Hoa hậu Bồ Đào (15)

Hoa Hậu Bồ Đào và bà Trung được ngồi ở dãy ghế thứ nhứt còn bốn chỗ trống dành cho hai mẹ con và vợ chồng ông Bồ Đào. Hiếu ngồi giữa mẹ và bà Bồ Đào, một người trạc cỡ tuổi với bà Trung nhưng mập lắm và nhờ phục sức phấn son nên xem trẻ hơn. Bà Bồ Đào từ nãy giờ ngồi dưới nầy, giờ thấy hoa hậu của hãng rượu bà xuống, bà bắt chuyện ngay:

-Có phải bà đây là thân mẫu của cô hay không?

-Dạ thưa phải.

-Còn ông thân cô vẫn mạnh chớ?

-Dạ thưa mạnh, nhưng ba con bận làm việc nên không đi được.

Cô đây là thứ mấy của bà, thưa bà? Được hỏi đến bà Trung vội đáp:

-Dạ, nó lớn hơn hết.

Từ nãy giờ bà có cảm giác Hiếu không phải là con của bà nữa. Mặc dầu không ganh tị với những người cướp con bà, bà vẫn nghe buồn buồn. Giờ thấy rằng mình được trở lại địa vị thật của mình, bà lấy làm cảm tình với người đối thoại, và tự nhiên, bà khai thêm:

-Nó còn sáu đứa em nữa, thưa bà.

-Ông nhà có phước quá.

-Phước đâu không thấy, chỉ thấy lo trối chết.

Bà Trung không từng đến những nơi công cộng nên quên hết phép lịch sự cần thiết ở những nơi đó là chỉ được nói thầm thôi. Thấy bà bắt đầu nói lớn quá bà Bồ Đào hoảng không dám nói chuyện nữa.

Bấy giờ đã tỉnh lại, nhưng Hiếu không xem trình diễn văn nghệ, không nghe ca, mà chỉ sống lại những cảm giác của nàng khi ở trong hậu trường thôi.

Nàng chưa thi đậu lần nào trong đời nàng cả, chỉ nghe bạn hữu kể lại rằng sự sung sướng thi đậu rất là ngắn ngủi, chỉ qua mấy phút đầu là không còn nghe gì nữa hết.

Được làm hoa hậu nàng cũng chỉ nghe sung sướng có mấy phút thôi. Sau đó niềm vui của nàng do nguyên nhân khác hơn là chức hoa hậu ấy.

Hình ảnh người con trai sơ-mi ca-rô bấy giờ lại trở về lãng vãng trước mắt nàng. Không, nàng không phản bội Trọng, nghĩa là không yêu người thanh niên đã gây xúc động nơi lòng nàng ấy, nhưng không hiểu sao nàng xao xuyến khi nhớ lại hắn, và nghe một niềm vui không duyên cớ nhè nhẹ lướt đến trong tâm hồn nàng.

Bây giờ khi mọi việc đã qua, mọi tình cảm đã lắng lại nàng thử phân tách thì niềm vui ấy bắt đầu bước vào ngưỡng cửa lòng nàng từ lúc nàng chợt thấy hắn, rồi hắn đi mà vui không đi – mặc dầu nàng quả có ngậm ngùi sợ rằng sẽ không bao giờ tái ngộ – Khi từ hậu trường đi vòng bên ngoài để vào rạp nàng được hoan hô lần nữa, nàng ngỡ vui vì sự hoan hô ấy, nhưng không, chính niềm vui trước đã đi theo nàng và hiện giờ nó vẫn chưa rời nàng.

Nghe một giọng quen, Hiếu chợt nhớ lại lũ bạn không may của nàng và day ra sau thì thấy cả đám đều ngồi ở hàng ghế sau đó.

-Chút nữa đi tiệc với em luôn nghe các chị!

Đứng ngồi với bọn nầy, nàng nghe vững tâm hơn với người lớn, nên nài nỉ họ.

-Không đi hết, chỉ có bốn đứa theo chị đi ăn cơm thôi.

-Còn bốn chị kia sao không đi?

-Bị cà nanh với chị.

Họ cười xòa với nhau. Hồng và Trang bị hai thanh niên ngồi ở dãy ghế thứ ba khều hỏi gì, Hiếu khó chịu, định bụng rằng họ hỏi về nàng, nên mắc cỡ, nàng day mặt trở lại phía sân khấu.

Lũ nó bạn trai nhiều quá. Khi nãy vào đây đứa nào cũng có ít lắm là ba bốn bạn trai gọi tên, bị (hay được?) gọi nhiều nhứt là con Lilie, con bé mặc bờ-lu-dăng. Nếu không gặp Trọng thì mình không có bạn trai nào cả. Hiếu nghĩ tới đó rồi rất muốn day ra sau, tạo dịp cho bạn của lũ bạn nàng làm quen, nhưng lại không dám.

Nàng thấy mình còn quê quá, mặc dầu ở Sài Gòn từ lúc bé đến giờ nhứt là ba tiếng “đi ăn cơm” mà lũ nầy dùng khi nãy. Té ra bữa tiệc mà hãng Bồ Đào mời, chỉ đáng là bữa cơm thôi à, nên họ không lớn lối như mình mà nói rằng “đi dự tiệc”.

Nghĩ tới đó, nàng lại bị mặc cảm trở lại và nghe rằng sẽ phải khổ sở mà đi theo bọn giàu sang một lần nữa.

Bấy giờ màn hạ cuối cùng, Hiếu xem lại đồng hồ tay thì đã sáu giờ rưỡi rồi. Ông Bồ Đào đứng lên nói:

-Các cụ và các cô cứ ở đây, vợ chồng tôi tiễn khách rồi đi ăn một thể. Đã có xe cho các cụ, các cô.

Nói xong ông kéo vợ đứng lên để tiễn những người khách đã đích thân đến đây chớ không đưa thiếp cho con cháu, hay tài xế của họ đi.

Bốn cô hoa hậu hụt bước lên hàng trên để từ giã Hiếu. Nàng không nhớ tên họ cho hết, chỉ biết có Suzie, Lilie và Liễu thôi.

-Hôm nào tụi nầy sẽ kéo nhau đến thăm chị, chị Bồ Đào nhé! Chị có khao riêng hay không?

-Có, bà Trung hớt nói, miễn các cô cho biết ngày đến chơi.

-Thưa bác, tụi cháu không dám làm rộn bác như vậy. Tụi cháu sẽ đến bất thần và bắt chị Bích-Lệ dẫn đi khao phở thôi.

-Chắc chắn hoa hậu không thèm đến tụi tôi, Suzie nói.

-Sao chị lại nói như vậy? Em nhà quê lắm, được các chị cho chơi với là may mắn lắm rồi.

-Chị không quê, lại là hoa hậu nữa, thì chắc chị sẽ chơi với bọn nhà giàu.

-Để sau sẽ hay. Nhưng sao các chị không đi?

-Đã có hẹn với bạn.

-Có hẹn? Nếu được hoa hậu thì sao?

-Hẹn rằng được thì thôi, bằng không thì đi đến nơi hẹn.

Những người khách quan trọng đã ra hết, mặc dầu trong rạp còn đông. Vợ chồng ông Bồ Đào trở lại với hoa hậu và đám hoa hậu hụt. Bà Bồ Đào ngạc nhiên hỏi:

-Sao chỉ còn có năm cô thôi? Buồn quá! Mấy cô kia mặc dầu không được giải cũng đẹp lắm. Nhứt là họ đều vui tươi hết thảy, có họ đi đông thì sẽ nổi biết bao nhiêu.

Họ đợi hơn mười phút nữa rạp mới trống hết và bấy giờ bà Bồ Đào mới mời lại một lần nữa.

Hoa hậu Bồ Đào nhường bước cho bạn hữu đi trước, không phải vì khiêm nhượng mà để được dẫn dắt trong bước đầu bỡ ngỡ của cuộc thám hiểm đô thành.

Đô thành không còn chỉ là con đường từ trường học, từ trường đánh máy về nhà nữa, đô thành không chỉ là con đường từ chợ Tân-Định vô xóm Cù-Lao nữa, đô thành không chỉ là con đường từ nhà ra sở của Trọng nữa mà cho cả cái đất ông Tạ heo hút ngoài lề đô thành, nơi xa lạ mà lần đi thăm bạn da nâu đã giúp nàng phát kiến ra, nơi ấy cũng chưa phải là đô thành bí mật mà nàng vừa khám phá.

Đô thành bí mật đối với nàng là cái xã hội lạ lùng giàu sang vừa hé cửa đón nàng. Nàng bị hoa mắt, chưa thấy gì cho nhiều, và cũng chỉ mới bước chơn vào cửa ngỏ của xã hội ấy thôi, nên nỗi thèm khám phá mạnh lắm.

Tánh hà tiện của ông Bồ Đào, thế mà hay cho nàng. Ông ấy đãi ăn ở tửu lâu Chợ-lớn cho đỡ tốn hao, nhưng giúp Hiếu tiến chậm trong rừng rậm trưởng giả. Sự thay đổi khung cảnh có rõ rệt, nhưng không đột ngột lắm: nàng đã biết những tiệm cơm Tàu ở Chợ cũ Sài-gòn thì tửu lâu Chợ-lớn chỉ làm nàng ngạc nhiên vừa phải thôi.

Và như thế càng tiến tới, càng cứ nghe thú vị hơn là đột nhiên đẩy nàng vào một nơi sang trọng quá đến đỗi làm cho nàng khiếp đảm rồi sau đó không còn được hưởng ngạc nhiên nào nữa.

Hiếu ngồi giữa ông Bồ Đào và một ông nào mà nàng không nhớ tên, không nhớ địa vị xã hội khi người ta giới thiệu ông ấy với nàng. Chỉ biết đó là người cao niên trạc tuổi ông Bồ Đào. Có lẽ ông là khách quí của ông chủ hãng rượu nên mới được danh dự ấy.

Người ta xếp đặt nữ ngồi lẫn với nam và Hiếu hiểu rằng không thể đổi khác được. Nàng tự an ủi rằng dầu sao ngồi ở đây cũng đỡ ngượng hơn ngồi giữa những chàng trai trẻ.

Cái ông cao niên ấy săn sóc đến nàng nhiều quá giúp nàng mất được lần lần mặc cảm nhỏ nhoi của nàng, và trái lại, nàng thoáng thấy vai tuồng quan trọng của người con gái đẹp.

Chưa bao giờ Hiếu sống nhiều cho bằng hôm nay. Nàng đã qua nhiều thứ tình, đã hưởng những xúc động mãnh liệt và đã biết một bộ mặt mới hẳn của xã hội. Nàng đã thấy nhà lầu, thấy xe hơi, nhưng không nghĩ đến những người sử dụng các thứ ấy. Nay thì đã khác, họ đã ăn nói, đi đứng trước mặt nàng, họ đã hoạt động, đã tiêu tiền, đã hưởng các thứ mà nàng không hề ngờ rằng có trên đời nầy.

Và nhứt là họ là những người khác hẳn những người nàng đã chung đụng.

Hiếu nghĩ ngay đến Trọng, một người bạn tình vắng mặt hôm nay, và bỗng nàng giựt nẩy mình mà nhớ lại một câu nói của chàng: “Em lên, má cũng lên, nhưng anh thì…”.

Nàng bối rối hết sức, không đáp những câu hỏi của thực khách cùng bàn mà nàng không nghe. Sự thật mà mới hôm qua đây nàng còn phủ nhận và có ý phiền Trọng đã muốn gán cho nàng những điều không hay, sự thật ấy vừa lướt qua trí nàng như một tia sáng lóe ra trong đêm tối dày mịt.

Hiện nàng đương là khách quí của ông Bồ Đào, hơn thế là khách quí nhứt, vì nãy giờ bàn nào cũng nâng ly mừng hoa hậu Bồ Đào hết, thì nàng đã ngang hàng với những bực giàu sang ở đây rồi. Thế mà Trọng thì vẫn đáng là thơ ký của những người có mặt trong tửu lâu đêm nay thôi.

Hiếu thoáng buồn, nghe như nàng và Trọng đã cầm tay nhau mà chạy đua với thiên hạ. Nàng rượt kịp những tốp người dẫn đầu, nhưng chừng dòm lại thì người bạn đường thân mến bị rớt lại đàng sau rất xa.

Nhưng có thật là mình rượt kịp tốp dẫn đầu hay không? Hiếu tự hỏi câu ấy rồi hối hận đã thấy bạn nhỏ nhoi trong một phút, khi chợt tỉnh rằng rồi lát nữa đây nàng sẽ trở về nhà bằng xích-lô máy như hồi ra đi và khuya lại sẽ quảy thùng gánh nước ngoài phông-tên đầu ngõ.

Không, nàng không có lên tới đâu cả, và cũng đồng địa vị xã hội với Trọng như bao giờ. Ngày mai, nàng sẽ đi lãnh mười ngàn đồng tiền giải, dưới một ngân hàng. Nhưng, như đã trù liệu, nàng sẽ tặng cha mẹ bảy ngàn, giữ lại ba. Ba ngàn chưa bằng một tháng lương của Trọng kia mà!

Mặc dầu chưa bội bạc, Hiếu cũng nghe xấu hổ đã nghĩ đến một điều không hay về bạn.

Tuy nhiên, quả thật làm sao ấy! Trọng không còn là người con trai hay ho nhứt trần đời dưới mắt nàng nữa rồi.

Từ xế đến giờ, bao nhiêu người con trai đẹp mã đã lướt qua trước mặt nàng, và nhứt là anh chàng sơ-mi ca-rô.

Trọng không xấu, nhưng vẫn kém đẹp hơn hắn nhiều. Trọng không đần, nhưng vẫn kém bảnh hơn hắn nhiều. Trọng là một thanh niên tầm thường như bao thanh niên tầm thường khác, mà nàng đã thấy ngoài đường, sánh với vẻ ngang tàng của người con trai tặng hoa. Nếu Trọng với nàng xa lạ, và nếu Trọng có mặt hôm nay, chắc chắn là chàng không có vào hậu trường để tặng hoa đâu. Một bó hoa trăm bạc chớ không bao nhiêu, nhưng chắc là phải bảnh lắm mới tặng hoa, bằng cớ là có bao nhiêu người đã không tặng.

Buổi tiệc kéo dài quá đối với một người con gái không có gì nhiều để nói và không được nghe gì hay cho lắm nơi hai ông láng giềng già, và Hiếu thấy rằng mình bị chụp hình nhiều quá.

Khi chiều ở rạp hát, nàng bị chụp tại sân khấu dưới đủ các khía cạnh, bị chụp trong hậu trường mỗi lần nhận hoa, bị chụp khi ngồi ở ghế khán giả, và bây giờ lại bị chụp lúc ăn, lúc trò chuyện nữa. Không biết họ làm gì với ảnh ấy? Đăng báo chăng? Nãy giờ Hiếu quên nghĩ đến điều cả thành phố đều hay tin nàng trúng tuyển hoa hậu, giờ tự hỏi về công dụng của những bức ảnh của nàng, nàng lại bắt đầu thấy mình lên trở lại.

Hoa Hậu Bồ Đào! Không, không phải là hoa hậu Việt Nam, nhưng vẫn có thể nói là hoa hậu Việt Nam vì đã không có giải hoa hậu Việt Nam thì bao nhiêu người đẹp đều đổ dồn về hoa hậu Bồ Đào nầy.

Hoa hậu Bồ Đào! Hoa Hậu không phải là quan to, cũng không phải là nhà giàu, hay người có tài năng gì đặc biệt cả, nhưng sao thiên hạ đều tôn sùng như thế nầy, và Hoàng hôm nọ đã tiên đoán cho nàng một tương lai rực rỡ lắm nhờ chức hoa hậu mà nàng có thể giựt được.

Lại một lần tiễn khách nữa. Hai vợ chồng ông Bồ Đào xuống nhà, đón khách tại chơn thang lầu để cảm ơn họ, và bà Bồ Đào giữ bà Trung và Hiếu lại.

-Mai mốt tụi nầy sẽ đến thăm bồ!

-Nhớ khao kẹo nha!

-Rồi tụi mình đi chụp ảnh chung nha chị Bích-Lệ.

Bạn mới của Hiếu từ giã nàng sau rốt, bịn rịn không muốn rời, rồi ông Bồ Đào mời hai mẹ con lên xe riêng của ông bà để đưa họ về tận nhà.

Bà Bồ Đào ngồi băng sau với hai mẹ con, nói:

-Bà Trung nè, cháu nó dễ thương lắm, vợ chồng tôi muốn xem nó như con cháu trong nhà, muốn gọi nó bằng cháu, và để nó gọi lại vợ chồng tôi bằng dì, dượng, chắc bà không thấy hại chớ?

-Được ông bà thương như vậy là quí hóa lắm, tôi còn mong gì hơn.

-Và như vậy tôi xin phép kêu bà bằng chị, và bà kêu tôi bằng dì.

-Bà cho phép thì tôi xin cám ơn.

-Chị thứ mấy thưa chị?

-Thứ Tư, nhà tôi cũng thứ Tư.

-Cháu đã có chỗ nào chưa chị Tư?

-Dạ chưa, nó mới thôi học, còn khờ dại lắm.

-Con gái đời nay như vậy đó, chớ không nghiên trang, già dặn như chị em ta trước.

Xe đã tới đầu hẻm xóm Cù-Lao. Bà Bồ Đào bắt ông đợi bà đưa hai mẹ con vào tận nhà, ra chiều như quyến luyến lắm, nhưng thật ra bà chủ muốn biết nhà để tới lui cho dễ. Địa chỉ các nhà ngõ hẻm khó kiếm hơn là biết đích xác bằng cách theo tới nơi vào dịp tốt nầy.

Bấy giờ, đã mười giờ hơn rồi. Thế mà vào nhà, bà ta còn nói cà kê dê ngỗng một hồi nữa mới chịu ra về cho. Khách khuất dạng bên kia cầu ván, ông Trung hỏi:

-Sao, có vui không?

-Vui không biết bao nhiêu, ông không chịu đi cho biết với người ta.

-Muốn để bà đi một lần chớ, tôi thì tôi đã biết rồi. Đãi ăn ở đâu?

-Ăn đồ Tàu trong Chợ-lớn. Nhưng không phải vui ở đó. Họ hoan nghinh con nhỏ dữ quá. Họ chụp hình nó thôi là chụp.

Hiếu đưa cái séc ra hỏi cha:

-Làm sao lãnh ba?

-Té ra phần thưởng mười ngàn có thật à? Bà Trung cười đáp:

Nếu họ xí gạt thì bà Bồ Đào sao dám đi theo vào.

-Lạ quá. Con Hiếu nó đẹp thì nó nhờ, sao họ lại thưởng tiền nó, cái mới là khó hiểu. Lãnh tiền à, thì con cứ tới ngân hàng, địa chỉ có ghi trong séc, tìm ghi sê “phát chi phiếu” rồi đưa séc vào với thẻ kiểm tra của con. Rồi thì người ta kiểm soát, đoạn phát cho con một cái thẻ bằng nhôm, con lại két lãnh bạc.

-Nó nói nó cho tôi với ông bảy ngàn, ông tính sao? Bà Trung hỏi cà rỡn.

-Tôi biết tính sao? Tiền của con làm ra thì phải để cho nó chớ.

-Tôi cũng nghĩ như vậy.

-Nếu ba má không chịu nhận, thì xin ba má cho phép con sắm thêm đồ trong nhà.

-Cái đó là ý hay. Sắm đồ trong nhà, tuy dùng chung mà của vẫn là của của con.

-Con thấy nhà mình thiếu một chiếc máy may.

-Hay. Má mầy tốn tiền với thợ may nhiều lắm, vì em mầy đang…

-Với lại con muốn sắm một chiếc máy ra-dô…

-Ối, cái thứ đó chỉ rùm tai, không ích lợi gì hết.

Bà Trung thường lắng tai nghe vọng cổ của ra-dô nhà đằng kia, cãi lại:

-Thì con nó muốn sắm một món tuy không hữu ích bằng máy may, nhưng cũng không gây hại, ông cứ chìu ý nó đi mà.

-Thì chìu chứ sao không. Tôi chỉ bàn vậy thôi.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: