bóng ma, được nhà cầm quyền cộng sản sử dụng để có thể tước đoạt quyền tư hữu đất (và tài nguyên trên đất) của người dân bất cứ lúc nào.

Bất chấp 80% khiếu kiện của người dân cả nước liên quan đến việc đất đai bị tước đoạt làm dự án, nhà nước cộng sản vẫn duy trì điều 4 luật Đất Đai: Đất đai (và tài nguyên trên đất) thuộc “sở hữu toàn dân” và nhà nước là đại diện làm chủ sở hữu!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: