Cô gái xếp hoa giấy

(ảnh: Anya Chernik/Unsplash)

Lương sinh nhà nghèo, ham học, đêm ngày đọc sách ra rả như cuốc kêu mùa hè.

Một hôm đang đọc sách, Lương sinh có cảm giác như ai đang nhìn mình, ngẩng đầu lên thì thấy bên ngoài cửa sổ có bé gái mắt tròn đen láy như hạt nhãn, môi xinh chúm chím như hoa hàm tiếu đang nhìn mình.

Ngỡ là trẻ con hàng xóm, sinh liền đứng lên, mở cửa cho vào, miệng hỏi: “Em bé, cho cái kẹo đây này. Thích kẹo vừng hay kẹo bột?” Chả là trẻ con hàng xóm hay sang nhà Lương sinh chơi vì biết Lương sinh thích ăn vặt. Cứ khi trẻ con đến thì chàng lại cho chúng cái bánh, cái kẹo có sẵn trong lọ.

Cô bé ung dung bước vào, trả lời rằng: “Chả thích kẹo vừng, chả thích kẹo bột.” Hỏi: “Thế cho cái bánh đa to tướng nhé.” Đáp: “Chả thích bánh đa to tướng.” Lại hỏi: “Thế thích gì?” Trả lời: “Thích nghe đọc sách.”

Lương sinh ngồi xuống. Cô bé cũng ngồi bên cạnh, hai tay chống cằm, có vẻ lắng nghe. Lương sinh đọc: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” (*) Cô bé hỏi: “Sách gì thế? Có khó không?” Lương sinh đáp: “Câu này mở đầu cho sách Đại Học, khó lắm.”

Cô bé hỏi: “Đã thuộc chưa?” Đáp: “Khó quá, chưa thuộc.” Cô bé nói: “Dễ thế mà không thuộc à?” Lương sinh phì cười: “Dễ! Dễ thì đọc đi.” Cô bé đọc ngay, trơn tru như miệng có bôi mỡ: “Đại học đi dạo, lại ăn bánh mứt, lại tăng cân, lại chỉ ưa thích diện.” Lương sinh cười to: “Đọc sách Đại Học như thế này thì thầy đồ đét cho đấy!”

Im lặng một lúc Lương sinh nói: “Nhưng mà em bé lanh lợi thật. Tiếc là còn bé quá! Giá lớn được một tí thì làm bạn ta được đấy.” Cô bé hỏi: “Lớn bằng ngần nào thì làm bạn được?” Lương sinh đáp: “Khoảng mươi tuổi, tầm thiếu nữ mười sáu, mười bảy.”

Thoáng một cái, cô bé biến thành một thiếu nữ mười sáu, mặt đẹp như trăng rằm, xiêm y tha thướt. Lương sinh hốt hoảng, hỏi: “Ma à?” Đáp: “Chả phải ma.” Lại hỏi: “Chồn à?” Đáp: “Chả phải chồn.” Lương sinh nói: “Chả phải ma. Chả phải chồn. Họa có là tiên mới đẹp như thế này được.” Thiếu nữ đáp: “Đúng là tiên đây!”

Lương sinh không hỏi nữa. Là ma, là chồn hay là tiên không quan trọng. Có cô bạn đẹp người như thế này, chàng thích mê.

Một lúc sau, Lương sinh buồn rầu nói: “Mấy cái câu nàng đọc lúc nãy, đúng một nửa, sai một nửa.” Hỏi: “Nửa nào đúng? Nửa nào sai?” Đáp: “Nửa đầu đúng, nửa sau sai… Đại học đi dạo. Ừ, ta hay đi dạo thật. Lại ăn bánh mứt. Ừ, ta hay ăn kẹo, bánh, mứt thật. Lại tăng cân. Quái, ta ăn nhiều đồ ngọt mà vẫn không tăng cân. Lại chỉ ưa thích diện. Ta làm gì có áo đẹp mà diện.”

Thiếu nữ vỗ tay cười, nói: “Câu trong sách thì không thuộc mà cái câu người ta thuận miệng nói ra thì lại thuộc. Anh này cũng lạ. Nhưng mà này, nếu có áo đẹp thì có diện không?”

Lương sinh đáp: “Diện chứ!” Thiếu nữ cho tay vào tay áo rộng, rút ra một xấp giấy màu, rồi với hai bàn tay thoăn thoắt, chỉ trong chốc lát cô làm cho xấp giấy màu trở thành những bông hoa bằng giấy xinh đẹp lạ thường.

(ảnh: filza-h/Unsplash)

Lương sinh trố mắt nhìn. Cô gái bảo: “Ngồi im để người ta làm áo đẹp cho.” Thế rồi cũng với hai bàn tay khéo léo, cô gắn những bông hoa giấy lên áo Lương sinh. Bây giờ tấm áo vải thô của Lương sinh trở thành tấm áo đẹp tuyệt vời. Xong xuôi, cô gái bảo: “Nào, đứng lên xem!”

Lương sinh nghe lời, đứng lên. Cô gái ngoẹo đầu ngắm rồi bảo: “Được đấy! Diện được rồi.” Quả tình lúc ấy trông Lương sinh rõ ra là một công tử con nhà giàu với tấm áo đẹp lạ lùng hiếm có.

Từ đấy cứ thỉnh thoảng cô gái lại đến chơi. Lương sinh đọc sách, cô gái ngồi nghe. Chỗ nào Lương sinh không hiểu thì cô gái giảng nghĩa rành mạch. Chẳng mấy chốc Lương sinh thành một nho sinh giỏi nhất trường. Thầy và các bạn đều lấy làm lạ.

Có một bọn đồng song nghi ngờ Lương sinh có thầy dạy riêng, mới đến nhà chàng rình xem. Thầy đâu chả thấy, chỉ thấy một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, miệng giảng kinh sách cho Lương sinh, tay thoăn thoắt xếp giấy thành hoa. Bất chợt cô gái ngẩng lên nhìn qua cửa sổ, ánh mắt sắc như dao, bọn nho sinh sợ hãi chạy biến.

Mấy hôm sau, cô gái lại đến, mặt có sắc buồn. Cô nói với Lương sinh: “Định đến thăm mãi nhưng không được nữa. Ta tên Ái Hoa, vốn là tiên coi vườn nhà Trời, thích văn chương hạ giới nên xuống trần nghe kinh sách thơ văn. Không ngờ để dung nhan lọt vào mắt bọn người trần tục, không sớm dứt đi, chuyện đến tai Trời, thế nào cũng bị phạt nặng. Thôi, từ nay vĩnh biệt.”

Lương sinh buồn đứt ruột, hai hàng nước mắt chảy xuống. Ái Hoa an ủi: “Ta để lại cho một kỷ vật. Thấy kỷ vật cũng như thấy ta vậy.” Nói rồi dẫn Lương sinh ra trước cửa.

Ở đấy, không biết từ đời nào có một cái cây, thân khẳng khiu lại đầy gai, rất nhiều năm rồi chỉ ra mấy cái lá, chẳng có hoa bao giờ. Đứng dưới gốc cây, Ái Hoa đưa hai tay áo rộng lên cao.

Từ trong tay áo, bao nhiêu là mảnh giấy màu ào ạt bay ra, thoắt chốc đậu cả vào thân, vào cành cây, biến thành những bông hoa tuyệt đẹp.

(ảnh: Shirley Morgan/Unsplash)

Ái Hoa dặn: “Hoa này rất lâu tàn vì nó vốn bằng giấy. Cây thì chẳng cần tưới bón nhiều mà hoa vẫn cứ tươi, cứ rực rỡ. Kỷ vật đấy. Nhìn hoa cũng như thấy người. Ta không đến thăm nhưng tình bạn của chúng mình bền chặt mãi nhé.”

Một đám mây hạ xuống, Ái Hoa ung dung bước lên. Mây đưa Ái Hoa về Trời.

Cây ấy bây giờ là cây bông giấy, trổ hoa rực rỡ, tươi thắm quanh năm.

__________________________

(*) Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện: Trích sách Đại Học, có nghĩa là: đường lối đại học ở chỗ làm cho sáng tỏ cái đức sáng, làm cho con người đổi mới luôn luôn, lo cho đến chỗ hoàn toàn tốt lành mới thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: