Nhiều du khách bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An

Bánh mì Phượng là món phải thử của du khách khi đến Hội An, nay đã làm 31 người ngộ độc – Ảnh: Internet

Có 91 người (trong đó có 34 du khách ngoại quốc) đã bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Phượng là nhãn hiệu bánh mì nổi tiếng nhất Hội An, từng được cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain thốt lên: “That’s a symphony in a sandwich!” (Đây thực sự là một bản giao hưởng của bánh kẹp!).

Hồi trước dịch, Tháng Sáu 2019, Tuổi Trẻ từng có bài viết “Đến Hội An, bạn đã xếp hàng mua bánh mì Phượng chưa?” với hình ảnh hàng dài người, trong đó không ít là du khách quốc tế đã kiên nhẫn xếp hàng chờ mua bánh mì Phượng.

Một nơi chế biến thực phẩm luôn đông khách như vậy thì khi phẩm chất thực phẩm có vấn đề thì số người ngộ độc càng lớn.

Hàng dài thực khách kiên trì xếp hàng chờ mua bánh mì Phượng ở Hội An hồi Tháng Sáu 2019 – Ảnh: Tuổi Trẻ

VnExpress sáng 13 Tháng Chín 2023 dẫn lời ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết Trung tâm Y tế Hội An xác định 31 người bị ngộ độc với triệu chứng sốt cao, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy nhiều lần, trong đó 26 người phải nhập viện, đang được chữa trị tại các bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng, còn năm bệnh nhân triệu chứng nhẹ được điều trị ngoại trú.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Hội An, bệnh nhân bị ngộ độc nói họ đã ăn  bánh mì Phượng (mua ở số 2B đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An), trong khoảng thời gian từ 8 giờ – 20 giờ ngày 11 Tháng Chín.

Người đầu tiên bị ngộ độc lúc 11 giờ ngày 11 Tháng Chín, từ lúc ăn đến khi xuất hiện triệu chứng ít nhất là hai tiếng, nhiều nhất là 16 tiếng.

Chiều 12 Tháng Chín, Trung tâm Y tế thành phố Hội An đã kiểm tra, yêu cầu tiệm bánh mì giữ mẫu thức ăn liên quan và niêm phong, bảo quản mẫu theo quy định để gửi Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, hiện chưa có kết quả.

Ngành y tế tỉnh này cũng yêu cầu cơ sở bánh mì Phượng ngừng hoạt động trong ngày 13 Tháng Chín để cơ quan chức năng đến kiểm tra.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam lấy mẫu tại tiệm bánh mì Phượng – Ảnh: Sở Y tế Quảng Nam

Tuổi Trẻ tối 13 Tháng Chín cập nhật cho biết UBND TP. Hội An đã đình chỉ hoạt động cơ sở bánh mì Phượng, vì có đến 91 người bị ngộ độc, trong đó có 34 du khách ngoại quốc! Hiện có 32 người được xuất viện, còn lại đang điều trị.

Trong ngày 11 Tháng Chín, cơ sở bánh mì Phượng bán tổng cộng 1,920 ổ bánh mì, ngày 12 Tháng Chín bán tổng cộng 1,700 ổ bánh mì.

Báo cáo của Trung tâm Y tế TP.Hội An cho thấy cơ sở này lấy 10 loại thực phẩm chế biến từ nhiều nguồn khác nhau và không có hợp đồng, không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm!

Điều đáng nói là du khách đi du lịch Việt Nam thường bị… ngộ độc thực phẩm. Ở nhà tự nấu ăn được chứ đi du lịch thì ngày ba bữa phải “cơm hàng, cháo chợ” rồi, bị ngộ độc thì đúng là phiền hà!

Cũng VnExpress ngày 15 Tháng Bảy 2023 cho biết 10 du khách ở Sài Gòn đi du lịch Phan Thiết đã bị ngộ độc thực phẩm phải đến Trung tâm Y tế TP.Phan Thiết chữa trị, trong tình trạng ói mửa, đau quặn bụng và tiêu chảy nhiều lần.

Số khách bị ngộ độc thuộc một đoàn du khách gồm 60 người đến nghỉ dưỡng tại Phan Thiết dịp cuối tuần. Sau khi ăn uống tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến (TP.Phan Thiết), có 10 người bị ngộ độc, phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP.Phan Thiết.

Phiền hà hơn, đến lúc cả đoàn phải trở về Sài Gòn, họ phải cử vài người khỏe ở lại để giúp đỡ các bạn trong đoàn bỗng nhiên trở thành bệnh nhân!

Bảy du khách bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện 199 ở Đà Nẵng – Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Trong số các thành phố du lịch có nhiều du khách bị ngộ độc, Đà Nẵng có vẻ đứng đầu.

Vụ đầu tiên của năm 2023 là ngày 26 Tháng Sáu, đoàn du khách 37 người từ Hà Nội đến Đà Nẵng du lịch đã có bảy người phải cấp cứu ở bệnh viện 199 (quận Sơn Trà, thuộc Bộ Công an)  vì ngộ độc thực phẩm, trong đó có hai trẻ em.

Đoàn du khách đến Đà Nẵng hôm 25 Tháng Sáu và chia thành nhiều nhóm nhỏ tự túc ăn chứ không ăn chung, ngay cả bảy người bị ngộ độc cũng không ăn uống cùng một chỗ. Điều này có nghĩa là nhiều hàng quán ở Đà Nẵng có thể gây ngộ độc cho thực khách.

Đến ngày 29 Tháng Bảy, vụ ngộ độc thứ hai xảy ra ở đây khi 14 người (trong đó có một trẻ em) trong đoàn du khách từ Nam Định đến Đà Nẵng đã bị ngộ độc, phải cấp cứu ở bệnh viện 199.

Vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất với du khách đến Đà Nẵng xảy ra hồi đầu Tháng Tám 2022. Một đoàn du khách hơn 100 người từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng du lịch có 34 người bị ngộ độc, phải cấp cứu ở bệnh viện 199 với các triệu chứng như đau bụng, ói mửa, tiêu chảy.

Trong số đó có bốn người bị nhiễm khuẩn đường ruột nặng, bạch cầu tăng cao, nguy cơ hoại tử ruột.

14 du khách từ Nam Định (trong đó có một trẻ em) bị ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch tại Đà Nẵng ngày 29 Tháng Bảy 2023 – Ảnh: Bệnh viện 199

Ngày 3 Tháng Tám 2022, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang kiểm tra khách sạn, các nhà hàng mà đoàn du khách từng ăn uống để làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc.

Lịch trình ăn uống của những bệnh nhân này là trưa 1 Tháng Tám dùng tiệc tại nhà hàng M.P (đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà) với các món ăn: Gỏi hải sản, mực hấp, tôm bạc hấp bơ tỏi, ốc hương xào sả ớt, cá biển sốt, nghêu xào măng, ba chỉ rang mắm tép, rau luộc, canh chua cá, cơm trắng, trái cây và trà đá.

Đến tối, đoàn ăn uống tại nhà hàng T.S (đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê) với các món gỏi sứa trộn vả, cá cu hấp ngũ liễu, gà nấu cung đình, rau cải xào nấm, đà điểu lúc lắc, tôm sú nướng xiên que, mực trứng, canh rong biển nấu tôm và đậu non, dưa cà muối, cơm niêu và trà đá.

Sang ngày 2 Tháng Tám, lần lượt 34 du khách phải cấp cứu ở bệnh viện.

Đến tối 2 Tháng Tám 2022, trong số 34 du khách nhập viện còn hai bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện 199 Đà Nẵng – Ảnh: Tuổi Trẻ

VTV cho biết khi ngành y tế Đà Nẵng kiểm tra hai nhà hàng có liên quan vụ ngộ độc thực phẩm này thì thấy mẫu thực phẩm ăn trưa ngày 1 Tháng Tám đã được hủy do mẫu chỉ được lưu trong vòng 24 giờ theo quy định.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phát giác nhà hàng này có những vi phạm như chứa đựng thực phẩm đã chế biến xong trên thiết bị không bảo đảm vệ sinh; không bảo quản riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo;  đồng thời nhà hàng chưa xuất trình các hồ sơ, giấy tờ pháp lý theo quy định.

Cũng theo VTV, vào mùa cao điểm du lịch ở Đà Nẵng, trong hai tháng Hè, trung bình mỗi ngày ở thành phố này có khoảng 10 ca đến bệnh viện cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm.

Từ những vụ du khách bị ngộ độc thực phẩm ở các thành phố du lịch như Phan Thiết, Đà Nẵng và Hội An cho thấy việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là nguồn nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm ở những nơi này đã không được giám sát chặt chẽ.

Khi có du khách ngộ độc thì mới hối hả kiểm tra, rồi sau đó mọi việc lại diễn ra như cũ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: