Vương miện Thánh ở Thành Mây

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Các triển lãm, trưng bày… thường là nơi chúng ta ít vào xem, hoặc nếu có cũng qua loa, trong các chuyến thăm thành quách, lâu đài, lý do chính là thường những nơi đó chụp ảnh lên không hoành tráng như ở “bên ngoài”, hoặc giả cũng “không hiểu lắm” là họ muốn giới thiệu cái gì.

Nhưng nếu tới Thành Mây (Fellegvár), mình thấy nhất định phải ghé qua một loạt triển lãm rất… dễ hiểu, ngoạn mục, và nếu muốn thì chụp ảnh cũng đẹp, bao gồm:

– Triển lãm Vương miện Thánh.

– Triển lãm lịch sử Thành Mây qua các thời đại.

– Triển lãm hình sáp về bữa dạ tiệc và khiêu vũ “nhã nhạc” nhân cuộc gặp gỡ thượng đỉnh “Tam Vương” vùng Trung Âu năm 1335 ở Visegrád.

– Triển lãm lịch sử các loại vũ khí, khí tài thời Trung Cổ.

– Triển lãm săn bắn của giới quý tộc, cung đình thời Trung Cổ.

Ở đây không nhắc đến một số thiết bị quân sự thời Trung Cổ như xe cộ, cung nỏ, máy bắn đá… được trưng bày ngay ngoài trời. Trong số các triển lãm ở trên, thú vị và quan trọng là triển lãm các bản sao xác thực của các đồ vật “quốc bảo” khi đăng quang của các vị vua Hungary, gồm Vương miện Thánh (Szent Korona), Vương trượng (Királyi jogar), Trái cầu Quyền lực (Országalma) và Gươm đăng quang (Koronázási kard), mà bản chính hiện nằm tại Đại sảnh Mái tròn (kupolacsarnok) thuộc Nhà Quốc hội Hungary.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Trong số đó, quý báu nhất đương nhiên là Vương miện Thánh Hungary, một trong những vương miện đăng quang lâu đời nhất ở châu Âu vẫn còn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Vương miện này chỉ được sử dụng một lần – độc quyền trong lễ đăng quang của vị quân vương, chứ không phải để vua sau này tùy tiện đội dầu mưa dãi nắng… đi chơi. Là một trong những biểu tượng của chế độ nhà nước Hungary, Vương miện cũng trở thành một vật thiêng liêng của Cơ-đốc giáo, đồng hành cùng lịch sử Hung.

Theo huyền thoại lịch sử, trước khi băng hà vào đúng ngày 15 Tháng Tám 1038 (Ngày Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời), vị vua lập quốc Szent István đã dâng hiến Vương quốc Hungary cho Đức Mẹ Mary dưới hình ảnh Vương miện Thánh.

Sự kiện này bắt đầu quá trình lịch sử mà trong đó, Vương miện Thánh từ vai trò một báu vật đăng quang quý báu của Vương quốc Hungary trở thành biểu tượng của quốc gia này. Ngay cả bản sao xác thực của Vương miện cũng chỉ được làm rất hạn chế, có sức mạnh và tầm quan trọng như bản gốc.

Thành cổ Visegrád – khi đó gồm hai phần: Phần Thượng là Thành Mây (Fellegevár), và Phần Hạ dưới bờ sông Danube, được nối với nhau bởi bức tường thành kèm một hệ thống phòng thủ – được vị vua I. Károly (Károly Róbert) biến thành trung tâm quyền lực mới của triều đình từ năm 1318, và chính thức dời đô năm 1323.

Các Bảo vật Đăng quang (Koronázási jelvények) được gìn giữ tại đây từ khi đó, tại tòa Cổ Tháp (Öregtorony) của Thành Mây, và tuy ngắt quãng, nhưng tới tận 1439-1440 vẫn còn được quản ở đó.

Thành Mây cũng là nơi chứng kiến một vụ trộm vô tiền khoáng hậu Vương miện Thánh vào đầu năm 1440: Vì tranh chấp ngai vàng chuẩn bị xảy ra trong tương lai, người hầu gái của Hoàng hậu Erzsébet – vợ vua Albert I vừa qua đời – đã đánh cắp Vương miện trong một tình huống mạo hiểm cho vị vua László V chưa chào đời.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Câu chuyện này là đề tài của một bài viết dài vì nó liên quan tới một thời kỳ rất… rắc rối trong lịch sử Hungary, trước khi xuất hiện một vị quân vương kiệt xuất thời ấy, “Mátyás Anh minh”.

Vương miện Thánh sau đó bị nằm trong tay ngoại nhân cho tới năm 1464, khi vua Mátyás giành lại được về Hungary và tổ chức lại lễ đăng quang cho chính mình, để được coi là vị quân vương đích thực của đất nước, cho dù ông là vị vua lớn nhất của Vương quốc Hungary cuối thời kỳ Trung Cổ, đầu thời kỳ Phục Hưng.

Còn rất nhiều những tư liệu và mẩu chuyện hay ho như thế, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu trong các triển lãm ở Thành Mây, tất nhiên là sẽ cần vài tiếng nghiền ngẫm cho các bạn học sinh tiểu học.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: