Một lớp học kỳ lạ

Thầy Quyên Di và các học trò. (Hình: FB)

Khoá học mùa Đông tại University of California, Los Angeles (UCLA) vừa kết thúc. Mùa học này, trường cho tôi dạy một lớp học có tên là “Variable Topics in Vietnamese Lingustics, Languages and Cultures,” nghĩa là… muốn dạy gì thì dạy!

Đương nhiên nội dung giảng dạy phải thuộc các lãnh vực ngôn ngữ học, ngôn ngữ, và văn hoá Việt Nam. Đặc biệt, sinh viên học lớp này, năm sau có thể học lại lớp ấy để nhận thêm tín chỉ (credit.) Lý do là chủ đề của mỗi mùa học đều thay đổi. Có lẽ đây là lớp học duy nhất tại UCLA có đặc điểm này.

Lớp học kỳ lạ, đến ông thầy cũng kỳ lạ không kém. Một sinh viên viết về ông thầy ấy như sau:

“Một Ông Giáo Già Kỳ Lạ

Trong cả cuộc đời học trò của con, con chưa bao giờ gặp được một ông thầy lạ lùng như Thầy Quyên Di. Thầy chỉ khuyên sinh viên là mình học để thưởng thức, chứ không học để lấy điểm. Chúng con muốn ghi ‘nốt’ thì tốt, nếu không thì thôi. Con nghĩ là hầu hết các thầy cô giáo Á châu đều mong ước sinh viên của mình về nhà ôn bài mỗi tối; đó mới được gọi là sinh viên chăm chỉ. Trong khi thầy của con nói với chúng con là chúng con ‘học để sống, chứ không phải học để chết!’

Thầy cũng phải đồng ý là nếu có hai sinh viên, một người chỉ học để lấy điểm, và một người học để trưởng thành, thì chưa chắc là điểm của người sinh viên học để lấy điểm sẽ cao bằng điểm của người sinh viên học để trưởng thành. Sinh viên nào học để tìm hiểu bài học của mình là một sinh viên học rất là chăm chỉ. Đó là vì sinh viên này có động lực tốt. Trong khi đó, sinh viên chỉ lo lấy điểm cao chưa chắc đã học chăm như sinh viên thật sự, học để hiểu bài.

Bức thư của sinh viên. (Hình: FB)

Lý do con gọi Thầy là một ông giáo già kỳ lạ, vì cách Thầy dạy bảo chúng con rất khác biệt. Con nghĩ Thầy là người có lòng thương yêu sinh viên của mình vô bờ bến. Con mong Thầy có nhiều sức khoẻ để tiếp tục dạy chúng con, và duy trì chương trình Việt ngữ cho trường của chúng con.” (An Nguyễn)

Khoá học này, tôi chọn chủ đề “Những Bài Thơ Việt Nam Nổi Tiếng Đã Được Phổ Thành Ca Khúc.”

Trong khoá học, thầy trò chúng tôi đã thưởng thức tính chất văn chương của những bài ca dao và những bài thơ của các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hồ Dzếnh, Nguyễn Nhược Pháp, Hữu Loan, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Vĩnh Phúc, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Hoài Trinh, Tô Thuỳ Yên, Linh Phương, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định.

Một số bài thơ của các tác giả này đã được phổ thành ca khúc qua tài nghệ tuyệt vời của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Y Vân, Trung Đức, Trần Thiện Thanh, Dzũng Chinh, Vũ Thành An, Nguyễn Đức Quang, Ngô Thuỵ Miên, Hoàng Thanh Tâm.

Ngoài những lúc phân tích và thưởng thức văn chương, chúng tôi còn có dịp ôn lại và học hỏi thêm về những truyền thống, phong tục tập quán, và văn hoá Việt Nam.

Bài thi cuối khoá học là mỗi nhóm phải chọn một bài thơ kèm theo bài hát để làm một phim ngắn. Các bài thơ, bài hát được các nhóm chọn là:

Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương)

Ngàn Thu Áo Tím (thơ Vĩnh Phúc, nhạc Hoàng Trọng)

Đừng Bỏ Em Một Mình (thơ Minh Đức Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy)

Kiếp Nào Có Yêu Nhau (thơ Minh Đức Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy)

Tháng Sáu Trời Mưa (thơ Nguyên Sa, nhạc Hoàng Thanh Tâm)

Ngày mãn khoá, chúng tôi ngồi xem phim, bình luận, và… ăn nem nướng. Mỗi nhóm được thưởng một con thú nhồi bông. “Diễn viên” xuất sắc nhất cũng được thưởng một con. Thế rồi chúng tôi chụp hình lưu niệm và chia tay, hẹn gặp nhau vào khoá học tới, khai giảng vào sau kỳ nghỉ mùa Xuân.

Thật là một lớp học kỳ lạ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: