Người đàn ông “nguy hiểm nhất thế giới” bị virus hạ gục

Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan, “Cha đẻ của bom hạt nhân Pakistan” vừa qua qua đời vào ngày 10 Tháng Mười ở tuổi 85 sau một thời gian điều trị Covid-19 tại bệnh viện.

Biến Pakistan thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên có vũ khí hạt nhân

Khan được ca ngợi là “Anh hùng dân tộc” vì đã biến đất nước mình thành cường quốc hạt nhân Hồi giáo đầu tiên trên thế giới, cường quốc hạt nhân thứ bảy trên thế giới và làm nức lòng người dân Pakistan. Tuy nhiên, ông cũng được biết đến như “Người nguy hiểm nhất thế giới” vì đã chuyển giao bí mật kỹ thuật hạt nhân cho các quốc gia bất hảo (rogue states), gồm Bắc Hàn và Iran. 

Nghe tin Khan mất, Thủ tướng Imran Khan viết trên Twitter: “Pakistan đã mất một biểu tượng quốc gia. Ông ấy được đất nước yêu quý vì đã đưa Pakistan thành quốc gia có vũ khí hạt nhân”. 

Thường được gọi tắt là AQ Khan, nhà khoa học có công trong việc thiết lập nhà máy làm giàu uranium đầu tiên của Pakistan tại thành phố Kahuta gần Islamabad để đến năm 1998, nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, gần như ngay sau khi Ấn Độ làm tương tự. Tuy nhiên, người anh hùng dân tộc bị bắt vào năm 2004 vì tội “chia sẻ trái phép công nghệ hạt nhân với Iran, Libya và Bắc Hàn”. Người dân Pakistan bị sốc khi nghe tin này. Phát biểu trên truyền hình, Khan bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc nhất” và gửi lời xin lỗi. 

Ông được Tổng thống lúc đó Pervez Musharraf ân xá nhưng bị quản thúc tại gia cho đến năm 2009. Việc đối xử khoan hồng đối với “Kẻ phổ biến vũ khí hạt nhân vĩ đại nhất mọi thời đại” đã khiến nhiều nước phương Tây tức giận. Nhưng ở Pakistan, Khan vẫn là biểu tượng của niềm tự hào vì đóng góp lớn cho an ninh quốc gia, đặc biệt là xây dựng hệ thống phòng thủ quan trọng trước kẻ thù tiềm ẩn Ấn Độ. “Tiến sĩ Khan đã giúp chúng tôi phát triển khả năng răn đe hạt nhân để cứu đất nước. Một quốc gia biết ơn không được quên những gì ông ấy đã làm” – Tổng thống Arif Alvi bộc bạch. 

Việc Khan vừa được ca ngợi như một anh hùng ở quê nhà vừa bị phương Tây xem là “kẻ nguy hiểm nhất” cho thấy sự phức tạp của bản thân ông và cách thế giới nhìn nhận về vũ khí hạt nhân. Khan có lẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào về hành vi phổ biến công nghệ hạt nhân khi ông chuyển giao thành công bí mật cho hạt nhân cho một số nước. 

Nói rõ hơn, Khan là trung tâm của cuộc chiến giành một công nghệ nguy hiểm nhất thế giới, cuộc chiến giữa những người đã có nó và những người muốn có nó. Các nước phương Tây xem việc ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân đến những quốc gia “khó đoán” là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy CIA và MI6 của Vương quốc Anh đã cùng hợp sức phá vỡ mạng lưới ngầm xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân của Khan. 

Vào ngày 11 Tháng Mười Hai, 2003, một nhóm nhân viên CIA và MI6 đang chuẩn bị lên một chiếc máy bay “không biểu tượng” ở Libya thì họ được đưa cho một xấp nửa tá phong bì màu nâu, đánh dấu thành công của các cuộc đàm phán bí mật và căng thẳng với các quan chức Libya. Khi mở xấp phong bì trên máy bay họ chứng kiến bằng chứng cuối cùng mà họ cần: Các bản thiết kế một vũ khí hạt nhân. Những thiết kế đó – cũng như nhiều thiết kế chưa hoàn chỉnh khác – đều do Khan cung cấp. Lập tức, cựu Giám đốc CIA George Tenet gọi Khan là “Kẻ nguy hiểm như Osama bin Laden hoặc hơn” (bin Laden và tổ chức khủng bố al-Qaeda đứng sau cuộc tấn công nước Mỹ vào ngày 11 Tháng Chín). 

Vì tiền, làm nhiệm vụ bí mật hay vì công bằng vũ khí hạt nhân?

Khan không xuất ngoại với tư cách điệp viên khi ông đến làm việc tại tại một công ty liên quan đến việc chế tạo máy ly tâm để làm giàu uranium ở Hà Lan vào thập niên 1970 ngay khi đất nước ông bắt đầu tìm cách chế tạo bom hạt nhân sau thất bại trong cuộc chiến năm 1971 với Ấn Độ và lo sợ Ấn Độ sẽ có bom nguyên tử. 

Uranium đã được làm giàu có thể được sử dụng như năng lượng hạt nhân hoặc, nếu được làm giàu đủ, sẽ dùng chế tạo bom. Khan lén sao chép các thiết kế máy ly tâm tiên tiến nhất và trở về nước để biến tham vọng hạt nhân của Pakistan thành hiện thực bằng cách hợp tác với một số doanh nhân châu Âu để mua các thành phần quan trọng. Và ông đã thành công. 

Xây dựng tổ hợp máy ly tâm và chương trình làm giàu uranium đạt cấp độ vũ khí của Iran tại thành phố Natanz cũng có đóng góp đáng kể về thiết kế và vật liệu của Khan. Nó dẫn đến cuộc chạy đua quốc tế ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây. Trong quá trình “chào hàng”, tại một cuộc họp mật, đại diện của Khan đã đưa ra một “thực đơn” với bảng giá đính kèm để người Iran có thể chọn và trả tiền. 

Khan cũng hơn 10 lần đến Bắc Hàn để trao đổi công nghệ hạt nhân lấy công nghệ hỏa tiễn. Một trong những bí ẩn lớn vẫn chưa được giải mã là mức độ tham gia của chính phủ Pakistan vào kế hoạch của Khan. Riêng với Triều Tiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Pakistan không chỉ biết mà còn góp tay vào. 

Có người cho rằng Khan chỉ chạy theo đồng tiền. Nhưng không đơn giản như thế mà ông còn muốn phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của phương Tây. “Tại sao một số quốc gia được phép giữ vũ khí vì an ninh của họ mà không cho phép những quốc gia khác làm thế?” – ông đặt câu hỏi và chỉ trích thói đạo đức giả của phương Tây. “Tôi không phải kẻ điên hay hư hỏng. Họ không ưa tôi, buộc tội tôi vô căn cứ và bịa đặt chỉ vì tôi làm xáo trộn chiến lược toàn cầu của họ”. 

Nhưng những người khác trong mạng lưới bán bí mật hạt nhân của Khan, lại chỉ nghĩ đến tiền. Thỏa thuận mua bán với Libya vào thập niên 1990, mang lại nhiều tiền bạc nhưng cũng làm lộ mạng lưới. MI6 và CIA theo dõi các chuyến đi của Khan, can thiệp vào điện thoại và thâm nhập vào mạng lưới, dùng số tiền lớn (ít nhất là một triệu đô la trong một số trường hợp) để mua sự phản bội. Một cựu quan chức CIA nói: “Chúng tôi vào được tận bên trong nhà riêng của ông ta, thậm chí vào tận… phòng ngủ!”. 

Sau cuộc tấn công ngày 11 Tháng Chín, 2001, lo ngại những kẻ khủng bố có thể nắm giữ vũ khí hủy diệt để tấn công mình, chính phủ Pakistan bắt đầu hợp tác với Mỹ chống lại Khan. 

Tháng Ba, 2003, ngay khi Mỹ và Anh đang xâm nhập Iraq để phá huỷ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt (hóa ra không tồn tại), nhà lãnh đạo Libya lúc đó, Đại tá Gaddafi quyết định loại bỏ chương trình hạt nhân của quốc gia ông, dẫn đến chuyến thăm bí mật của nhóm điệp viên CIA và MI6, đồng thời là đòn bẩy quan trọng để Washington chứng minh với Pakistan là phải có sớm biện pháp ngăn chặn mạng lưới xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân của Khan. Kết quả ông ta bị bắt và bị quản thúc tại gia và phải thực hiện lời thú tội trên truyền hình. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: