Bắt đầu “kỷ nguyên” của “gạo châu củi quế”

Trên toàn thế giới, nguồn cung cấp hàng hóa bị thiếu hụt trong đại dịch và giá cả tăng vọt. Sau đại dịch vẫn thế, do tác động kép của phong toả Covid-19 ở Trung Quốc và cuộc chiến Ukraine. Các nhà kinh tế cảnh báo những ảnh hưởng này có thể kéo dài.
Mọi thứ đang tăng giá (ảnh: trong một siêu thị Whole Foods Market ở Washington DC – Matt McClain/The Washington Post via Getty Images)

Kết thúc thời của các “công xưởng sản xuất”?

Trong ba thập niên qua, các công ty và người tiêu dùng được hưởng lợi từ kết nối xuyên biên giới và chuỗi cung ứng thông thoáng giúp giữ được nguồn cung ổn định, khiến giá cả duy trì ở mức thấp và hàng hoá dồi dào. Các “công xưởng sản xuất” tại Trung Quốc và tại những nền kinh tế mới nổi đã đóng góp vào sự thuận lợi này. Nhưng khi đại dịch coronavirus và chiến tranh ở Ukraine bùng phát, xu hướng toàn cầu hoá đã lộ ra nhiều bất cập.

Kết nối xuyên biên giới khó khăn hơn và đứt gẫy chuỗi cung ứng đã làm triệt tiêu sự dồi dào của hàng hoá, đẩy giá cả lên cao. Các nhà kinh tế bắt đầu nói đến điểm yếu của việc lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ thống phân nhiệm sản xuất, và việc quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Tính độc lập trong sản xuất và cung ứng cũng được nói đến. Nguy hiểm hơn nữa là những quốc gia nắm giữ chuỗi cung ứng, từ thiết bị y tế đến dầu khí, đã dùng chúng như lợi thế để tự dành cho mình quyền vi phạm luật pháp và cam kết quốc tế.

Người tiêu dùng xếp hàng tại một cửa hàng ‘Falling Prices!’ tại Santa Rosa, California ngày 3 Tháng Năm 2022 để mua hàng giá siêu rẻ ở thời lạm phát tăng phi mã (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Mặt trái của kết nối toàn cầu đang đè nặng lên các mối quan hệ thương mại và kinh doanh giữa các quốc gia. Để tăng mức độ độc lập, không quá lệ thuộc vào các “công xưởng sản xuất” và “chuỗi cung ứng toàn cầu” bấp bênh khi xảy ra đứt gẫy do chiến tranh đến dịch bệnh, các công ty bắt đầu suy nghĩ lại về nguồn cung nguyên liệu và cải thiện năng lực tồn kho, ngay cả khi điều đó có nghĩa là sẽ tốn kém hơn.

Chiến lược kinh tế của một số quốc gia cũng được điều chỉnh theo hướng này. Nếu sự gián đoạn và đứt gẫy cứ kéo dài, sự chuyển hướng ra khỏi toàn cầu hóa là điều không thể tránh và sẽ có những tác động quan trọng đến lạm phát và kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế Mỹ đang cố trả lời câu hỏi: “Liệu tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị gần đây có dẫn đến đảo ngược hoặc tái cấu trúc lại sản xuất toàn cầu, trong đó các nhà máy ở nước ngoài sẽ chuyển về Mỹ hay đến các quốc gia an toàn hơn!”.

Không còn hàng hoá thừa mứa và giá rẻ

Nếu câu trả lời là có, sự dồi dào từ vài chục năm trở lại đây của nhiều loại hàng hóa và giá rẻ có thể sớm kết thúc. Kể từ năm 1995, nguồn cung dồi dào những hàng hóa như xe hơi và máy móc thiết bị đã giúp kéo giảm lạm phát, trong khi hàng hóa tiêu dùng mùa vụ như quần áo và đồ chơi tăng giá rất chậm. Nhưng xu hướng này bắt đầu thay đổi sau khi đại dịch bùng phát, do chi phí vận chuyển tăng mạnh, hàng hoá thiếu hụt, chuỗi cung ứng từ các “công xưởng sản xuất” như Trung Quốc bị đứt hay ưu tiên cho quốc nội.

New York Times cho biết, nhu cầu tăng cũng đẩy giá các mặt hàng bền vững như xe hơi, đồ nội thất và thiết bị lên cao. Một yếu tố chính khiến lạm phát tăng là sự hỗn loạn liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà kinh tế tin rằng đà tăng giá chóng mặt còn tiếp tục nhưng kéo dài đến bao giờ lại tuỳ tốc độ chuyển hướng khỏi toàn cầu hóa mau hay chậm. Người ta đang bước sang một thế giới khác, một thế giới đi lùi từ toàn cầu hoá sang tự lực tự cường, mà ở giai đoạn đầu chuyển tiếp, lạm phát chắc chắn sẽ tăng, sản xuất chậm hơn, năng suất thấp hơn, sản lượng ít hơn chuỗi.

Lạm phát đang xảy ra toàn cầu; trong ảnh là một góc Rome, Ý – nơi lạm phát đã tăng 6.6% vào Tháng Tư 2022 (ảnh: Jin Mamengni/Xinhua via Getty Images)

Thời kỳ hội nhập toàn cầu đạt cao trào trước đại dịch đã giúp người Mỹ mua rẻ rất nhiều loại hàng hóa. Máy tính và các công nghệ tiên tiến khác đã giúp các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn. Sản xuất giày thể thao, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Các công ty Mỹ giảm chi phí sản xuất bằng cách chuyển nhà máy ra nước ngoài như Trung Quốc, nơi có mức lương thấp hơn nhiều. Vận tải biển bằng container và các con tàu khổng lồ cho phép hàng hoá đi từ Bangladesh, Trung Quốc… đến Seattle (Mỹ) và khắp nơi với mức giá thấp đáng kinh ngạc.

“Thế giới đang chuyển sang một kỷ nguyên kinh tế mới được đánh dấu bởi lạm phát cao hơn trong bối cảnh những thay đổi về hội nhập toàn cầu và mối quan tâm về khí hậu ngày càng tăng” – Carlos Viana de Carvalho, cựu chuyên gia kinh tế của FED tại New York.

Nhưng hậu quả của phong trào chuyển dịch nơi sản xuất đã gây khốn đốn cho các công nhân nhà máy Mỹ một khi chuỗi cung ứng bị gãy. Nhiều công việc biến mất. Chính phản ứng tiêu cực với toàn cầu hóa đã giúp cựu Tổng thống Donald J. Trump giành chiến thắng vì lời hứa đưa các nhà máy trở lại Mỹ. Chiến tranh thương mại và thuế quan do Trump phát động cũng khuyến khích một số công ty rời Trung Quốc, dù không hẳn là về Mỹ mà sang các quốc gia có chi phí lao động thấp khác, chẳng hạn Việt Nam, Mexico.

Chi phí vận chuyển đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng hai năm, làm tiêu tan tiết kiệm chi phí sản xuất tại nước ngoài. Bắt đầu từ cuối năm 2020, giá máy giặt và các sản phẩm lớn khác đã tăng mạnh do hạn chế sản xuất cộng với nhu cầu cao. Lạm phát cũng tăng nhanh từ đó. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine ảnh hưởng thêm đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng giá khí đốt và các mặt hàng khác, đẩy tốc độ lạm phát lên nhanh nhất kể từ 1982 tại Mỹ. Tình trạng giá leo thang cũng nhanh nhất trong nhiều thập niên ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, kể cả khu vực đồng euro và Anh. Sự thật là, dù giám đốc điều hành của nhiều công ty Mỹ tỏ ra tích cực trong việc đưa sản xuất về lại Mỹ nhưng Mỹ vẫn đang nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất, từ các nước có chi phí lao động thấp.

Tiếng nói của những người trong cuộc

Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhận định: “Dữ liệu cho thấy hầu hết doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bằng cách tăng thêm hàng tồn kho và tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế ở nước có chi phí thấp. Xu hướng này có thể đưa các quốc gia nghèo hơn ở châu Phi và các khu vực khác trên thế giới hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Janet L. Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý:

“Chuỗi cung ứng quá dễ bị tổn thương do đại dịch và chiến tranh ở Ukraine, nên cần phải xây dựng ‘các nhóm đối tác đáng tin cậy’ đủ lớn sẽ cho phép các quốc gia duy trì hiệu quả của phân công lao động toàn cầu. Các chuỗi cung ứng của chúng ta hiện không an toàn và không có khả năng tự phục hồi. Đó là một mối đe dọa cần phải giải quyết ”.

Trong một siêu thị ở Duesseldorf, Đức – nơi lạm phát tăng 7.3% vào Tháng Ba 2022 (ảnh: Ying Tang/NurPhoto via Getty Images)

Chính vì vậy mà hãng Ford Motor sau khi gặp khó khăn về chuỗi cung ứng trong đại dịch, đang nghiên cứu mở nhà máy tự sản xuất pin ở Mỹ. Scott N. Paul, Chủ tịch của Liên minh Sản xuất Mỹ (Alliance for American Manufacturing) nhận định: “Rủi ro kinh tế và địa chính trị cùng với phí carbon đang khuyến khích các công ty chuyển dần sản xuất về lại Mỹ hay gần Mỹ. Tôi thấy xu hướng này đang tăng tốc”. Những thay đổi về biểu đồ dân số cũng đẩy giá cả lên do lao động đắt hơn. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, cứ sáu người trên thế giới thì có một người quá 65 tuổi. Sự già đi có nghĩa sẽ không còn nguồn lao động nhiều, rẻ, dễ kiếm. Lương cao hơn sẽ được các công ty chuyển vào giá thành.

Charles Goodhart, giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế London nhận định: “Nhân khẩu học và sự đảo ngược toàn cầu hóa sẽ có hậu quả của nó, từ khan hiếm hàng đến giá cao và lạm phát”. Tuy nhiên, Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, khẳng định: “Vẫn còn rất nhiều công nhân nhàn rỗi ở các khu vực Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Lạm phát vẫn chậm lại ở Nhật Bản trong nhiều thập niên qua, dù dân số Nhật già đi nhiều. Sự suy giảm toàn cầu hóa cũng không nhất thiết gây ra tăng lạm phát lâu dài”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: