Hãy tự tin dong buồm ra khơi

Minh họa: Ian Schneider/Unsplash

Con yêu thương của ba,

Thời gian trôi nhanh quá! Mới hôm nào ba mừng vui biết bao khi con chào đời, mới ngày nào con lẩm đẩm biết đi, rồi đi học mẫu giáo, mừng vui chạy đến sà vào lòng ba khi ba đến trường đón con về. Rồi con vào lớp Một, rồi con lên lớp Sáu, con thi lớp Mười và giờ đây, con đã tốt nghiệp trung học. Nhìn con rạng ngời trong bộ lễ phục tốt nghiệp màu xanh, tự tin kiêu hãnh, lòng ba mừng vui xúc động. Bây giờ, con hỏi ý kiến ba nên đi theo ngành nào, chọn nghề gì cho tương lai? Ba, từ khi con còn nhỏ cho đến bây giờ, lúc nào cũng tôn trọng những ý nghĩ và lựa chọn của con. Luôn luôn như thế. Con hãy chọn đi theo ngành nghề mà con yêu thích. Ba chỉ kể con nghe vài chuyện sau đây, như là tư liệu để giúp cho quyết định của chính con.  

Minh họa: Hobi industri/Unsplash

Con biết không, từ lúc ba còn tiểu học, bà nội hỏi ba sau này thích nghề gì? Ba trả lời không đắn đo: nghề điện. Bà nội hỏi tiếp: Vì sao? Ba nói: con muốn đem ánh sáng đến cho mọi nhà. Lúc đó ba chỉ nghĩ đơn giản là những bóng đèn điện sáng sẽ xua tan màn đêm tăm tối. Và ba học trường điện rồi theo nghề điện đã mấy chục năm nay, như con đã biết. Mỗi ngày, qua công việc thực tế ba học hỏi thêm, bổ sung thêm kiến thức rất nhiều, mở rộng tầm mắt khi đi khắp miền đất nước đưa những đường dây, trạm điện về khắp làng quê, thành thị… Mỗi khi khánh thành, nghiệm thu một đường dây vào hoạt động, ba thấy được niềm vui sáng lên trong mắt mỗi người dân, nhất là ở trẻ em vùng sâu vùng xa, những đứa trẻ tóc cháy vàng vì nắng, chân dép lê mòn gót, tập vở uốn cong trong bịch nylon, chỉ có đôi mắt đen láy rạng ngời niềm ham muốn ánh sáng kiến thức từ những con chữ. Chính những niềm vui đó giúp ba quên đi những nhọc nhằn của công việc, những trằn trọc suốt đêm xử lý những khó khăn kỹ thuật hoặc những sự cố trong nghề.

Ba có người bạn học bây giờ làm bác sĩ giải phẫu. Một lần, ba đi công tác về đến nhà gần nữa đêm thì nhận được điện thoại của người bạn này, rủ ba đi ăn khuya. Ba nói:

– Để hôm khác…

Người bạn trả lời:

– Hôm khác… mất vui.

Thế là ba quyết định chạy ra “lai rai” với bạn. Khi nghe bạn kể: “Tui đứng mổ sáu tiếng, cứu được cả hai mẹ con xong mới phôn cho ông đó”, ba thấy mình quyết định đúng khi đã kịp ra đây chia sẻ niềm vui đó với bạn. Một niềm vui quá đẹp, mà đúng là “Để hôm khác… mất vui”.

Vậy đó con, nghề nào cũng có cái hay, cái đẹp và những niềm vui trong nghề làm mình đứng vững, làm cho nghề đẹp thêm. Để có được những niềm vui như thế phải giỏi nghề, phải học hỏi liên tục. Sách vở, giảng đường đại học chỉ giúp khi ra nghề ta biết lật “trang” nào của “sách” gì mà thôi, còn kiến thức là biển học mênh mông cả đời. Ba hay nói cho con nghe câu nói của Thomas Edison – ông tổ sáng chế bóng đèn điện và vô số phát minh: Không có thiên tài, chỉ có 1% là suy nghĩ cảm hứng và 99% là mồ hôi nhọc nhằn. Và ba thường nhắc con lúc nhỏ khi nản chí chưa tìm ra cách giải những bài tập khó: “There’s a will, there’s a way”; con nói thêm “there’s a win”. Ba mừng thầm vì con thông minh, nhanh trí.

Minh họa: Christopher Burns/Unsplash

Ba có người bạn khác thưở còn đi học rất thông minh, nhưng do hoàn cảnh, học xong lớp Chín thì nghỉ, theo học nghề sửa chữa xe hơi. Giờ hay tin bác ấy đã định cư ở Mỹ, mở gara bảo trì, sửa chữa xe hơi, làm ăn rất khá. Hỏi ra mới biết, lúc mới qua, bác ấy làm thợ ở các hãng xe hơi, miệt mài 15 năm học và làm, để nắm hết các bí quyết kỹ thuật xe hơi. Sau đó bác mở xưởng riêng với đầy đủ bằng cấp, giấy phép cấp theo yêu cầu của xứ Mỹ. Điều gì tạo nên thành công đó, nếu không phải là lòng kiên trì theo nghề, tinh thần luôn học hỏi cái hay, cái mới, tinh thần tự tin khởi nghiệp…

Rồi dì Ba dưới quê mình, chỉ theo nghề may, bây giờ có hai tiệm may rất đông khách, nhân viên cả chục người. Khởi nghiệp chỉ là hiệu may nhỏ xíu, chủ kiêm luôn thợ, nhưng dì luôn luyện tay nghề, nhạy bén nắm bắt “gu” của khách hàng và cập nhật theo xu thế thời trang thay đổi. Dì luôn hiếu khách, uy tín, đúng hẹn, biết tập hợp và huấn luyện nhân viên. Vậy là thành công.

Cô Sáu xóm mình cũng vậy, có cao đẳng đại học gì đâu, chỉ theo nghề gia truyền làm bánh, mứt, kẹo. Vậy mà sau mấy chục năm siêng năng theo nghề, giờ đây có trong tay vài xưởng bánh kẹo trong thành phố, công nhân gần trăm người, không chỉ làm không kịp bán ở thị trường trong nước, mà bắt đầu có hợp đồng để xuất ra nước ngoài. Cũng đâu phải dễ mà thành, cô Sáu phải biết nhanh nhạy “lắng nghe và thấu hiểu” khẩu vị của mọi đối tượng từ con nít, người lớn, nam, nữ, tuổi “teen” hay phụ lão. Để sản phẩm tuân thủ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được chứng nhận của các “lab” quốc tế, cô Sáu phải vươn lên học hỏi, khám phá nhu cầu mới, thị trường mới, thời đại mới, chứ không dậm chân tại chỗ với kinh nghiệm gia truyền là đủ.

Minh họa: Henry & Co./Unsplash         

Nghề nào cũng quý, không có nghề này hay, nghề kia dở. Xã hội tạo ra nghề, nhu cầu của cộng đồng phân công nghề. Quan trọng nhất là chọn đúng nghề. Thế nào là “đúng”?

Thật khó định nghĩa và đặt tiêu chí cho “đúng nghề”. Thôi thì tạm hiểu “đúng” là “hợp” với mình: hợp ý thích, hợp sở trường, hợp năng khiếu, hợp đam mê, hợp ý nguyện. Theo ba thì đam mê trong nghề là quan trọng nhất vì đam mê hâm nóng ý chí, rồi đam mê cùng ý chí tạo ra năng lượng cho mình vượt qua khó khăn, qua lúc nản lòng hoặc thất bại. Một điều nữa, muốn thành công trong nghề, trong đời, phải cần có tự tin. Mà muốn tự tin thì con phải giỏi. Muốn giỏi thì không có cách nào khác là phải học, học đến khi con cảm thấy vững tin với mình, với nghề. Và bây giờ, tiến tới đi con, tiến tới với nghề mà con chọn lựa. Bền chí con nhé, luôn nuôi dưỡng tâm ý bằng tâm thế tích cực để giúp đời, giúp cộng đồng, giúp xã hội.

Mạnh dạn lên tàu khởi hành. Ba đang nhìn con đây và luôn dõi theo con.

Hãy tự tin dong buồm ra khơi, con của ba!

Tháng Năm, 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: