Thế hệ Millennials và Gen Z nghĩ về hôn nhân

(ảnh: Everton Vila/Unsplash)

Thời điểm được sinh ra và hoàn cảnh lớn lên có tác động lớn tới con người về nhiều mặt, thế còn nhận thức về hôn nhân có khác nhau giữa các thế hệ không?

Vào một buổi sáng cuối tuần bình thường ở vùng hạ Manhattan, những người ở độ tuổi 20 và 30 mặc trang phục thể thao, ngồi hoặc xếp hàng chờ gọi cà phê. Hầu hết đều nhìn chằm chằm vào điện thoại hay iPad, cuộn, vuốt hoặc nhắn tin.

Hình ảnh này không khác gì, ở những quán cà phê dọc Đại lộ Bolsa, hoặc trên con đường Bellaire ở Houston, hay bất cứ nơi nào khác.

Thời đại công nghệ đã bắt kịp thế hệ đầu tiên lớn lên cùng iPhone – Gen Z – và điều đó ảnh hưởng đến cách họ tương tác với thế giới, bao gồm cả các mối quan hệ.

Kể từ năm 2019, ứng dụng hẹn hò đã trở thành cách phổ biến nhất để các đôi trai gái gặp nhau, thay vì trước đây thường là qua mai mối, hoặc quen nhau nơi trường học, công sở, nhà hàng, quán bar,…

Tuy nhiên, thập niên vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi trong thói quen hẹn hò: 28% tổng số những cặp sắp cưới hiện đang trao đổi, xem xét và tương tác trực tuyến với các đối tác tiềm năng. 75% các cặp vẫn gặp nhau thông qua các phương tiện khác, nhưng thói quen hẹn hò và hôn nhân trong xã hội đã phát triển khi mọi người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.

Giới trẻ giờ đây chỉ thích “dán mắt vào màn hình”. (minh họa: Paul Chinn/The San Francisco Chronicle via Getty Images)

Thực tế là hiện nay số người độc thân trên 40 nhiều hơn bao giờ. Vào năm 2021, thống kê cho thấy số người 40 tuổi ở Mỹ chưa từng kết hôn chiếm tới 25%, trong khi năm 2010 là 20% và năm 1980 chỉ có 6%.

Tất nhiên, chậm lập gia đình là do nhiều yếu tố. Phụ nữ có trình độ học vấn cao là một trong những nguyên do. Các nhà khoa học cho biết phụ nữ độc thân trên 30 tuổi chưa có con là nhóm người hạnh phúc nhất đất nước. Một báo cáo đột phá gần đây cho thấy đàn ông trẻ và trung niên đang ngày càng cô đơn, điều này bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng ứng dụng hẹn hò cũng như các tiêu chuẩn cao về mối quan hệ.

Trong khi hôn nhân từng được coi là bảo vệ phụ nữ, với sự hỗ trợ về mặt pháp lý và tài chính của người đàn ông, những quan điểm lỗi thời đó đang dần biến mất. Thêm nữa, quyền kết hôn không được bảo đảm cho một số cộng đồng nhất định, như cộng đồng LGBTQ+, tính đến thời điểm hiện tại.

Câu hỏi đặt ra là hôn nhân có còn phù hợp không? Một cuộc khảo sát được thực hiện hồi Tháng Sáu 2023 với 1,000 người tham gia. Trong số những người thuộc Gen Z (từ 18 đến 26 tuổi) được hỏi, 81% sẵn sàng kết hôn và cứ hai người thì có một người nói rằng họ “chắc chắn” thấy điều đó xảy ra; cảm giác liên quan đến hôn nhân rất thú vị (66%) và mong chờ (72%). Chỉ có 8% bày tỏ niềm tin rằng hôn nhân đã “lỗi thời”.

Dường như có sự phân đôi ngày càng tăng trong nhận thức về hôn nhân giữa Gen Z so với thế hệ Millennials (từ 30-40 tuổi). Khi mọi người già đi, họ ít quan tâm tới việc lấy vợ, lấy chồng. Charles T. Hill, Tiến sĩ, giáo sư tâm lý học tại Whittier College, giải thích: “Mọi thế hệ thanh niên đều phải tìm ra những gì họ muốn trong cuộc sống. Thông thường, người ta mong đợi việc kết hôn và sinh con để làm hài lòng cha mẹ, đáp ứng nhu cầu cá nhân, để chứng minh bản sắc trưởng thành và giới tính của họ. Thậm chí để khẳng định rằng họ là điều người khác mong muốn. Mỗi người phải tìm ra mình là ai và họ muốn trở thành ai.”

Tại sao Gen Z và Millennials có quan điểm khác nhau về hôn nhân?

Nguyên nhân lớn nhất là sự khác biệt về giai đoạn sống và trải nghiệm. Tiến sĩ Norman B. Epstein, University of Maryland, cho biết: “Những người Millennials đã trải qua thời kỳ nhiều thay đổi về mặt xã hội. Ví dụ, có nhiều phụ nữ hơn nam giới học đại học và cao học, họ có cơ hội nghề nghiệp ngày càng mở rộng. Có nhiều người trong độ tuổi đó thực sự đã trì hoãn việc tìm kiếm bạn đời vì họ bận học hành.

Yếu tố ảnh hưởng khác là danh tính của một người, bao gồm sự tự tin và nhận thức về bản thân. Theo Epstein, nhiều người độc thân rất tự tin và độc lập, và việc đi một mình có thể nâng cao lòng tự trọng, điều này phụ thuộc vào cách suy nghĩ của mọi người. Nếu ai cảm thấy bất an về cuộc sống độc thân, họ sẽ kết hôn.

Giáo sư Hill lập luận, mong muốn kết hôn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế, chính trị và xã hội đang diễn ra. Một số người lo ngại về khả năng hỗ trợ vợ/chồng và con cái hoặc cuộc hôn nhân không suông sẻ. Một số người lo ngại về tình trạng tương lai của thế giới liên quan đến biến đổi khí hậu, lạm phát và chia rẽ chính trị, đặc biệt là liên quan đến việc sinh con.

Truyền thông xã hội đóng vai trò gì?

Như Theodore Roosevelt đã nói: “Sự so sánh là kẻ trộm niềm vui của bạn”. Mặc dù mạng xã hội mang lại những lợi ích (cộng đồng, kết nối và cảm hứng), nhưng nó cũng có thể tạo ra sự so sánh giữa nghề nghiệp, lối sống và các mối quan hệ.

Những gì bạn thấy trên mạng xã hội, có thể “nhìn vậy mà không phải vậy”. Epstein nêu ra một yếu tố rủi ro khi mọi người lên mạng xã hội và bắt đầu nghĩ về những người khác đang có những mối quan hệ tuyệt vời, nhưng thực tế những người ấy có tuyệt vời hay không, có hạnh phúc hay không, ai biết?

Hill chỉ ra sự phụ thuộc của xã hội vào các ứng dụng hẹn hò và nền tảng truyền thông xã hội, điều này tạo cơ sở để so sánh. Hill nhận thấy rằng sự chấp thuận của cha mẹ và bạn bè là một trong những yếu tố dự đoán sự hài lòng và cam kết trong mối quan hệ. Phương tiện truyền thông xã hội không liên quan gì đến chất lượng mối quan hệ giữa các đối tác.

Vậy cuộc sống độc thân và cuộc sống hôn nhân: Cái nào tốt hơn? Cỏ có thể trông rất xanh ở nơi này, hoặc có thể ít xanh hơn ở nơi khác, là tùy vào góc độ mà mọi người đưa ra phán xét. Các nhà nghiên cứu và chuyên gia cho rằng câu trả lời mang tính chủ quan: Nó phụ thuộc vào nhu cầu và ưu tiên của bạn. Cả hai đều đi kèm với những lợi ích và cả những thách thức.

Cuộc sống độc thân hay cuộc sống hôn nhân, cái nào tốt hơn? (minh họa: averie woodard/Unsplash)

“Nếu bạn còn độc thân, sẽ có ít trách nhiệm hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của vợ/chồng cũng như việc phối hợp sống chung và giảm thiểu xung đột,” Hill nói. “Thêm nữa, điều đó có thể dẫn đến ít trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy con cái. Những người độc thân có nhiều tự do hơn để làm những gì họ muốn, chẳng hạn như sự nghiệp hoặc các hoạt động giải trí.”

Ngược lại, hôn nhân cũng đi kèm với những lợi ích về mặt tâm lý, cũng như trách nhiệm. Hill nói, hôn nhân làm tăng khả năng có được một người mà bạn có thể tin cậy để đáp ứng các nhu cầu tâm lý, chẳng hạn như ai đó để nói chuyện, làm việc cùng hoặc chia sẻ tình cảm. Vợ/chồng có thể giúp hỗ trợ bạn về mặt tài chính, giúp bạn sinh con và nuôi dạy con cái. Hôn nhân cũng mang lại những lợi ích hợp pháp, chẳng hạn như quyền tài chính nếu bạn ly hôn, quyền của cha mẹ nếu bạn có con, quyền thăm nom nếu bạn nằm viện. Đây là một lý do tại sao luật sư gia đình khuyến khích bạn ký thỏa thuận tiền hôn nhân vì nó cung cấp cho bạn tài liệu bảo vệ cả hai bên trong trường hợp tốt nhất.

Dựa trên dự báo và xu hướng, phần lớn Gen Z và thế hệ Millennials độc thân cuối cùng sẽ kết hôn. Độ tuổi kết hôn trung bình có thể thay đổi nhưng đó vẫn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết mọi người. Hill kết luận: “Hôn nhân như một thể chế vẫn tồn tại vì nó đáp ứng các nhu cầu cá nhân, gia đình và xã hội mà không thể dễ dàng đáp ứng được thông qua các tương tác ngắn hạn. Điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ kết hôn, nhưng nhiều người và có lẽ là đa số sẽ kết hôn”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: