Một cuộc nghiên cứu mới của Trung Tâm PEW vừa công bố vào tuần trước, cho thấy một hiện tượng trong đời sống người Á Châu mới nhập cư, và cả những người Mỹ gốc Á thế hệ thứ hai: là việc sống và giữ kín lý lịch Á Châu của mình, đôi khi có thể là một cách để sinh tồn. Dữ liệu mới cho thấy hiện tượng này thầm lặng phổ biến ở Mỹ.
Theo tài liệu của PEW, thì cứ 5 người Mỹ gốc Á, thì có 1 người chọn không nói, không bộc lộ phần văn hóa riêng của mình với những chủng tộc khác, ít nhất là trong một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy điều này đặc biệt phổ biến ở trẻ em thuộc các gia đình nhập cư, trong đó có những người chỉ nói tiếng Anh và các đảng viên Đảng Dân chủ.
Neil Ruiz, người đứng đầu chương trình, cho biết: “Họ thay đổi hành vi hoặc không nói về di sản của mình, hoặc không mặc quần áo đặc thù của văn hoá chủng tộc, chỉ để hòa nhập. Đặc biệt là khi họ sống trong môi trường xung quanh không phải là người châu Á, hoặc trong các trường học có ít người châu Á”. Nói một cách nào đó, có một lớp người Châu Á tránh nói về nguồn gốc, để tạo cảm giác mình có vẻ “Mỹ” hơn trong đời sống.
Cũng có những trường hợp cá biệt, chẳng hạn một người đàn ông ở độ tuổi 20, có cha mẹ là người nhập cư Pakistan nói với các nhà nghiên cứu rằng anh ta đã giấu lý lịch của mình với các bạn cùng lớp trong suốt thời đi học, đặc biệt là sau khi lực lượng đặc biệt của Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden ở Pakistan vào năm 2011.
“Sau khi chuyện đó xảy ra, tôi đã nghĩ, tôi nghĩ mình không nên tiết lộ thân phận là người Pakistan, bởi vì sẽ có người đến gặp tôi và nói, ‘Ôi Chúa ơi, họ đã giết ông chú rồi. Họ tìm thấy ông ta ẩn nấp ở quê hương của anh,” người được thăm dò, ẩn danh, nói.
Ruiz và nhóm nghiên cứu của ông phát hiện ra rằng những người Châu Á từ 18 đến 29 tuổi thường che giấu thân phận gốc của mình, qua cách tạo nét khác biệt về chọn món ăn, quần áo hoặc tôn giáo. Số người trẻ có tình trạng này nhiều gấp đôi, so với những người châu Á lớn tuổi. Theo báo cáo, 39% người Mỹ gốc Á dưới 30 tuổi đã từng nói dối về chủng tộc mình vào một thời điểm nào đó trong đời.
Nơi sinh và nguồn gốc nhập cư đóng vai trò quan trọng trong việc nói dối về di sản của mình: 32% người gốc Á sinh ra ở Hoa Kỳ đã từng nói dối, so với 15% người nhập cư. Trong các chủng tộc, người Mỹ gốc Hàn có tình trạng che giấu nguồn gốc hơn một số nhóm gốc Á khác. Mặc cảm là người nhập cư và sợ mình không đủ vẻ hội nhập, người Hàn có đến 25% số người được hỏi, cho biết họ đã từng nói dối. Bên cạnh đó với người Trung Quốc (19%), người Việt Nam (18%), người Philippines (16%) và người Nhật (14%).
Làm sao che giấu thân phận khi hình dạng của bạn rõ là người Châu Á? Những người được phỏng vấn, nói họ chủ yếu nhận là mình sinh ra ở Hoa Kỳ, mất nguồn gốc văn hoá chủng tộc, và khẳng định mình là một công dân Mỹ thuần tuý theo ý nghĩa nào đó.
Dữ liệu cho thấy khi có tuổi, người châu Á ít có khả năng che giấu lý lịch của mình. 21% người châu Á trong độ tuổi từ 30 đến 49 đã làm như vậy, so với 12% người châu Á từ 50 đến 64 tuổi và chỉ 5% ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Những người trưởng thành gốc Á chọn ủng hộ Đảng Dân chủ, thường là những người hay giấu danh tính của mình hơn những người ủng hộ Đảng Cộng hòa. Trong số những người trưởng thành gốc Á, 29% đảng viên Đảng Dân chủ là những thành phần có khuynh hướng che giấu nguồn gốc, so với 9% đảng viên Đảng Cộng hòa. Việc chọn ủng hộ nhiệt tình một đảng nào đó, cũng là cách mà người gốc Á muốn xoá đi mặc cảm khác biệt, và muốn chứng minh mình cũng là người Mỹ gốc, thực thụ tham gia đời sống Mỹ.
Để chứng minh “giá trị Mỹ” của mình, là những người Mỹ gốc Á chủ yếu nói tiếng Anh. Khoảng 29% người châu Á nói tiếng Anh muốn mình có vẻ “Mỹ”, so với 14% những người song ngữ và 9% những người chủ yếu nói ngôn ngữ gốc châu Á của họ.
Ruiz nói: “Bạn chỉ thấy 15% người Mỹ gốc Á che giấu nền văn hóa của họ, nếu họ sinh ra ở nước ngoài”. “Đây là những người nói ngôn ngữ khác tiếng Anh, họ lớn lên ở một đất nước khác.” Ruiz cũng cho biết cuộc nghiên cứu cùng tìm ra một số lý do, khiến một lớp người Châu Á nói dối về nguồn gốc. Ông nói, đối với giới trẻ Mỹ thế hệ thứ hai, câu trả lời khá rõ ràng.
“Họ đang cố gắng dung nạp văn hóa của cha mẹ họ, so với việc cố gắng hội nhập với xã hội Mỹ. Những gì cha mẹ dạy họ về di sản của họ thật khác biệt so với những gì họ học ở trường”, Ruinz nói.
Một số người nhập cư gần đây cũng cho biết họ giữ im lặng về văn hóa của mình khi lần đầu tiên đến Mỹ vì sợ bị phán xét. Nghiên cứu cho biết một số người Mỹ gốc Á đa chủng tộc (có nước da trắng hơn, ít nét Châu Á hơn) và những người có nguồn gốc thế hệ thứ ba trở lên cho biết, đôi khi họ đã che giấu di sản của mình để dễ hội nhập với người da trắng.
Nhưng bất chấp những tác động xã hội, có thể khiến những người trẻ tuổi muốn che giấu gốc rễ của mình, dữ liệu này vẫn tìm thấy những chỉ dấu tích cực. Nhiều người Mỹ gốc Á thế hệ thứ hai bước qua giai đoạn từng che giấu thân phận của mình, đã nói lên việc tự hào về nền tảng văn hóa của họ. Có những người sau giai đoạn nói dối về gốc rễ của mình, họ tự nhận ra công dân Mỹ là một tính cách, chứ không nhất thiết thuộc về văn hoá của người Mỹ trắng, hoặc phải loại bỏ dân tộc tính của mình.
Một điểm đáng lưu ý rằng, riêng với người Việt Nam, tính cộng đồng mạnh mẽ và kết nối khiến tình trạng che giấu thân phận mình là người Châu Á cũng ít xảy ra hơn. Trong những cuộc phỏng vấn, người Việt Nam nhận xét rằng chủng tộc của mình “cụ thể và độc đáo”, và không dễ bị lẫn với những người châu Á khác.
Video phỏng vấn một người Mỹ gốc Việt (tài liệu của PEW)