Ngân hàng Việt Nam thừa tiền vì không ai vay

Ngân hàng thừa tiền, muốn cho vay nhưng khách vẫn thờ ơ – Ảnh minh họa: VietnamPlus

Một nghịch lý đang diễn ra ở Việt Nam là các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay để mời gọi các nhà đầu tư, thế nhưng không ai chịu vay, thậm chí có doanh nghiệp mới vay xong thì trả lại tiền.

Các ngân hàng Việt Nam đang phải chữa bệnh “thừa tiền”, đó là nhận định của phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú.

Phát biểu trong hội nghị “Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú cho biết chưa bao giờ điều hành tín dụng khó như bây giờ, giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang “tồn kho tiền”.

Dù NHNN liên tục tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, để lắng nghe, rà soát, điều chỉnh quy định pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay… nhưng các doanh nghiệp vẫn không muốn vay.

Ông Tú thừa nhận: “Chữa căn bệnh thiếu tiền dễ hơn thừa tiền. Đây là vấn đề rất khó”.

Ngân hàng Việt Nam đang tồn kho tiền, giống như doanh nghiệp tồn kho hàng hóa – Ảnh minh họa: Tiền Phong

VTC News ngày 7 Tháng Chín 2023 cho biết dù các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14.16%, thế nên NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14 – 15%.

Thực tế thì sao? Đến ngày 29 Tháng Tám 2023, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 5.33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9.87%.

Các ngân hàng đang đua nhau giảm lãi suất cho vay, mỗi ngân hàng còn cộng thêm nhiều ưu đãi. Chẳng hạn BIDV công bố cho doanh nghiệp vay với mức lãi thấp hơn từ 0.5 – 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; Agribank công bố lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn từ 8%/năm, riêng lãi suất vay USD từ 3%/năm; các ngân hàng thương mại cổ phần công bố lãi suất cho vay từ 7.5%/năm với doanh nghiệp và 8.5%/năm với khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn không đạt như kỳ vọng. Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần lớn ở Hà Nội thừa nhận chỉ khi nào sức mua tăng, hàng tồn kho giảm được, doanh nghiệp mới cần vốn để sản xuất, chứ như hiện nay ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp, người dân không làm ăn được thì làm sao họ vay?

Các giám đốc doanh nghiệp nói gì?

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty May mặc Dony (Sài Gòn), than thở với VTC News: Chúng tôi đang phải thích nghi với tình trạng sụt giảm đơn hàng, tính riêng đơn hàng xuất cảng thì thời điểm này đang sụt giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước, vì thế công ty không dám vay vốn làm ăn, dù lãi suất giảm, thủ tục vay và việc giải ngân rất nhanh, dễ dàng.

Ông Anh còn bộc bạch: Thậm chí chúng tôi còn đang tìm cách bán bớt tài sản để trả bớt nợ cho ngân hàng, do không kham nổi chi phí lãi vay ngân hàng.

Tương tự, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Sản xuất – Thương mại MEBIPHA (Sài Gòn), cho hay, trong bối cảnh sức mua của thị trường yếu nên các doanh nghiệp phải cân nhắc có nên vay ngân hàng hay không, bởi áp lực trả nợ rất lớn.

Đầu ra khó khăn khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng – Ảnh minh họa: Doanh Nghiệp & Công Luận

Doanh nghiệp lớn còn sợ vay, huống hồ các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.

Chẳng hạn như ông Minh Đức, chủ một cơ sở gia đình chuyên kinh doanh gỗ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, bộc lộ do thiếu đơn hàng nên ông phải bớt nhân công, chỉ giữ lại vài người.

Với tình thế như vậy, ông không dám vay vốn từ ngân hàng giống như trước. “Khi chưa trả được hết nợ, lại thêm không có khả năng mở rộng quy mô thì tôi không có nhu cầu vay nữa”- ông Đức bày tỏ.

Ngay như những người có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà như vợ chồng ông Phạm Sơn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ngần ngại. Ông Sơn nói thẳng vì lãi suất vay mua nhà hiện vẫn rất cao, dù đã hạ, còn 10 – gần 12%/năm.

Ông Sơn nhẩm tính, nếu vay ngân hàng một tỷ đồng, số tiền lãi mà vợ chồng ông phải gánh mỗi tháng xấp xỉ 10 triệu đồng, cộng thêm số tiền gốc phải trả, mỗi tháng phải trích ra số tiền gần 20 triệu đồng để trả ngân hàng, một con số quá lớn so với thu nhập bấp bênh hiện nay.

Đánh giá về việc ngân hàng thừa tiền, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên viên kinh tế, trả lời VTC News: Có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, dù ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng thực tế mới chỉ giảm hai lãi suất điều kiện, tức là lãi suất điều hành và lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể.

Vì lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao, làm ăn lại khó, nên doanh nghiệp ngần ngại.

Thứ hai, điều kiện vay cũng chưa điều chỉnh nhiều dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, bổ sung các khoản vay tín chấp, nhưng về cơ bản các điều kiện vay vẫn như thế, vì bản thân các ngân hàng cũng phải lo xa khi dự báo nợ xấu đang có nguy cơ tăng lên.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng thấy chưa cần thiết vì các hợp đồng không có nhiều, nhất là các doanh nghiệp gia công, trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán chưa nóng.

Ngân hàng giờ phải săn đón các khách hàng vay vốn bằng cách giảm lãi suất và cộng thêm ưu đãi – Ảnh minh họa của VTC News

Cùng chung nhận định, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết: “Cầu chung vẫn đang trong xu hướng giảm, mà cầu giảm thì doanh nghiệp không có khả năng mở rộng sản xuất. Thứ hai, khả năng hấp thụ vốn khó khăn. Thứ ba, các doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng đưa ra. Ngân hàng đang dư thừa vốn, “đầu vào” thì có nhưng “đầu ra” thì khó, chính vì vậy tăng trưởng tín dụng thấp”.

Theo Tiền Phong ngày 1 Tháng Chín 2023, bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm (chỉ còn 5.8-6.5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng), các ngân hàng vẫn nhận được khoản tiền gửi tiết kiệm lớn.

Theo thống kê mới nhất của NHNN, riêng ngày 30 Tháng Sáu, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270,000 tỷ đồng so với Tháng Năm – tháng được coi là kỷ lục về số tiền gửi tiết kiệm, kể từ Tháng Giêng 2021.

So với cùng kỳ các năm trước, tiền gửi tiết kiệm vào Tháng Sáu 2023 đạt mức tăng trưởng cao nhất. Tiền ngân hàng dư thừa nhưng sức hấp thụ vốn yếu và tiền không vào sản xuất, kinh doanh.

Cũng Tiền Phong ngày 4 Tháng Chín 2023 cho biết, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, ở mức 4%/năm.

Đến cuối Tháng Sáu 2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của ngân hàng thương mại giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và thực hiện gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm từ 0.5-3% tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.

Trong sáu tháng cuối năm 2023, các ngân hàng hứa hẹn lãi suất cho vay có thể giảm từ 0.2-2.5%, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực, vì dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng còn rất nhiều, khoảng 9%, tương đương một triệu tỷ đồng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: