Find Your Ally – Cứu cánh cho người không có giấy tờ ở California

(ảnh: Find Your Ally)

Dự án Higher Education Legal Services Project (HELS) giúp đỡ cho sinh viên và người chưa có giấy tờ hợp pháp đang sinh sống tại California, được giới thiệu tại buổi hội thảo qua Zoom hôm 24 Tháng Mười, do Dịch vụ Truyền thông Sắc tộc (Ethnic Media Services –EMS) tổ chức.

Diễn giải đầu tiên, Alonso Garcia thuộc The California Community Colleges Chancellor’s Office (CCCC Office), cho biết Dự án HELS là sự hợp tác giữa Tổ chức các trường Cao đẳng Cộng đồng California (Foundation for California Community Colleges-FCCC) và Bộ Dịch vụ Xã hội California (California Department of Social Services – CDSS) thông qua website “Find Your Ally”, nơi các bên quan tâm có thể nhập mã zip hoặc trường mà họ đang theo học và được kết nối với luật sư di trú để được giúp đỡ. Việc truy cập hết sức dễ dàng, theo Garcia.

Khi cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ về Đạo luật DREAM và sự bảo vệ pháp lý cho những người không có giấy tờ ở California vẫn tiếp tục, Find Your Ally (findyourally.com) là “cứu cánh pháp lý” cho khoảng 50,000-70,000 sinh viên đại học cộng đồng không có giấy tờ.

“Kể từ khi bắt đầu hoạt động cách đây bốn năm, đến nay đã có hơn 10,000 sinh viên được hưởng lợi từ chương trình này,” Garcia cho biết. “Riêng năm ngoái hơn 5,700 người được giúp đỡ.”

(minh họa: Redd F/Unsplash)

Garcia nhấn mạnh, không chỉ sinh viên mà các giảng viên và nhân viên của trường cao đẳng cộng đồng cũng đủ điều kiện nhận các dịch vụ, bất kể tuổi tác hoặc tình trạng cư trú.

Anh giải thích thêm các dịch vụ bao gồm hỗ trợ xin thường trú hợp pháp (thẻ xanh), tình trạng được bảo vệ tạm thời DACA (TPS) hoặc can thiệp khi ra khỏi Hoa Kỳ khi đang trong quá trình chuyển diện, hay xin thị thực nhập cư. Dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Thông tin của những người muốn hỗ trợ cung cấp đều được giữ kín. Công việc được thực hiện một cách bảo mật bởi các nhóm pháp lý phi lợi nhuận, được California hoặc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cấp phép hoạt động với ít nhất ba năm kinh nghiệm liên quan đến di trú.

Nếu đi học, bạn có thể tham gia đầy đủ các lớp học hoặc chỉ một lớp, có tín chỉ hoặc không. Bạn cũng có thể ghi danh vào các chương trình giáo dục dành cho người lớn thông qua các trường cao đẳng cộng đồng, trực tiếp hoặc trực tuyến.

Luật sư Manoj Govindaiah thuộc Cơ quan Bảo vệ Pháp lý cho Người nhập cư (Immigrant Legal Defense) có trụ sở tại Oakland, Bắc California, khuyến khích mọi người ghi danh vào trường cao đẳng cộng đồng địa phương của mình, lấy ít nhất một tín chỉ để có thể tiếp cận các dịch vụ và được giúp đỡ.

Govindaiah lưu ý rằng những người nhập cư không có giấy tờ thường phải đối mặt với hai trở ngại lớn khi tiếp cận các dịch vụ pháp lý, là khó tìm được luật sư giỏi, mà tìm được cũng không dễ để được gặp trực tiếp.

“Điều đó càng khó hơn với những người ở cộng đồng nông thôn, nơi nguồn lực và phương tiện đi lại hạn chế,” Govindaiah cho biết: “Find Your Ally cũng cập nhật thường xuyên và cung cấp lời khuyên pháp lý, giúp người có nhu cầu tìm ra cách giải quyết, mà đôi khi họ đủ điều kiện nhưng lại không biết.”

Kelly Fletes, thuộc Monterey Peninsula College, cho biết các trường cao đẳng cộng đồng California như một điểm tiếp cận giáo dục đại học. “Chúng tôi chấp nhận 100% sinh viên nộp đơn.”

Theo Fletes, các trường cao đẳng cộng đồng là nơi lý tưởng để tiếp cận những người nhập cư mới đến, nhiều người trong số họ thường ghi danh các lớp học ESL. Nhưng dù có hay chưa có giấy tờ, ai cũng cần phải học Anh ngữ để hòa nhập với cuộc sống Mỹ. Fletes nói, với người ‘không có miếng giấy lận lưng’ rất khó khăn để tập trung học, vì cứ nơm nớp lo sợ khi nào mình bị trục xuất, liệu ngày nào đó mình có bị bắt khi đến lớp, và không thể về nhà.

Sabrina P., nằm trong hoàn cảnh ấy. Là sinh viên nhưng trước đây Sabrina không có giấy tờ tùy thân và là một trong những nhóm đầu tiên được chương trình này giúp đỡ. Tham dự buổi hội thảo, Sabrina nói lúc đó cô rất lo vì không biết mình có đủ điều kiện để được tiếp tục học và với hoàn cảnh như thế thì liệu học xong có được giấy tờ hợp pháp để đi làm hay không.  

Diễn giả tham dự hội thảo, từ trái: Alonso Garcia, Manoj Govindaiah, trên: Kelly Fletes, dưới: Sabrina P. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Ngoài ra, một nỗi lo lắng khác của người không có giấy tờ, là không đủ khả năng tài chính để trả các chi phí của dịch vụ pháp lý, lên đến hàng nghìn đôla. “Tôi có những sinh viên phải làm ba, bốn công việc, để trả món nợ hàng chục nghìn đôla họ vay để  trả cho các dịch vụ pháp lý,” Fletes cho biết.

Còn với Sabrina, cô nói khi tìm đến chương trình, cô gạt bỏ được mọi nỗi lo lắng vì được những nhân viên ở đây động viên: “Đừng lo gì hết, mọi chuyện để tụi tôi lo cho em.”

“Tất nhiên là mỗi trường hợp đều khác nhau, không ai giống ai,” Sabrina nói. “Nhưng trường hợp của em thì hiện đang trong thời gian chờ nhận thẻ xanh rồi. Vậy là sắp tới em có thể có công ăn việc làm mà không bị từ chối vì tình trạng di trú. Có việc, em sẽ phụ giúp được gia đình phần nào.”

Sabrina khuyên những ai đang trong tình trạng chưa có giấy tờ hợp pháp thì đừng sợ gì cả, mà nên xúc tiến càng sớm càng tốt, vì thời gian không chờ đợi ai. “Quá trình làm giấy tờ mất nhiều năm lắm, độ tuổi và ngày bạn nộp đơn cũng có ảnh hưởng đó,” Sabrina nói.

Hàng năm, tiểu bang California đầu tư $10 triệu để CDSS ký hợp đồng với các tổ chức phi lợi nhuận và cung cấp các dịch vụ pháp lý nhập cư cho tất cả các trường cao đẳng cộng đồng. Dịch vụ pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp là một trong ba nhu cầu quan trọng được xác định thông qua báo cáo Dự án “Dreamers Project Report”.

Cư dân California cần sự trợ giúp pháp lý đáng tin cậy để vượt qua quá trình làm giấy tờ nhập cư kéo dài và phức tạp của Hoa Kỳ, có thể tìm thấy sự trợ giúp miễn phí tại bất kỳ trường cao đẳng cộng đồng nào, trong số 115 trường cao đẳng của tiểu bang, thông qua “Find Your Ally”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: