150 gia đình mất nhà vì cách hành xử bất nhất của chính quyền

21 căn nhà trong một con hẻm phía sau trường THPT Bình Tân bị đập bỏ vì xây dựng không phép trên đất nông nghiệp – Ảnh: VnExpress

150 căn nhà trong các con hẻm ở đường Hồ Văn Long, tỉnh lộ 10, tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân, Sài Gòn) buộc phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng, vì xây dựng trên đất nông nghiệp.

Hiện có khoảng 60 căn nhà bị dỡ hoàn toàn, trơ nền nhà ngổn ngang gạch đá, số còn lại đang vận động để tháo dỡ tiếp trong Tháng Mười Một.

Những người dân sống ở đây nhiều năm, phân bua rằng đã được địa phương cấp số nhà, có địa chỉ, thế mà giờ lâm cảnh… không chốn dung thân.

Với số tiền ít ỏi, nhiều người ở đây đã mua đất nông nghiệp giá rẻ, chưa được chuyển thành đất thổ cư, và dần dà đắp đổi nên căn nhà kiên cố. Giờ bị tháo dỡ, không được bồi thường đúng là thảm cảnh.

Ông Mùi phủ bạt một số vật dụng khi ngôi nhà 100m2 xây trái phép bị tháo dỡ – Ảnh: VnExpress

Sáng 21 Tháng Mười, theo ghi nhận của VnExpress, ông Đặng Văn Mùi (56 tuổi) phải phủ bạt tránh mưa làm hư hỏng xe gắn máy và tủ lạnh, sau khi căn nhà rộng 100m2 của ông ở hẻm đường Hồ Văn Long, phường Tân Tạo, quận Bình Tân bị tháo dỡ từ ba tuần trước.

Trên nền nhà đổ nát, hàng chục tấm tôn xếp chồng lên nhau, năm người trong nhà ông Mùi phải dựng lều ở tạm trước khi tìm được chỗ ở mới. Ông ngậm ngùi kể năm 2018, vợ chồng ông bỏ 518 triệu đồng mua 5 mảnh đất ruộng dài 20m, rộng 5m, giao dịch chỉ có giấy viết tay với chủ đất. Địa điểm khu đất chỉ cách trường trung học phổ thông (THPT) Bình Tân 25m và đường Võ Trần Chí nửa cây số.

Lúc đó ông so sánh một căn chung cư rộng 45m2 cách đó khoảng 100m mà giá đến gần 700 triệu đồng nên mua được năm mảnh đất ruộng ông nghĩ mình được giá hời.

Sau đó, ông cất một căn nhà nhỏ trên đất ruộng mới mua mà không xin phép xây dựng. Đến năm 2019, ông bỏ gần một tỷ đồng xây nhà, cũng không có giấy phép xây dựng, được cán bộ địa phương nhắc nhở nhưng ông nghĩ mình ở đã lâu chắc không sao.

Gia đình ông Phương căng bạt che bếp, giường ngủ để ở tạm sau khi ngôi nhà bị phá bỏ – Ảnh: Đình Văn

Cách nhà ông Mùi 20m, ông Phạm Văn Phương (50 tuổi) cũng căng bạt che nắng mưa để nấu nướng, tắm giặt, ngủ tạm, sau khi căn nhà cấp 4 của ông bị dỡ do xây dựng trên đất nông nghiệp. Năm 2018, mơ ước thoát đời ở trọ gần 20 năm, ông vay tiền người thân mua mảnh đất rộng 70m2 ở đây với giá gần 300 triệu đồng để cất nhà.

Khi đó mảnh đất nhà ông nằm chung một thửa đất được phân thành 21 lô nhỏ, sang nhượng bằng giấy tay. Con đường dẫn vô khu này chỉ vừa đủ hai xe máy tránh nhau.

Nhà ông Phương xây xong năm 2019, cán bộ địa phương có xuống nhắc nhở, dán thông báo công trình vi phạm nhưng chưa buộc phá dỡ ngay. Ông những tưởng có thể sống ở đó mãi, giống như những gia đình hàng xóm.

Vài tháng trở lại đây, gia đình ông Phương và hàng xóm mới nhận quyết định yêu cầu phải dỡ căn nhà. Đến giữa Tháng Mười, căn nhà của ông và nhiều nhà khác đã bị địa phương đập bỏ.

“Nhà tôi có số hẳn hoi nhưng không được hỗ trợ di dời. Gia đình tôi bây giờ cũng không biết đi đâu”, bà Đỗ Thị Hải, đứng trong căn nhà vừa bị tháo dỡ – Ảnh: VnExpress

Phóng sự ảnh ngày 20 Tháng Mười của VnExpress cũng phản ảnh thảm cảnh không chốn dung thân của vài gia đình, như nhà ông Mùi và ông Phương.

Đàng sau trường THPT Bình Tân, trong một con hẻm trên đường Hồ Văn Long có 21 căn nhà vừa bị đập. Nơi đây có những căn rộng gần 100m2, xây dựng hai – ba tầng nằm san sát nhau, giờ trơ nền gạch. Hầu hết những căn nhà ở đây xây dựng từ năm 2017 – 2018 trên nền đất nông nghiệp, tuy nhiên đã được cấp số nhà, có trong sổ quản lý hành chính của địa phương.

Bà Đỗ Thị Hải, đứng trên nền đất căn nhà vừa bị đập bỏ, xót xa nói: “Nhà tôi có số nhà hẳn hoi nhưng không được hỗ trợ di dời. Gia đình tôi bây giờ cũng không biết đi đâu”. Hồi sáu năm trước, bà Hải mua mảnh đất gần 80m2 ở đây với giá 250 triệu đồng để cất nhà và những tưởng như thế đã được an cư.

Giờ đây, nhà bị đập, bà đành phải đưa đồ nội thất ra ngoài chờ chuyển đi nơi khác. Cùng cảnh ngộ với bà Hải là gia đình ông Lê Văn Đông. Ông Đông cho biết bảy năm trước đã dùng tiền dành dụm để mua 72m2 đất với giá gần 300triệu đồng từ giấy tờ sang tay để xây nhà.

“Tôi bây giờ già cả rồi, nhà nước vận động để tự tháo dỡ tôi cũng không còn sức, mà cũng không có tiền để thực hiện, bây giờ cũng không biết đi đâu”, bà Nguyễn Thị Chắc 75 tuổi nói – Ảnh: VnExpress

Cách đó khoảng 700m, 15 căn nhà cấp bốn, nhà tiền chế cũng được UBND phường Tân Tạo vận động tháo dỡ trước ngày 25 Tháng Mười. Nhiều người dân cho biết do là đất của ông bà để lại nên đã cất nhà ở, làm kho chứa đồ.

Bà Nguyễn Thị Chắc (75 tuổi), mất sức lao động, sống cùng người con đang bị bệnh trong ngôi nhà bốn người. Bà kể, lúc trước nhà ở tỉnh lộ 10, bị giải tỏa và được đền bù 300 triệu đồng nhưng không đủ mua nhà mới, bà quyết định mua đất trong hẻm đường Hồ Văn Long để xây nhà từ năm 2017.

Giờ già cả, nhà nước vận động tự tháo dỡ bà bảo không còn sức, cũng không có tiền, chả biết đi về đâu.

Liên quan đến tình hình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp của phường Tân Tạo, UBND quận Bình Tân đã yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét, xử lý đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng 150 căn nhà xây dựng không phép.

Gia đình ông Lê Văn Đông phải che lều ở tạm trên nền đất cũ – Ảnh: VnExpress

Trả lời VnExpress ngày 23 Tháng Mười 2023, đại diện UBND phường Tân Tạo cho biết phần lớn những căn nhà trên xây dựng từ cuối năm 2019, trên nền đất trồng cây lâu năm, chưa được chuyển đổi thành đất thổ cư. Địa phương hay biết nhưng vì… quản lý thiếu sát sao nên nhà này xây xong, lại mọc tiếp lên nhà khác (!)

Chủ tịch UBND quận Bình Tân là ông Nguyễn Minh Nhựt biện minh khi phát giác những căn nhà xây dựng không phép, cán bộ địa phương xuống nhắc nhở, vận động tháo dỡ nhưng không… cứng rắn để kéo dài qua nhiều năm, vì thấy các gia đình này nghèo, dân năn nỉ nên “mủi lòng” cho thêm thời gian (?)

Ông Nhựt cũng thừa nhận khi một căn nhà xây trái phép mà không xử lý nghiêm dẫn đến nhiều căn khác mọc lên, chẳng hạn như thửa đất phía sau trường trung học phổ thông Bình Tân, ban đầu chỉ có một vài nhà nhưng xử lý không nghiêm, dẫn đến… việc xuất hiện 21 căn nhà!

Chắc chắn việc khu đất ruộng (hay trồng cây lâu năm) gì đó ở quận Bình Tân mọc lên 150 căn nhà thì không thể qua mắt cán bộ địa phương. Sự tồn tại của những cư dân này có phần lỗi lớn từ chính quyền, vì thế tại sao không buộc các gia đình này đóng tiền phạt, rồi cho họ làm lại giấy tờ để công nhận quyền sở hữu nhà trên đất của họ?

Bao năm bỏ lơ, giả vờ “nhắm mắt làm ngơ” vì chưa có dự án, nay dường như quận Bình Tân mới có dự án gì đó cho khu đất này nên mới hối hả ra lệnh cưỡng chế đập bỏ nhà của họ. Vậy đó là dự án gì – có lợi cho ai?

Những bình luận của độc giả VnExpress dưới hai bài viết đều thiên về ý người dân không hiểu quy định là bình thường nhưng cán bộ địa phương không ngăn chặn từ đầu mới là đáng trách nhất, làm dân phải tốn tiền nhiều lần quá lãng phí!

Một câu hỏi đặt ra là sau khi đập bỏ 150 căn nhà xây dựng không phép này thì phường Tân Tạo sẽ làm gì với mảnh đất ấy?

Ngoài ra, còn một vấn đề khác: Nếu cho là đất nông nghiệp không được xây nhà, nhưng đất đó người dân đã mua bán, sang nhượng – có giấy tờ tay, thế thì họ cũng phải được đền bù khi chính quyền lấy đất nông nghiệp làm dự án chứ, làm sao đuổi ngang được?

Khổ cho dân là giờ Việt Nam chẳng còn luật sư nào đủ dũng cảm để giúp họ hiểu được quyền lợi của mình nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: