Rác bủa vây các tỉnh miền Tây

Người dân gần bãi rác An Hiệp (Bến Tre) dùng vỉ bẫy ruồi xanh bu bám khắp nhà – Ảnh: Thanh Niên

Hơn hai tuần qua, nhiều người dân ở xã An Hiệp, An Đức của huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đã chặn các xe chở rác từ hướng TP.Bến Tre về bãi rác An Hiệp, phản đối việc đổ rác ở đây.

Việc người dân chặn xe chở rác, ngăn cản đổ rác tại bãi rác An Hiệp khiến khoảng nửa tháng qua các xe rác từ TP. Bến Tre và huyên Châu Thành không có chỗ đổ, ùn đống gần 200 tấn/ngày, gây mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị.

Thanh Niên ngày 2 Tháng Tám 2023 phản ảnh người dân miền Tây sống gần các bãi rác, đang khốn khổ vì chẳng biết phải đem rác đổ đi đâu.

Nói với Thanh Niên, ông Trần Văn Phú, dân Bến Tre, nhà cách bãi rác An Hiệp khoảng 1km, cho biết: “Mùi hôi tanh bủa vây nơi ở của gia đình tôi từ nhiều tháng qua. Trong nhà luôn có nhiều ruồi xanh to hơn đầu đũa bay khắp nơi. Tình trạng này khiến tôi không chịu đựng được nữa rồi!”.

Để tránh ruồi, nhiều nhà dân trong bán kính 1km xung quanh bãi rác An Hiệp đều đặt vỉ bẫy ruồi: Ruồi xanh dính chết chi chít nhưng ruồi vẫn không bớt.

Người dân hai xã An Hiệp, An Đức, huyện Ba Tri (Bến Tre) lập lán trại, chặn xe chở rác từ TP.Bến Tre về bãi rác An Hiệp – Ảnh: Thanh Niên

Trong một báo cáo, Sở Tài nguyên – Môi trường Bến Tre cũng phải thừa nhận: mùi hôi của bãi rác phát tán trực tiếp đến khoảng 132 gia đình, trong bán kính 1km xung quanh, thuộc hai xã An Hiệp, An Đức.

Từ năm 2021 đến nay, bãi rác của tỉnh ở xã Hữu Định và Phú Hưng quá tải nên mỗi ngày, gần 200 tấn rác của TP.Bến Tre và huyện Châu Thành phải chạy xuống bãi rác An Hiệp đổ tạm.

Cùng lúc, huyện Ba Tri cũng đổ khỏang 40 tấn rác vào bãi rác An Hiệp. Lượng rác khổng lồ tại bãi rác này đã dẫn đến mất vệ sinh môi trường trầm trọng, khiến người dân sống xung quanh bãi rác An Hiệp phản ứng là chính đáng.

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban tỉnh Bến Tre, năm 2016 tỉnh cấp chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác Bến Tre cho công ty xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre).

Thế nhưng, nhà đầu tư này không làm tròn cam kết nên Bến Tre đã tìm nhà đầu tư mới là công ty AMACCAO mua lại cổ phần của nhà máy xử lý rác Bến Tre.

Dự định phải cuối năm 2025, nhà máy xử lý rác Bến Tre sẽ xử lý trên 350 tấn rác/ngày theo kỹ thuật hiện đại… thì lúc đó, rác ở nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre mới không đổ xuống bãi rác An Hiệp! Chờ xem.

Khu chôn lấp số 3 của bãi rác Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long – Ảnh: Thanh Niên

Không chỉ Bến Tre, tình trạng xử lý rác cũng làm tỉnh Long An đau đầu. Ông Nguyễn Tấn Thuấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường  Long An, cho biết, mỗi ngày tỉnh Long An thu hơn 800 tấn rác sinh hoạt, nhưng hiện chỉ có một nhà máy ở huyện Thạnh Hóa xử lý được khoảng 300 tấn/ngày. Số rác dư tồn đọng lại chưa được xử lý là hơn 30,000 tấn.

Về lâu dài, tỉnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác ở hai huyện Cần Giuộc và Đức Hòa, tuy nhiên chưa tìm được nhà đầu tư.

Giải pháp tạm thời là yêu cầu chủ đầu tư nhà máy xử lý rác ở Thạnh Hóa nâng công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, bằng công nghệ đốt điện, nhưng tổng kinh phí thực hiện dự án này khoảng $500 triệu, không biết tìm đâu ra?

Tại Vĩnh Long, tỉnh này còn không có nhà máy xử lý rác nào, dù lượng rác toàn tỉnh thải ra khoảng 350 tấn/ngày, đang tạm chôn lấp tại bãi rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ), khiến các gia đình sinh sống quanh bãi rác chịu hết nổi nhiều lần gửi đơn phản đối.

Bà Trần Thị Lan (63 tuổi), nhà cạnh bãi rác Hòa Phú, cho biết phía bên kia đường trước nhà bà là hồ chứa nước rỉ rác, mùa mưa, mùa nắng gì cũng bốc mùi hôi thối, dù nhà luôn đóng kín cửa. Vào mùa nắng,  ruồi nhặng bay khắp nhà, muốn bán nhà đi chỗ khác ở mà không ai mua.

Bãi rác Hòa Phú là bãi rác lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, rộng hơn 47ha, hiện đã sử dụng 18ha. Bãi rác này đi vào hoạt động từ năm 1997, chủ yếu chôn lấp. Hiện có doanh nghiệp thực hiện hai dây chuyền phân loại bọc nylon với công suất 10 tấn/ngày, giúp loại bỏ một phần rác khó phân hủy và có thể tái chế.

Bãi rác tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, có diện tích 1ha, là nơi cả huyện đổ rác – Ảnh: Thanh Niên

Ông Ngô Thành Thía, Giám đốc công ty công trình công cộng Vĩnh Long, thừa nhận bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3 đưa vào hoạt động từ Tháng Năm 2020, công suất 200,000 tấn hiện đã lên tới 260,000 tấn, vượt công suất thiết kế. Hiện tại, do là bãi rác hở, diện tích lớn (3.2ha) mùa mưa có nước rỉ từ bãi rác khiến cả vùng hôi thối.

Để chấm dứt tình trạng này, công ty công trình công cộng Vĩnh Long đã gia cố, bảo dưỡng đê bao bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3, dự định đến Quý I/2024, khi có thêm bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 4 (3.23 ha), công ty sẽ xin kè thêm bê tông chung quanh bãi rác, ngăn tình trạng rỉ nước thải ra xung quanh.

Tại Trà Vinh, bãi rác thuộc xã Long Hiệp, huyện Trà Cú có diện tích 1ha, là nơi đổ rác cho cả huyện, cũng bốc mùi hôi, nước rỉ từ bãi rác khiến người dân phản đối.

Trà Vinh hiện có 18 bãi rác, bãi trung chuyển trên địa bàn các huyện, cụm xã. Mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác sinh hoạt, nhưng nhà máy xử lý rác chỉ đạt công suất chưa đến 50 tấn/ngày. Tất cả rác của Trà Vinh vẫn chỉ là chôn lấp.

Cả Vĩnh Long lẫn Trà Vinh đều dành sẵn đất, kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác, công suất 500 tấn/ngày… nhưng chưa thấy ai phản hồi.

Năng lực xử lý rác của 04 tỉnh miền Tây – Đồ họa: Thanh Niên

Phú Quốc thì sao? Đảo ngọc dành cho khách du lịch này cũng đầy… rác, vì chưa tìm ra nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác Phú Quốc. Dự án nhà máy xử lý rác trước đây (do công ty Minh Thuận Thành đầu tư) đã được thu hồi, hiện tỉnh Kiên Giang đang lập hồ sơ đấu thầu tìm nhà đầu tư mới.

Hiện mỗi ngày Phú Quốc thu khoảng 180 tấn rác và thực tế còn khoảng 20 tấn rác trong các khu dân cư chưa gom hết, lượng rác phát sinh hằng ngày vẫn đổ tại bãi rác tạm ở Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương) rộng hơn 5ha, có từ năm 2019.

Đến dân Hà Nội và Sài Gòn mà còn khốn khổ vì sống cạnh các bãi rác chôn lấp thì dân các tỉnh kêu trời vì sống gần bãi rác cũng… thường thôi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: