Tại Việt Nam, Phó Tổng thống Kamala Harris lên án Trung Quốc

Phó Tổng thống Kamala Harris đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc khi hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh minh họa Chip Somodevilla/Getty Images.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của một phó tổng thống Mỹ đương nhiệm, hôm thứ Tư 25 tháng Tám, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, cam kết hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực chính bao gồm tăng cường an ninh hàng hải, chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phó Tổng thống Harris đã hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo một quan chức Tòa Bạch ốc, trong các cuộc hội đàm, bà Harris đã cam kết cung cấp cho Việt Nam vaccine và viện trợ để giải quyết COVID-19 và thông báo khởi động một số chương trình giúp chống lại biến đổi khí hậu. Một lô một triệu liều vaccine Pfizer do Hoa Kỳ bào chế sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nâng tổng số vaccine mà Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam lên sáu triệu liều, cùng với khoản viện trợ $23 triệu thêm vào khoản $25 triệu đã trao cho Việt Nam trước đây. Cho đến nay Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp nhất ở châu Á, với chỉ dưới 2% trong số 98 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, trọng tâm của các cuộc hội đàm là vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông – một khu vực thiết yếu đối với cả Hoa Kỳ và Việt Nam. Phát biểu tại Hà Nội, Phó Tổng thống Harris cho rằng quốc tế cần phải gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh, phản đối các tuyên bố chủ quyền trên biển của họ. “Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, tăng sức ép… buộc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ”, bà Harris nói trong cuộc gặp ông Nguyễn Xuân Phúc, theo hãng tin Reuters. Để thực hiện chiến lược đó, bà Harris đề nghị phía Việt Nam đón tiếp thêm các chuyến thăm của các chiến hạm Hoa Kỳ, kể cả các hàng không mẫu hạm, trong thời gian tới.

Đây là lần thứ hai trong hai ngày bà Harris lên tiếng tấn công Bắc Kinh.

Hôm thứ Ba 24 Tháng Tám tại Singapore, Phó Tổng thống Harris đã tố cáo Bắc Kinh ép buộc và đe dọa các nước láng giềng nhằm hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền trái pháp luật ở các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc đã bác bỏ bình luận của bà Harris, buộc tội Washington đang cố gắng tạo ra khoảng cách giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á. 

“Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, tăng sức ép… buộc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ”,

– Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris nói với Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Trung Quốc đã thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Biển Đông, nơi có các tuyến vận tải biển quan trọng, các mỏ khí đốt và ngư trường phong phú. Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan tuyên bố chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ vùng biển có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong vài năm qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông vẫn ở mức cao và Việt Nam đã âm thầm tán thành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vì nước này có đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương đang nóng lên đáng kể, quốc gia Đông Nam Á này đã cố gắng thực hiện một chính sách cân bằng tế nhị và khó khăn mà giới phân tích gọi là chiến lược “đu dây” giữa hai cường quốc.

Quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thăm tàu cảnh sát biển CSB 8021, nguyên là tàu tuần dương John Midgett của US Coast Guard được Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam, trước khi tàu này rời Hawaii về Việt Nam đầu tháng Sáu vừa qua. Ảnh USCG

Chuyến đi bảy ngày của Phó Tổng thống Harris đến Singapore và Việt Nam là một phần trong chiến lược rộng lớn của Hoa Kỳ nhằm thu hút các đồng minh mà Washington hy vọng sẽ giúp hình thành một liên minh thách thức ảnh hưởng an ninh và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chuyến đi đến Hà Nội của bà Harris đã bị trì hoãn vài tiếng đồng hồ vào thứ Ba sau khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát hiện một “sự cố sức khỏe bất thường”, có khả năng liên quan đến Hội chứng Havana bí ẩn, tác động đến vài nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội. 

Trong thời gian chuyến đi của bà Harris bị trì hoãn, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tiếp đón Đại sứ Trung Quốc trong một cuộc gặp không báo trước, trong đó ông Chính cho biết Việt Nam không đứng về phía nào trong chính sách đối ngoại. Đại sứ Trung Quốc nói với ông Chính, chính phủ Bắc Kinh sẽ tặng  cho Việt Nam hai triệu liều vaccine COVID-19 do Trung Quốc bào chế.

Báo chí Việt Nam cho biết, trong cuộc hội đàm với đại sứ Trung Quốc, ông Chính đã “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.” Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. “Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác”, ông Chính nói.

Các quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết Phó Tổng thống Harris đã nỗ lực giữ cân bằng trong các cuộc gặp của bà trong khu vực, vừa đề nghị chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi không ép buộc các quốc gia đứng về phía nào trong hai cường quốc.

Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Harris đã đề nghị triển khai ở Việt Nam một tuần dương hạm độ bền cao thứ ba của Cảnh sát biển Hoa Kỳ – lập một đội gồm 24 tàu tuần tra, căn cứ hậu cần, cầu tàu, đào tạo nhân viên thực thi pháp luật và các hoạt động chung khác giúp Việt Nam củng cố an ninh hàng hải, quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết.

Hoa Kỳ cũng đã khởi động một dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) kéo dài năm năm, trị giá $36 triệu nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, và công bố mức thuế thấp hơn đối với các sản phẩm bắp, lúa mì và thịt heo xuất cảng của Hoa Kỳ sang Việt Nam để giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.

Bà Harris dự kiến cũng ​​sẽ ký hợp đồng thuê khu nhà mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhằm mở rộng mối quan hệ giữa hai nước, quan chức này cho biết.

(theo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: