Vong hồn

TRUYỆN NGẮN
Minh họa: ganapathy-kumar-unsplash

Vào ngày Rằm tháng Bảy, ngày “cúng cô hồn” hay “xá tội vong nhân”, người ta thường cúng và cầu nguyện cho những vong hồn vất vưởng, lang thang, đói khổ. Cầu xin cho những linh hồn bơ vơ, tội nghiệp này sớm được an vui nơi cõi vĩnh hằng.

Hân chưa bao giờ thấy ma, nhưng rất sợ ma. Hân nghĩ đó chẳng qua là cái sợ thường tình của nhi nữ thôi. Nhưng câu chuyện ma mà Hân chứng kiến nó chẳng “thường tình” tí nào. Lúc ấy, Hân mười chín tuổi, đã đủ già làm người lớn và cũng đủ lớn để giã từ tuổi thơ ngây… Hân lặn lội về miền Tây, can tội “vượt biên trái phép” và bị tống giam vào Khám Lớn Vĩnh Long, ở chung với những người bị tội hình sự. Sống trong tù với đầy lo âu và sợ hãi, không dưng Hân lại để ý mà động lòng thương hại bà Tư Thó. Có thể vì bà mang cái tội “lành” nhất trong cái đám “ác”.

Bà Tư Thó là người Việt gốc Hoa, theo cha lưu lạc qua Việt Nam lúc mới lên ba. Nghe đâu cha bà rất giàu có vì làm chủ nhiều sòng bài ở bên Tàu, không biết lý do gì phải trốn qua Việt Nam. Tuy “lánh nạn” nhưng ông vẫn làm ăn lớn ở thị xã Vĩnh Long và nuôi con gái trong lầu son, gác tía. Lấy ông Tư nên người ta gọi bà là Tư Thó, chồng bà trở thành “phò mã” của ông vua cờ bạc. Bà Tư sống an vui, hạnh phúc trong nhung lụa với chồng và hai người con: một trai, một gái.

Nhưng cuộc đời bà Tư bước sang một khúc rẽ buồn thê thảm khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng sản. Sòng bài bị nhà nước tịch thu, cha và chồng bị vào tù vì can tội “đồi trụy, phản động”. Để khảo của, cha bị đánh chết trong tù, chồng được thả ra nhưng rồi cũng chết bởi nghiện ngập, bịnh tật. Bà Tư bơ vơ, hụt hẫng vì xưa nay luôn dựa dẫm vào cha và chồng. May mắn, bà còn giấu được nhiều của cải nên vẫn sống ung dung, mở sòng bài “chui” để vừa được vui chơi vừa kiếm tiền.

Nhưng với những trận càn quét, xóa bỏ tệ nạn xã hội để xây dựng cuộc sống mới, bà Tư bị bắt nhốt vào Khám Lớn. Thấm thoát đã hai mùa xuân, con vẫn đều đều thăm nuôi, nhưng mấy tháng nay bà Tư trông ngóng mãi vẫn không có tin tức gì. Bà thắc mắc lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra khiến các con không còn thăm nuôi mẹ?

Hân đoán bà Tư Thó khoảng trên dưới sáu mươi, người đẫy đà, cử chỉ rất khoan thai, từ tốn. Tuy có tuổi nhưng nét đẹp vẫn còn đọng lại trên đôi mắt xênh xếch, sóng mũi cao và cái miệng móm duyên với làn da trắng hồng dù đã nhăn nheo theo năm tháng. Lúc trẻ chắc hẳn bà là một cô gái đầy nhan sắc với đôi bàn tay búp măng chia bài, xòe bài thật điêu luyện. Đúng là đôi bàn tay chỉ thích an nhàn, hưởng thụ thì khó mà sống sót ở một xứ sở luôn coi “lao động là vinh quang”.

Mỗi tối, sau khi ăn và tắm rửa, dọn dẹp chỗ để ngủ, bà Tư thường chơi bài một mình. Dường như lúc đó chỉ có bà với những quân bài chứ không còn gì khác nữa. Những lá bài đã sờn mòn không còn thấy rõ hình chữ, nhưng bà vẫn miệt mài, say mê chơi. Bà Tư có nhã ý rủ Hân chơi bài nhưng Hân không biết đánh tứ sắc. Những bạn tù khác cho rằng Hân rất “đặc biệt” khi bà Tư mời đến “nhà” ngồi chung chiếu với bà. Trong phòng, nếu ai đi ngang qua, lỡ đạp chân vào chiếc chiếu là coi như chuyện không nhỏ, vì đó là “vùng cấm địa” thiêng liêng của Tư Thó đừng ai “mó” tới.

Vào những ngày thăm nuôi, bà Tư luôn lắng nghe và mắt hướng về những giỏ đồ, đôi mắt rũ buồn thất vọng khi chiếc giỏ cuối cùng không phải tên của bà. Khi cửa phòng tù đóng lại là lúc bà òa khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc.

Hân hay dỗ dành, an ủi và chia sẻ ít quà bánh nên bà Tư có vẻ mến Hân. Một buổi tối, bà rủ Hân đến “nhà”, rồi đưa ra một bộ bài Tây, nói Hân “xốc” bài, bà sẽ “xủ” cho Hân một quẻ. Thường nghe nói “thầy bói nói láo ăn tiền”, nhưng Hân ngoan ngoãn ngồi im lặng nhìn bà Tư xếp bài, lẩm bẩm đọc thần chú rồi cầm bàn tay Hân coi, bà nói:

-Số bây thân cư phu, sống thong dong, an nhàn nghen. Nè, bây tin Tư đi, Tư nói trúng lắm! nhớ lời Tư nghen.

Hai tuần sau đó, bà Tư lại xủ cho Hân một quẻ bói nữa.

-Bây lại đây, Tư thấy sắc mặt bây đang hên đó nghen.

Chiều ý bà Tư, Hân ngồi xuống chiếu, bà xếp bài và thầm thì bên tai Hân:

– Bây sắp được dìa nhà rồi, gần lắm!

Nghe bà Tư nói dù đúng hay không Hân cũng mừng thầm trong bụng, cầu cho quẻ bói linh ứng!

Lại là ngày thăm nuôi, bà Tư vẫn chăm chú nhìn những giỏ đồ và lắng nghe chị trưởng phòng Lê Mão gọi tên… Lại âu sầu, buồn bã khi cửa phòng tù khép lại, bà Tư ôm mặt, gục người xuống chiếu khóc cho đến khi mệt lả. Những người bạn tù khác dường như đã quen với cảnh tình của những người tù “con bà phước” nên họ dửng dưng trước tiếng khóc của bà Tư. Hân bận soạn giỏ và thấy bà chị gởi cho một bộ quần áo đẹp để mặc khi ra khỏi tù! Hân mừng thầm và cho rằng quẻ bói “linh” thiệt rồi.

Buổi tối, Hân nhìn qua chỗ bà Tư Thó, thấy bà vẫn nằm khóc, vai bà run lên từng chập, những miếng bánh, kẹo và tô cơm tù vẫn đặt bên cạnh gối, bà không muốn ăn uống vì đang gặm nhấm nỗi buồn. Trước khi đèn tắt Hân có đến an ủi, mắt bà Tư đỏ hoe, hai cánh mũi phập phồng, môi run run mếu máo nói qua làn nước mắt:

-Tư già rồi, chỉ mê chơi bài mà bị bắt dzô đây! Con Tư nó bỏ Tư luôn rồi! Buồn quá, chắc Tư chết…!

*****

Buổi sáng, chuông reng, mọi người tù trong phòng thức dậy, xếp gọn mùng chiếu, chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Tiếng Mười Dao réo gọi:

-Tư ơi, dậy đi! dậy đi!

-……..!

Trong phòng bà Tư chỉ thân thiện với người nằm kế bên bà là Mười Dao (can tội giết chồng). Sau đó, Mão, chị trưởng phòng đến lay gọi bà Tư, nhưng bà đã cứng đờ, lạnh ngắt! Mão vội báo cáo cho cán bộ về cái chết của người tù tên Bành Thị Thó. Họ quấn bà Tư trong chiếc chiếu, phủ tấm chăn lên rồi đưa xác ra khỏi phòng trước những đôi mắt đầy sợ hãi và buồn thảm của tù nhân.

Hân ôm mặt khóc, không muốn nhìn cảnh tượng thê lương này! Hân sợ mình sẽ chết đau khổ trong tù như bà Tư Thó, Hân chợt cay đắng nhớ đến vần thơ của ai đó:

Một ngày nếu không còn tôi nữa,

Ngày ấy nhân gian có ngậm ngùi?!

Minh họa: ye-jinghan-unsplash

Sau ngày bà Tư chết, có một con quạ đen cứ đậu trước cửa sổ như lưu luyến nhìn vào trong phòng tù, những người tù đuổi xua nhưng nó bay từ cửa này qua cửa kia rồi kêu lên “qua.. qua…!”. Nửa đêm, phòng tối đen chỉ còn ánh đèn leo lét ở dưới cuối phòng gần bồn nước và khu vệ sinh. Chợt tiếng Mười Dao la ú ớ… rồi tiếng hú như ma gọi, quỷ kêu từ xa xa vang vọng lại, nghe rợn người giữa đêm khuya thanh vắng…! Ngoài cửa sổ tiếng quạ đen đập cánh bay xà qua xà lại kêu  như ai oán, dỗi hờn. Mọi người ngồi bật dậy nhưng đêm tối đen, chẳng thấy được gì, chỉ nghe…

-Tư ơi, con trả lại chỗ cho Tư, con cúng cơm, cúng bánh cho Tư…

Tiếng Mười Dao khóc lóc kể lể: “Bà Tư kéo chân, đập mông đòi lại chỗ ngủ, còn cào cổ tui rồi nói bà đói lắm, phải chia cơm cho bà ăn”.

Sáng sớm hôm sau, Mười Dao xin cán bộ cho mua một bó nhang, một quả trứng và lấy ba chén cơm đặt vào chỗ của bà Tư thường nằm rồi cúng.

Lê Mão là người từng đôn đốc, bắt nạt và hù dọa tù nhân mỗi ngày phải đánh cho xong sợi lác dài 30 mét để cuộn thành một tấm thảm. Bà Tư Thó hay bị kiểm điểm là làm biếng, làm dối và hù dọa nếu không lao động tốt sẽ ở mãi trong tù.

Đêm hôm ấy, cả nhà tù náo động, sau đó đèn bật sáng choang… Lê Mão ôm chặt cổ, hai mắt trợn trắng, miệng ú ớ, sợ sệt cố lết ra cửa phòng cầu cứu,… Những người tù đập cửa gào la gọi cán bộ, lay mãi Mão mới hoàn hồn, hai mắt đờ đẫn, miệng thều thào:

-Bà… Bà… Tư nói tôi phải báo cáo cán bộ, xin tha cho bà về với gia đình…, bà trườn lên người tôi, bàn tay lạnh ngắt thò lên cổ, mắt đỏ kè, lưỡi thè dài liếm lấy mũi tôi, hơi thở hôi hám, tanh tưởi… Giời ơi…! Bà bóp cổ tôi đến chết đấy! Huhuhu… Giời ạ…! Tôi không muốn chết đâu!

Mọi người kinh hãi, ai cũng lặng lẽ nhìn nhau không nói nên lời…

Trong phòng, bà Tư Thó và bà Hai Gạo là hai người lớn tuổi nhất, nhưng thường hay gấu ó lẫn nhau. Bà Tư khinh rẻ, xa lánh bà Hai vì là một kẻ giết trẻ con với máu lạnh. Một hôm, bà Hai đi ngang qua cố tình đạp lên chiếc chiếu của bà Tư để chọc tức. Hai người lời qua tiếng lại, đã dùng quyền cước đấm đá, cắn cấu lẫn nhau một trận thư hùng. Từ đó hai bà là “kẻ thù” không muốn ở tù chung!

Bà Hai gạo đột nhiên tự tát vào mặt, đấm mạnh vào ngực, cào cấu tay chân, hai mắt trợn trừng trắng dã, rồi oằn oại trong đau đớn, bà rên la, gào khóc xin tha giọng nói như một đứa trẻ con… Cảnh tượng tự hành hạ mình như bị quỷ ám, ma nhập thật hãi hùng xảy ra dưới sự chứng kiến của những người tù. Bà Hai sau cơn vật vã, mặt sưng vù, người đầy những vết bầm tím, rịn máu, nằm mệt mỏi đau đớn trên chiếc chiếu rách tả tơi. Không ai dám đến bên bà Hai để hỏi han hay an ủi. Ai cũng sợ hãi xa lánh một kẻ đã đâm chết đứa bé mới năm tuổi chỉ vì tham đôi bông tai đáng giá ba phân vàng. Bà Hai ở tù với cái án chung thân.

Đêm chưa tàn, nhưng không ai dám ngủ vì quá kinh hãi. Chợt nghe tiếng súng nổ đùng … đùng… đùng…!

Khám Lớn Vĩnh Long có phòng tù nữ nằm trên lầu, phía dưới là phòng tù nam. Người gác tù nghe thấy tiếng động lạ, nhìn lên, hắn thấy hai bàn tay trắng xanh xao từ từ thò qua khe cửa, rồi cái đầu tóc rũ rượi ló ra, hiện nguyên hình người đàn bà đứng nhìn hắn với đôi mắt đỏ ngầu và nụ cười ma quái, hắn sợ hãi la lớn:

-Đứng yên đó không tao bắn!…

Nhưng bà ta vẫn cười và từ từ bước xuống tiến về phía hắn… Những phát súng bắn liên tục nhưng bà không dừng lại, xuống đến chân cầu thang bà nhếch mép cười chế nhạo, còn vẫy nhẹ tay chào rồi biến mất, gã coi tù hoảng hốt kêu lên:

-Tù trốn… tù trốn… rồi…!

Nghe tiếng người lao xao, tiếng chân chạy lùng xục bên ngoài, đèn ở các phòng tù được bật sáng và cán bộ đi điểm danh. Báo hại cái cầu thang bị bắn tơi tả. Trong vài ngày phòng tù nữ không thể đi lấy nước sông về tắm rửa, ai nấy dơ dáy hôi hám, thật là một vấn nạn! Phòng tù nữ được miễn lao động một thời gian. Chẳng có người tù nào trốn cả, chỉ có hồn ma bà Tư Thó tức tưởi hiện về đòi được tự do và lo âu buồn khổ đi tìm tin tức con cháu. Những cai tù nhốn nháo, họ tin có ma nên rất sợ hãi cho cúng cơm bà Tư Thó thật tử tế.

Mười Dao mỗi ngày lo đồ cúng, chỗ nằm của bà Tư vẫn để ly nhang và một ít bánh kẹo. Mùi hương qua làn khói nhang khiến Hân rùng mình và tưởng chừng như linh hồn người chết còn lảng vảng đâu đây. Đêm đến Hân không ngủ yên vì sợ bà Tư Thó hiện hồn về cầm tay Hân coi bói.

Nằm khóc tủi thân, thần trí miên man, mơ màng…, Hân cảm thấy như có ai vuốt ve, rồi ngón tay lạnh ngắt vẽ đường sinh đạo, trí đạo và tâm đạo trong lòng bàn tay… Hân sợ đến nỗi không thở được, muốn la lớn lên nhưng người cứng đờ, miệng lưỡi tê dại, muốn vung tay, đá chân kêu cứu nhưng đành chịu thua vì không còn sức lực để chống chọi lại một nỗi sợ hãi tột cùng. Bên tai Hân có hơi thở lành lạnh, rờn rợn cùng với tiếng thì thầm ma mị của bà Tư Thó:

-Nè, bây sắp được dìa rồi, mừng cho bay. Đừng quên Tư nghen…!

Bàn tay người chết lạnh ngắt cầm lấy tay Hân để lên bụng, còn vỗ nhè nhẹ như muốn từ giã. Nỗi kinh sợ làm Hân điếng người, chết cứng, lâu lắm máu mới trở về tim… hồi tỉnh… kinh hoàng rồi bàng hoàng…! Hân không dám hé răng với ai rằng hồn bà Tư Thó vừa hiện về báo mộng lành.

Đang ngồi bần thần nhớ đến giấc mơ, chợt nghe cán bộ gọi tên Hân đến phòng làm việc. Được lệnh tha, Hân mừng rỡ, chỉ mong thoát nhanh ra khỏi cửa nhà tù…!

Những cán bộ nhà tù đã nhiều lần liên lạc với con bà Tư, nhưng vẫn bặt tin. Con cháu của bà đã đi vượt biên. Con bà Tư có để lại tiền, dặn cô Bảy đi thăm nuôi mẹ, nếu được tin chúng đã đi thoát. Nhưng chờ hoài không thấy tin, cô Bảy sợ bị lộ cũng không dám đi thăm nuôi, sau đó được tin bà Tư chết trong tù.

 Bà Tư về trời nhưng trong lòng vẫn đau khổ, khắc khoải lo âu vì sao con bà không  thăm viếng? Bên chồng bà Tư, anh em cũng làm ngơ vì sợ liên lụy. Theo cha lưu lạc qua Việt Nam, khi chết đất dành cho một chỗ nằm nhưng linh hồn bà Tư vẫn bơ vơ, không nhà, không quê, không người thân thích.

Những người tù ở Khám Lớn Vĩnh Long vẫn sợ hãi khi nhắc đến “huyền thoại một hồn ma”. Bà Tư Thó qua đời trong tù, xác vô thừa nhận nên đã được bó chiếu chôn ở mảnh đất thí. Mồ hoang miếu lạnh, hồn bà bơ vơ, vất vưởng đói khổ, đành quay về nhà tù nương náu và trả ân, báo oán. Hồn ma trong bóng đêm của bà Tư quậy phá khiến những  tù nhân sống không yên ổn, cho dù họ đã phải chịu đựng quá nhiều khổ đau trong tù.

Đêm đến bóng ma bà Tư cứ chập chờn đi qua đi lại, chân không dụng đất, bà khều người này, kéo chân người nọ, cấu véo người kia, đặc biệt để yên cho những người tù can tội vượt biên. Có người nửa đêm thức giấc, thấy bà ngồi bó gối khóc tức tưởi, nhưng lại lơ lửng trên mặt hồ nước, đúng là ma hiện hồn.

Bà Hai và Mão thường bị kêu dậy nhất, khi mở mắt ra trong đêm tối chỉ thấy gương mặt bà Tư với đôi mắt đỏ ké, lưỡi thè dài và hơi thở thúi hoắc phà vào mặt. Có lần tỉnh giấc vì bị đập vào mông, thấy bà Tư đang ngồi chơi bài, chợt quay đầu lại nhoẻn miệng cười nhe hai răng nanh, lưỡi thè dài nhễu nhão nước miếng, rồi đưa tay móc con mắt chìa ra với đầy máu me, quá kinh khiếp, bà Hai ngất lịm! Tỉnh dậy, bà Hai cúi lạy bát nhang cả trăm ngàn lần cho đến khi mệt xỉu. Từ đó, bà Hai không dám ngủ, ngày càng xanh xao vàng vọt và trở nên ngơ ngẩn, lúc nào cũng lo sợ bị ma hành, quỷ ám.

Những người tù trong Khám Lớn thường cúng vái xin được bình an nhưng hồn bà Tư Thó vẫn không tha vì còn mang đầy tủi hận, oán hờn và thích trêu chọc người. Bà buồn giận vì con cháu sao không đến thăm viếng cho vong linh bà bớt cô đơn, lạnh lẽo, đói khổ?!

Thời gian trôi qua, con bà Tư Thó từ nước ngoài trở về, đến nhà tù xin cải táng và đem tro cốt của bà mẹ vào chùa. Có nơi ăn chốn ở, có con cháu thăm viếng bỗng dưng vong hồn bà Tư Thó không còn quậy phá hay khóc than, tủi hờn nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: