Minh họa: fabrice-villard-unsplash

Gần hai thế kỷ đã trôi qua, nạn kỳ thị chủng tộc đã bị xóa bỏ trên văn bản, nhưng thật ra vẫn còn âm ỉ hay ẩn náu trong những cuộc xung đột xã hội dù cố ý hay vô tình.

Trong bài diễn văn bất hủ “Tôi có một giấc mơ” của Martin Luther King vào ngày 28 tháng 8 năm 1963, ông đã nói:

“Một trăm năm trước đây, một người Mỹ vĩ đại (Tổng thống Abraham Lincon) đã ký bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Nhưng một trăm năm sau, những người da đen vẫn chưa được tự do… Một trăm năm sau, người da đen vẫn nghèo đói, bị phân biệt, bị lưu đày trên chính mảnh đất quê hương của họ… Mặc dù phải đối mặt với nhiều gian nan thử thách hôm nay và ngày mai, tôi luôn ôm ấp một giấc mơ – mơ nước Mỹ là một quốc gia mà mọi người không phân biệt màu da đều được quyền bình đẳng”…

Giờ đây vào năm 2023, gần hai trăm năm sau cuộc nội chiến tương tàn (1865), dân da màu sống trong nước Mỹ vẫn còn lên tiếng: “Chúng tôi vẫn ôm một giấc mơ”… Tệ nạn “ Thù ghét người da màu” vẫn còn xảy ra trong những xung đột xã hội, qua những vụ bị bắn giết, đánh đập, xua đuổi…!

Những sự kiện lịch sử luôn là những nhân chứng hùng hồn nhất, nạn phân biệt chủng tộc được tồn tại lâu đời và đã định số phận của nhiều người qua bao thế hệ.

Trong tác phẩm “Hãy để ngày ấy lụi tàn” (Let the day perish -1952) Gordon Gerald đã lên án mạnh mẽ nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Trong một phiên tòa, bị cáo nói: “Sống trong một thế giới đầy thành kiến về màu da, tôi và em trai tôi đã bị kết án từ khi chúng tôi vừa lọt lòng mẹ. Giờ đây các ngài có tha bổng tôi thì bản án kia cũng vẫn còn hiệu lực, nó sẽ còn hiệu lực cho đến ngày tôi nhắm mắt xuôi tay rời khỏi thế giới này”.

Phải chăng màu da của một đứa bé sơ sinh là cái tội mà nó phải gánh chịu trong đời?

Kate Chopin (1850-1904) đã viết truyện ngắn Désirée’s Baby (1893). Kate Chopin sinh ra và lớn lên trong thời nội chiến ở Hoa Kỳ (1861-1865), bà biết rõ sự xung đột đã gây nên cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc, chế độ nô lệ và nạn kỳ thị chủng tộc. Dù đã hơn trăm năm, câu chuyện của Kate vẫn đi vào lòng người…

Minh họa: katerina-kerdi-unsplash

Hôm nay là một ngày đẹp trời, bà Valmonde vui vẻ, háo hức đánh xe đến L’Abri thăm Désirée và đứa con mới sinh. Bà bật cười khi nghĩ đến Désirée và đứa bé. Thấm thoát Désirée mới còn là đứa trẻ thơ mà giờ đây đã tay bế tay bồng. Bà nhớ lại lúc chồng bà nhặt được Désirée dưới bóng cây cột đá hoa trước cổng trang trại Valmonde. Ông bế con bé lên làm nó thức giấc và bập bẹ gọi “Đa… đa” thật dễ thương. Vài người cho rằng con bé bị đi lạc vì ở khoảng tuổi đang chập chững biết đi. Một số người khác thì tin rằng con bé bị bỏ rơi bởi một nhóm di dân vùng Texas, lúc họ gồng gánh kéo nhau băng ngang qua Louisiana bằng phà ở Coton Mais, miệt dưới của những đồn điền trồng bông vải.

Bất chấp mọi giả thuyết hay dị nghị, Désirée được coi như một món quà quý báu, một ân huệ thiêng liêng mà Thượng đế đã ban tặng cho vợ chồng Valmonde vì bà bị hiếm muộn, không thể sinh con. Thế rồi, con bé lớn lên thật xinh đẹp, dịu dàng, nhân từ, được mọi người yêu mến, tôn sùng như một vị nữ thần khả ái của Valmonde.

Mà cũng thật kỳ diệu, mười tám năm sau, Désirée cũng nằm ngủ ngay dưới cái bóng cây cột đá hoa đó khiến Armand Aubigny mới nhìn thấy đã đem lòng si mê. Đó thật là cái tình yêu cuồng nhiệt của dòng họ Aubigny, tựa như một cú sét đánh, một mũi tên xuyên thấu tim khi họ yêu. Và một điều kỳ diệu nữa là sao Armand không biết Désirée trước đó, thuở còn bé thơ? Vì khi bà mẹ qua đời tại Paris, nước Pháp, ông bố mới đem Armand về Mỹ nuôi nấng.

Lần đầu tiên Armand gặp Désirée ở cổng trang trại Valmonde, sao mà cái cảm xúc yêu mê, say đắm lại lẹ làng, mạnh mẽ đến thế! Nó dữ dội như những đụn băng tuyết lở, sôi sục như những đám cháy rừng và bạo cuồng như những đợt sóng thần mà không gì ngăn cản nổi!

Ông Valmonde thật thà nói rằng ông không biết rõ cội nguồn của Désirée, ông chỉ nuôi dạy và thương yêu cô bé. Armand vì quá yêu mê nên không cần quan tâm đến dòng tộc của Désirée. Anh cũng được ông Valmonde nhắc nhở là Désirée cũng không hề biết gì về gốc gác, gia phả của chính mình. Armand cũng không cần biết đến, vì khi cưới Désirée anh sẽ cho nàng mang cái tên Aubigny, một dòng dõi thượng lưu, quý phái được trọng vọng ở Louisiana. Armand đã đặt mua đồ cưới từ Paris và phải nén lòng chờ đợi mọi thứ gửi đến mới được làm lễ thành hôn với Désirée.

Đã bốn tuần trôi qua, bà Valmonde chưa gặp Désirée và đứa bé. Cũng như mọi lần, khi vào đến L’Abri, bà chợt rùng mình vì khung cảnh ở đây sao buồn thảm thế! Bao nhiêu năm qua không ai được biết mặt bà chủ, người vợ yêu quý mà Aubigny cưới và đã chôn cất ở Paris. Bà yêu quê hương của bà đến nỗi không bao giờ muốn rời xa, dù chỉ một lần đến thăm quê chồng.

Xa xa, một tòa nhà quét vôi vàng với những ban công xây quanh, mái nhà thì đen ngòm nhìn như chiếc nón trùm đầu trên chiếc áo dòng của tu sĩ. Hàng cây sồi già mọc trước nhà vươn những cành lá to và dày tạo bóng mát nhưng dáng nhìn ủ rũ, buồn rầu làm sao! Con trai của Aubigny tuy trẻ tuổi, nhưng áp đặt những luật lệ rất hà khắc với những người nô lệ da đen trong trang trại khiến họ luôn nhớ đến những niềm vui khi xưa lúc Aubigny cha còn sống; vì ông thật rộng rãi, nhân từ và khoan dung.

Bà mẹ trẻ từ từ hồi sức sau khi sinh nở, Désirée cảm thấy thư thái, dễ chịu ngả mình trên chiếc ghế trường kỷ. Nàng xinh đẹp, thanh thoát trong cái áo lụa trắng mỏng manh với ren rua mềm mại. Đứa bé trai nằm trên tay, mặt áp vào vú mẹ êm ấm ngủ say sưa. Người vú nuôi ngồi bên cửa sổ đang phe phẩy cái quạt lông công.

Bà Valmonde đến bên Désirée cúi xuống âu yếm ôm hôn nàng và quay qua nhìn đứa bé con.

“Ô! thằng cu con… sao lạ vậy?!” bà thảng thốt kêu lên. (Thời đó ở trang trại Valmonde, Louisiana người ta nói tiếng Pháp).

Désirée cười nói: “Con biết mẹ sẽ ngạc nhiên lắm! Càng lớn, nó càng giống con heo sữa! Mẹ nhìn cái chân, cái tay nó kìa và cả cái móng tay nữa… nó có móng tay đó! Mẹ coi, Zandrine đã cắt móng tay cho nó sáng nay, có phải không Zandrine?

Zandrine cúi đầu nói: “Thưa bà, đúng đấy ạ!”

Désirée lại nói tiếp: “Nó khóc ré lớn lắm! Armand có thể nghe từ xa, vang tới tận căn lều của La Blanche.”

Bà Valmonde không rời mắt khỏi thằng bé. Bà bế nó lên và đi ra phía cửa sổ thật sáng để nhìn cho rõ. Bà quan sát đứa bé thật tỉ mỉ, rồi bà nhìn Zandrine như muốn dò hỏi: “ Nó giống ai mà sao da nó lại xạm đen như phơi nắng ngoài cánh đồng bông vải vậy?”

“Đúng, thằng bé lớn và có thay đổi”. Bà Valmonde vừa nói, vừa nhẹ nhàng đặt đứa nhỏ vào lòng mẹ nó. “Thế, Armand có nói gì không?”

Nghe bà Valmonde hỏi, Désirée với vẻ mặt rạng rỡ tươi cười nói:

“Ô, Armand hãnh diện và vui sướng được làm cha, con tin là vì anh ấy có con trai, nó sẽ mang tên họ của nhà Aubigny. Mà anh nói nếu nó là con gái thì vẫn thương yêu. Nhưng con biết không phải vậy đâu, anh nói để con vui lòng thôi. Mẹ biết không…” Nàng nói thêm và ra dấu cho mẹ cúi sát bên mình để thầm thì… “Anh ấy không trừng phạt một ai cả, từ lúc có baby. Ngay cả Negrillon giả vờ bị phỏng cái chân để nghỉ ở nhà, con lo sợ cho nó, vậy mà Armande chỉ cười xòa nói Negrillon là thằng ‘giả vờ’ rất giỏi đó!… Ô, mẹ ơi, con thấy vui lắm!”

Désirée nói đúng, cưới vợ và rồi sinh được đứa con trai kháu khỉnh, dễ thương đã khiến Armand bớt kiêu căng, hống hách và độc đoán. Những thay đổi này làm nàng Désirée hiền lành, nhân từ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và hết lòng yêu chồng. Khi chồng cau có, nàng run sợ nhưng vẫn yêu chồng. Khi chồng mỉm cười, nàng cảm thấy như một ơn huệ Chúa đã ban cho, bởi vì khuôn mặt đẹp trai, rắn rỏi của Armand đã bớt cau có, nhăn nhó từ ngày gặp và yêu nàng.

Nhưng khi con được ba tháng tuổi, Désirée cảm thấy như có một bầu không khí rất ngột ngạt đang đe dọa sự yên ấm của hai mẹ con nàng. Ban đầu nó mơ hồ không rõ…! Một nỗi băn khoăn lo lắng với một bí ẩn đang được xầm xì bàn tán trong đám nô lệ, rồi những cuộc thăm viếng bất ngờ từ những người hàng xóm ở rất xa đến. Mà tệ hại hơn nữa là thái độ của chồng thay đổi một cách đáng sợ khiến nàng không dám hỏi lý do.

Khi Armande nói chuyện với nàng thì đều ngoảnh đi nơi khác chứ không còn âu yếm, trìu mến nhìn nàng nữa. Armand thường xuyên vắng nhà, nếu ở nhà thì cũng vô cớ tìm cách tránh mặt nàng và đứa bé. Thê thảm hơn nữa, Armand đối xử với những người nô lệ trong đồn điền một cách tàn bạo và độc ác như quỷ Satan. Désirée đã đau khổ chịu đựng mọi việc xảy ra và nàng hoang mang lo sợ.

Vào một buổi trưa nóng nực, nàng ngồi trong phòng, khoác chiếc áo choàng voan mỏng, nàng đưa tay vén vài sợi tóc mây trên trán, mái tóc nâu vàng óng ả chảy mượt mà trên đôi vai nõn nà. Con nàng, đứa bé trai ở trần đang nằm ngủ trên chiếc giường gỗ cẩm lai chạm trổ, sang trọng, uy nghi như một ngai vua với màn che trướng phủ. Bỗng nhìn lại, nàng bắt gặp thằng bé con lai của La Blanche (nó mang 1/4 dòng máu da đen), nó cũng ở trần, đang đứng gần cầm cây quạt lông công phe phẩy cho con của nàng. Nàng lơ đãng và buồn bã nhìn con, cố xua đuổi một cảm giác buồn thảm đang nhen nhúm vào lòng.

Nàng nhìn đứa con của mình rồi lại nhìn thằng bé con lai, cứ thế nhìn qua, nhìn lại. “A!” hiểu rồi, nó hiển nhiên như vậy mà sao nàng không nghĩ ra?! Nàng cảm thấy lạnh người và dường như có một lớp sương mù lạnh lẽo đang vây phủ quanh nàng. Nàng nghẹn ngào muốn nói chuyện với thằng bé lai kia, nhưng không thốt thành lời. Bất chợt thằng bé nghe ai gọi tên mình, nó nhìn lên, bà chủ đã chỉ tay ra hiệu cho nó đi ra cửa. Nó nhẹ nhàng để cây quạt lông công xuống và ngoan ngoãn, rón rén đi ra cửa để khỏi đánh thức đứa bé đang ngủ.

Désirée ngồi bất động, nhìn chằm chằm vào đứa con, mặt nàng đầy nét sợ hãi! Vừa lúc ấy, Armand bước vào phòng, không thèm để ý đến vợ, anh đi thẳng vào bàn giấy và lục lọi tìm kiếm một số giấy tờ.

“Armand”, nàng gọi tên chồng với giọng như nhói vào tim, nhưng anh không nghe. “Armand”, nàng gọi nữa. Nàng nhỏm người và loạng choạng tiến về phía chồng “Armand”, tim nàng đập nhanh, nàng níu tay chồng, “Anh nhìn con chúng mình. Như vậy là sao? Nói cho em biết đi.”

Armand lạnh lùng gỡ và hất tay vợ ra. “Hãy nói cho em biết, như vậy nghĩa là sao?” Désirée khóc nức nở, đau khổ…!

Armand nói nhỏ: “Có nghĩa là thằng bé không phải da trắng và… có nghĩa là cô cũng không phải dân da trắng.”

Một lời buộc tội quá đáng khiến Désirée can đảm phủ nhận ngay: “Đó không phải là sự thật, em là dân da trắng! Nhìn tóc em đây, nó màu nâu, mắt em mang màu xám. Armand, anh vẫn yêu nhìn đôi mắt màu xám của em mà, da em cũng trắng ngần”. Nắm lấy cổ tay chồng “Anh nhìn đi, tay em còn trắng trẻo hơn tay anh nữa mà Armand.” Rồi nàng cười trong đau khổ, tức tưởi.

“Ồ, lại cũng trắng như La Blanche chứ gì!” Armand tàn nhẫn trả lời rồi quay ngoắt bỏ đi. (La Blanche là cô gái lai có làn da trắng muốt nhưng mẹ lại là người nô lệ da đen).

Désirée tê tái trong lòng. Nàng vội viết thư cho bà Valmonde:

“Mẹ ơi, họ nói con không phải là dân da trắng. Armand cũng nói như vậy. Lạy Chúa, hãy nói với họ đó không phải là sự thật. Mẹ cũng biết là không đúng mà! Mẹ ơi, con muốn chết, con phải chết thôi, con không thể sống mãi trong buồn khổ được đâu!”

Bà Valmonde trả lời thư thật ngắn gọn:

“Désirée con yêu của mẹ, hãy trở về nhà, trở về Valmonde với mẹ, mẹ luôn thương yêu con. Hãy ẵm cháu về với bà nữa nhé!”

Khi nhận được thư của bà Valmonde, Désirée đem đến cho chồng đọc, nàng để lá thư trên bàn. Rồi nàng ngồi chết trân như tượng đá,… bất động và tái nhợt. Armand im lặng, lạnh lùng đọc lướt qua lá thư, rồi không nói lời nào.

“Em có thể đi được không, Armand?” Nàng hỏi với một giọng rõ ràng nhưng lòng hồi hộp chờ đợi.

“Được, đi đi!”

“Anh có muốn em đi không?”

“Muốn, tôi muốn cô đi cho khuất mắt!”

Armand cảm thấy cay đắng và chua chát nghĩ rằng đấng toàn năng đã quá tàn nhẫn và không công bằng tí nào. Dù sao đi nữa hắn cũng đã trả đũa lại bằng cách đập thẳng vào trái tim đang đau khổ của vợ mà dằn vặt cho hả giận. Vả lại, hắn không còn yêu vợ nữa, hắn mang nỗi hận lòng đã cưới nàng về làm vợ và cho nàng mang cái tên đẹp đẽ, đầy danh vọng của giòng họ Aubigny. Nàng mang một dòng máu nô lệ da đen trong người mà hắn không biết.

Désirée đau đớn quay đi như bị một cú đấm mạnh vào mặt, nàng lặng lẽ bước về phía cửa với hy vọng là chồng sẽ gọi nàng trở lại.

“Tạm biệt Armand”, nàng nói như kêu van.

Armand vẫn im lặng. Đây là cơ hội cuối cùng nếu hắn muốn làm hòa với vợ, nhưng lòng hắn đã lạnh lùng, thờ ơ.

Désirée đi tìm con, Zandrine với đứa bé đang hóng mát ngoài ban công. Nàng đón con từ tay người vú nuôi không một lời giải thích, rồi nàng ôm con bước đi khuất dưới bóng những cây sồi già.

Đó là một buổi chiều Tháng Mười, mặt trời vừa ngã bóng, những người nô lệ còn đang bận rộn lo thu hoạch bông vải ngoài cánh đồng. Désirée vẫn mặc chiếc áo choàng mỏng, chân đi dép, tóc nàng buông lơi, nắng chiều làm ánh lên những lọn tóc đẹp mượt mà. Nàng không đi ra con lộ chính, lối về trang trại Valmonde mà lại băng ngang qua cánh đồng hoang, nơi có nhiều gốc rễ, bụi gai và cỏ dại mọc um tùm. Nàng bế con đi sâu mãi vào trong đám lau sậy của đầm lầy, của chốn rừng thiêng nước độc mà không thấy trở ra…!

Vài tuần sau đó, một sự kiện xảy ra tại L’Abri khiến nhiều người tò mò. Ở giữa sân sau nhà, Armand ngồi bên đống lửa lớn, chung quanh khoảng nửa tá nô lệ theo lệnh của ông chủ, có nhiệm vụ giữ cho đám lửa cháy sáng rực.

Một cái nôi nhỏ, xinh xắn, bị bỏ vào dàn thiêu cùng với quần áo, tã lót, nón đội, găng tay… của trẻ sơ sinh. Và tất cả những quần áo bằng nhung gấm, lụa là, ren rua thật quý hiếm dành cho giới thượng lưu, giàu có… Cái vật cuối cùng cho vào đốt là một tập thư, đó là những lá thư mà Désirée gởi cho Armand suốt thời gian yêu nhau và đính hôn. Sau cùng còn sót lại một lá thư nằm kẹt dưới đáy ngăn kéo, Armand cầm lên… nhưng không phải thư của Désirée, lá thư rất cũ kỹ mà mẹ ruột của Armand đã viết cho cha hắn. Armand mở ra đọc:

“Anh yêu, em hằng tạ ơn Chúa đã ban cho em một người chồng luôn thương yêu, che chở, bảo vệ em. Nhưng trên tất cả mọi sự tốt lành, ngày lẫn đêm em thầm cầu xin Chúa thương xót che chở cho Armand, con của chúng ta. Nó sẽ không bao giờ biết rằng người mẹ sinh ra nó, yêu thương nó, mang dòng máu của một người nô lệ da đen.”

_____

Nhã Duyên dịch

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: