Đoàn tàu của Kim Jong-un có gì đặc biệt?

Kim Jong-un và đoàn tàu đặc biệt của ông (ảnh: Xinhua/Cheng Dayu via Getty Images)

Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên, sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir V. Putin, Điện Kremlin thông báo ngày 11 Tháng Chín 2023.

Trong một tuyên bố ngắn, Kremlin cho biết Kim Jong-un sẽ “có chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga trong những ngày tới”. Dmitri S. Peskov, người phát ngôn Kremlin, nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm với sự tham gia của phái đoàn hai nước và sẽ gặp riêng “nếu cần thiết”.

Theo truyền thông nhà nước Nga, hai nhà lãnh đạo dự kiến họp trong tuần này tại thành phố cảng Vladivostok ở Viễn Đông, nơi họ từng gặp nhau vào năm 2019. Putin đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại đây. Kim Jong-un và Vladimir Putin dự kiến thảo luận hợp tác quân sự, trong đó có khả năng Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Kể từ năm 2022, giới chức Mỹ nhiều lần cho rằng Triều Tiên đã vận chuyển đạn pháo và tên lửa cho Nga. Đổi lại, Kim Jong-un muốn có công nghệ tiên tiến cho vệ tinh và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng như viện trợ lương thực. Các nhà phân tích tin rằng Triều Tiên dư thừa đạn dược vì nước này đã không tham chiến kể từ năm 1953, khi Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết.

Kim Jong-un và Vladimir Putin, Vladivostok, Nga, Tháng Tư 2019 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Hôm nay 11 Tháng Chín 2023, hãng tin YTN của Hàn Quốc cho biết đoàn tàu Kim Jong-un đang “từ từ di chuyển qua Triều Tiên về biên giới phía Đông Bắc”. Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên, cách Vladivostok khoảng 420 dặm. Kim Jong-un hiếm khi đi ra ngoài lãnh thổ Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau cái chết của cha ông, Kim Jong Il, vào năm 2011, và Triều Tiên gần như tự cắt đứt quan hệ với thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch virus corona.

Như cha lẫn ông nội, Kim Jong-un ra nước ngoài (chủ yếu là Nga và Trung Quốc) bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, trong cuộc gặp thượng đỉnh ngoại giao cấp cao với Tổng thống Donald Trump vào năm 2018, Kim Jong-un đã sử dụng máy bay Boeing 747 của hãng Air China. Kim Jong-un cũng sử dụng máy bay của Triều Tiên để thực hiện chuyến đi tương đối ngắn tới thành phố Đại Liên (Trung Quốc) vào năm 2018 cho cuộc gặp lần thứ hai với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Con tàu hỏa được thiết kế đặc biệt cho gia đình Kim Jong-un có gì đáng chú ý? Rất ít người bên ngoài giới lãnh đạo chóp bu Triều Tiên được hân hạnh đi trên con tàu của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, những bức ảnh từ truyền thông nhà nước và báo cáo từ các cơ quan tình báo cho biết đó là một con tàu xa hoa, được sơn bên ngoài màu xanh lá cây và màu vàng đặc trưng; nội thất trắng bóng, có bàn dài để họp; màn hình phẳng… Có những căn phòng có ghế bành bọc da đỏ.

Một trong những tài liệu chi tiết nhất liên quan con tàu chở lãnh đạo Triều Tiên là những gì được thuật từ một quan chức Nga, Konstantin Pulikovsky, trong quyển “Orient Express”. Kể lại chuyến đi xuyên Viễn Đông với Kim Jong Il, cuốn sách của Pulikovsky mô tả một thực đơn sang trọng và phong phú, với những món ăn Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp; có cả rượu vang Bordeaux và Burgundy cũng như tôm hùm sống. Hành khách trên tàu được giúp vui với màn trình diễn của các nữ ca sĩ trẻ.

Một bài báo năm 2009 của tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc), dẫn lại từ các báo cáo tình báo, cho biết đoàn tàu có tổng cộng 90 toa. Một số toa được thiết kế riêng để chở xe hơi. Georgy Toloraya, nhà ngoại giao Nga từng đi cùng Kim Jong Il vào năm 2001, thuật rằng trong chuyến đi đó, trên tàu có hai chiếc Mercedes bọc thép. Để so sánh, tàu Amtrak Acela của Mỹ có chín toa. Tàu Mỹ di chuyển nhanh hơn nhiều, với tốc độ tối đa lên tới 150 dặm một giờ.

Tàu của Kim Jong-un có tốc độ tối đa chỉ 55 dặm một giờ. Sở dĩ nó đi chậm là do trọng lượng quá nặng, bởi được lắp thêm lớp giáp thép để chống đạn. Tờ Chosun Ilbo cho biết, mỗi khi đoàn tàu Kim Jong-un hoạt động, thường có khoảng 100 nhân viên an ninh được cử tới trước các ga để rà soát an ninh. Ngoài ra còn có một nhóm hỗ trợ hậu cần gồm máy bay vận tải không quân Il-76 do Liên Xô sản xuất và trực thăng Mi-17.

Kiểm tra an ninh tại khu vực đường sắt Lạng Sơn, Việt Nam trước khi đoàn tàu Kim Jong-un đến Hà Nội cho cuộc họp thượng đỉnh với Donald Trump vào Tháng Hai 2019 (ảnh: Linh Pham/Getty Images)

Hành trình từ Triều Tiên đến Vladivostok ước tính khoảng 20 giờ. Khi Kim Jong-un tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Donald Trump, cuộc hành trình mất 65 giờ một chiều. Cha của Kim đã thực hiện những chuyến đi kéo dài hàng tuần bằng tàu hỏa trong thời gian ông lãnh đạo Triều Tiên, trong khi Kim Nhật Thành từng thực hiện chuyến hành trình bằng tàu hỏa tới Đông Âu, qua Moscow, vào năm 1984.

Ngoài tốc độ chậm, còn có những yếu tố khác. Mạng lưới hỏa xa của Nga sử dụng khổ đường sắt khác với khổ được sử dụng trên bán đảo Triều Tiên, do đó đoàn tàu Kim Jong-un phải chờ khá lâu ở biên giới (Trung Quốc sử dụng khổ đường sắt tương tự Triều Tiên). Một số chuyên gia đường sắt từng đến Triều Tiên những năm gần đây cho biết mạng lưới đường sắt nước này được xây thời Đế quốc Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 và hiện trong tình trạng hư hỏng nặng. Ahn Byung-min, một chuyên gia đường sắt Hàn Quốc, nói với The Washington Post vào năm 2018 rằng hệ thống hỏa xa Triều Tiên đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ lần đầu tiên ông đến nước này vào năm 2000.

Kim Jong-un và Tập Cận Bình, Bình Nhưỡng, Tháng Sáu 2019 (ảnh: Huang Jingwen/Xinhua/Getty Images)

Chuyến đi Tháng Chín 2023 lần này đến Nga là chuyến thứ 10 của Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Tất cả đều diễn ra vào năm 2018 và 2019, khi Kim Jong-un tham gia đàm phán chương trình vũ khí hạt nhân trong ba cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump – một ở Singapore, một Hà Nội và một ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Bắc và Nam Triều Tiên. Kim Jong-un cũng thực hiện bốn chuyến đi tới Trung Quốc trong hai năm đó để gặp Tập Cận Bình. Chuyến đi còn lại là tới DMZ vào năm 2018 để gặp Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Moon Jae-in.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Bình Nhưỡng vào Tháng Bảy 2023 trong nỗ lực thuyết phục nước này bán đạn pháo. Thứ Ba tuần trước, 5 Tháng Chín 2023, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cảnh báo rằng Triều Tiên “phải trả giá” nếu Bình Nhưỡng đạt được thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Moscow.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: