Hoa Thủy Tiên ngày Tết

(minh họa: Unsplash)

Bên cạnh hoa Lan nở gần như quanh năm thì hoa Thủy Tiên lại nở vào dịp Tết Âm Lịch. Các vị đứng tuổi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam xưa có cái thú chăm chú sao cho có được mấy giò hoa Thủy Tiên nở vào ngày Mùng Một Tết.

Đầu năm, sau các thủ tục xông đất, mừng tuổi, bên cạnh ly trà nóng, các cụ ngồi ngắm cánh hoa Thủy Tiên màu trắng muốt, giữa điểm nhị vàng với mùi hương thanh thoát thì không còn gì sảng khoái cho bằng. Hoa Thủy Tiên tôi đang đề cập có gốc từ Trung Quốc mà ta thường thấy bày bán trong các tiệm của người Hoa khoảng hơn một tháng trước Tết.

(ảnh: Unsplash)

Người Anh, Mỹ gọi chung loại này với các nhóm tương đồng vào một tên là narcissus. Ngoài ra còn có những tên khác như narcissuses, narcissi, hay danh từ thảo mộc học như narcissus tazetta V. orientales, narcissus tazetta v. chinensis và gọn hơn Ruen. Narcissus là tên một thần thoại Hy Lạp với dòng thực vật Amaryllidaceae, bộ narcisseae.

Hoa Thủy Tiên còn được người Tây phương gọi là hoa thiêng (Chinese sacred lily) hay sát nghĩa là water goddess flower. Để ca tụng vẻ thánh thiện của hoa Thủy Tiên, có người còn gọi là hoa thiên thần (angel flower plant) hay angel in water. Mặc dù hoa Thủy Tiên mới được người Tây phương biết đến nhiều vào những năm 1800, nhưng cây này đã trồng từ cổ Ai Cập và Do Thái hàng ngàn năm trước.

Có thể con đường Tơ Lụa từ Trung Quốc tới Tây Ban Nha đã phổ biến rộng rãi giống hoa này cho khắp cùng thế giới, nhất là những nơi có sự hiện diện của người Trung Hoa. Tiếng Quan Thoại gọi hoa này là Shui Xian Hua.

Chơi hoa Thủy Tiên đối với người Việt và người Hoa, ngoài nghệ thuật còn là một biểu tượng của văn hoá, phong tục. Hoa Thủy Tiên giống từ Trung Hoa có sáu cánh nhỏ, màu trắng, mỏng như giấy bởi vậy còn gọi paperwhites. Ở trung tâm có nhụy hình vành khăn (corona) màu vàng. Hoa có mùi thơm cam nhẹ. Có loại hoa đơn và loại hoa kép. Người sành chơi lại thích hoa đơn hơn hoa kép.

Hoa Thủy Tiên, ngoài hương thơm, còn biểu hiệu cho sắc đẹp, sự dịu dàng, và thanh thoát. Tuy vậy, hoa Thủy Tiên lại độc vì có chất alkaloid lycorine ở củ và lá nhưng lại dùng để làm thuốc cổ truyền của Nhật Bản chữa vết thương tên Kampa.

Thủy Tiên được trồng trong nhà hay ngoài vườn. Ngoài vườn, người ta trồng Thủy Tiên như hành, tỏi. Thời gian ra hoa từ 35 tới 45 ngày. Đất trồng cần thoát nước, có thể đánh luống cao 2-3 inches gồm peatmoss, compost, vỏ cây, phân chuồng. Củ chôn sâu 3-4″ (7.5-10 cm), và khoảng cách 4-5 củ cho một ft2 (0.3 x 0.3 m). Gieo củ vào Tháng Chín tới Tháng Mười Hai. Khi cây hết hoa không nên nhổ ngay mà chờ cây vàng, cỗi, để cây có thêm sinh lực sau này.

Một điều cần lưu ý là những cây đã trồng trong nhà, nếu đem ra trồng ngoài trời thì thường cây không hoa hoặc ít ra hoa và lá mọc um tùm, rũ xuống và củ không còn giữ được hình thù nguyên thủy.

(ảnh: Unsplash)

Vì lý do nghệ thuật, người ta thích trồng hoa Thủy Tiên trong nhà. Nhờ vào đặc điểm là cây Thủy Tiên có thể sống và ra hoa trong mát nên người trồng tiện chăm sóc và theo dõi cây từ lúc trồng cho tới lúc ra hoa. Người trồng còn có thể tạo dáng cho cây mọc, kìm hãm hay giục cho cây ra hoa theo ý muốn của nghệ nhân.

Cây Thủy Tiên sống được và ra hoa trong nước nên không lo về đất trồng. Sự di chuyển nhẹ nhàng khiến các cụ lớn tuổi dễ chăm sóc hơn. Ngoài ra, Thủy Tiên là cây mau ra hoa. Từ củ cho đến lúc ra hoa chỉ cần vài tuần lễ. Cây Thủy Tiên không sợ lạnh vì trồng được trong nhà. Hoa Thủy Tiên khi nở hoa trong nước, người ta liên tưởng đến cánh sen trong ao hồ được thu nhỏ lại dưới dạng tiểu cảnh bonsai.

Nếu muốn trưng Thủy Tiên vào dịp Tết, nên mua củ khoảng 20 đến 30 ngày trước Tết, nhưng vì khí trời hay thay đổi, nên thời gian ra hoa có thể mau hơn. Củ Thủy Tiên nên mua trực tiếp của các tiệm người Hoa vì họ có giấy phép nhập cảng và phân phối. Củ Thủy Tiên Trung Quốc thường có dạng con cua hay con nhện, gồm một củ lớn và các củ nhánh nhỏ hơn bao quanh như hình nải chuối.

Tùy cách tỉa mà chọn củ ít nhánh nhỏ hay nhiều nhánh nhỏ. Củ ít nhánh thì to và có nhiều hoa và hoa lớn. Ngược lại, nhiều củ nhánh thì phần lớn là sinh lá hơn là hoa. Thường củ có bảy đến chín nhánh là vừa đẹp. Đôi khi có củ có đến 17 nhánh thì cầm chắc sẽ nhiều lá hơn hoa! Nên chọn những củ còn chắc, no tròn, không bị mềm nhũn, chảy nước. Cũng không chọn những củ đã mọc lá quá cao chứng tỏ đã tồn kho lâu ngày. Cây sẽ yếu vì mất sức. Lá đã cao thường hay gãy, giập, và đầu lá dễ bị cháy, vàng, không đẹp, và phải bỏ sau này.

Tùy theo cách phối trí nơi phòng khách mà chọn hình dáng, màu sắc các bình chưng hoa Thủy Tiên cho thích họp. Xưa các cụ hay chưng Thủy Tiên vào các bát, chén cổ bằng sứ cho tăng thêm phần quý phái, trang trọng. Và cũng tùy bình chưng mà ta gọt củ Thủy Tiên cho hợp với chiều cao tương ứng.

Ngày nay, nhiều người dùng bình pha lê hay thuỷ tinh để có thể ngắm cả chùm rễ trắng phau như râu bạc. Cũng nên chọn những bình gọn, nhẹ để dễ thay nước trong thời gian đầu. Để giúp cho cây giữ đúng vị trí ta có thể chêm đá cuội, hòn bi xung quanh.

(ảnh: Unsplash)

Thưởng lãm hoa lan cũng như hoa Thủy Tiên ngoài là một thú tiêu khiển còn là một cách tu tâm dưỡng tính. Khi ngắm nhìn một đóa hoa nở ta sẽ ngợi khen Thượng Đế đã cho chúng ta một sự kỳ diệu. Từ đất cát hay chỉ một chút nước đã cho ta một bông hoa màu sắc hoặc rực rỡ như hoa lan hay mịn màng êm dịu như hoa Thuỷ Tiên. Ngoài ra còn thoảng một chút hương thơm làm đoá hoa thêm duyên dáng và làm say mê lòng người.

Tết đến, Xuân về, hoa nở, báo hiệu những cái mới sắp đến với những ước vọng đôi khi thật đơn sơ: có thêm đồng xu lì xì đánh đáo, có thêm một cháu nội, ngoại chạy loăng quăng quanh nhà cho vui ba ngày Tết.

Khi nói về các loài hoa, các học giả Trung Quốc cho hoa Lan biểu hiện cho sự quý phái và hoa Thủy Tiên biểu hiện cho sự trong trắng, đức độ và lịch thiệp. Tết và năm mới sắp tới, sinh khí trong gia đình bừng dậy, hân hoan. Sau những năm tháng làm ăn vất vả, nay, nhâm nhi ly trà, thong thả gọt củ Thủy Tiên, cặm cụi nồi bánh chưng cho con cháu, người già tự cho mình đó là những phần thưởng xứng đáng lắm rồi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: