Bí quyết trồng lan

Lan mọc ở khắp nơi. Mỗi nơi hoàn toàn khác nhau cho nên việc nuôi trồng ắt hẳn phải khác nhau. (minh họa: Unsplash)

Rất nhiều người yêu lan, muốn học hỏi về cách trồng lan, có người thành công và cũng không ít người thất bại và thất vọng.

Một ông nói với tôi: “Nghe nhiều người khen rằng website hoalanvietnam của các bác dạy cách trồng lan hay lắm, nhưng tôi vào xem thấy quá cao xa và mông lung quá, y như người lạc vào một khu rừng rậm. Tại sao các bác không có những bài chỉ dẫn ngắn gọn cho dễ hiểu hơn?ˮ Thậm chí có một ông bác sĩ bạn đồng nghiệp với cháu của tôi hỏi: “Xin bác cho tôi một câu ngắn gọn về bí quyết trồng lan!ˮ

Tôi không hiểu tại sao ông này lại quan niệm rằng việc trồng lan có thể bao gồm trong một câu ngắn gọn được, nên đành cười và hỏi đùa lại: “Vậy cũng xin ông cho tôi một câu trả lời ngắn gọn: Làm sao để được khoẻ mạnh?ˮ Ông ta nói: “Vấn đề này tùy thuộc vào nhiều chuyện lắm.” Vỗ vai ông, tôi giả lả cười: “Hỏi đùa ông thế thôi! Nhưng tôi có thể thay ông trả lời rằng: Hãy chịu khó đến thăm bác sĩ! Còn về bí quyết trồng lan xin tóm gọn trong một câu: Xin mời đến Hội Hoa Lan!”

Chúng tôi không dám đề cao, nhưng nhận thấy rằng việc trồng lan không quá giản dị như nhiều người lầm tưởng. Chúng ta nên biết trên thế giới họ nhà lan có khoảng 880 loài (Genus) và trên 2600 giống (species). Vậy mà vẫn còn có nhiều giống lan chưa tìm ra được. Đa số những người chơi lan, thấy cây lan đẹp là mua, mấy ai chịu tìm hiểu rõ nguồn gốc của cây lan.

Họ nhà lan có khoảng 880 loài (Genus) và trên 2600 giống (species). Ảnh chụp tại triển lãm hoa lan ở Westminster Mall năm 2021. (minh họa: doantrang/SGN)

Lan mọc ở khắp năm châu bốn biển, những cây lan này mọc ở nhiều nơi, có những môi trường sinh sống khác nhau hay dễ hiểu hơn là thời tiết, khí hậu, nhiệt độ, ẩm độ. Mỗi nơi hoàn toàn khác nhau cho nên việc nuôi trồng ắt hẳn phải khác nhau. Có cây chịu nóng, có cây ưa lạnh, có cây mọc ở nơi mưa rơi tầm tã, có cây mọc ở nơi khô ráo quanh năm, có cây ưa nắng có cây chỉ mọc trong bóng mát. Nếu không biết rõ sự đòi hỏi của cây lan làm sao nuôi trồng cho được và làm sao chỉ cách nuôi trồng ngắn gọn được chứ!

Thí dụ như cây lan Disa tuy ở Phi Châu, nhưng mọc trên núi cao nên ưa sống ở nhiệt độ dưới 70°F, nước tưới phải thật là tinh khiết và chảy luân lưu nên không thể nào trồng như Cattleya hay Cymbidium được. Và ngay cả Cymbidium tuy rất dễ nuôi trồng, nhưng nếu ban đêm không lạnh dưới 50°F thì chẳng đời nào nó chịu ra hoa.

Muốn nuôi trồng lan có kết quả cần phải biết rõ cách tưới nước bón phân ra sao và phòng ngừa côn trùng, bệnh tật cũng như hiểu biết chu kỳ sinh sống cần thiết của từng giống lan. Nói tóm lại, việc trồng lan không quá giản dị như trồng hoa hồng hay hoa cúc chỉ cần vùi xuống đất rồi tưới nước là xong.

Việc trồng lan không quá giản dị như trồng hoa hồng hay hoa cúc chỉ cần vùi xuống đất rồi tưới nước là xong. (minh họa: Unsplash)

Thập niên 1980-1990 có vài trường đại học tại Hoa Kỳ mở phân khoa chuyên về lan với chương trình bốn năm, nhưng không có đủ sinh viên ghi danh. Tại vùng Bay Area vào thời kỳ đó cũng có nhiều khóa học hai năm chuyên về lai giống hoa lan, gieo hạt và cây mô, nhưng rồi đi vào quên lãng vì không thực tế. Đơn giản, trồng lan chỉ là thú vui, nếu muốn có lợi nhuận, phải có nhiều tài chánh và phương tiện. Hơn nữa, không thể nào cạnh tranh nổi với các nước: Đài Loan, Singapore, Thái Lan là những nơi có lợi điểm về khí hậu ôn hòa và nhân công rất rẻ. Do đó các vườn lan lớn như Ron McLellan, Stewart Orchids và bao nhiêu vườn khác đã phải đóng cửa.

Trồng lan chỉ là thú vui, nếu muốn có lợi nhuận, phải có nhiều tài chánh và phương tiện. (minh họa: Unsplash)

Trở lại vấn đề muốn trồng lan cho cho kết quả, chúng ta cần phải: Biết rõ sự đòi hỏi của cây lan, biết cách tưới bón, thay chậu, biết cách diệt sâu bọ bệnh tật. Nhưng đó chỉ là những điều sơ đẳng, chúng cần phải biết nhiều hơn nữa như: Thời kỳ nghỉ ngơi của cây lan, thế nào là trồng lan đúng cách và kinh nghiệm quý báu của những người đi trước.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng mỗi vườn lan, dù ở ngay bên cạnh nhau nhưng mỗi nơi có một môi trường sinh sống khác nhau về hướng mặt trời, ánh sáng, độ ẩm, thoáng gió… Dược sĩ nhớ tên thuốc là chuyện tất nhiên của bao nhiêu năm học tập. Đời Xuân Thu, Dưỡng Do Cơ nổi tiếng về tài bắn cung “bách bộ xuyên dươngˮ nghĩa là bắn trúng con dê cách xa 100 bước). Vì vậy được thăng quan tiến chức cho nên kiêu ngạo nghĩ rằng mình là tài giỏi. Thực ra cũng giống như ông lão bán dầu, sau bao nhiêu năm hành nghề cũng có thể rót dầu chảy qua lỗ đồng xu vậy.

Kinh nghiệm nuôi trồng mỗi người một khác. Đi thăm một vườn lan có người thu nhận được một vài ưu điểm, nhưng có người chẳng thấy gì cả bởi vì trình độ hấp thụ khác nhau. Mà hiểu biết nhưng có thực hành được hay không, lại là chuyện khác. Nếu cứ cho mình là giỏi là hay, không bao giờ tiến bộ, mà không tiến bộ là thụt lùi…

Mỗi vườn lan, dù ở ngay bên cạnh nhau nhưng mỗi nơi có một môi trường sinh sống khác nhau về hướng mặt trời, ánh sáng, độ ẩm, thoáng gió… (minh họa: Unsplash)

Các bài viết dù sao cũng mang tính cách chủ quan, nhưng vấn đề chính là sự nhận định của người đọc, càng biết nhiều càng hiểu rộng. Thí dụ chỉ một vấn đề tưới nước có hàng chục cách tưới khác nhau: cây nào cần tưới hàng ngày, cây nào tưới hàng tuần, tưới nhiều hay tưới ít và nhận định được như thế nào mới là đúng cách.

Và càng hiểu nhiều, biết rộng chúng ta mới biết rằng trời cao đất rộng. Có nhiều điều chúng ta tự cho là biết nhưng thực ra chưa biết thấu đáo. Nếu nhận thức ra được điều này, chúng ta sẽ bớt tự kiêu, tự mãn và sẽ học hỏi được nhiều hơn. Cổ nhân có câu: ông 70 phải hỏi ông 71. Câu này hình như đã lỗi thời, chúng ta cần mở rộng con mắt để nhìn cho rõ và lỗ tai để nghe, dù rằng đó là lời nói của kẻ hậu sinh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: