Từ một bi kịch gia đình, nghĩ về sự vô ơn

Thương cha mẹ là phải giúp cha mẹ thảnh thơi chơi cùng con cháu lúc tuổi già chứ không phải đẩy con về cho ông bà chăm sóc thường xuyên như là bổn phận và trách nhiệm của họ – Ảnh minh họa của Lời Giải Hay

Con bệnh, gửi con cho cha mẹ già chăm sóc, đã không biết ơn thì chớ, lại còn càu nhàu người cha “lấy thuốc cho cháu uống không đúng liều lượng”, ngay trước mặt người hàng xóm đang ngồi nhậu với cha.

Ông bố mất mặt với bạn, đã dằn ly rượu xuống chiếu khiến một ít rượu bên trong đổ ra nền nhà, ông đáp trả: “Mày biết thì đi mua thuốc cho con uống, bố không hiểu gì về thuốc men”.

Thay vì im lặng đem đứa trẻ về nhà riêng chăm sóc cho đúng ý, thì người con đã văng tục và cãi lại bố, khiến ông bố mất mặt thêm một lần nữa!

Bi kịch bố giết con ở Hà Tĩnh

Khi ra tòa án tỉnh Hà Tĩnh ngày 1 Tháng Sáu vì tội giết con trai (Dương Nam Hùng, 31 tuổi), ông Dương Nam Hải (55 tuổi, ngụ thôn Thanh Sơn, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) phân trần: “Nhà đang có khách, đáng lẽ ra con trai nên biết giữ ý, có chuyện gì thì sau đó góp ý với bố mẹ cũng chưa muộn, bị cáo đặt mạnh ly rượu xuống chiếu cũng là cách để nhắc khéo Hùng cần phải hiểu chuyện mà đi ra ngoài, nhưng không ngờ con cãi lại và văng tục, hàng xóm đang ngồi ăn uống bên cạnh cũng bất ngờ”.

Mất mặt với hàng xóm vì đứa con hỗn hào, ông Hải đã to tiếng mắng con. Hùng cũng không vừa, cầm ly rượu trên mâm cơm của người cha ném xuống đất. Cơn giận bốc lên, ông Hải ra sau nhà lấy cái cưa gỗ dọa Hùng để đuổi con trai về, mọi người trong nhà cũng can ngăn và đuổi Hùng về (Hùng có nhà riêng ở cùng thôn) nhưng Hùng không về, còn xô ngã cha và đoạt cái cưa gỗ của ông.

Sôi máu vì con trai dám cả gan đánh mình, ông Hải chạy vào nhà sau lấy con dao bầu truy đuổi con. Thay vì trốn đi, Hùng cũng tìm cây đòn gánh chống trả lại cha. Thế là ông Hải đâm con tử vong.

Sau khi lỡ tay giết con, ông đến Công an huyện Vũ Quang đầu thú, trong tình trạng bị thương tích 17%. Câu chuyện đau lòng đó xảy ra vào tối 1 Tháng Hai 2023.

Ngôi nhà của ông Dương Nam Hải ở thôn Thanh Sơn, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra tấn bi kịch cha lỡ tay giết con – Ảnh: VietnamNet

Trong phiên tòa ngày 1 Tháng Sáu, VnExpress mô tả: Ông Hải run run chống tay vào bàn xét xử, khom lưng, mím môi khai hai vợ chồng ông có hai người con. Hùng là con trai cả, đã lấy vợ và ra ở riêng, thỉnh thoảng đưa cháu về gửi nhờ ông bà nội chăm sóc. Hùng có tính cộc cằn, nóng nảy, thường xuyên tranh cãi với nhiều người, ông Hải nhiều lần khuyên con nhưng Hùng vẫn chứng nào tật đó.

Ông trần tình, trong buổi tối ngày 1 Tháng Hai, đáng lẽ Hùng nên hiểu rằng bố đang bực tức thì lánh đi chỗ khác, nhưng không ngờ Hùng hung hăng, tiến lại xô ngã bố rồi cầm cả đòn gánh đánh lại. Ông nói:

“Thử hỏi khi kết thúc sự việc, mọi người sẽ nhìn nhận ra sao khi bố con lại ẩu đả như vậy chỉ vì câu chuyện chẳng đâu vào đâu. Họ sẽ cho rằng vợ chồng tôi nuông chiều, không biết dạy con. Cũng cay đắng lắm, xót xa chứ”.

Cần phải hiểu người Bắc vốn sĩ diện, sợ mất mặt với hàng xóm láng giềng, còn đàn ông Bắc có tính gia trưởng, không dạy được con là nỗi nhục của họ. Nên nỗi nhục của ông Hải vô tình đã bị nhân đôi.

Khi chủ tọa phiên tòa phân tích: “Đây là mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã làm bố, làm ông, đáng ra phải nhường nhịn. ‘Con dại thì cái mang’, Hùng trong trường hợp này đã lớn nhưng chưa khôn, nếu bố lùi một bước để con nhận ra sai lầm thì sẽ tốt hơn”.

Ông Hải nghe xong im lặng, một lát sau mới trả lời là trong thâm tâm ông chưa khi nào có ý định đánh con, dù nhiều lần Hùng tỏ ra hỗn hào. Tuy nhiên, trong người đang có hơi men, lại thấy con quá hỗn hào,  máu bốc lên đầu, ông mất hết lý trí.

“Những ngày ở trong tù, tôi dằn vặt, nhiều đêm thức đến sáng không thể ngủ”, ông Hải thổ lộ. Lời sau cùng, ông Hải mong mỏi: “Bây giờ hối hận đã là quá muộn, mong tòa xem xét, thấu hiểu cho hoàn cảnh của gia đình tôi, cho hưởng một mức án thấp nhất để tôi sớm trở về chuộc lỗi lầm, để có cơ hội lo cho vợ cùng con cháu”.

Ông Dương Nam Hải khai trước tòa án tỉnh Hà Tĩnh ngày 1 Tháng Sáu 2023: Trong thâm tâm ông chưa khi nào có ý định đánh con, dù nhiều lần Hùng tỏ ra hỗn hào. Tuy nhiên, trong người đang có hơi men, lại thấy con quá hỗn hào, máu bốc lên đầu, ông mất hết lý trí – Ảnh: VnExpress

Người chết điếng trong vụ án đau lòng này là bà Đào Thị Khoa (53 tuổi), vợ ông Hải.

Trả lời tòa, bà cho biết từ lúc hai bố con to tiếng về việc cho cháu uống thuốc, bà đã cố can ngăn nhưng không ai buồn nghe bà. Vài phút sau cuộc rượt đuổi giữa hai bố con, thấy ông Hải đi về trong trạng thái bị thương rồi nói “Tôi giết con rồi”. Bà chết đứng, ngồi giữa thềm nhà vật vã khóc.

Từ ngày con mất, chồng bị bắt, bà Khoa suy sụp. Bà đau đớn nói trước tòa: “Làm mẹ, tôi cũng có phần lỗi khi giáo dục Hùng không tốt. Chứng kiến con mất, chồng đi tù, không có nỗi đau và bi kịch nào lớn hơn. Đây cũng là hình phạt cho bản thân tôi, và là bài học cho nhiều gia đình trong việc xử lý các mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống”.

Ngoài Hùng, hai vợ chồng bà còn có một người con 28 tuổi, không rõ làm gì, ở đâu. Hậu quả từ cơn nóng giận của chồng và sự hỗn hào của con sẽ khiến bà Khoa vất vả hơn trong cuộc sống, khi cả hai người đàn ông trụ cột hai gia đình, kẻ mất, người đi tù. Chưa kể, cháu nội của bà phải chịu cảnh mồ côi cha, còn con dâu trở thành góa phụ trẻ.

Nhận định vụ án này xảy ra cũng có nguyên nhân một phần do nạn nhân, Hội đồng xét xử đã giảm nhẹ hình phạt, tuyên phạt ông Hải 9 năm 6 tháng tù về tội “Giết người”, thay vì mức án 10-11 năm như đề nghị của Viện kiểm sát.

Kết thúc phiên tòa, khi ông Hải bị công an áp tải dẫn ra xe về nhà tù, đứa cháu nội 4 tuổi của ông chạy đến hỏi: “Ông ơi, ông đi đâu vậy, khi nào thì về?”. Người đàn ông có dáng vóc cao lớn khụy gối xuống đất, lấy tay lau nước mắt.

“Khi cháu lớn lên, cháu sẽ hỏi ông một câu còn khó hơn: Ông ơi bố cháu đâu rồi?” – đó là bình luận của bạn đọc technical. Thật là đau lòng.

Thử hình dung trong thời khắc ông Hải vui mừng đón đứa con trai đầu lòng Dương Nam Hùng chào đời hồi năm 1992 (Hùng 31 tuổi khi mất), hẳn ông Hải không thể ngờ rằng rồi có ngày ông lỡ tay giết con. Bi kịch quá hãi hùng của người làm cha mẹ!

Thế hệ 8X-9X ở Việt Nam khi lập gia đình riêng đều phải nhờ cậy cha mẹ

Nhiều người đặt câu hỏi là Dương Nam Hùng đã lập gia đình riêng, có con là vợ chồng phải tự chăm sóc, mang về gửi cha mẹ già làm gì? Có bạn kết đây là bài học cho những ai đang chăm cháu, nên “tốt nhất là ông bà nên nói không với các loại cháu”.

Nhưng việc “say NO” với các loại cháu của ông bà ở Việt Nam hiện nay là khó, nếu không nói là không thể.

Cảnh phụ nữ lớn tuổi đầu bù tóc rối, cho đứa nhỏ này ăn, dỗ đứa nhỏ khác là chuyện thường tình ông bà chăm sóc cháu không công ở Việt Nam – Ảnh minh họa: Phụ Nữ Việt Nam

Thế hệ ông bà (nội/ngoại) ở Việt Nam hiện nay rơi vào lứa tuổi 6X – 7X. Con cái của họ thuộc thế hệ 8X-9X, đa phần đi làm không đủ sống, nên khi lập gia đình phải cậy nhờ ông bà. Nếu không nhờ ông bà chăm cháu bán thời gian (ban ngày) hoặc thỉnh thoảng, thì họ cũng nhờ ông bà chăm cháu toàn thời gian, vì cả vợ lẫn chồng đều phải kiếm sống, có khi phải xa nhà, xa quê, thậm chí đi lao động ở nước ngoài.

Tất nhiên, những cặp vợ chồng trẻ biết điều thì hằng tháng thường gửi chi phí nuôi trẻ cho ông bà, nhưng rất hiếm người biết phải gửi thêm cả công chăm sóc cháu cho ông bà tương đương với mức thù lao khi họ thuê người ngoài như bảo mẫu. Lý do có thể là họ không đủ tiền, nhưng thường đa số đều cho rằng việc ông bà chăm cháu là đương nhiên, vì “nước mắt chảy xuôi”.

Cũng vì “nước mắt chảy xuôi”, nhiều ông bà vẫn nhận chăm sóc cháu không điều kiện. Và không hiếm người trẻ 8X-9X coi việc gửi con cho ông bà “được miễn phí” là chuyện thường tình, giống như việc khi còn độc thân, họ đã đi làm nhưng vẫn ăn ở tại nhà cha mẹ, không hề phụ giúp bất kỳ việc gì, từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa đến chi phí trong nhà.

Ỷ y vào cha mẹ là một phần tính cách của giới trẻ 8X-9X, lứa tuổi trên dưới 30 – trên dưới 40. Còn khuynh hướng bao bọc con là lỗi của lứa tuổi 6X-7X do từng cực khổ hồi trẻ và vốn ít con, họ thường tự làm tất cả mọi việc để con có điều kiện ăn học bằng con nhà người ta.

Vì thế, có những người trẻ lập gia đình vẫn sống ở nhà cha mẹ và để cha mẹ họ lo toan tất cả. Nếu giỏi và biết điều thì những người trẻ này sẽ gánh vác kinh tế, thuê thêm người phụ dọn dẹp, nấu ăn, để ông bà có thời gian chăm sóc cháu.

Có người may mắn sống trong gia đình giàu có thì lập gia đình xong sẽ được cha mẹ cho căn hộ, cho nhà, cho xe… cũng thản nhiên nhận coi như bình thường. Đó là điều tôi thường thấy ở Sài Gòn, khi nhìn cuộc sống chung quanh mình.

Một người bạn của tôi có hai người con. Đứa con trai lớn 8X đã lập gia đình được cha mẹ cho một căn nhà (nhà phố ở quận nội ô) để sống riêng. Bạn tôi không phải chăm sóc cháu, vì con trai lớn tháo vát đã nhờ cậy cha mẹ vợ. Ông bà sui gia của bạn tôi vì thương con gái đã cho thuê nhà của họ (ở ngoại ô) để về nội ô sống cùng vợ chồng con gái, vừa chăm sóc cháu ngoại, vừa dọn dẹp, nấu ăn.

Điều đáng nói là khi vợ chồng bạn tôi bệnh phải vào bệnh viện thì tự đưa nhau đi, hoặc… thuê người chăm, vì con gái ở cùng nhà phải đi làm, còn vợ chồng con trai cũng bận… đi làm.

Thế mà khi có cháu nội, cả hai vợ chồng đều hào phóng mua gói bảo hiểm nhân thọ cho cháu trị giá cả vài tỷ đồng, để tương lai cháu có tiền vào đại học, tức là bao luôn phần tương lai cháu, lẽ ra thuộc về trách nhiệm của cha mẹ cháu.

“Cho con tất cả” là chuyện thường thấy ở các cặp vợ chồng 6X-7X. Còn “nhận như lẽ thường tình” là chuyện của giới trẻ 8X-9X. Chính vì quen nhận, giới trẻ 8X-9X sinh ra ích kỷ, hiếm người có lòng biết ơn với cha mẹ, xem việc cha mẹ phải lo cho mình, lo cho cháu là chuyện đương nhiên!

Một bà chị họ của tôi ở tỉnh. Chồng mất sớm, chị ở vậy nuôi đứa con gái (9X) độc nhất và cho con học đại học ở Sài Gòn. Mỗi lần gia đình chồng có đám giỗ, hai mẹ con lại về quê để phụ. Thế nhưng, thực tế chỉ có bà chị phụ, còn đứa cháu gái thì ngồi lỳ tại chỗ bấm điện thoại cả buổi, chả buồn quan tâm xem mẹ đang làm gì.

Khi nhắc thì chị cười xòa: “Cháu quen ăn học, chả biết làm gì đâu em”. Không biết làm gì thì có thể học nếu chịu học, còn không chịu làm gì vì quen để mẹ làm tất cả thì vô phương cứu chữa!

Kết cuộc, khi con gái có gia đình riêng, bà mẹ ra điều kiện con rể phải ở rể, vì bà chỉ có một mình cô. Thế là đời bà hết chăm con lại phải chăm cháu, vì đứa con gái chỉ biết đi làm, chả biết làm gì!

Tại các khu phố đô thị, cảnh các bà ở quê lên thành phố chăm sóc cháu cho các con đi làm rất phổ biến. Trong giờ làm việc, các sân chơi dành cho trẻ thường là nơi tụ tập của các bà nội/bà ngoại – Ảnh minh họa: CafeF

Cặp vợ chồng trẻ hàng xóm thuê nhà kế bên nhà tôi cũng thế. Dân 8X, cả hai đi làm suốt ngày, ở nhà đứa con trai nhỏ có bà ngoại chăm. Bà ngoại góa chồng nhiều năm trước, hết chăm con cho con gái lớn ở Ninh Bình lại vào Sài Gòn chăm con cho cô út. Khi bà ngoại bận việc ở quê phải về thì hai vợ chồng lại đem con gửi ông bà nội cũng ở Sài Gòn.

Vì con gái lớn đã ly hôn chồng, chả nhờ gì được ông chồng, bà đón ba mẹ con về ở cùng nhà và phải chia sẻ tiền lương hưu hằng tháng của mình cho con gái lớn, vì đồng lương giáo viên của cô không đủ nuôi hai con.

Có lần sang nhà chơi, bà tâm sự: “Căn nhà của vợ chồng chị ngoài quê là để lại cho con gái lớn, còn mảnh đất chị mua để dành lúc còn rẻ thì cho con gái út. Chúng nó cứ giục chị sang tên, nhưng chị chưa vội, bảo để đến khi mẹ yếu đã”.

Có của để dành cho con, thế mà bà (gần 70 tuổi) mỗi lần ra vô Sài Gòn – Ninh Bình, bà phải vác cái túi xách nặng trên vai chứ không dám mua cái valy đẩy cho nhẹ (bà tiết kiệm không mua đã đành, hai cô con gái cũng không biết đường mua cho mẹ?).

Vé bay khứ hồi của bà, họ cũng toàn lựa giờ bay vào buổi tối cho rẻ, có hôm về đến Ninh Bình, bà nhắn tôi: “11 giờ đêm mới về đến nhà, mệt quá em ah”. Thế mà khi ngược vào Sài Gòn, bà vẫn phải đáp chuyến bay tối, về đến nhà con gái út cũng quá nửa đêm.

Nghèo là một chuyện, nhưng để cho mẹ hay cha phải vất vả vì mình mà xem như chuyện đương nhiên phải vậy, rõ là giới trẻ 8X-9X ngày nay phần đông sống ích kỷ và không có lòng biết ơn đấng sinh thành.

Tựa như Dương Nam Hùng, nếu biết soi rọi lại bản thân (sinh được con thì phải nuôi được) thì đã không trách bố trước mặt khách là đã lấy thuốc cho cháu uống không đúng. Hoặc khi người bố trả lời: “Bố không hiểu gì về thuốc men” thì Hùng phải thương ông và tự trách mình.

Đằng này không, Hùng coi việc chăm sóc cháu cho đúng là trách nhiệm của bố mình, nên đã phản ứng tay đôi với ông, khiến xảy ra tấn bi kịch “cha giết con” mà người đời nhìn vào thường sẽ chép miệng “Gia môn bất hạnh”! Người chết thì đã xong, người cha ở trong tù và người mẹ ở nhà thì giờ sống không bằng chết là thật.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: