Vì sao Mỹ biến mất dần hồ bơi công cộng

Một hồ bơi công cộng của thành phố New York hôm khai trương ngày 28 Tháng Sáu 2002 vào ngày khai trương các bể bơi công cộng của thành phố. Nhiệt độ tăng, khiến bà con kéo nhau đi bơi rất đông. (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Lớn lên ở Louisville, Kentucky, Gerome Sutton đã mong đợi cả tuần để có cơ hội được bơi ở hồ bơi Algonquin Park vào cuối tuần.

Sutton, hiện nay 66 tuổi và là mục sư địa phương, cho biết: “Được ra hồ bơi là sướng nhất trong tuần, giống y như Giáng Sinh giữa mùa Hè vậy.”

Vào nnăm 1955, một năm trước khi Sutton ra đời, các công viên công cộng của Louisville được tách biệt, họ xây mới các bể bơi ngoài trời Algonquin ở phía Tây của Louisville. Sutton cho biết vào thời điểm đó, chi phí để bơi ở Algonquin là 35 xu. “Chúng tôi được đi bơi,” ông kể: “Đó là tuyên bố lớn, chống lại sự phân biệt đối xử. Chính phủ đã có một nỗ lực có tổ chức để thu hút trẻ em tham gia vào một hoạt động.”

Các hồ bơi công cộng đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Mỹ trong thế kỷ qua. Nhưng khi biến đổi khí hậu và nhiệt độ cực đoan trở nên tồi tệ hơn, các hồ bơi đảm nhận vai trò khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Theo dữ liệu được Cơ quan Thời tiết Quốc gia (National Weather Service) cung cấp, nắng nóng giết chết nhiều người Mỹ hơn bất kỳ thảm họa nào khác liên quan đến sự nổi giận của Mẹ thiên nhiên.

Biển báo giải thích rằng một hồ bơi công cộng đã hết công suất khi nhiệt độ tăng cao vào ngày 28 Tháng Bảy 2022 tại Ellensburg, Washington. (ảnh: David Ryder/Getty Images)

Tuy nhiên, khi đang giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, các bể bơi công cộng lại đang dần biến mất. Bây giờ ở Mỹ, những gia đình không có hồ bơi riêng sau nhà, đi tìm hồ bơi là hơi khó. Di sản của sự phân biệt chủng tộc, tư nhân hóa các hồ bơi và ngân sách giải trí công cộng bị cắt giảm khiến nhiều thành phố không có gì để “nuôi sống” các hồ bơi công cộng.

‘Bơi lội liên quan đến sức khỏe tinh thần’

Vào đầu những năm 2000, Louisville có 10 hồ bơi công cộng cho dân số khoảng 550,000 người. Ngày nay, thành phố này chỉ còn năm hồ bơi công cộng cho 640,000 cư dân, xếp thứ 89 trong số 100 thành phố có số lượng hồ bơi nhiều nhất, tính trên đầu người, theo Trust for Public Land, một tổ chức vận động cho các công viên và đất đai công cộng.

Algonquin là hồ bơi duy nhất còn lại ở West Louisville, nhưng các cư dân ở đây cho biết thành phố đã bỏ qua việc bảo trì và sửa chữa cơ bản trong nhiều năm qua.

Mùa Hè này, ở Louisville nhiệt độ lên đến 90 độ, mà hồ bơi ở Algonquin Park phải đóng cửa để sửa chữa, khiến khoảng 60,000 người — hầu hết là người Da đen và các hộ gia đình có thu nhập trung bình trở xuống — không được đi bơi.

Nhiều trẻ em và người lớn mất cơ hội học bơi, không còn được tận hưởng cái mát lạnh của nước hồ, và không được học kỹ năng cứu sinh. Trẻ em và thanh thiếu niên sẽ không có nơi để tụ tập và vui chơi trong những tháng hè khi trường học nghỉ học. Và học sinh cuối cấp không thể tham gia các lớp thể dục Aqua Zumba được tổ chức tại Algonquin vào mùa Hè để giúp họ duy trì hoạt động.

“Bơi lội là sức khỏe tinh thần. Đó là liệu pháp. Bạn phải có các hoạt động. Điều ấy lớn hơn chỉ là một hồ bơi,” Nghị viên Tammy Hawkins của Louisville, cho biết.

Tranh cãi quyền sử dụng hồ bơi

Từ lâu, quyền sử dụng hồ bơi đã gây tranh cãi gay gắt ở Mỹ. Các hồ bơi khổng lồ của thành phố được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 20 và việc loại bỏ các hồ bơi công cộng là mục tiêu chính của phong trào dân quyền. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nhiều chính quyền địa phương đã bỏ bê các hồ bơi công cộng.

Andrew Kahrl, một nhà sử học tại đại học Virginia University và là tác giả của cuốn sách The Land Was Ours: How Black Beaches Became White Wealth in the Coastal South, cho biết rất nhiều hoạt động giải trí của mùa hè đang diễn ra ở những không gian riêng tư hoặc ở những nơi thiếu sự hỗ trợ.

Theo Hiệp hội Công viên và Giải trí Quốc gia, vào năm 2015, cứ 34,000-38,000 người thì có một hồ bơi công cộng ngoài trời. Các nhà sử học và các chuyên gia giải trí công cộng cho biết, sự rút lui của chính phủ và chiều hướng tư nhân hóa các bể bơi và hoạt động giải trí đã gây tổn hại nặng nề nhất cho các nhóm dân tộc thiểu số và người nghèo.

Jeff Wiltse, nhà sử học tại đại học Montana University, viết trong cuốn “Contested Waters: A Social History of Pools in America”: “Người Mỹ nghèo và tầng lớp lao động chịu thiệt hại trực tiếp nhất từ việc tư nhân hóa các hồ bơi”.

Theo một nghiên cứu năm 2018, 79% trẻ em trong các gia đình có thu nhập hộ gia đình dưới $50,000 không có hoặc ít được bơi hồ, trong đó, 64% trẻ em Da đen, 45% trẻ em gốc Tây Ban Nha và 40% trẻ em Da trắng.

Người đi bơi nhiều như người đi xem phim

Các tiểu bang của Mỹ xây dựng những bể bơi khổng lồ trong thế kỷ 20. Thỏa thuận mới đã dẫn đến sự bùng nổ lớn nhất của các nhóm công cộng trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính phủ liên bang xây dựng gần 750 hồ bơi và tu sửa hàng trăm hồ bơi khác từ năm 1933 đến 1938.

Ủy viên Công viên New York Robert Moses xây dựng 11 hồ bơi được tài trợ bởi Cơ quan Quản lý Dự án Công trình Liên bang và San Francisco có Fleishhacker Pool, hồ bơi lớn nhất thời đại.

Một cuộc khảo sát năm 1933 về các hoạt động giải trí của người Mỹ cho thấy số người thường xuyên bơi lội cũng nhiều như số người đi xem phim. Như Wiltse viết trong sách của mình: “Hồ bơi đã trở thành biểu tượng của một phiên bản mới, hiện đại rõ rệt của cuộc sống tốt đẹp, coi trọng sự thư thái, niềm vui và vẻ đẹp.”

Fleishhacker Pool, ở San Francisco, California. (ảnh: Buyenlarge/Getty Images)

Trước những năm 1920, các hồ bơi ở miền Bắc được phân biệt theo giới tính nhưng không phân biệt chủng tộc. Điều này thay đổi khi họ trở nên hòa nhập giới tính.

Victoria Wolcott, nhà sử học tại đại học University at Buffalo và là tác giả của cuốn “Race, Riots, and Roller Coasters: The Struggle over Segregated Recreation in America,” cho biết, định kiến chủng tộc về sự sạch sẽ và an toàn, cũng như nỗi sợ hãi tột độ về việc đàn ông da đen tương tác với phụ nữ da trắng mặc đồ tắm, đã biến hồ bơi thành một trong những không gian công cộng bị phân biệt chủng tộc nhất ở Mỹ.

Theo Walcott, vào cuối những năm 1940, đã có những cuộc bạo loạn lớn ở hồ bơi ở St. Louis; Baltimore; Washington DC.; và Los Angeles. Ở Cincinnati, người da trắng ném đinh và thủy tinh vào bể bơi, và ở St. Augustine, Florida, họ đổ acid vào nước để ngăn cản những người da đen xuống hồ.

Vào những năm 1960, đặc biệt là năm 1967, việc thiếu các cơ sở giải trí, bao gồm cả hồ bơi, là một “sự bất bình sâu sắc” của người Da đen, gây ra tình trạng bất ổn đô thị trong mùa hè nóng bức, oi ả.

Được vào hồ bơi là ưu tiên hàng đầu của các nhóm dân quyền, những người coi việc giải trí là quyền cơ bản của con người. Trong Bức thư từ Nhà tù Birmingham năm 1963, Martin Luther King Jr., mô tả những giọt nước mắt của con gái mình khi “con bé được thông báo rằng Funtown cấm cửa trẻ em da màu.”

Hồ bơi tư nhân trong ngôi nhà nhìn ra thung lũng Carmel, California (ảnh: Education Images/Universal Images Group via Getty Images)

Nhưng sự thành công của phong trào dân quyền tích hợp các hồ bơi trùng hợp với sự gia tăng của các hồ bơi tư nhân và câu lạc bộ bơi lội. Hàng triệu gia đình trung lưu Da trắng rời thành phố đến vùng ngoại ô và xây dựng hồ bơi ở sân sau mới của họ trong thời đại này. Từ năm 1950 đến năm 1962, 22,000 câu lạc bộ bơi lội tư nhân được mở ra, chủ yếu ở các vùng ngoại ô của người Da trắng.

Sự suy giảm của các hồ bơi công cộng đồng thời với việc đẩy mạnh tư nhân hóa. Một số vùng của miền Nam nổi dậy chống lại sự hội nhập bằng cách lát đá hoặc rút cạn các vũng nước thay vì tận dụng xây hồ bơi. Ví dụ ở Mississippi gần một nửa hồ bơi công cộng mới xây năm 1961 bị đóng cửa vào năm 1972.

Khi người da trắng rút khỏi các hồ bơi và công viên công cộng, tiền đóng thuế và hỗ trợ cho các hồ bơi giảm dần. Ở Cleveland, ngân sách giải trí của thành phố đã bị cắt giảm tới 80%. Việc đầu tư vào lĩnh vực giải trí công cộng tăng lên sau các cuộc nổi dậy về thuế vào cuối những năm 1970.

Năm 1978, cử tri California thông qua Dự luật 13, cắt giảm thuế suất bất động sản địa phương và gây khó khăn hơn cho tiểu bang trong việc tài trợ cho hoạt động giải trí công cộng.

Thôi rồi, hồ bơi công cộng ơi…

Khi các thành phố đóng cửa các hồ bơi và bỏ bê luôn việc duy trì các hồ bơi hiện có, thay vào đó, các câu lạc bộ bơi lội tư nhân “lấp đầy khoảng trống” để phục vụ người có tiền, và rất nhiều gia đình giàu có xây hồ bơi ở sân sau nhà mình.

Hè năm ngoái, nhiệt độ tăng cao, nóng quá, khiến bé Adalyn Allemand, 3 tuổi, sinh sống tại Ellensburg, Washington, phải leo vào thau nước chơi với đồ chơi của mình ở bên hông nhà. (ảnh: David Ryder/Getty Images)

Vào năm 1972, có 1.1 triệu hồ bơi gia đình, theo công ty nghiên cứu thị trường ngành công nghiệp hồ bơi PK Data. Hai thập niên sau, con số này tăng đến 3.8 triệu.

Trong khi đó, tình trạng thiếu nhân viên cứu hộ và các bộ phận giải trí công cộng thiếu vốn tiếp tục gây căng thẳng cho các hồ bơi địa phương, mà chi phí này khộng hề nhỏ.

Nhiều thành phố khó khăn lắm mới thuê được nhân viên cứu hộ làm việc trong các hồ bơi công cộng. Học sinh trung học và sinh viên đại học có nhiều lựa chọn việc làm trong mùa hè hơn và ít nhận công việc nhân viên cứu hộ hơn so với trước đây.

Các hồ bơi công cộng ngày càng ít đi vì là hoạt động không đem lại lợi nhuận mà ngân sách thì eo hẹp, chỉ người dân có thu nhập thấp là thiệt thòi nhất mà thôi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: