“Tính sổ” lại với Iran

Với chính sách nới lỏng trừng phạt của Mỹ, Iran đạt doanh thu đáng kể từ dầu hỏa và dùng tiền này tài trợ cho việc chống Mỹ (ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)

Việc nới lỏng thực thi các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Iran của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được thực hiện và kéo dài qua Tháng Mười đã giúp làm đầy kho bạc của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei – Wall Street Journal cho biết.

Theo số liệu do công cụ theo dõi dầu hoả Tanker Tracker của nhóm United Against Nuclear Iran, trong đó có cựu Đại sứ Hoa Kỳ Mark Wallace và Thượng nghị sĩ Joe Lieberman, ghi nhận, Iran đã xuất khẩu gần 1.4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong Tháng Mười và duy trì mức trung bình này cho đến hết năm 2023, tức là tăng 80% so với mức trung bình 775,000 thùng mỗi ngày lúc chính quyền Trump còn áp dụng chiến thuật “gây áp lực tối đa” với Iran. Tổ chức Foundation for Defense of Democracies ước tính, nhờ tăng xuất khẩu dầu kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền Iran đã có thêm $32 tỷ-$35 tỷ trong két sắt chiến tranh.

Các tính toán rất phức tạp, nhưng yếu tố mang lại lợi ích cho Iran lại rõ ràng: Trong chính sách ngoại giao thầm lặng của Biden với Iran có cả việc Mỹ nới lỏng việc thực thi các lệnh trừng phạt. Kết quả là khách mua dầu của Iran và giới trung gian nhận thấy rủi ro là thấp trong khi mức lời là quá tốt để có thể bỏ qua cơ hội. Khoản tiền Iran có được này, xét về mặt tổng thể, lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền chuộc $6 tỷ (giải ngân các tài khoản Iran bị đóng băng) gần đây của Tổng thống để đổi lấy năm con tin.

Và khoản tiền này vẫn tiếp tục đổ vào, ngay cả khi mục tiêu của nó là kiềm chế sự hung hăng Iran và ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân không đạt được. Ngược lại, Iran đã dùng số tiền này để tài trợ cho các hoạt động xâm lược và gây bất ổn ở nước ngoài thông qua các nhóm ủy nhiệm như Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen và các nhóm phiến quân tuyến đầu ở Iraq và Syria đang làm hại cho các quyền lợi của Mỹ ở khu vực, kể cả việc nã pháo và hoả tiễn vào các căn cứ của Mỹ gần như hàng ngày.

Năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính Iran gửi $100 triệu mỗi năm cho các nhóm khủng bố Palestine để trang bị vũ khí và huấn luyện chúng tấn công và sát hại dân thường Israel như Hamas đã làm mới đây. Năm 2022, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh “khoe” rằng tổ chức của ông ta đã nhận được $70 triệu từ Iran, chưa kể các hoả tiễn tầm xa. Con số này chưa đúng. Trích dẫn một nguồn tin an ninh Israel mà hãng thông tấn Reuters đưa tin lại, nguồn tài trợ của Iran cho Hamas đã tăng vọt trong năm 2022 lên tới $350 triệu, quá dư thừa để Hamas gây chấn động thế giới bằng một cuộc đột kích có một không hai trong lịch sử thù địch giữa Israel và Palestine.

Tất cả là nhờ tiền dầu hoả của Iran. Khoảng 70% lượng dầu xuất khẩu của Iran có điểm đến cuối cùng là Trung Quốc, cho nên không khó hiểu khi “trục ác” Nga-Trung-Iran đang thách thức Hoa Kỳ nói riêng và trật tự thế giới mới nói chung. Iran bán cho Trung Quốc dầu hoả giá rẻ và bán máy bay không người lái quân sự mới cho Nga.

Iran cũng có thể xuất khẩu hoả tiễn khi lệnh trừng phạt hoả tiễn quốc tế của chính quyền Biden hết hiệu lực. Đổi lại, Iran nhận được tiền và vỏ bọc ngoại giao cần thiết để tổ chức cho các lực lượng uỷ nhiệm tiến hành chiến tranh cục bộ với Mỹ và Israel. Sự hỗ trợ quân sự của Nga cho chế độ Syria cũng giúp bảo vệ hoạt động chuyển giao vũ khí của Iran. Tiềm năng hợp tác hạt nhân của hai quốc gia “trục ác” khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải lo lắng.

Nếu muốn hạn chế dòng tiền dầu hoả chảy vào Tehran, với nhiều nhà quan sát, Mỹ cần thực thi luật pháp quốc tế đến nơi đến chốn và trừng phạt nghiêm khắc các ngân hàng đồng lõa, những kẻ mua dầu hoả; các công ty bảo hiểm, tàu chở dầu, bến cảng và những kẻ tham gia khác tạo thuận lợi cho việc buôn bán của Iran và đâm sau lưng Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: