Hoa hậu Bồ Đào (21)

Từ hôm đi xem các rạp chiếu khúc phim ngắn họ quay để quảng cáo rượu Bồ Đào, Hiếu tuyệt vọng hết sức, mặc dầu hãng Bồ Đào đã biếu thêm nàng ba ngàn đồng gọi là ca-sê đóng phim.

Nàng cứng quá, cứng như một hình nộm khéo được điều khiển bằng máy, và cái mặt đẹp của nàng, nàng chợt nhận ra nó như bằng sáp, không có hồn, thật khác xa với sự linh động nơi những minh tinh mà nàng thưởng thức trên màn bạc.

Hai đứa Suzie và Lilie thì không dám chê nàng, tuy chắc chúng nó cũng cùng một ấn tượng với nàng. Không chê nhưng cũng không tha. Chúng nó cứ theo rỉ nhỏ vào tai nàng rằng hãng Bồ Đào đã giết chết nàng bằng đoạn phim ngắn ấy. “Rượu Bồ Đào, chúng nó nói, là một thứ rượu của dân nhậu cá kèo. Như thế, một cô gái đẹp tự rót thưởng mình một ly rượu thuốc hiệu “kinh tế” ấy thì cô gái ấy sẽ bị lây cái hạ cấp của hiệu rượu và hình ảnh cô sẽ xấu xí đi trong con mắt quần chúng vì họ không sao không nhập hai ba ý lại để mà tưởng tượng: rượu rẻ tiền, dân nhậu cởi trần văng tục, và cô gái lăn mình vào đám ấy”.

Hiếu rầu chín ruột vì chúng nó nói hữu lý lắm, và vì thế mà nàng ngạc nhiên hết sức khi nghe ông khách tự xưng là đại diện của hãng sản xuất phim mà ông chủ nhơn có mặt hôm tuyển lựa hoa hậu. Tiếp khách riêng lần đầu trong đời nàng, khách lại là một thanh niên lạ, Hiếu bối rối lắm. Nàng quên cả mời khách ngồi. May sao ông ấy không cứ đứng đó mà đợi mời, và tự ngồi xuống một cách kín đáo và tự nhiên, làm cho nàng giựt mình nhưng khỏi phải mắc cỡ lắm.

-Thưa cô, hắn vào đề liền, hãng chúng tôi được xem khúc phim ngắn cô đóng. Thưa, cô đã tự nhiên một cách dễ gây cảm tình. Thưa, đã đẹp mà lại tự nhiên thì là rất đủ điều kiện làm một minh tinh màn bạc.

Hiếu không biết phải nói sao cho hợp với lời khai mào khôn ngoan đó, nàng mỉm cười và e thẹn cúi mặt xuống, tay mân mê trôn áo bà ba.

-Thưa cô, vì vậy mà hãng chúng tôi đến để đề nghị với cô một hợp đồng. Cô sẽ đóng trong một phim tình cảm xã hội, thủ vai chánh, với ca-sê phải chăng là một trăm năm mươi ngàn đồng cho trọn cuốn phim, độ chừng ba tháng là xong xuôi cả.

Mặc dầu nghe nói những con số một triệu Mỹ-kim, hai, ba triệu Mỹ-kim, Hiếu vẫn ngộp thở trước số tiền một trăm năm mươi ngàn đồng nầy. Nàng vẫn cứ cúi mặt làm thinh, mân mê trôn áo, nhưng lần nầy thì da mặt nàng tái chớ không ửng đỏ như nãy giờ nữa.

Người đại diện hãng phim, ngỡ nàng chê ít, giải thích:

-Cô đừng sánh với Âu-Mỹ mà chê đề nghị của chúng tôi. Xứ ta làm phim thường thì lỗ, bởi thiếu thị trường. Một trăm năm mươi ngàn đồng đã là một hy sinh lớn của bổn hãng vậy. Tính ra một tháng cô kiếm được không dưới năm vạn bạc, cao hơn lương của các công chức cao cấp nhiều lắm rồi đó.

-Tôi không có chê, Hiếu nói, nhưng để tôi tính lại xem sao.

-Cố nhiên. Cô cần suy nghĩ vài hôm, và tôi rất mong cô nhận lời.

Hắn đứng lên xin phép ra về. Hiếu quên tiễn hắn ra ngõ. Và, hắn vừa ra tới hàng hiên ngoài thì một người khách khác đến nơi, đã qua khỏi cầu ván rồi.

Người nầy thì Hiếu nhớ mặt. Đó là ông chủ hiệu may y phục phụ nữ. Ông ta hét từ ngoài sân:

-Chào hoa hậu.

Ông ta già, lại xấu người nên Hiếu ít sợ. Nàng đáp được ngay, lại biết pha trò nữa:

-Chào ông, ông đến để tặng tôi công may vài chiếc áo đó phải không?

Cố nhiên, miễn là cô tặng lại cho bổn hiệu một chữ ký! Hẳn đã vào đến nhà, và nói liền:

-Tìm nhà hoa hậu, tốn đến ba trăm bạc tiền xe.

Bấy giờ Hiếu mới nhớ lại việc tìm nhà nàng của họ và rất ngạc nhiên mà thấy sao ai cũng biết nhà nàng cả.

Ông chủ hiệu may mời:

-Cô cứ đến hiệu tôi may áo. Không ăn tiền ăn gạo gì đâu. Trái lại còn tặng thêm tiền cô nữa là khác. Tôi đến thăm cô để xin phép cô cho tôi để tên cô trong bài quảng cáo đăng báo của tôi. Để đáp ơn cô, bổn hiệu xin thù lao cô một số tiền nhỏ mọn là hai ngàn đồng.

-Ông dùng tên tôi bằng cách nào?

-Tôi xin đăng ảnh của cô, rồi dưới ảnh tôi ghi như vầy: Cô Bích-Lệ hoa hậu Bồ-Đào. Bích-Lệ chỉ may mặc ở độc một hiệu mà thôi, hiệu Chức Nữ, 875 đường Lê-Văn-Duyệt.

-Nhưng tôi có…

-Mặc kệ, cô may ở đâu tùy thích cô, có ai kiểm soát được đâu mà cô lo.

-Nhưng như vậy hóa ra nói láo sao?

Ông chủ hiệu Chức Nữ cười ngất rất lâu mới nói được:

-Cô thật là thuộc bài luân lý. Nhưng đâu có nói láo với ai, vì cô sẽ may mặc thật sự ở hiệu tôi mà! Mai nầy cô cứ đến, chọn hàng lụa, bổn hiệu sẽ tặng cô cả hàng lụa nữa.

Hai ngàn! Tiền bạc sao mà vô như nước! Mười ngàn giải thưởng, ba ngàn đóng phim rồi hai ngàn quảng cáo cho hiệu may nầy nữa! Mà có phải làm gì cho động đến móng tay đâu! Nếu mình đi làm, thì hổm nay chỉ lãnh được một tháng lương ngàn rưỡi. Thế là mình đã làm được mười tháng rồi đó.

Hiếu thấy rằng nên nhận ngay, vì nàng đã bắt đầu cần tiền. Từ hôm nghe Suzie bảo là không nên đi xe buýt, đi xe đạp, nàng ý thức về cái “thể” của nàng, và bắt đầu xê dịch bằng xích-lô đạp hay tắc-xi.

Vả, sau những buổi đi chơi trên xe hơi của bạn hữu của Suzie, Hiếu nghe ghiền xe hơi phần nào và thấy đạp xe đạp là một khổ dịch, qua những phố đông đúc và nguy hiểm.

Nàng quên rằng nhận lời cho đăng hình quảng cáo, tức là chường mặt ra cho thiên hạ biết thêm, mà càng chường mặt, càng không dám đi xe đạp, càng phải sử dụng tắc-xi, tức nàng cần tiền, mà cần tiền là bước vào con đường tối nguy hiểm rồi đó.

Ông chủ hiệu Chức Nữ ra về rồi, Hiếu thẫn thờ ngồi đó mà nghĩ vẩn vơ một hơi rồi trang điểm để đi tìm Lilie đặng hỏi thăm về cái hợp đồng mà hãng sản xuất phim đã đề nghị.

Bấy giờ mới có bốn giờ chiều, nhưng nàng vội vàng lắm, vì Lilie ngủ trưa dậy hồi ba giờ rưỡi, nàng biết rõ tật của cô bạn gần thân nầy, và dậy xong có thể bất thần đi tìm bạn đi ăn kem, đi xi-nê, hay đi mua sắm cái gì đó.

Ít bạn hữu, Hiếu không thể không gặp người mà nàng muốn tìm. Những cô gái mới khác không thắc mắc về điểm đó, người bạn nầy đi vắng là họ tìm người bạn khác.

Khi chiếc xe xích-lô đạp từ Nguyễn-Đình-Chiểu rẽ qua Bát-tơ, Hiếu tình cờ nhìn vào một căn nhà kia thì ngạc nhiên hết sức mà thấy Hoàng sắp bước ra đường. Cửa nhà đóng bên ngoài, ống khóa đang đeo giữa hai mí cửa.

Hai người bạn gái cùng thấy nhau một lượt nhưng trong khi Hiếu ngạc nhiên trố mắt nhìn thì Hoàng tươi cười đưa tay ngoắc bạn. Anh phu xích-lô tự động ngừng xe lại, chớ Hiếu thì quên mất tất cả, chỉ biết ú ớ muốn kêu, lại không kêu ra lời. Nàng lại quên cả việc trả tiền xe, và chạy băng qua đường khiến anh phu xe phải chạy theo hỏi:

-Cô xuống luôn hay ngừng lại một lát? Hoàng đáp thay cho bạn:

-Đây, anh lấy bốn đồng, bạn tôi chưa đi. Vừa nói, nàng vừa móc tiền ra đưa cho người phu.

-Hay là ta cùng đi nếu chị ra Sài-gòn? Hiếu nói.

-Không, chị ở đây, em vào chơi với chị!

-Chị ở đây?

Hoa Hậu Bồ Bào càng trố mắt to hơn khi nãy.

-Phải, chị ở đây. Chị đã chẳng nói với em là chị sẽ dọn đi nơi khác à?

-Nhưng sao lại…

-Sao lại dọn về đây à? Câu hỏi mới lẩn thẩn làm sao! Thì dọn về đây hay dọn về đâu, cũng thế thôi chớ.

Ý Hiếu muốn hỏi: “Sao chị về gần em mà không cho em hay. Em không ngờ ta lại được gần nhau như vầy”, nhưng bối rối quá, nàng hỏi một câu vô nghĩa.

Hoàng trở vào nhà, và bấy giờ Hiếu mới biết rằng khi nãy chính Hoàng đã khóa cửa mà đi, chớ lúc đó nàng ngỡ Hoàng tới thăm ai mà chủ nhà đi vắng.

Đây là một căn nhà lâu đời thấp lụp xụp, và ngói ống lợp nóc, rêu phủ xanh lơ. Nhưng khi cửa mở ra, Hoàng rất ngạc nhiên mà thấy bên trong được trang trí hực hỡ. Bỗng nàng đứng chết sững mà nhìn một bức ảnh chơn dung phóng đại treo trên tường. Bạn của nàng chụp ảnh chung với một người đàn ông cao niên, trạc năm mươi tuổi.

Hoàng đang bước bỗng nghe im lặng sau lưng, day lại thấy bạn không đi theo vì bận nhìn trân trối bức ảnh ấy, nàng giới thiệu:

-Ổng đó em à.

Hiếu biết người đó là chồng của Hoàng, không thể khác hơn được, nhưng cứ hỏi lại cho chắc ý:

-Ổng nào đó?

-Thì ông chồng của chị chớ ai.

Hoàng cười hóm hỉnh rồi lôi bạn vô buồng. Hiếu như một con hình nộm không hồn, bị kéo vào tới bên trong mà vẫn cứ thẫn thờ mãi.

Hoàng nhận tay lên vai bạn và cả hai cùng ngồi xuống ở một mép giường.

-Đi đâu đó cưng?

Cô gái Việt Ấn vừa hỏi vừa đưa bàn tay trái ra nâng cằm của Hiếu lên, vì nàng đang cúi gầm mặt xuống đất.

-Sao…

Hoàng cười ngất một hồi rồi hỏi thay bạn:

-Sao chị lấy chồng không cho em hay? Sao chị lấy chồng già dữ vậy? Có phải em muốn hỏi thế không?

-Cho hay làm chi, có làm đám cưới đám hỏi gì đâu. Còn ổng già à? Thì mặc ổng chớ? Làm sao thương ổng được hả? Chị đã bảo chị không thương ai được nữa hết, em quên rồi sao, trừ ra thương em của chị thôi.

Hoàng vừa nói vừa vuốt nhẹ lên tóc Hiếu và hỏi:

-Còn em, hai đứa yêu nhau đến đâu rồi?

Hiếu rất sợ câu hỏi đó mà chính nàng cũng không dám thầm đặt ra với mình. Lâu lắm rồi nàng không có đi thăm Trọng vì bận luôn, bận tới lui với bọn “thế hệ buồn nôn”, tới lui với bà Bồ Đào, và lơi thăm Trọng rồi sợ không dám đến, mà càng không dám lại cứ không dám thêm, mà nhứt là sao nàng không nghe ham đi thăm Trọng nữa.

Vì thế Hiếu đánh trống lấp nói:

-Thật em không dè chị như vậy. Hèn chi mà chị trốn em.

-Chị đâu có trốn, mới dọn về đây mấy hôm, chưa rảnh được thôi chớ! Em không dè chị làm sao lấy chồng già à? Lấy chồng già là cái tội à?

-Không là cái tội, nhưng thế là chị lấy chồng vì tiền.

-Em chỉ quan niệm được rằng phải lấy chồng vì tình? Hồi đó chị cũng quan niệm y như em vậy và về sau, có lẽ em sẽ quan niệm y như chị bây giờ.

-Thế là đời con gái của chị sẽ hỏng!

-Hỏng lâu rồi em à! Nhưng nếu nói không hỏng vẫn đúng. Ổng sẽ bỏ chị, và chị sẽ lấy chồng trẻ được như ai!

-Chị nói thật cho em biết đi, tại sao chị lại ưng ông già ấy? Hoàng cười rũ rượi rồi đáp:

-Chị trả thù giùm một người Ấn-Độ kia.

-Người ấy thù ai?

Đó là một người Ấn-Độ già. Ông ấy lấy một cô ca sĩ Việt-Nam rất trẻ đẹp làm vợ, tốn tiền rất nhiều với cô ấy, nên chị, gái Ấn-Độ, chị phải rút tiền của một ông già Việt-Nam để báo thù.

Nói xong, Hoàng lại cười ngặt nghẹo. Nhưng Hiếu cãi một cách nghiêm trang:

-Nếu có ai trả thù trong vụ nầy thì người đó là ông chồng của chị. Một ông già Ấn- Độ hưởng gái đẹp ta, thì một ông già ta phải hưởng gái đẹp Ấn-Độ cho công bình.

Nói chơi chớ đừng đụng chạm đến dân tộc. Chị là cái gạch nối liền giữa hai dân tộc ấy thì càng nên kính nể tình giao hảo của đôi bên.

-Em tính, chị không lấy chồng già làm sao được. 800đ một tháng lấy gì mà ăn?

-Tại chị đòi có 800đ thôi.

-Ừ, nhưng nếu chị đòi lương thường tức một ngàn rưỡi, vẫn không đủ ăn, mà họ lại không bao giờ cho chỗ làm.

-Hồi còn bà ngoại, chị không kiếm được 800đ ấy, thế mà…

-… Thế mà chị vẫn sống được? Đúng thế, nhưng chị phải gánh nước tưới cải, mà chị thì không thích gánh nước tưới cải tới già.

-Thủng thỉnh rồi lại khá lên chớ.

-Theo tiểu-ri thì thủng thỉnh sẽ khá lên. Nhưng theo thực tế thì ai tưới cải sẽ phải tưới cải trọn đời. Con sãi ở chùa thì quét lá da mà em! Em có bao giờ mơ ước khỏi gánh nước về đêm hay không?

Hiếu giựt mình. Quả có vậy. Từ khi chung đụng với xã hội bên ngoài, lắm lúc nàng ngẩn ngơ tự hỏi có phải là nàng khổ lắm hay không, cái khổ quen chịu đựng rồi xem như là không có, nhưng thảng đôi khi sướng được một lần thì thấy cái khổ ấy rõ lắm.

Đuối lý, Hiếu làm thinh, và lâu lắm, nhớ lại bài học nhà trường, nàng mới biện luận thêm:

-Con người phải ráng mà chịu khổ mới nên, mới sạch sẽ được. Cứ nói như chị thì xã hội càng ngày càng đồi trụy.

-Lấy một ông chồng già, sao lại làm cho xã hội đồi trụy hở em?

Bỗng, không rõ nhờ tia sáng nào lóe ra, Hiếu khám phá được một sự thật và to tiếng:

-Nhà không ai cả, không nấu nướng gì hết, ông ấy cũng không có mặt tại đây, thế nghĩa là không phải gia đình rồi. Em tin chị làm bé mà làm bé sạch lắm à?

Lần nầy, chính cô gái lanh lợi và giỏi ngụy biện kia đuối lý. Hoàng ngã người lên nệm, thở dài rồi gác tay lên trán mà làm thinh.

Mắng bạn xong, Hiếu hối hận hết sức. Nàng cũng nằm theo xuống với bạn rồi choàng tay qua bá lấy cổ Hoàng:

-Chị Hoàng, em đã lỡ lời.

Không, chị không dám giận em, em nói rất đúng. Nhưng em ơi, chị có muốn như thế nầy đâu. Chẳng qua vì chị rủi ro ý thức về một nếp sống của con người mà sức cần lao của chị không cho phép chị vói tới. Nếu chị không được đi học, cứ tưới cải trong vùng ông Tạ thì chị đã thủ phận được với kiếp tưới cây của chị rồi.

Bằng nầy chị đã thấy người ta sống sung sướng nên chị đâm ra tham vọng. Nhưng tham vọng lại không đi đôi với tài năng của chị, thành thử chị không lên được. Không lên được mà cứ muốn lên, hóa ra phải lên bằng lối của loại dây leo.

-Ông ẩy làm gì và ở đâu?

-Ổng là một thương gia thường lui tới hãng mà chị làm.

-Chị thôi làm rồi hả?

-Cố nhiên.

-Chị sắp đặt tương lai như thế nào?

-Không có sắp đặt gì hết. Chị tiện tặn để dành chút ít phòng khi ổng bỏ rơi chị, hay ổng có bị kỳ đà cản mũi thì chị sống được trong lúc tìm việc làm. Em uống cái gì em nhé!

Hoàng ngồi dậy đi lại vách, nơi có đặt một cái tủ lạnh mà Hiếu không để ý. Nữ chủ mở tủ lấy hai chai To-bi Cola, khui bằng cái mở nắp để trên đầu tủ rồi thọc vào đó hai ống sậy nhơn tạo.

Đây là mức sống của công chức cao cấp, của thương gia. Cô gái tưới cải trên đất ông Tạ muốn leo lên mức sống ấy, chỉ có thể leo lên bằng khả năng độc nhứt của nàng là sắc đẹp hấp dẫn của nàng thôi không làm sao khác được.

Hiếu nghĩ điều đó rồi lại nghĩ đến mình. Từ hơn tháng nay, nàng cũng đã hoài thai nhiều tham vọng lắm rồi, và cũng bắt đầu biết tiêu tiền. Đồng tiền lại kiếm dễ quá khiến cho có tiêu mười lần hơn ngày còn tay không, vẫn không thấy ngán. Nhưng một ngày kia…

Thôi, Hiếu không thèm nghĩ xa nữa, lo sợ mệt trí lắm. Và bấy giờ, nàng đã hiểu cho tình cảnh của bạn phần nào, nên rước lấy chai nước ngọt bằng bàn tay và tấm lòng bạn hữu.

-Chị ở đây, lại nhà em chơi thường chị nhé.

-Ừ, còn em, em cũng lại chị thường nhé. Mà đừng có cho má biết về chi tiết đời chị lúc sau nầy. Em hiểu chị, chớ má không thế nào chịu hiểu đâu.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: