Hoa hậu Bồ Đào (29)

Trong bữa ăn hôm ấy, nghe bà Trung vô tình và do một dịp tình cờ nào đó kể lại bao nhiêu cực khổ, bao nhiêu bực bội của người phải chịu cảnh sửa nhà, ông Trung và Hiếu mới hay biết hy sinh của các bà nội trợ ta. Ông chồng đi làm, con cái đi học, hoặc đi đóng phim như Hiếu đây, thì chỉ có người nữ gia chủ là phải gánh tất cả phiền toái do công việc sửa chữa gây nên.

Mái tôn được dỡ tốc ra, đóng mè trên nóc để lợp bằng ngói móc cho đỡ nóng và cát bụi trú ẩn đâu từ hồi nào trên đó không biết, đổ xuống bàn, xuống ghế xuống y phục máng nơi vách, xuống đầu xuống cổ chủ nhà, và sợ nhứt là nó đổ xuống những thức ăn bày ra nấu, hoặc vừa nấu xong.

Công việc gỡ vách ván mục để lên tường cũng làm bẩn nhà cửa, đồ đạc không kém và chỉ hửi bụi không cũng đủ no suốt mấy ngày ròng rã.

Mà đã xong đâu, thợ họ còn nện xà bần để lót gạch mà họ làm từng căn buồng một, mỗi lần như vậy phải khiêng vác tất cả bàn ghế ở buồng đó dời qua buồng khác cho trống chỗ.

Nhưng nếp nhà ấy bây giờ đã ra vẻ một cái nhà rồi, ngói móc mới đỏ lòm, tường trắng nõn, trần bằng giấy bồi isorel sơn dầu màu ngà, trông khá nhã và nhứt là nền gạch bông khác hẳn với nền đất nện âm ẩm lúc trước.

Mộng mua nhà lầu của Hiếu vẫn cứ là mộng, nên nàng đã nghĩ ra cách dồi phấn thoa son và tra giày vào cho nếp nhà cũ vậy.

Tiền chụp ảnh quảng cáo cho một hiệu vỏ xe hơi trình bày nàng mặc bơ-lu-dăng cỡi ngựa lên một chiếc vỏ cam-nhông hạng nặng đã đem lại cho quỹ gia đình mười lăm ngàn, thêm vào đó, lương đóng phim tháng đầu cộng với mớ tiền quảng cáo thuốc bổ, quảng cáo hiệu may lúc trước vừa đủ trả bao nhiêu vật liệu và công thợ sửa nhà, còn dư được chút đỉnh mua thêm một chiếc quạt máy Nhựt-Bổn, vài bộ chén bình uống trà.

Nếu vật dụng nhập cảng là dấu hiệu khá giả trong một gia đình thì nhà nầy bây giờ thật là khá giả vì đã sắm được rất nhiều nhập cảng hóa: son, phấn, máy thu thanh, máy may, quạt máy.

Ông Trung nâng nếp sống xa xí lên đến cái mức dùng ba bốn ống bíp một lượt, toàn là bíp hiệu Dunhim và Ropp.

Ông, bà lại đâm ra ghiền cải lương, tuần nào cũng đi coi hát, cho bỏ những ngày mà nằm nhà không có máy thu thanh để mà nghe ca; giờ thì nghe ca không đủ, phải thấy người nữa kia, thấy cô đào, anh kép màu mè, thấy được họ bi thương với nước mắt, với châu mày của họ.

Cũng tại cô Hiếu cả, cô đã báo hiếu bằng cách cho cha mẹ nếm mùi thời đại, thuê hai ba chiếc tắc-xi cho cả nhà đi vòng lớn vòng nhỏ, vòng xa lộ, vòng Phú-Lâm, vòng Nhà Bè, đã mua sô-cô-la cho em, thành thử bao nhiêu người trong nhà bỗng nhiên có thêm nhu cầu mới mãi.

Ông Trung, bà Trung là người cần kiệm quen nếp thế mà cũng không nghĩ đến ngày sau, vì tiền của Hiếu vô như nước, sánh với lương của ông Trung thì khác xa quá vì ông làm việc hai mươi năm rồi mà không mua nổi cái nhà cho sạch sẽ mà ở.

Tiền lại vào hoài, hết vụ ăn tiền nầy đến vụ ăn tiền khác, thì tại sao tiền lại không vô như vậy mãi chớ?

Cô minh tinh bây giờ mắc tiền quá, mắc y như cô Lilie. Nào quần nào áo, nào phẩm vật hóa trang, nào giày, nào xắc, nào tắc-xi mỗi lần bước ra khỏi nhà, nào ăn uống thù lao với bạn hữu, nào xi-nê hai bận trong bảy ngày, mà toàn đi giấc đêm ngồi thượng hạng, để khỏi mất mặt minh tinh, nào sửa tóc mỗi tuần, mà những thứ ấy toàn là tối cần cả, không bớt đi được thứ nào hết.

-Thôi thì cha con tôi biết công bà vậy.

Ông Trung nốc cạn ly bia, khà một cái dài, rất phỉ chí bình sanh rồi an ủi bà câu đó. Ấy, ông lại mang thêm tật mới là tật uống bia vào bữa ăn.

Ê-kíp Bạch-Thủ đã quay được một tháng hai mươi ngày rồi, và Hiếu sắp được lãnh lương tháng thứ nhì, nên cũng không lo lắm, mặc dầu hôm ấy nàng đã cạn túi. Tuy nhiên, trong giây phút nàng cũng thẫn thờ thoáng trông vào tương lai. Xem chừng không có ai đề nghị ký hợp đồng nữa, mà các hãng buôn thì không cần quảng cáo bằng hình phụ nữ cho lắm hay nói cho đúng ra, mỗi hãng có sẵn một cô gái đẹp đã ăn chịu với họ từ lâu về việc chụp ảnh quảng cáo cho hãng.

Thì ra cuộc đời không làm toàn bằng sung sướng, bằng dễ dàng, mà do sung sướng hợp với khó nhọc, do thanh thản hợp với lo âu.

Hiếu thoáng nghĩ đến ngày kia lại phải quảy thùng gánh nước đêm mà kinh sợ. Lên vui bao nhiêu, hãnh điện bao nhiêu thì xuống sẽ tủi hổ bấy nhiêu.

***

-Cô ấy à? Nói tôi đi vắng.

Trọng hỏi gằn người tùy phái như vậy.

-Dạ không, cô khác!

-Sao lại cô khác?

Chàng đã hỏi một câu ngớ ngẩn, tùy phái còn biết tại sao cô gái nầy lại đến thăm chàng. Số là chàng chỉ quen thân với một người thiếu nữ độc nhứt là Hiếu, chỉ chờ đợi có một mình nàng mà thôi, nên lấy làm lạ khi nghe một cô gái không phải là Hiếu đòi thăm chàng.

Chàng đã bảo người tùy phái nói dối với Hiếu là chàng đi vắng, nhưng khi anh nầy cho biết rằng đó là cô khác không phải là Hiếu, chàng thất vọng hết sức, muốn cự anh ta.

Trọng đinh ninh rằng Hiếu thế nào cũng trở lại làm lành và chàng sẽ nặng nhẹ bạn để bù cho bao nhiêu bứt rứt xốn xang mà chàng đã phải chịu. Rồi thì xí xóa và đôi hạn sẽ nối lại mối tình đầu bị một cơn sóng gió nho nhỏ thổi giạt đi một lúc.

Nhưng chàng đợi đã hai tháng rồi mà không thấy tăm hơi, không được tin tức gì của người yêu cả. Niềm đau của chàng to bằng tất cả niềm đau của bọn con trai đau khổ, nhập lại làm một.

Chàng hối hận quá đã chọc giận Hiếu. Chàng biết chắc rằng tội chàng nhỏ, và Hiếu vốn muốn dứt, chỉ chực có cơ hội để làm to chuyện thôi. Nhưng giá thử chàng khéo léo đừng tạo cơ hội cho Hiếu mượn cớ thì không sao nàng dứt được.

Như thế Hiếu sẽ yêu chàng gượng ép. Nhưng gượng ép còn hơn là Hiếu đi luôn.

Anh thơ ký riêng siêng năng, giỏi giắn của ông chủ bỗng biến thành một công nhân uể oải, làm đâu sai đó và quên trước quên sau, khiến ông nầy ngạc nhiên lúc đầu, và khi nhớ lại cô gái mà anh ta gởi gắm, ông ấy hiểu cả. Ông khuyên:

-Anh Trọng à! Tôi đã đau khổ như anh, hồi còn con trai mà là con trai nhà giàu, địa vị chủ nhân cầm chắc trong tay. Nhưng rồi cái gì cũng qua được. Anh nên tìm một mối tình khác, vì chỉ có yêu mới quên được cơn đau của tình yêu.

Trọng ngồi trầm ngâm rất lâu, đoạn đứng lên bước ra ngoài. Khi mới ra khỏi cửa, chàng chưa nhận ra cô gái ở ngoài đầu hành lang là ai. Nhưng bước được mấy bước là gương mặt rất quen của thiếu nữ Việt-Ấn làm cho chàng hồi hộp vô cùng.

“Có phải đây là con chim xanh do Hiếu gởi đến chăng?” Chàng tự hỏi và rất mừng vì dầu sao, chàng cũng sẽ biết được tin tức về Hiếu do người bạn thân nhứt của nàng mang đến.

-A, chị Hoàng lâu dữ!

-Ba thế kỷ rồi còn gì! Tôi đến để đòi nợ anh đây.

-Vậy hả, nợ gì?

-Nợ chỗ làm, anh đã hứa tìm chỗ làm giùm tôi.

-À, ơ… hơ… tôi có tìm nhưng chưa được.

-Mấy thế kỷ nữa mới có?

-Tội nghiệp mà chị, tại thời buổi khó khăn chớ không phải tôi thiếu thiện chí.

-Thôi được. Thế nào, mạnh giỏi chớ?

-Dạ, cám ơn chị. Chắc chị cũng mạnh như thường?

-Như anh thấy. Anh đi ra ngoài được không?

Hoàng chỉ hỏi lấy lệ và cứ xây lưng đi, như truyền lịnh cho Trọng phải đi theo, không được từ chối.

Trọng nối gót theo nàng và cả hai băng qua đại lộ Nguyễn Huệ.

-Sao phải đi xa như vầy chị?

-Vì tôi không muốn bạn đồng sở của anh thấy anh khóc.

-Tôi khóc, sao lại tôi khóc?

-Vì tôi sẽ nhắc chuyện Hiếu.

Trọng nửa mừng nửa lo. Chàng nói:

-Bây giờ tôi chỉ còn khóc thầm thôi. Sao chị biết chuyện Hiếu với tôi?

-Vì chuyện tình bí mật lắm nên ai cũng biết cả. Trọng càng sợ hết sức, hỏi:

-Ai, ai mà biết chuyện…

-Đừng có sợ quá mà đau tim. Nói chơi chớ không ai biết đâu mà lo, trừ tôi ra. Nầy anh Trọng, anh nên biết rằng nam nhân chi chí, phải can đảm, xem con gái như đồ bỏ nhé.

-Làm sao mà tôi dám vô lễ như vậy, chị khéo xui dại.

-Ấy, chỉ xem như thế trong bụng anh thôi, ngoài mặt phải làm bộ kính trọng họ dữ lắm.

-Tôi vì anh mà phản bội phái của tôi, nói ra bí quyết ở đời cho anh nghe đó.

-Nhưng chị muốn đi đâu?

-Đi qua vỉa hè bên kia.

-Không, tôi hỏi chị muốn đưa câu chuyện đến đâu.

Họ đã qua đi vỉa hè bên mép rạp xi-ne Nguyễn-Huệ. Hoàng cười mà rằng:

-Tụi mình có vẻ là trai gái hẹn nhau. Rạp chiếu bóng thường trực nào cũng nổi danh như thế cả.

Trọng mắc cỡ đỏ ửng cả mặt, cả tai.

-Nhưng tôi chỉ đến nơi hẹn hò thay cho bạn thôi. Nầy, tôi lãnh một sứ mạng hết sức khó khăn là mang trả ảnh mà anh đã tặng Hiếu.

Nhà cửa, người vật, xe cộ, bỗng mờ đi, và Trọng choáng váng như vừa bị ai đánh vào đầu một vố mạnh bằng chày vồ. Tay chàng run lẩy bẩy và Hoàng vịn lấy hai vai chàng khi thấy chàng lảo đảo muốn té…

-Can đảm lên anh à!

-Có ai thấy đàn ông con trai khóc hay chưa?

-Thật là kỳ cục và xấu xí đến buồn cười, chớ không phải như phụ nữ, họ cười rất dễ yêu, mà khóc thì lại còn dễ mê mệt hơn nữa.

Trọng mếu cái miệng méo xẹo, khóc không ra tiếng, mà nước mắt cũng không có lấy một giọt, y như là khóc giả. Nhưng ai mà biết câu chuyện như Hoàng đây chẳng hạn thì sẽ thấy được rằng chàng đang cố nén sự uất hận. Uất hận tuy chỉ là tình cảm mà nó lại căng thẳng những bắp thịt từ tim người lên đến mặt. Những bắp thịt ấy như bị bơm hơi vào và chực nổ tung ra.

-Can đảm lên anh à!

Hoàng không sợ xấu hổ gì cả, buông vai Trọng ra rồi ôm lấy lưng chàng, khiến cho người qua đường công phẫn hết sức, ngỡ họ mùi với nhau giữa nơi công cộng.

Trọng như rặn ra tiếng khóc, và chàng nghe nhức trong hai lỗ tai như vừa lặn dưới nước nhiều phút liên tiếp. Khóc lớn ra được là dễ chịu, nhưng không sao chàng có thể khóc lớn cả vì niềm uất hận quá to.

Hoàng cố dịu dàng trong lời nói, trong cử chỉ như một người chị thương em, nhưng cũng bất lực và chỉ đợi cho niềm đau của Trọng dịu lần thôi.

Bỗng Trọng khóc lớn lên được một tiếng rồi khóc oà. Hoàng mừng rỡ biết rằng nồi súp-de đã xì bớt hơi, và đợi một lát nữa thì quả nhiên Trọng nói được.

-Tôi đau khổ lắm chị Hoàng ơi!

-Ừ, thì cứ mà đau, rồi thì nó sẽ hết.

-Tôi thề quyết trọn đời không yêu ai nửa cả, mà cũng chẳng buồn đánh bạn với cô gái nào khác nữa.

Hoàng cười giòn lên và nói:

-Mấy anh thất vọng vì tình, không biết học ở sách nào mà anh nào cũng thề y hệt như nhau, nhưng rồi anh nào cũng cưới vợ hoặc có nhơn tình. Thế anh không đánh bạn với tôi nữa sao?

-Chị thì khác, tôi trừ chị ra.

-Cám ơn. Nè, Hiếu nó cũng khổ lắm đấy nhé chớ không phải là vui sướng gì đâu. Trọng lại hy vọng, lắng tai nghe và hỏi:

-Hiếu bị gả ép về nơi khác à?

-Không. Nó chỉ yêu người khác thôi.

-Yêu người khác? Trời ơi! Con người…

Mặc dầu đã đoán biết phần nào sự tình như vậy, Trọng vẫn công phẫn và kêu lên sự bất bình, sự khinh bỉ của chàng.

-Thì có gì. Ai cũng có quyền đổi ý chớ. Vả lại nó chưa có gì với anh.

-Trời, con người gì mà…

-Anh đừng có mạt sát nó lắm. Ai cũng phải sống theo sở thích mình chớ. Nó đã thương xót anh, đã do dự rất lâu, thế nghĩa là nó cũng là một đứa khá lắm.

-Khá lắm! Khá lắm! Huyện binh huyện, phủ binh phủ.

-Anh Trọng nè, nên biết điều một chút. Bỏ xó nó một nơi, nói chuyện về anh cái đã. Nó là hoa hậu, là minh tinh màn ảnh. Nó giao thiệp với giới sang trọng giàu có. Anh thử tưởng tượng nó và chồng nó được mời dự một dạ hội của giới phú hào. Anh chàng thơ ký của nó sẽ tủi thân hay chăng khi mà bao nhiên tân khách đều ở trong hàng ngũ chủ nhơn của anh ta?

-Nhưng chúng tôi sẽ ở trong hàng ngũ của chúng tôi, không thèm đi dự dạ hội nào cả.

-Hàng ngũ của chúng tôi làm sao được, vì cô minh tinh lại thuộc hàng ngũ bên kia.

-Nếu nàng yêu tôi thì nàng sẽ hy sinh, và an phận trong hàng ngũ của tôi.

-Anh có cái gì hơn người mà bắt một cô gái như Hiếu phải hy sinh đời của nàng?

-Tôi có một tấm lòng…

-A ha… hay lắm, như là tiểu thuyết, hay tuồng hát vậy. Nhưng cái tấm lòng của anh, người khác cũng có. Một nếp nhà tranh, một quả tim vàng thì quí, nhưng một ngôi nhà lầu, một quả tim vàng cũng quí đó chớ.

-Làm sao mà trong một ngôi nhà lầu lại có một quả tim vàng được?

-Sao lại không?

-Nhưng nếu thế, ai bảo nàng nhận lời tôi. Tôi có ép buộc nàng đâu, có dụ dỗ nàng đâu.

-Anh không ép. Chính nó đã tự ý yêu anh. Và bây giờ nó tự ý không yêu anh nữa thì anh cũng chớ nên ép nó tiếp tục phải yêu anh.

Tôi mến anh lắm, thương cho niềm đau của anh lắm, nhưng tôi không thể trách móc nó được. Tôi nói theo lẽ phải, chớ không phải là huyện binh huyện như anh vừa nói đâu. Anh Trọng nè, còn một món quà kỷ vật nữa mà nó đã đánh mất rồi, không thể trả anh được, là ông Phật chạm trên hột cà-na. Tôi làm chứng rằng nó đã đeo tượng ấy nơi cổ, rất quí trọng món trang sức đó, nhưng rủi ro sợi dây chuyền đứt hồi nào nó không hay…

-Trời, thế mà Hiếu thề rằng quyết giữ đến lúc đầu bạc răng long.

-Thì nó quyết giữ chớ sao, nhưng sự rủi ro, ai ngăn được. Anh biết giùm cho nó chỗ ấy. Nó nhắn lời xin lỗi anh. Tôi thì tôi thấy rằng đó là điềm trời, khiến hai người phải xa nhau.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: