Thuốc giả vẫn tràn ngập thị trường Mỹ

Thuốc Tây giả vẫn xuất hiện nhan nhản ở Mỹ (ảnh: Bernd Wüstneck/picture alliance via Getty Images)

Thuốc giả giá rẻ phát tán trên các mạng xã hội đã khiến hàng triệu người tiêu dùng Mỹ tự đưa mình vào rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng bất chấp các cảnh báo và giải pháp bài trừ, thuốc giả vẫn sống tốt và mua không khó trên mạng internet.

Nguồn thuốc giả từ đâu?

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Pharmacotherapy, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành 130 cuộc điều tra bí mật và đột kích nhiều tổ chức làm thuốc giả từ năm 2016 đến 2021. Kết quả là bắt giữ, tịch thu sản phẩm và xoá sổ các cơ sở làm thuốc giả. Tang vật là hàng chục triệu viên thuốc giả, hơn 1,000 kg (2,200 pound) thành phần hoạt tính dùng bào chế thuốc và hàng trăm triệu đôla.

Nhưng thật không may, với hơn 11,000 trang web bán thuốc giả trên internet, những cuộc truy quyét hầu như chỉ làm trầy xước chút ít bề mặt của kỹ nghệ sản xuất dược phẩm giả với khoản lợi nhuận kếch xù. Dù Văn phòng Điều tra Hình sự (Office of Criminal Investigations) của FDA tiếp tục đẩy mạnh các cuộc điều tra tội phạm nhiều công ty và cá nhân vi phạm luật sản xuất thuốc liên bang, phối hợp với các cơ quan liên quan khác nhưng những kẻ sản xuất được phẩm giả vẫn sống tốt!

FDA có hẳn một cơ sở dữ liệu về thuốc giả và các thông cáo cho báo chí về các chiến dịch bài trừ thuốc giả để cùng hợp đồng chống lại một nguy cơ lớn cho sức khoẻ người dân nhưng ảnh hưởng cũng không nhiều. Số người tìm mua thuốc trôi nổi trên mạng vẫn tăng. Trong năm năm qua, các cơ quan hữu trách đã phát hiện 64.6% trường hợp dược phẩm giả được bán trên internet và 84.6% lần bị truy bắt là các dược phẩm được mua mà không cần kê toa. Nhiều loại thuốc giả thuộc danh mục dược chất được kiểm soát như opioid, oxycodone, hydromorphone và các chất kích thích khác như những chất thường được dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý, hay benzodiazepine, dùng điều trị chứng lo âu và buồn ngủ. Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Nga là những quốc gia cung cấp nhiều thuốc giả nhất cho người tiêu dùng Mỹ.

Thuốc giả bị tịch thu ở Boston, Massachusetts (ảnh: David L. Ryan/The Boston Globe via Getty Images)

Có mặt trên từng cây số

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 11% dược phẩm được bán tại các nước đang phát triển là hàng giả. Thủ phạm của 144,000 ca tử vong hàng năm trên thế giới là thuốc kháng sinh giả và thuốc chống sốt rét giả.

Một nghiên cứu mới đây cũng ghi nhận 500 ca tử vong ở trẻ em là do diethylene glycol, một chất phụ gia phổ biến có trong chất chống đông nhưng được thêm vào thuốc giảm ho giả như chất tạo ngọt. Ngoài ra, từ Tháng Mười Một 2021 đến Tháng Hai 2022, các phiên bản giả mạo của một số loại thuốc thường dùng cho các bệnh mãn tính, như thuốc dùng cho người ghép tạng tacrolimus, được bán dưới tên thương hiệu Limustin và thuốc chống đông máu rivaroxaban, hoặc Xeralto được tìm thấy trên các kệ thuốc ở Mexico.

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật An ninh và Chất lượng Thuốc (Drug Quality and Security Act) ban hành năm 2013 là nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc phải thông qua hệ thống theo dõi và truy vết điện tử quốc gia. Hệ thống này giúp biết chính xác đường đi của một loại thuốc cụ thể từ nhà sản xuất đến hiệu thuốc tây. Dù thuốc ở các hiệu thuốc được cấp phép tại Mỹ đều an toàn, nhưng một cuộc khảo sát của Tổ chức Kaiser (Kaiser Family Foundation) cho thấy 19 triệu người Mỹ vẫn thường mua thuốc kê toa (không biết là giả) trên các hiệu thuốc internet không có giấy phép hoặc khi đi du lịch nước ngoài.

Hiệp hội Các nhà thuốc Quốc gia (National Association of Boards of Pharmacy) phát hiện 96% trong số 11,688 hiệu thuốc trực tuyến được điều tra vi phạm luật liên bang hoặc tiểu bang của Mỹ. Trong số này, 62% không tiết lộ trụ sở thực tế của họ và 87% có liên quan đến “mạng lưới các cửa hàng thuốc lừa đảo trên internet”. FDA đã phải đưa ra một số hướng dẫn để giúp người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua trên mạng có hợp pháp hay không.

Một buổi họp báo tại New York City cho biết nhà chức trách phá được đường dây tiêu thụ thuốc giả buôn bán trên internet (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Thuốc giả xâm nhập tủ thuốc của bạn thế nào?

Opioid, benzodiazepine và những chất kích thích đều rất dễ gây nghiện và nguy hiểm nếu dùng không đúng hoặc dùng cùng nhau. Dù những loại thuốc giả này bề ngoài trông hợp pháp, nhưng các thành phần hoạt tính có trong các dược chất được kiểm soát để bào chế chúng lại được thay thế bằng các chất nguy hiểm hơn như fentanyl. Bốn trong 10 viên opioid giả có chứa fentanyl ở liều lượng có thể gây chết người.

Theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm (Drug Enforcement Administration), từ Tháng Tư 2020 đến Tháng Tư 2021, Mỹ đã tịch thu 9.5 triệu viên thuốc giả, nhiều hơn hai năm trước cộng lại. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến 100,306 ca tử vong do dùng thuốc quá liều trong cùng thời gian.

Các hiệu thuốc trực tuyến giả thường sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Facebook để chài mồi khách hàng. Vì vậy cần phải kiểm soát nhiều hơn nữa các nền tảng này cũng như các diễn đàn (forum) trực tuyến và công cụ tìm kiếm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những kẻ bán các loại thuốc kê toa giả. Những người mua các loại thuốc đắt tiền có các hoạt chất thuộc danh mục kiểm soát chặt chẽ trên internet thường mua nhiều hơn toa bác sĩ (cả loại thuốc lẫn số lượng) vì giá rẻ mà không biết mình bị lừa và rước hoạ vào thân.

Xu hướng mua thuốc kê toa bác sĩ từ xa, tránh né các hiệu thuốc có giấy phép vì nhiều lý do khác nhau (từ giá rẻ đến mua không cần toa) đã phát triển đến mức báo động, buộc chính phủ phải có một chiến lược dài hạn giảm chi phí thuốc kê đơn nếu muốn hạ nhiệt thị trường thuốc giả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: