Chuyện anh Hai và “tứ quý” của tôi

Minh họa: Toby-Osborn/Unsplash

Tôi là con trai kế út trong gia đình có bốn đứa con trai và một con gái. Người xưa bảo: Nhà có bốn anh em trai là được “tứ quý”. Bốn anh em tôi có được là “tứ quý” hay không, tôi không biết nhưng rõ là có nhiều may mắn khó giải thích trong đời chúng tôi.

B a ông anh tôi như bao nhiêu chàng trai cùng thế hệ đã bỏ trường học lên đường nhập ngũ, làm bổn phận những người trai thời chiến. Phần tôi được tạm thời miễn quân dịch vì còn nhỏ, đang là sinh viên trường Luật và là đứa con trai duy nhất còn lại trong gia đình.

Anh Cả Huy của tôi vào Bộ binh khóa 17 Thủ Đức. Ra trường anh về làm huấn luyện viên ở trung tâm huấn luyện Cái Vồn tỉnh Vĩnh Long, chỉ bị thương nhẹ ở thao trường khi chỉ dẫn tân binh cách ném lựu đạn. Anh Hai Huỳnh đi binh chủng Hải quân, chưa một lần bị thương trong đời. Anh Ba Tâm đi Không quân, phục vụ Sư đoàn 5 Không quân Tân Sơn Nhất, cũng chưa lần nào bị thương tích. Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh, cả ba ông anh của tôi đều tai qua nạn khỏi trong đường tơ kẽ tóc. Ông anh Cả, năm 1972 xuống An Lộc nằm “nếm” pháo cả tuần. Ông anh Ba đêm 28 Tháng Tư 1975 “ăn” pháo cả đêm ở phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng cả hai vẫn sống sót như một phép màu. Có thể coi đó là nhờ “tứ quý” chăng?

Trong ba ông anh, tôi thân nhất với anh Hai. Anh lớn hơn tôi chín tuổi, tính anh hòa nhã, dĩ hòa vi quý trong lúc tôi là thằng nóng nảy, háo thắng lúc nào cũng muốn ăn thua đủ với mọi người khi có bất đồng. Anh là người luôn làm gương cho mấy đứa em và cũng là người con hiếu thảo, cả đời hy sinh cho gia đình. Vì kinh tế gia đình eo hẹp, anh tôi vô học ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử đường Võ Tánh. Từ nhà tôi đến trường khoảng bảy cây số nhưng nhà nghèo, không tiền đi xe lam, cũng chưa có xe đạp, ngày nào anh cũng chịu khó dậy sớm lúc năm giờ sáng, cuốc bộ tới trường. Vì cứ đi bộ sáng, trưa dưới nắng, da anh đen thui như dân “Chà Và”, tôi chọc quê anh là con của ông Ấn Độ hàng xóm, anh không giận chỉ nhe răng cười. Với sự thông minh và bền chí, anh học hành xuất sắc, nhất là sinh ngữ, đã đoạt được bằng tú tài toàn phần đầu thập niên 60.

Sau đó anh ghi tên học Luật vì đây là phân khoa không phải đến giảng đường hằng ngày. Anh vừa học vừa dạy kèm tại tư gia cho những học sinh đang luyện thi tú tài, kiếm tiền phụ giúp cho Thầy (ba) và Má tôi. Những ngày đầu tháng anh thường giúi cho tôi chút tiền để ăn quà vặt. Món tôi thích nhất vào mùa hè nóng nực là những cây kem đậu xanh có một hột nho ăn tới đâu mát tới đó của ông Tàu già. Nhớ lần anh dẫn tôi lên Sài Gòn xem phim Spartacus với Kirk Douglas ở rạp Rex, sau đó hai anh em lang thang vỉa hè đường Lê Thánh Tôn lùng kiếm sách báo cũ, ăn phá lấu và uống nước mía Viễn Đông. Trước khi về còn ghé vào nhà sách Khai Trí, anh mua cho tôi mấy cuốn sách giáo khoa…

A nh Hai tôi có một tủ sách nho nhỏ giữa phòng khách. Ở đó có một tập thơ anh chép tay và trang trí đẹp mắt với những bài thơ nổi tiếng của các tác giả: Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa… cùng các quyển sách mà tên tuổi của chúng, tôi vẫn nhớ như Ba sinh hương lửa (Doãn Quốc Sĩ), Đêm giã từ Hà Nội (Mai Thảo), Mưa đêm cuối năm (Võ Phiến), Thần tháp rùa (Vũ Khắc Khoan), Ngày xưa còn bé (Duyên Anh), Moby Dick (Herman Melville), Un tempts pour vivre un temps pour mourir (Erich Maria Remarque), Nausea (Jean-Paul-Satre)…

Rồi những tạp chí văn học nghệ thuật của Sài Gòn như Khởi Hành, Bách Khoa, Văn Học… Ngoài ra anh còn có một máy hát dĩa hiệu Phillips với các dĩa 45 vòng đang được giới trẻ yêu thích như La nuit (Adamo), Tous les Garcon et les Filles (Francois Hardy), La plus bell pour aller danser (Sylvia Vartan), ban Thăng Long, Hà Thanh, Walk don’t run (The Ventures), A different drum (Linda Ronstadt), The Beatles…

Không hiểu từ đâu lạc vào giữa rừng dĩa nhạc đó là Võ Đại Lang bán phở – hài kịch tân cổ giao duyên nghe cười bể bụng với Văn Hường, Văn Chung. Bắt đầu từ cái tủ sách nhỏ và những bài nhạc làm say lòng người đó của anh Hai, tôi đã chập chững bước vào thế giới văn học nghệ thuật và âm nhạc đầy màu sắc lúc nào không hay.

Thời gian làm sinh viên Luật và đi dạy kèm là thời gian thơ mộng và đẹp nhất trong đời anh tôi. Trong nhà, anh Cả đẹp trai nhất, giống Thành Được; anh Ba thì to con giống James Dean. Anh Hai nhỏ con, xấu trai nhất nhà nhưng lại nói chuyện duyên dáng và rất đào hoa. Mấy cô bạn gái của anh đều xinh đẹp lộng lẫy như hoa khôi. Mỗi lần mấy chị đến thăm, tôi lúc đó chỉ là thằng con nít mới lớn mà trong lòng cũng nghĩ: Ước chi mình mau lớn để có nhiều bạn gái như anh. Dù được nhiều bóng hồng vây quanh nhưng anh tôi chỉ có một mối tình lớn duy nhất với một người con gái ở Hàng Xanh, là chị Mai, đẹp thùy mị với mái tóc xõa dài ngang lưng. Mối tình đó theo anh kể, là “tình đầu và tình cuối”, đẹp tuyệt vời nhưng duyên không thành. Bây giờ bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, anh vẫn tiếc nuối, ngậm ngùi ngân nga bài Một lần cho tôi gặp lại em của Vũ Thành An.

T hời gian anh tôi làm chàng sinh viên mơ mộng với sách vở, giảng đường và với con đường Duy Tân cây dài bóng mát kéo dài không được lâu. Cuộc chiến nóng lên, lệnh đôn quân được ban ra năm 1968, anh xếp bút nghiên lên đường, thụ huấn tại Trường Bộ binh Thủ Đức, rồi về binh chủng Hải quân, lực lượng Thủy bộ yểm trợ Sư đoàn 7 Bộ binh đóng tại căn cứ Đồng Tâm, tỉnh Định Tường, nhận nhiệm vụ bảo vệ vùng Rạch Giá, Mỹ Tho, Tiền Giang và Gò Công.

Có một thời gian dài Thầy và Má tôi không nhận được chút tin tức gì về anh nên rất lo lắng, phái tôi chạy xe Honda xuống căn cứ Đồng Tâm kiếm anh. Đến Bộ tư lệnh Hải quân, người sĩ quan trực hôm đó cho tôi biết: Giang đoàn của anh đã rời căn cứ vài ngày trước đó để tham dự cuộc hành quân qua Neak-luong xứ Chùa Tháp. Không may đoàn anh tôi đã chạm ổ mìn nổ tung, chưa biết số thương vong ra sao. Tôi hốt hoảng phóng xe như bay về Sài Gòn. Vừa bước chân vào phòng khách, thấy anh đang ngồi cười nói với Thầy, Má. Thì ra anh được đi phép thường niên khi giang đoàn của anh vượt biên giới qua xứ Chùa Tháp. Anh bảo đã biết tin cái chiến đỉnh bị mìn nổ và tổn thất nhân mạng rất thấp. Anh còn nói giỡn: “Gái Neak-luong rất mê Hải quân Việt, tuy ngôn ngữ bất đồng vẫn có thể tỏ tình với nhau bằng ánh mắt, nụ cười”.

Hải hành sông nước Rạch Giá trong vòng một năm, anh Hai tôi thuyên chuyển về Giang đoàn 28 Xung phong ở Nhà Bè một thời gian. Sau đó nhờ khá Anh ngữ, anh được cử đi học về Hải hành và truyền tin tại quân cảng Cam Ranh do Hải quân Mỹ huấn luyện. Anh kể đây là thời gian thú vị nhất trong đời quân ngũ, được sống lại thuở cắp sách đến trường. Sáng sáng đi thực tập trên chiến hạm, chiều về đi tắm biển, vô câu lạc bộ nhâm nhi Budweiser, xem những phim mới ra lò hoặc chứng kiến trực tiếp truyền hình Apollo 11 đáp xuống Mặt trăng. Lâu lâu lại được thưởng thức live show USO của Bob Hope với các nữ tài tử  bốc lửa Racquel Welch, Jill St John, Ann- Margret sang Việt Nam biểu diễn động viên tinh thần binh sĩ Mỹ.

Anh có nhiều bạn bè người Mỹ và hay mời họ về nhà ăn cơm Việt Nam với bún chả giò, cá kho tộ, phở bò… do Má tôi nấu. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ những chàng lính Mỹ cao lớn mặt non choẹt lom khom chui qua cái cửa ra vào thấp lè tè ở nhà tôi. Không ngờ mệnh nước nổi trôi, nước Mỹ bây giờ lại là quê hương thứ hai của anh em tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam tỵ nạn khác.

S au thời gian huấn luyện ở Cam Ranh, anh về thực tập đi biển và lái tàu ở trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang. Đây cũng là nơi anh Ba tôi đang là khóa sinh của trường Không quân Nha Trang nên hai anh tôi có nhiều cơ hội gặp nhau cuối tuần. Lúc hai anh dạo phố Nha Trang, khu Cầu Đá, hòn Chồng… trong bộ quân phục thẳng tắp của Hải quân và Không quân, chắc đã có nhiều ánh mắt ngưỡng mộ của các má đỏ môi hồng miền quê hương cát trắng trông theo.

Tốt nghiệp khóa huấn luyện, anh Hai tôi được phái về phục vụ trên Hải vận hạm LSM Hậu Giang HQ-406. Sau thời gian ngắn lênh đênh trên những chuyến hải hành dọc duyên hải miền Trung, chiếc hải vận hạm bị hỏng một máy phải đem về Hải quân Công xưởng Bạch Đằng bảo trì. Đây cũng là một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời anh. Đó là những ngày cuối cùng của miền Nam vào Tháng Tư 1975.

Một sĩ quan Hải quân bạn thân của anh ở Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn – muốn về Long An đón vợ con lên cư xá sĩ quan Hải quân để chuẩn bị cho cuộc di tản – đã nhờ anh tôi vào trông coi căn hộ của ông ta. Nhờ có mặt tại cư xá Hải quân trong đêm 29 rạng 30 Tháng Tư 1975, nên khi tiếng xích sắt của chiếc xe tăng Cộng sản tiến vào đường phố Sài Gòn, anh Hai đã dùng M-16 bắn tan ổ khóa cổng trại để cùng một số lớn gia đình ở cư xá Hải quân lên Dương vận hạm LST Thị Nại HQ-502, nhổ neo trực chỉ Côn Sơn.

Phần tôi, năm tiếng đồng hồ sau đó, đã nhảy lên một con tàu nhỏ ở bến Bạch Đằng, theo dòng Nhật Tảo vượt qua Vũng Tàu ra hải phận quốc tế. Anh Hai và tôi thoát khỏi Sài Gòn vào giờ thứ hai mươi lăm. Có thể coi đây là cũng là một cái may của “tứ quý” chăng?

Dương vận hạm LST Thị Nại HQ-502 sau khi tới Côn Sơn đã nhập vào một đoàn khoảng ba mươi chiếc tàu lớn nhỏ của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Anh tôi nhớ lại: “Sáng hôm đó bầu trời xanh ngắt không một cụm mây. Khung cảnh thật hùng tráng với những chiến hạm đen kín vùng biển, xen lẫn cánh hải âu bay lượn. Nhưng anh không có cảm giác kiêu hãnh như những lần đứng trên chiếc Hải vận hạm của mình sau những trận hải hành về tới bến mà lần này anh thấy lòng nặng trĩu, đau đớn ngậm ngùi. Anh muốn gào lên, khóc lên trước cảnh nhà đang mất, nước đang tan, nhưng bất lực. Anh nhìn các chiến hữu chung quanh và nhận thấy ai cũng đang có tâm trạng như mình”.

Đêm hôm đó, dưới sự hướng dẫn của Khu trục hạm USS Kirk, đoàn tàu Hải quân Việt Nam chặt neo nhắm hướng Subic Bay, Philippines, thẳng tiến. Còn tôi, sau khi đến các trại tỵ nạn Subic Bay, đảo Wake và dò hỏi tin tức về những người thân, tôi được chuyển về trại Orote Point trên đảo Guam. Lúc đó, tôi cứ ngỡ trong gia đình chỉ có một mình tôi may mắn thoát khỏi Sài Gòn. Cho đến một buổi chiều nhớ nhà, buồn vô hạn, tôi đi thơ thẩn trong mấy căn lều vải nhà binh còn sót lại ở cuối đảo, tình cờ nhìn thấy trên đất tờ Chân trời mới – một tờ thông tin nội bộ của trại, đang bay phất phơ. Tôi tò mò nhặt lên xem và không tin vào mắt mình khi đọc những dòng chữ: “Hải quân Trung úy V. Đ. Huỳnh tìm người thân, nếu đi được, xin liên lạc về…”.

T ừ cuộc ra đi của Thầy và Má tôi từ miền Bắc vào miền Nam tìm tự do ở thập niên 1950, hơn 30 năm sau anh em chúng tôi đã lập lại những cuộc ra đi của riêng mình. Lần này đau xót hơn vì những cuộc ra đi xa vời vợi, cách Việt Nam nửa vòng Trái đất.  Cuối cùng năm anh em chúng tôi đã đoàn tụ với nhau trên đất Mỹ. Anh Ba và cô em gái út trải qua nhiều chuyến vượt biên rồi cũng đến được bến bờ tự do. Anh cả sau những năm tù đày khổ ải trong các trại tù cải tạo, cũng ra đi theo diện H.O.

Nhìn lại, so với cảnh huống kinh hoàng, mất mát, đau thương của bao gia đình tị nạn khác thì những chuyến đi của anh em tôi may mắn hơn nhiều. Có thể coi đây cũng là một trong những “tứ quý” có được chăng?

Thời gian từ tuổi thơ ấu đến và ra đi nhanh như sương nắng ban mai. Giờ chỉ còn lại trong tim tôi những điều huyền diệu của “tứ quý” và ký ức sâu thẳm về những gì trải qua, về chuyến đi của tôi và các anh em tôi. Đặc biệt là người anh Hai đã đi chung với tôi những chặng đường dài: Đường kỷ niệm ngày đi bộ đến trường, đường âm nhạc văn học nghệ thuật anh “ươm” cho tôi và chặng đường những ngày đầu xa quê hương, lạc lõng trên xứ người, hai anh em đùm bọc lẫn nhau.

Tôi bây giờ, khi mái tóc đã điểm sương, vẫn còn giữ nguyên cái cảm giác hãnh diện vô biên về anh, trong ngày tốt nghiệp khóa sĩ quan Hải quân Nha Trang, oai hùng với bộ đại lễ trắng tinh, lấp lánh cầu vai đeo vòng dây chiến thắng. Và nụ cười tươi rói trên khuôn mặt đen xạm phong trần của anh trong tư thế uy nghiêm, đứng chào lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ phần phật tung bay trong nắng…

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: