Bắc Kinh mở rộng kho hàng nóng vũ khí hạt nhân

Hỏa tiễn liên lục địa Dongfeng-41 (ảnh: Liu Bin/Xinhua via Getty) (Xinhua/Liu Bin via Getty Images)

Wall Street Journal số ra ngày 9 Tháng Tư 2022 cho biết, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Nỗ lực phát triển kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã có trước khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng trước việc Mỹ can dự sâu vào cuộc chiến Ukraine khiến Bắc Kinh càng chú trọng hơn vào việc phát triển vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe, như một cách phát tín hiệu trực tiếp đến Mỹ rằng Washington cần e dè trong việc tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột tiềm tàng một khi Trung Quốc “xử” Đài Loan.

Tương tự Nga, Trung Quốc luôn thích khoe hàng nóng tại các chương trình duyệt binh – điều mà Mỹ chẳng bao giờ làm (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Những diễn biến cập nhật cho thấy Trung Quốc đã ráo riết tiến hành hoạt động tại hơn 100 hầm chứa hỏa tiễn từ đầu năm 2022 đến nay, nằm tại vùng hẻo lánh phía Tây nước này. Loạt ảnh vệ tinh đã cho thấy điều đó. Giới chức quân sự Mỹ và các nhà phân tích an ninh lo ngại việc Trung Quốc tăng tốc hạt nhân có thể đồng nghĩa với việc nước này sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ. Phản ứng gay gắt của quốc tế khi Vladimir Putin đặt lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng báo động sau cuộc xâm lược Ukraine đã cho Trung Quốc nhận ra bài học thực tế về giá trị chiến lược của vũ khí hạt nhân.

Cần biết, Trung Quốc lâu nay luôn từ chối tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ, và nói rằng Washington phải giảm kho hạt nhân của mình trước khi kêu gọi Trung Quốc. Chính phủ Mỹ và giới nghiên cứu quốc phòng ước tính kho đồ chơi hạt nhân của Trung Quốc ít hơn nhiều so với khoảng 4,000 đầu đạn tổng cộng của Mỹ và Nga. Ngũ Giác Đài phỏng chừng Trung Quốc sẽ có 1,000 đầu đạn vào cuối thập niên này.

Matt Korda, một nhà nghiên cứu cấp cao cho biết, loạt ảnh vệ tinh được chụp trong Tháng Một 2022 cho thấy 45 nắp che tạm trên 120 hầm hỏa tiễn gần thành phố Ngọc Môn (Yumen; tỉnh Cam Túc) đã được dỡ bỏ. Điều đó có nghĩa những nơi này “đang làm một cái gì đó”. Các hầm tại mỗi địa điểm đều đủ lớn để chứa một hỏa tiễn tầm xa thế hệ mới DF-41, được đưa vào quân đội vào năm 2020 và có khả năng bắn vào đất liền Mỹ. Những vụ thử hỏa tiễn (có thể mang đầu đạn hạt nhân) được phóng từ máy bay cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng trả đũa nếu Trung Quốc bị xịt trước trong một cuộc tấn công hạt nhân.

Trung Quốc chẳng bao giờ thừa nhận họ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. “Với những khẳng định của giới chức Mỹ về việc Trung Quốc đang mở rộng đáng kể khả năng hạt nhân, trước tiên, tôi muốn nói rằng điều này là sai sự thật” – phát biểu vào đầu năm nay của Phó Thông (Fu Cong), Tổng giám đốc Cục kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tuy nhiên, chẳng ai có thể tin nổi lời một kẻ nổi tiếng thế giới về độ dối trá và lươn lẹo.

Sự ủng hộ gia tăng của Mỹ đối với Đài Loan khiến Trung Quốc nhiều năm nay đã nghĩ đến viễn cảnh Washington có thể sẵn sàng bung đồ chơi hạt nhân nếu cuộc chiến Trung Quốc-Đài Loan xảy ra – theo những người thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết. Do đó, Bắc Kinh không thể không thủ hàng nóng hạt nhân. Nếu Mỹ can thiệp, các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản, Guam và các nơi khác ở Tây Thái Bình Dương sẽ là những mục tiêu đầu tiên của quân đội Trung Quốc (PLA).

Một cuộc tập trận bắn đạn thật giữa Trung Quốc và Nga (ảnh: China Photos/Getty Images)

Một khi chiến tranh xảy ra, giới chức quân sự và các nhà phân tích Hoa Kỳ lo ngại rằng PLA có thể sử dụng hỏa tiễn tầm trung để bắn vào các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Christopher Twomey, phó giáo sư chuyên về an ninh quốc gia thuộc U.S. Naval Postgraduate School, nói rằng sự can dự quân sự quy mô lớn đối với Đài Loan có thể nhanh chóng khiến bên này hay bên kia nghĩ rằng việc sử dụng hạt nhân là giải pháp tốt nhất để nhanh chóng kết thúc chiến cuộc.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc rục rịch “làm gì đó” tại các hầm chứa hỏa tiễn ở thành phố Ngọc Môn (Yumen; tỉnh Cam Túc) từ Tháng Ba đến Tháng Mười 2020. Trung Quốc từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu những địa điểm này có phải là bãi chứa hỏa tiễn hay không, nhưng trong cuộc gặp với các sĩ quan quân đội cấp cao vào Tháng Ba 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đôn đốc “đẩy nhanh việc xây dựng các hệ thống răn đe chiến lược tiên tiến” – theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. “Bất kể tình hình tương lai như thế nào, thế giới sẽ đối đầu với nhau nhiều hơn. Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc chắc chắn cần duy trì khả năng răn đe hạt nhân” – Tập nói.

Những diễn biến khác gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng chú trọng nhiều hơn vào khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân. Theo Ngũ Giác Đài, Bắc Kinh đang xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện hỏa tiễn, với hỗ trợ của Nga. Tháng Hai 2021, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh mà một số nhà phân tích tin rằng đó là bước khởi đầu của hệ thống cảm biến trên không gian dành cho hỏa tiễn. Trung Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí tiên tiến hơn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả hỏa tiễn siêu thanh, loại vũ khí mà Mỹ chưa chứng minh được họ có khả năng phòng thủ. Tất cả đều hàm ý một thông điệp: Nếu Mỹ “chơi” hạt nhân với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẵn sàng “chơi” lại.

_______

Trung Quốc có bao nhiêu “đồ chơi” hạt nhân?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: