Tinh Long gãy cánh

Một xác máy bay trên đường phố Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư 1975 (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Nhân dịp Tháng Tư về, xin chia sẻ cùng độc giả những đau thương, mất mát cho một dân tộc nói chung và cho những người thất trận như chúng tôi nói riêng, trong những ngày cuối cùng của nền độc lập-tự do miền Nam mà cái tên Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông nay cũng đã trở thành là ký ức.

Mỗi 30 Tháng Tư về là mỗi lần xa xót. Ngó vọng quê nhà mắt lệ, hồn đau. Bao chiến hữu vùi thây, hồn lưu lạc phương nào. Xin che chở tâm hồn tôi mục ruỗng. Thua cuộc chiến năm xưa quả là oan uổng. Một quân đội anh hùng bị đồng minh phản bội, trói tay. Để cho lũ sài lang ngồi xổm trên cổ, trên đầu người dân từ ấy đến nay; còn khốn nạn quỵ luỵ Tàu để được làm thân nô thuộc. Dân tộc Rồng Tiên quả là vô phước, sinh ra một lũ ươn hèn bán nước cầu vinh.

Dòng người di tản 30/4 (ảnh: Jack Cahill/Toronto Star via Getty Images)

Bốn mươi bảy năm dân Miền Nam chắc đã tỉnh ngộ, thất kinh. Một cái giá quá đắt cho chiêu bài “giải phóng”. Nhưng có lắm người vẫn như còn mơ mộng, một thiên đường mù sẽ le lói cuối trời xa. Nhớ bạn bè một thuở xông pha trong lửa đạn để mong giữ gìn tự do, dân chủ. Nay không biết có ngàn thu yên ngủ, khi dân tộc vẫn bị đọa đày, còn đất nước vẫn mãi điêu linh!

Mỗi mùa 30 Tháng Tư tôi đều không thể quên được những kỷ niệm một thời trên lưng gió. Càng không thể quên được hình ảnh hãi hùng của chiếc phi cơ AC119K của phi đoàn bị SA7 bắn gãy cánh trái, bốc cháy trên vòm trời Tân Sơn Nhất. Tôi lại lục lọi tờ phi vụ lệnh đã rất cũ ra mân mê, mân mê…

Tay run run cầm tờ phóng ảnh Phi Vụ Lệnh cuối cùng đã mờ nhạt – dù sau này được ép nhựa – sau bao nhiêu năm tháng “săm soi” mỗi độ Tháng Tư về, hay mỗi lần nhớ bạn bè xưa, nhớ không gian cũ. Mỗi lần cầm Phi Vụ Lệnh trên tay là y như thấy lại tất cả những dấu yêu trong dĩ vãng bừng sống lại, có những phút huy hoàng, có vạn điều cay đắng!

Đã 47 năm qua nhưng sự xúc động vẫn còn nguyên vẹn khi hình dung từng khuôn mặt, từng giọng nói, tiếng cười của chín Phi hành đoàn, gồm sáu Phi hành đoàn chính thức và ba Phi hành đoàn túc trực hành quân với hơn 80 nhân sự có tên trong tờ Phi Vụ Lệnh cuối cùng của đêm 28 rạng 29 Tháng Tư 1975. Nhưng đặc biệt nhất là Phi hành đoàn Tinh Long 07 của Trung úy Trang Văn Thành. Phi hành đoàn đã rất anh dũng đánh một trận oanh liệt cuối cùng, rửa hận thay anh em và đã hy sinh cho quê hương dấu yêu trong giờ thứ 25. Sự can trường này đã làm chậm bước tiến Cộng quân xâm chiếm thủ đô, giúp những người vượt khỏi Sài Gòn có thêm thời gian cần thiết. Viết đến đây lòng bồi hồi thương cảm, xin một phút nghiêng mình, cúi đầu tưởng niệm đến các anh hùng tử sĩ của Phi Hành Đoàn Tinh Long 07.

Xin mở ngoặc một chút để chia sẻ với quý vị hoạt động của Phi Đoàn 821 có tên gọi Tinh Long với hơn 300 nhân viên phi hành. Phi đoàn này là phi đoàn vận tải tác chiến, chuyên đánh trận ban đêm với loại phi cơ AC119K. Có thể nói, loại phi cơ của Phi Đoàn này được trang bị kỹ thuật tác chiến trên không tối tân nhất với hỏa lực hùng mạnh nhất Không Quân VNCH thời bấy giờ. Đặc biệt hiệu quả với những chiến trận biển người và xe tăng mà VC thường hay sử dụng, săn lùng các đoàn tiếp vận của VC dọc đường mòn Trường Sơn. Từ ngày thành lập năm 1972 đến Tháng Tư 1975, Tinh Long đã tham dự tất cả những chiến trận sôi động nhất khắp bốn vùng chiến thuật, từ Bến Hải đến mũi Cà Mau. Nổi danh nhất là các chiến trận nóng bỏng dọc Trường Sơn và miền Trung nước Việt. Ngoài đơn vị chính đóng ở Tân Sơn Nhất, còn có các Biệt Đội đóng ở hai căn cứ KQ Phù Cát và Đà Nẵng.

Mỗi đêm có sáu phi vụ Tinh Long chính thức, bắt đầu từ 6g chiều đến 6g sáng với tên gọi Tinh Long 1 đến Tinh Long 6. Mỗi phi hành đoàn trách nhiệm trên chiến trường hai tiếng và một tiếng gối đầu. Có nghĩa là từ lúc cất cánh, nhận vùng trách nhiệm, xông trận, bàn giao để về hạ cánh là ba tiếng. Ba phi hành đoàn dự bị nếu chiến trường cần bất cứ lúc nào. Mỗi phi hành đoàn có 10 nhân viên gồm hai phi công chính, phụ; ba sĩ quan điều hành viên để trông coi về đường bay, theo dõi mục tiêu bằng hồng ngoại tuyến, xác định và điều chỉnh tác xạ; một cơ khí phi hành trông coi máy móc, ba nhân viên vũ khí cho bốn cây đại liên 7.6 ly sáu nòng, với 31,000 viên đạn mỗi cây cộng thêm hai cây đại bác 20 ly sáu nòng, mỗi cây với 4,500 viên đạn nổ lại khi va chạm; và một áp tải kiêm nhân viên trái sáng. Tổng cộng trọng tải của Tinh Long là 80 ngàn pounds. Vì khối sắt bay khổng lồ này nên phi cơ được trang bị hai ống phản lực rất mạnh để phụ trợ khi cất cánh cũng như khi đáp. Chúng tôi thường gọi đùa phi cơ này là chiếc quan tài bay. Người điều khiển tác xạ duy nhất là Trưởng phi cơ.

Cộng quân pháo kích vào nội đô Sài Gòn (Getty Images)

Chiều 28 Tháng Tư 1975, anh em có mặt tại phi đoàn rất sớm và rất đông sau khi phản tặc Nguyễn Thành Trung dội bom phi trường. Và trong phi vụ lệnh đêm nay, tôi có tên bay với Trung úy Trần Văn Hiền, Tinh Long 2, sau phi vụ đầu tiên của Trung úy Trang Văn Thành.

7g30 cất cánh. Trời chưa tối hẳn. Tuy nhiên, khi chuẩn bị vào Vùng trách nhiệm lúc 8 giờ, trời đã nhá nhem tối. Hiền ra lệnh tắt tất cả đèn đóm trên tàu, chia nhau canh chừng phòng không và SA7.

Chiến trường hôm nay không xa thành phố bao nhiêu. Được Trung úy Thành bàn giao chiến trường cho biết là phòng không và SA-7 của địch quân rất dữ dội. Thế là mười đôi mắt mở to để canh chừng từng vuông đất. Chúng tôi lặng lẽ nhập vùng trong đêm tối; thế nhưng có lẽ chúng đã nghe tiếng phi cơ nên dàn ra “chào” bằng một trời đạn pháo trong khi chúng tôi chưa kịp bắn viên đạn nào. Có lẽ trong chiến trận ai cũng biết là mình chưa khai hỏa mà địch đã phủ đầu thì mức độ sợ hãi đến tê điếng như thế nào. Đoàn viên ai cũng muốn TPC khai hỏa để lấy tinh thần, nhưng vì đạn dược của chúng ta vô cùng hiếm nên đành phải chờ cơ hội.

Chúng tôi phải liên tục lạng lách vã mồ hôi và bắt buộc phải tăng giảm cao độ liên tiếp. Địch quân trong thế thượng phong, đạn pháo liên tục bắn lên đặc kín cả không phận. Ở dưới đất, hàng hàng lớp lớp xe vận tải của chúng bật đèn sáng choang, nối đuôi nhau tiến vào thủ đô như chỗ không người! Tôi chợt ao ước giá chúng tôi được trang bị bom! Chúng tôi vô cùng phẫn uất nhưng vẫn không làm gì được vì chúng tôi không thể bắn liều, bắn ẩu ở cao độ không hiệu nghiệm. Mỗi lần cố xuống thấp nhập trận là phòng không của chúng lại đặc trời, lại phải lạng lách, phải bắn trái sáng chống hỏa tiễn tầm nhiệt, phải tăng cao độ an toàn.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ trên không phận, chúng tôi hoàn toàn trong tư thế tự vệ và thụ động, không có lấy một cơ hội nhỏ để bắn trả thù! Tôi bỗng nghĩ nếu gặp Trung úy Thành chắc đã một mất một còn với lũ giặc Cộng này rồi. Tôi đã bay với Thành ở nhiều chiến trường nổi tiếng như Đại Lộc, Thường Đức, Đức Dục ở Quảng Nam; Vùng núi đồi Tây Nguyên khi biệt phái Phù Cát. Sự gan dạ của Thành có lẽ nhờ tin vào bùa chú, hoặc nằm trên sợi dây chuyền có nanh heo rừng lúc nào cũng đeo lủng lẳng trên cổ. Tôi thích bay với Thành vì muốn thử thách sự can đảm của mình; hơn nữa, tôi thật tình không muốn đạn dược của phe ta, vốn khan hiếm, bị phí phạm nếu đánh trận ở một cao độ kém hiệu quả. Mỗi lần nhận nhiệm vụ yểm trợ quân bạn, tôi thật sự muốn tham dự trận địa một cách tích cực, giúp giảm thiểu xương máu của các chiến hữu thân thương của các binh chủng bạn đang ngày đêm kiên cường trực diện kẻ thù.

Những ngày tháng không thể nào quên (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Phải nói lần đầu tiên trong đời đánh trận tôi cảm thấy ê chề, lo âu và bất lực. Không khác gì một võ sĩ thượng đài mà đã bị người ta trói buộc tay chân. Không ai nói với ai điều gì nhưng trong ánh mắt của mỗi người là một trời thất vọng và lo âu. Nguy cơ địch quân đánh chiếm Sài Gòn chỉ có thể đếm từng giờ!

Về tới phi đoàn, tôi vội vã chạy về cư xá sĩ quan độc thân ở gần cổng Phi Long, vì có hai chú em học trò trọ học ngoài phố được tôi đưa vào căn cứ lúc trưa. Mấy ngày qua, an ninh, quân cảnh được lệnh không cho bất cứ dân sự nào vào căn cứ nếu không phải vợ con của quân nhân ở trong trại gia binh hoặc phải có giấy phép đặc biệt. Sở dĩ hai chú nhỏ vào được là nhờ tôi có giao tình đặc biệt với anh em an ninh, phòng thủ trong căn cứ. Giao tình đặc biệt đó là vì tôi ở trong đội tuyển volley Không đoàn và là huấn luyện viên võ thuật Không Quân nên quen mặt với anh em mà có được biệt lệ.

Gần 11g đêm tôi về tới phòng trọ. Chưa kịp chợp mắt thì phi trường bị pháo kích nặng nề. Hai chú học trò tranh nhau chui trốn vào gầm giường! Tôi cũng chết điếng khi nghe tiếng đạn rít xé tai và rớt xuống bên ngoài căn cư xá mình… nhưng chờ hoài không nghe tiếng nổ! Tản sáng ra xem mới biết là tử thần từ chối khuya qua. Chiếc đạn hỏa tiễn 122 ly cắm sâu vào lòng đất, đưa một phần đuôi lên trời!

Chưa kịp hoàn hồn thì nghe cả khu cư xá la ơi ới chỉ trỏ nhìn lên trời. Một Tinh Long đang bị bắn rơi! Biết chắc là bạn mình nhưng không biết là ai. Tôi bàng hoàng xúc động. Tim đau nhói như muốn nghẹt thở. Tôi lên xe tính chạy vào phi đoàn để xem bạn nào nhưng vừa quẹo ra cổng cư xá thấy súng đạn vất bừa bãi bên trường huấn luyện tân binh phía đối diện… Tôi chợt nghĩ là anh em chúng tôi cần súng đạn để tử chiến nếu VC tràn vào căn cứ. Tôi dừng xe, gom một mớ súng đạn đem về phòng giao cho hai chú nhỏ. Hai chú học trò khoái chí cầm từng cái súng lên xem. Tôi chỉ vẽ sơ sơ cách sử dụng và dặn không được bắn ai nếu không phải là VC, rồi lên xe vọt đi.

Khi chạy gần tới khu gia binh, tôi lại chợt nghĩ anh em cần thực phẩm cho những ngày tới. Tôi chạy thẳng lên tiệm tạp hóa của Trung sĩ Ngọn ở khu gia binh – người vừa bay với tôi đêm qua. Đập cửa mua được mấy bao gạo và mấy chai nước mắm. Tiệm của Ngọn không có bán gì khác. Tôi nghĩ thế cũng tạm đủ và chạy đem về cư xá xong mới vào phi đoàn.

Trong lúc này, phi trường vẫn đang bị pháo kích và người người đang chạy xuôi chạy ngược. Tôi bất kể, cứ phóng xe trên đường. Khi đi ngang qua khu dinh trại nữ quân nhân KQ, thấy người ta đang tản thương vì cư xá vừa bị trúng đạn pháo kích, gây thiệt hại nặng nề. Tôi quay tìm đường khác. Dường như đầu óc tôi lúc này không suy nghĩ được gì ngoài mấy chữ “mình phải vào phi đoàn”. Tôi không có chủ đích nào ngoài việc muốn biết bạn mình vừa tử nạn gồm những ai.

Không còn nhớ lúc ấy là mấy giờ! Thấy phi đoàn ngổn ngang, vắng vẻ và có nhiều dấu hiệu bất bình thường. Vài người bạn rất ngạc nhiên hỏi tôi “còn chưa chạy nữa sao, người ta kéo nhau chạy đi hết rồi?” Tôi cố gắng tìm gặp vài anh em còn lảng vảng, được cho biết là chiếc Tinh Long bị bắn rơi là của Trang Văn Thành và Tào Thuận. Tôi nghĩ anh bạn nói lộn tên TPC, vì Thành đã bay Tinh Long 01 rồi. Và nhìn vào PVL thấy là của ông Phi đoàn trưởng Hoàng Nuôi. Người bạn xác định là khi được điều động lúc 5:30 sáng, nhưng ông Nuôi lại kêu người khác bay thế.

Trung úy Thành còn ngủ lại nên tình nguyện đi, kéo theo Trung úy Tào Thuận là người trực bay chuyến kế thay cho Thiếu úy Hưởng vắng mặt. Dù tình trạng chiến trường rất tồi tệ nhưng không ai nghĩ ra Tinh Long phải xung trận sau 6 giờ sáng. Đây là chuyện bất thường. Vì thế nhân viên các PHD túc trực thường vọt sớm, nhất là trong tình thế hiện tại. Do đó, ngoài hai phi công nói trên, không ai biết chắc nhân viên nào và có bao nhiêu người đi trên phi vụ đó cho tới hơn ba chục năm sau, khi chúng tôi lo việc bốc mộ Tinh Long 07, mới tìm được Thượng sĩ Nguyễn Văn Chín, người duy nhất nhảy dù, dù không kịp bung trọn vẹn nhưng còn sống sót hiện sống ở Sài Gòn.

Tôi cấp tốc quay xe về cư xá, vơ vội hai khẩu M16 và mấy dây đạn, nai nịt súng dao như thường ngày đi bay, đèo hai chú em lên chiếc Lambretta chạy ra các bãi đậu để tìm phi cơ khả dụng. Lúc này VC vẫn pháo kích vào phi trường. Tôi không có thời gian để sợ nên cứ chạy vòng các bãi đậu của AC119K. May mắn, tôi gặp được một chú nhân viên phi đạo AC119K, biết tôi tìm phi cơ bay đi nên nói với tôi, “Trung úy chạy theo em, vì em biết ở đâu còn được phi cơ khả dụng, nhưng Trung úy cho em theo với nghe”. Tôi mừng ơi là mừng, buồn ngủ gặp ngay chiếu manh. Ba anh em chạy xe theo sau hắn.

Những người lính cuối cùng (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Quang cảnh phi trường lúc này hoang vắng; phần mọi người đang tránh pháo kích, phần đã ra đi, còn hầu hết đổ dồn ra các cổng để xuất trại. Theo chú phi đạo hết chỗ này tới chỗ khác; những chiếc khả dụng đã không còn trong ụ. Chú lại gọi tôi theo để tìm những chiếc hư hại sơ sơ có thể bay được. Tôi không suy nghĩ được gì hơn là chạy theo chú. Chú chỉ chiếc nào thì tôi nhảy lên phòng lái xem xét phi cụ và thử quay máy. Có chiếc máy nổ nhưng không có xăng; chiếc có xăng nhưng các phi cụ hư hỏng… Sau cùng, tới sát trạm hàng không quân sự, chúng tôi tìm được một chiếc như ý nguyện. Việc đầu tiên là xem tổng thể, leo lên cánh coi mực xăng hai bên, vào phòng lái quay máy, thử hai ống phản lực… Tất cả đều hoạt động “có vẻ” bình thường, chỉ có vài phi kế không quan trọng có kim chỉ vạch đỏ… Có lẽ không còn chọn lựa nào tốt hơn trong khi thời gian đã gần trưa, tôi quyết định ra đi với chiếc phi cơ này.

Đang gấp rút xem xét lần cuối và không biết chú phi đạo đi đâu mất tiêu trong lúc hai chú em chở nhau trên xe chạy quanh bãi đậu. Tôi ra dấu bảo hai chú lên tàu. Bỗng nhiên thấy chú phi đạo trở lại với chiếc xe hơi màu trắng, hai chỗ ngồi, mui trần. Chú nói “thôi ông thầy tự lo lấy nghen, em có được chiếc xe này chắc người ta bỏ lại, em cần chạy về nhà đưa Ba Mẹ em vào trong này. Chúc ông thầy may mắn.” Tôi chưa kịp phản ứng thì chú đã chạy đi mất. Cùng lúc đó hai chú em cũng nói, “Thôi anh Tư chạy một mình đi, tụi em cũng về tìm Ba Mẹ.” Nói xong hai anh em chở nhau chạy biến về phía cổng Huỳnh Hữu Bạc. Tôi hoảng hốt tắt máy, nhảy xuống đất vừa chạy theo vừa kêu gọi hai chú em trở lại nhưng không kịp. Hai chú đã mất hút trong dòng người ùn ùn kéo ra cổng. Tôi đứng chôn chân bên hông trạm hàng không…

Đang lúc ngẩn ngơ, tiến thối lưỡng nan, tôi chợt thấy một toán người vừa ở các bunker gần bên xuất hiện và vội vàng lên chiếc tàu của tôi, họ quay máy vọt đi. Tôi la lớn, chạy theo đứng chặn trước mũi máy bay đưa hai tay cản lại, ra dấu tàu này của tôi… nhưng con tàu cứ sấn tới, bất kể sự an nguy của tôi. Tôi nhảy tránh sang một bên, nhìn theo con tàu vội vã băng về hướng phi đạo. Thật ra tôi đã nhận diện được cả hai pilot. Họ là đoàn viên Tinh Long chung đơn vị chứ không ai xa lạ. Lúc đó tôi rất giận và thất vọng nhưng hoàn cảnh của tôi hiện tại không cho phép tôi suy nghĩ gì nhiều hơn. Sau này gặp lại anh em bên Mỹ, tôi nói với họ, “Tôi hoàn toàn thông cảm trong hoàn cảnh loạn lạc đó không ai đủ thì giờ để suy nghĩ chín chắn; hơn nữa tôi cũng còn sống nhăn ở đây, mọi chuyện bỏ qua để anh em còn có cơ hội qua lại với nhau.”

Tôi đứng ngó đoàn người chạy ra cổng một lát. Tự nói với mình là bằng mọi cách phải rời khỏi nơi này, rời khỏi Sài Gòn. Kinh nghiệm Cộng sản mà Ba Mẹ tôi đã nói cho lũ anh em chúng tôi từ nhỏ, “Cộng Sản là những con người không tim óc; là hiện thân của lọc lừa, dối trá, trả thù và giết chóc.” Phi trường đã vắng người, pháo kích cũng đã ngưng nhưng tôi không còn phương tiện để đi đâu… Đang bước ngập ngừng vô định thì thấy hai chú em xuất hiện, “Anh Tư, họ không cho ai ra hết. Quân cảnh bắn dưới chân làm mọi người chạy ùa trở lại!” Tôi mừng muốn bật khóc. Ba Mẹ và các anh chị em của tôi không biết bây giờ ở đâu, ra sao. Tôi đã không thể về thăm gia đình gần hai năm qua và hơn hai tháng nay không thể liên lạc được. Đại gia đình chỉ còn lại ba anh em ở đây, nhất định phải sống chết có nhau. Tôi cầm tay lái tính chở hai chú em chạy quanh các bãi đậu phi cơ khác cầu may để xem có chiếc nào sắp cất cánh hay không.

Vừa chuẩn bị chạy đi thì nghe tiếng gọi to sau lưng: “Thuận ơi chạy theo anh, anh cần co-pilot”. Vừa lúc một chiếc pick-up màu xanh của KQ vượt qua mặt do Th/t Phan Vũ Điện cầm tay lái và chở trên thùng đằng sau một số người gồm có cơ phi và áp tải. Tôi mừng như bắt được vàng, chạy vụt theo tuốt bên bãi đậu phía Đông Bắc phi trường gần trạm hàng không dân sự.

Tôi không còn lòng dạ nào để nhìn cảnh hoang tàn của phi trường trong lúc này. Chúng tôi phóng xe như điên đến bên chiếc C.130. Tôi dẫn hai chú em vọt lên cửa pilot, thu xếp cho hai chú ngồi yên một chỗ. Tôi lên phòng lái ngồi vào ghế hoa tiêu phụ, lướt qua cuốn checklist trong khi anh Điện quay máy và de ra khỏi ụ. Anh áp tải Hoàng qua intercom cho biết người ta nhảy lên tàu qua cửa đuôi nhiều quá. Anh Điện ra lệnh vừa chạy vừa đóng cửa đuôi vì tình trạng phi cơ không hoàn hảo sợ không kham nổi trọng lượng quá tải. Anh tống ga chạy như giặc đuổi sau lưng.

Chúng tôi ra phi đạo ngay ở taxiway đầu tiên, khoảng nửa sân chứ không có giờ tới cuối phi đạo như bình thường. Anh Điện tăng ga tối đa, nhả thắng, chiếc phi cơ lao về phía trước như con voi điên bất kham. Tôi phụ anh Điện giữ vững cần lái. Trên mặt phi đạo có một vài nơi có đồ đạc vung vãi. Vừa chạy vừa tránh… Gần tới cuối phi đạo mà vẫn chưa lấy đủ tốc độ bình thường để cất cánh… Trong lúc tôi và một số sĩ quan có mặt trong buồng lái xanh mặt thì anh Điện nhẹ nhàng nâng con tàu lên khỏi mặt đất hướng về hướng trường đua Phú Thọ. Thân tàu rung rất mạnh, chứng tỏ chưa đủ tốc độ an toàn. Anh Điện cố gắng bay lài lài lên chứ không nâng cao độ nhanh như bình thường được.

Tôi bàng hoàng nghĩ thầm “chắc chết phen này vì rớt máy bay, đi không ai tìm xác rơi rồi đây!” Đã vậy, chúng tôi bắt buộc phải quẹo trái bay về hướng Vũng Tàu ngay lập tức, nếu không sẽ bị phòng không VC bắn. Anh Điện không dám cua gắt vì sợ mất lực nâng. Cũng may, C.130 có bốn động cơ bán phản lực nên rất mạnh. Tàu rung một lúc thì trở lại bình thường, giúp chúng tôi bốc mình lên cao độ an toàn bay thẳng ra Vũng Tàu.

Lúc này  tôi khá bình tĩnh, thấy thần chết đã bận đi nơi khác. Tôi nhìn đồng hồ tay thấy hơn một giờ chiều. Mở tần số không lưu, nghe loạn xạ những lời bàn tán, lời hướng dẫn cộng thêm ý kiến, ý cò của mấy ông sĩ quan cao cấp tháp tùng đang trong phòng lái… Người muốn xuống Côn Sơn cùng với vợ con được di chuyển từ sang sớm; kẻ muốn qua Bangkok tỵ nạn; người muốn đi Utapao (Thái Lan), kẻ muốn đáp xuống biển (ditching) để Hạm Đội 7 cứu… Anh Điện điên đầu nổi sung hét lớn. Cuối cùng mọi người thỏa thuận chung là đáp Utapao theo hướng dẫn của bạn bè trên tần số đang bay về hướng đó.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ từ lúc cất cánh, đi Vũng Tàu vòng qua Utapao, chúng tôi đáp xuống phi trường này khoảng hơn ba giờ chiều ngày 29 Tháng Tư 1975. Mọi người thở phào đã được tai qua nạn khỏi khi con tàu chạm bánh xuống phi đạo an toàn. Máy bay vừa tắt máy thì có một toán lính Mỹ bước lên tàu, lục xét và tịch thu tất cả vũ khí trước khi được hướng dẫn rời máy bay. Hơn 100 nhân mạng nối đuôi nhau theo một binh sĩ Mỹ hướng dẫn nhập đoàn tỵ nạn. Chúng tôi vừa rời máy bay thì lại thấy một toán quân nhân khác bắt thang cao, sơn bỏ tất cả cờ Việt Nam và bảng số tàu. Tôi nghẹn ngào nhìn hành động đó mà cúi mặt khóc thầm. Thế là VNCH đã coi như bị xóa sổ.

Vâng, VNCH đã bị xóa sổ. Tên thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị xóa sổ sau một đêm nằm nghe đau thương ngập lòng ở trại tạm cư Utapao! Khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng qua làn sóng điện, cả trại tạm cư có nhiều người bật khóc, gồm có tôi. Tôi nghĩ nhiều đến Ba Mẹ và các anh em không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu. Nghĩ tới người vợ hứa hôn chỉ ở cách tôi không hơn sáu cây số mà không thể mang theo được. Thế là hết, vĩnh biệt Sài Gòn, vĩnh biệt người thân, vĩnh biệt đời chim, cánh gió! Tôi lặng lẽ khóc như chưa từng được khóc! Khóc cho tôi bơ vơ không biết mai này đời sẽ về đâu; khóc cho bạn bè vừa nằm xuống sáng qua trong phi vụ cuối cùng bảo vệ thủ đô!

Xin được tưởng nhớ tất cả những binh sĩ VNCH đã ngã xuống (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

*****

Một Sài Gòn xưa cũ đã không còn có thể tìm thấy, dẫu vẫn biết một ngày qua đã là dĩ vãng. Thường thì một ngày mới ai cũng mong sẽ có những điều diệu kỳ, tốt đẹp hơn nhưng khi nhìn về Việt Nam… một quê hương giàu tài nguyên, và con người Việt Nam vốn thông minh cần mẫn; vậy mà, sau 47 năm không chiến tranh, đất nước vẫn chậm tiến, vẫn nghèo nàn lạc hậu! Bốn mươi bảy năm, nhìn lại tóc mình đã xám màu tro bụi. Lòng quay quắt nhớ thương quê! Ôi nghìn trùng xa cách. Tiếng chuông gió bên thềm ngân rời rạc khiến nỗi buồn nhớ quê hương thêm hiu hắt. Quê hương tôi, dẫu chính nghĩa đã mất, nhưng đất nước vẫn còn, mong có một ngày bừng lên trên vòm trời Đông Á, khi thiên đường mù cộng sản cùng đường, tan rã; cho lũ con, bị đẩy ra muôn phương, hăm hở trở lại quê nhà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: