Tập gặp Biden – liệu băng có tan?

Joe Biden và Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến vào Tháng Mười Một 2021 (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ngày 15 Tháng Mười Một 2023 khi cả hai cùng dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco. Đây là cuộc gặp trực tiếp Tập Cận Bình lần thứ hai trong nhiệm kỳ của Joe Biden. Cho đến nay, có rất ít, nếu không muốn nói là không có, thông tin nào liên quan cuộc gặp. Thậm chí địa điểm chính xác của cuộc gặp dự kiến cũng không được tiết lộ.  

Đây là chuyến đi đầu tiên của Tập tới Mỹ sau sáu năm và là chuyến đi đầu tiên của ông tới San Francisco kể từ khi ông còn là một bí thư tỉnh ủy. Danh sách các vấn đề dự kiến bàn bạc giữa hai nguyên thủ chắc chắn rất dài, trong đó có việc khôi phục liên lạc quân sự giữa hai nước – một trong những mục tiêu chính của Biden. Hẳn nhiên trên bàn làm việc còn có các vấn đề liên quan cuộc xung đột ở Israel và Ukraine; những lĩnh vực hợp tác tiềm năng như biến đổi khí hậu và chống buôn bán ma túy; và những bất đồng sâu sắc về vấn đề nhân quyền cũng như leo thang quân sự ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan.

Đài Loan có thể đứng đầu danh sách các chủ đề mà Trung Quốc muốn thảo luận. Tập Cận Bình có thể yêu cầu Mỹ tiếp tục cam kết không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Trong khi đó, Biden có thể nhấn mạnh những lo ngại của Mỹ về các hoạt động quân sự của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan, theo một quan chức chính quyền cấp cao. Cũng sẽ có các cuộc thảo luận về những hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc và căng thẳng về yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bên cạnh những bất đồng cốt lõi về thương mại và cạnh tranh, yêu cầu cấp bách nhất của Biden là thúc Trung Quốc kiềm chế Iran.

Trung Quốc luôn đổ lỗi cho Washington về việc khai mào cho những xung đột ngoại giao và làm mối quan hệ hai nước trở nên xấu đi. Tập thậm chí công khai nói như vậy vào Tháng Ba  khi cáo buộc Mỹ “bao vây, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc”. Trong khi đó, chính quyền Biden nói rằng Mỹ đang cố chống lại hành vi hung hăng và coi thường các chuẩn mực quốc tế của Bắc Kinh.

Trước cuộc gặp Biden-Tập Cận Bình, tờ Hoàn Cầu thời báo viết một xã luận, nói rằng người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tệ hại là Biden. Bài xã luận ngày 8 Tháng Mười Một viết: “Có một thế lực đen tối ở Washington đang phá hoại quan hệ Mỹ-Trung, và thời điểm càng nguy kịch, chúng càng trở nên tích cực”.

Sau chuyến kinh lý Đài Loan vào mùa Hè 2022 của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bắc Kinh nổi giận cắt đứt liên lạc với quân đội Mỹ. Với Mỹ, điều này là nguy hiểm vì có thể dẫn đến nguy cơ thông tin sai lệch hoặc tính toán sai lầm tại các khu vực tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông hoặc quanh Đài Loan. Nỗ lực khôi phục các kênh quân sự đã bị dừng lại, ngay cả khi một loạt quan chức chính quyền Biden liên tục đến Bắc Kinh, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Một số dấu hiệu cải thiện đã xuất hiện những tuần gần đây. Giới chức Mỹ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Tập-Biden tuần tới sẽ dẫn đến việc mở lại liên lạc quân sự. Tháng Mười 2023, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Washington và gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thống Biden tại Tòa Bạch Ốc. Trước cuộc họp vào tuần tới, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng đã mời Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) dự cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu từ Thứ Năm 16 Tháng Mười Một.

Một hội nghị thượng đỉnh suôn sẻ có thể giúp Tập Cận Bình ngăn chặn, ít nhất là tạm thời, các hạn chế khác của Mỹ đối với chuyển giao công nghệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do nợ nần. Nói rộng hơn, Tập Cận Bình đang tìm cách câu giờ để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và quân sự của Trung Quốc nhằm giành ưu thế cuối cùng trong cuộc cạnh tranh với siêu cường Mỹ.

Nhìn chung, cuộc gặp ngày 15 Tháng Mười Một giữa Tập và Biden sẽ không giải quyết được những gút mắc trong quỹ đạo đối đầu ngày càng quyết liệt giữa Washington và Bắc Kinh, khi cả hai cường quốc đang tranh nhau định hình lại trật tự toàn cầu. Những vấn đề nội chính càng làm phức tạp thêm sự việc.

Chính quyền Biden phải làm việc với Bắc Kinh ở mức độ sao cho vừa đủ để duy trì được quyền lợi Mỹ và không bị phe đối lập Cộng hòa chỉ trích. Trong khi đó, Tập Cận Bình cũng muốn đấu dịu với Mỹ cho quyền lợi quốc gia Trung Quốc nhưng ở mức độ như thế nào để không làm tổn hại hình ảnh một nguyên thủ quốc gia cứng rắn mà Tập Cận Bình nỗ lực xây dựng trong nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: