Cuộc chiến với tử thần của một bệnh nhân ung thư

Cô Thúy Hương (Facebook nhân vật)

Nguyễn Thúy Hương (42 tuổi, ở Đông Hà, Quảng Trị), một cô giáo dạy nhạc, bắt đầu phát hiện mình bị ung thư phổi vào năm 2017. Cô rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Tuy nhiên, trong những ngày nằm bệnh viện, Hương thấy mình còn “may mắn” hơn nhiều người. Và cô đã bật dậy, với một ý chí sống mãnh liệt. Đến nay, Hương vẫn tiếp tục vật lộn từng giờ từng ngày với tử thần. Mới đây, ngày 26-6-2021, trên Facebook cá nhân, cô Thúy Hương đã thuật lại câu chuyện xúc động của mình, với một thông điệp: hãy luôn biết trân trọng và gìn giữ sức khỏe! Đây là bài viết của cô…

Cô Thúy Hương (Facebook nhân vật)

Tôi không có ý viết cho người đang ốm đau hoặc đang gặp phải vấn đề về sức khỏe đọc nó. Bởi hơn ai hết họ đã thấm thía câu nói quen thuộc “Có Sức khỏe là có tất cả”. Tôi muốn người khỏe đọc nó, những người đang trẻ ngoài kia đang nhiệt huyết với công việc ngày đêm đọc nó. Vì tôi cũng đã như họ một thời, tập trung tâm trí về cả thế giới mà bỏ lại sau lưng chính sức khỏe của mình lúc nào không hay. Bài viết có thể nhàm chán, mất của bạn cỡ mươi phút, nhưng đối với tôi, để thấm thía được nó, tôi đã trải qua gần 1.500 ngày đêm vật lộn với đau đớn thể xác lẫn tinh thần để nghiệm ra câu nói đơn giản “Sức khỏe là vàng”, à không, với tôi bây giờ nó là vô giá!

Từ ngày ra trường đi dạy, chưa một ngày nào èo uột đau ốm gì, làm việc như trâu. Người nhỏ con nhưng việc gì đến tay cũng “cân” hết. Bao nhiêu phong trào, tập ngày cày đêm không biết mệt, tâm trí lúc nào cũng xáo động, ăn ngủ chẳng điều độ, lại thêm tật hay căng thẳng mỗi khi có chương trình, áp lực thi cử… và là người luôn cầu toàn nên chưa bao giờ tôi làm việc gì qua quít cẩu thả. Nói cho nhanh là người của công việc, số khổ! Nhưng lúc đó bản thân chẳng thấy khổ chút nào, hào hứng và say dữ lắm. Tất nhiên những nỗ lực và cống hiến đã mang lại nhiều giá trị, và tôi luôn hạnh phúc về điều đó.

Sau này chuyển công tác, tôi vẫn chứng nào tật ấy. Say công việc mà quên mất việc chăm sóc bản thân. Để có một lễ hội dân gian bài Chòi lần đầu tiên ở Đông Hà, tôi hầu như sống với nó, ăn ngủ nghỉ cũng với nó, đến giấc mơ cũng không thóat ra khỏi mấy câu thơ tự chuyển thể và sưu tầm, và bao nhiêu công đoạn chuẩn bị đều rất khó khăn và mò mẫm. Thế rồi bao nhiêu áp lực, căng thẳng và lo lắng, mọi việc đều rất tốt đẹp.

Và tôi lại cứ ảo tưởng về SỨC MẠNH.

Tôi thấy mình rất khỏe, rất dẻo dai, và đang rất sung… Có vài ba lần mệt, thở dốc, ho húng hắng, rồi sốt nhẹ. Tôi cứ đổ hô do nói nhiều viêm họng, do tiền đình nên nhức đầu… Đi khám thì cũng chỉ biết là viêm họng, vài ba liều thuốc kháng sinh về uống rồi thôi, cũng xong! Cũng xong thật, nhưng là “xong om” bạn ạ.

Cho đến khi thấy vãn công việc, tự thấy bản thân cần phải nghỉ ngơi chút, tôi đi khám.  Lần này nghiêm túc nhất, kêu đau thiệt hung để bác sĩ cho nhập viện (thực ra lúc đó mệt thì có mệt thật nhưng chưa đến mức ấy, nhưng phải ốm đau nằm viện mới có lý do nghỉ chính đáng chứ, nên tôi khai tôi đau lắm, sốt lắm). Và thế là chiều lòng tôi, ông trời cho đau thật, đau ra trò luôn… Sau tất cả chụp chiếu, chọc ngoáy, và cú đau nhất là đặt ống nội soi phế quản bấm mẫu sinh thiết, tôi như người chết rồi, rũ rượi. Và kinh hoàng hơn khi biết tin mình có U ở phổi, to đùng, bác sĩ cho chuyển viện gấp, ưng chuyển đi đâu cũng cho đi, tùy người nhà…

Bất luận bệnh tật ngặt nghèo, cô Thúy Hương vẫn tham gia các chương trình văn nghệ từ thiện (ảnh: cô Hương trong một đêm nhạc từ thiện năm 2018 – báo Thanh Niên)

Đó là ngày 17-7-2017, một ngày u ám nhất đời tôi. Cả nhà tôi náo loạn, chết lặng, và làm thủ tục bay Sài Gòn gấp trong đêm để vào bệnh viện Chợ Rẫy. Bạn bè hoảng hốt, nói hắn đang khỏe rứa mà, u gì mà u…

Thế đó, cứ nghĩ mình khỏe như trâu. Hóa ra thúi hoắc ở trong tự lúc nào không rõ.

Và đây là hành trình suốt bốn năm ròng rã của gia đình tôi:

– 19-7-2017: Nhập viện Chợ Rẫy

– 26-7-2017: Phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi phải và 2-3 phổi phải (về sau này di chứng sau mổ là: tràn dịch màng phổi và phổi phải lượng nhiều, khó thở và ho quanh năm; toàn bộ xương vai bên phải bị xệ xuống do có cắt sườn, người bị lệch qua phải)

– 09-2017: Hóa trị (bốn đợt. Khỏi phải nói độ tàn phá của hóa trị. Ớn!)

– 12-2017: Hóa trị không đáp ứng, tiến hành xét nghiệm đột biến gen. May quá, có đột biến gen và uống thuốc đích. Mà thuốc rất đắt, bảo hiểm y tế chỉ một phần nhỏ, mỗi tháng mình hết gần ba mươi triệu, chưa kể mấy thứ khác)

– 08-2018: Kháng thuốc đích thế hệ một. Tiếp tục tìm tiếp đột biến gen, không có đột biến, đành quay lại hóa trị.

– 10-2018: Hóa trị đến mũi thứ hai thì bị sốc thuốc. Thề, đời tôi chưa bao giờ trải qua giây phút nào kinh hoàng như thế. Bỗng nhiên người co lại, ho sặc sụa và cứng cả họng, không nói không thở được. Tay chân không điều khiển được, mắt trợn ngược, chỉ biết nhìn qua người đang truyền bên cạnh cầu cứu. Và rồi tôi thấy bác sĩ chạy rầm rầm, người tiêm người chích, tôi nghe họ hét to: há mồm ra cố thở đi… Đùa chớ anh vô đó mà thở, tôi mà thở được đã không phiền anh rồi. Huhu.

Sau đó, người tôi giãn ra, mặt sưng to da sần sùi cả tảng; mặt cứng đơ không cảm giác. Nằm bình tĩnh đến chiều thì đỡ, rứt dây chuyền, không cần nữa, bỏ viện về.

– 11-2018: Nhập viện 30.4 Sài Gòn: khoảng thời gian này cũng rất đau đớn, thân thể tan nát:

+ 3 lần chọc hút tràn dịch

+ 4 lần chọc xuyên thành ngực bấm mẫu sinh thiết làm xét nghiệm

Cũng không tìm ra được gì, vợ chồng đành ôm nhau về. Ai chỉ đâu đi đó, uống đủ thứ thuốc. Áp dụng đủ bài, rồi uống mù thuốc thế hệ ba mà chồng tôi tự mua bên ngoài thay vì lấy thuốc ở bệnh viện. Vì dòng này chính hãng rất đắt, hơn trăm triệu mỗi tháng đào đâu ra.

Vậy là lay lắt từ đó cho đến tháng 10-2020.

Dấu hiệu bệnh trở nặng, nhưng không có cách gì nữa, đi viện cũng chỉ để kiểm tra xem nó đến đâu rồi thôi. Thế giới vẫn còn loay hoay, chưa có thuốc nào đặc trị cho bệnh nhân ung thư cả.

– Từ 3-2021 đến nay là tròn bốn tháng ở viện nhiều hơn ở nhà.

+ Mổ bóc hạch di căn hai lần

+ Bấm sinh thiết xuyên thành ngực

+ Chọc sinh thiết bốn lần

Bệnh đến đoạn hết sách vở rồi, phổi mà qua năm thứ năm như chị là hiếm, bác sỹ nói vậy. Giờ chỉ tìm cách cho nó êm êm ở mức chịu được thôi.

Ờ thì hết date rồi, biết vậy, nhưng đau lắm. Chết không sợ, chỉ sợ đau thôi. Nói với chồng là sau này đến lúc không thể nữa, xin cho em chết. Chết nhân đạo, chứ đau vật vã vừa khổ thân vừa khổ người nhà. Giờ nằm một đống, hàng ngày bà ngoại nâng lên đỡ xuống, nấu nướng từng chút cháo mong cho con nó ăn cho có chất, mà khổ, nuốt có nổi đâu. Rồi chị gái thì chạy vòng ngoài, dịch dã bệnh viện hạn chế thăm nuôi, mỗi ngày mấy vòng chị chui hàng rào bên hông bệnh viện để tiếp tế đồ ăn cho bà ngoại đem vô. Rồi chồng thì ban ngày đi làm, đêm về lật cái giường xếp ngủ ở bệnh viện thay ca cho mẹ. Con thì đang mùa ôn thi, mọi người chạy náo loạn để lo cho một con người chưa đến 35kg vì không biết quý trọng sức khỏe đang nằm dặt dẹo đó.

Nghĩ chảy nước mắt, ân hận cùng cực.

Giá mà mình biết chăm lo sức khỏe, giá mà mình không chủ quan… giá mà…

Giờ thì nằm đây, sốt liên miên, cơn đau dồn dập, tiêm giảm đau liên tục mới mong có vài giờ ngủ quên. Mỗi ngày tiêu tốn cả xứ, cả nhà làm việc kiếm tiền cật lực, bà con anh em bạn bè mỗi người mỗi ít mà qua từng đận một. Còn may là có bảo hiểm nhân thọ, đỡ rất là nhiều. Nói câu này nhiều người lại nói quảng cáo. Ừ thì cứ cho là vậy đi, cứ vào khoa Ung bướu, tại sao bệnh nhân cứ hay hỏi nhau câu này: em có Bảo hiểm nhân thọ không, tiếc quá, chị chưa có nó.

Bài học gì đây? Nói thì bảo là sách vở, có sức khỏe là có tất cả, ai chả biết. Nhưng biết đấy rồi thôi, nghĩ mình còn trẻ khỏe chán, xui gì mà trúng mình. Rồi lại lao đi theo những cảm hứng bất tận ngoài kia, bỏ sau lưng tiếng nói bên trong của thân thể đang ngày đêm bị chính ta ngược đãi.

Hãy dừng lại trước khi quá muộn, hãy yêu quý bản thân mình hơn.

Bạn muốn có cả thế giới? OK, trước hết bạn cần có sức khỏe. Còn không, bạn sẽ không có gì cả!

Đây là tôi, mỗi ngày tê mê lịm người vì đủ các loại thuốc. “Nằm phòng VIP,” “xài thẻ đại gia”. Chỉ mong cầu được đi bộ ra ngoài ban công nhìn ra khoảng trời xanh để biết mình còn tồn tại.

Chỉ mong ước nhỏ nhoi vậy thôi!

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: