Tự lập tài chính, càng sớm càng tốt

Tự lập ngân sách ngắn hạn và dài hạn. (minh họa: Kelly Sikkema/Unsplash)

Nhờ tiết kiệm và đầu tư, vợ chồng một giáo viên trung học tự do tài chính và quyết định làm những gì họ thích khi chưa bước sang tuổi 30.

Năm nay 31 tuổi, Lauren ở Florida, chia sẻ với Insider:”Thời gian học thạc sĩ của Steven dài hai năm và chúng tôi đã phải nỗ lực hết mình để hướng tới mục tiêu độc lập tài chính càng sớm càng tốt.”

Steven Keys và Lauren ở Florida đã phải tự trang trải cuộc sống từ thời đại học. Sau khi ra trường, Steven tiếp tục học lên thạc sĩ trong khi vẫn làm giáo viên tại một trường trung học địa phương, còn Lauren là quản lý bộ phận tiếp thị cho một công ty tài chính nhỏ.

Khi đó, với thu nhập hàng năm chỉ vào khoảng $36,000 – $42,000, họ giới hạn chi tiêu chỉ tối đa $18,000, đồng thời tìm thêm công việc khác để tăng thu nhập. Hai năm sau đại học, họ tiết kiệm được hơn $100,000.

Steven Keys và Lauren lấy nhau năm 2015 và quyết định sẽ đi tuần trăng mật để lấy lại năng lượng sau những năm tháng căng thẳng. Nhưng đó không phải là chuyến đi một vài tuần mà kéo dài sáu tháng ở Hawaii. Lauren vẫn làm việc từ xa mỗi tuần từ 5 đến 10 tiếng, còn Steven làm giáo viên dạy thêm về nhiếp ảnh.

Họ rất thích cuộc sống không phải đặt báo thức đi làm mỗi ngày, nhưng cũng mong được trở lại làm việc. Ở Hawaii, dù phải làm việc rất ít, không thêm vào được đồng nào, nên họ vẫn không tiêu lạm vào khoản tiết kiệm. Vì thế, sau khi đã tích lũy được các kỹ năng trong thời gian ở trên đảo, họ quay trở lại, kiếm được việc mới với mức lương tốt hơn. Bốn năm tiếp theo, hai người vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ, tiết kiệm 50% thu nhập và đầu tư. Đến năm 2019, số dư của họ đã lên mức sáu số.

Lần này họ quyết định tạm nghỉ việc lần thứ hai để đi thăm 61 vườn quốc gia khắp đất nước. Mặc dù chi phí cho chuyến đi khoảng $36,800 nhưng gần như cặp vợ chồng trẻ này không tiêu đến tiền tích lũy vì các công việc từ xa mang lại thu nhập tương đương.

Sau bảy tháng rong ruổi khắp nơi, vợ chồng Steven nghỉ việc toàn thời gian, chuyển sang viết blog và sách để chia sẻ kinh nghiệm tài chính. Họ cho biết sự thành công này đi liền với hy sinh, bởi cả hai đã tiết kiệm tối đa, đầu tư mọi lúc có khả năng, bán các đồ không dùng, cho thuê nhà khi đi vắng, không ăn ngoài, không mua cà phê và cũng không ngừng nâng cao kiến thức của mình.

Một số người sẽ gọi cuộc sống này là nghỉ hưu sớm, nhưng Lauren cho rằng, vợ chồng họ coi đó là tự do để làm gì mình muốn.

Do tự lập được tài chính, vợ chồng trẻ đi chơi cả tháng cũng không bị lạm tiền để dành. (minh họa: Cody Black/Unsplash)

Tự lập về tài chính là vấn đề đang được nhiều người nhắc tới. Theo New York Post, những người trong độ tuổi từ 59 đến 77 cho rằng một người trưởng thành nên bắt đầu tự lập tài chính từ năm 19 tuổi, trong khi Gen Z (từ 18 đến 26 tuổi) lại nghĩ, tốt nhất nên trong khoảng 21-22 tuổi, 19 thì sớm quá.

Đây là kết quả từ khảo sát của YouGov, hãng nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu quốc tế, với hơn 2,300 người Mỹ trưởng thành về vấn đề độc lập tài chính, trong đó có 773 phụ huynh có con hơn 18 tuổi. Nghiên cứu chỉ ra 68% cha mẹ phải hy sinh tài chính để giúp con cái, 31% nói phải bỏ ra khoản tiền đáng kể cho việc học hành của con, làm ảnh hưởng đến tiền dự phòng khẩn cấp và nghỉ hưu.

Theo nghiên cứu, phụ huynh có thể phải chi nhiều hơn một phần vì Gen Z đang bước vào thị trường việc làm không ổn định, cộng với lạm phát, lãi suất, chi phí thuê trên đà tăng. Do đó, con cái dù đã lớn cũng chưa thể đạt được độc lập tài chính.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, 18% nam và 12% nữ trong độ tuổi 25 đến 34 cho biết họ sống với cha mẹ. Tỷ lệ này chưa bao giờ cao như vậy tính từ năm 1972, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số năm 2022. Dù phụ huynh nào cũng mong muốn con cái cảm thấy an tâm về tài chính, nhà phân tích Ted Rossman của Bankrate nhận xét đôi khi việc hỗ trợ đi quá xa.

Năm 2022, khảo sát của Nerdwallet cho thấy 26% phụ huynh vay tiền cho con học đại học không nghỉ hưu như dự kiến. Một số thậm chí còn lùi lịch nghỉ hưu hàng năm trời do lạm phát tăng.

Để khuyến khích độc lập tài chính, Rossman khuyên cha mẹ đặt ra kỳ vọng rõ ràng với con về số tiền và khoảng thời gian họ có thể hỗ trợ tiền bạc. Họ cũng nên bàn chuyện tự lập về tài chính với những đứa trẻ càng sớm càng tốt, để chúng hiểu và chuẩn bị cho cuộc sống của mình mà không cần dựa dẫm vào cha mẹ, như trường hợp của vợ chồng Steven Keys và Lauren ở Florida.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: