Bé trai hai tuổi bị bạo hành đang được chữa trị tích cực ở bệnh viện Nhi Đồng 2

Vết thương in hằn trên khắp người của bé trai – Ảnh người dân cung cấp, Pháp Luật ghép

Đến chiều ngày 13 Tháng Tư 2023, thông tin về bé trai hai tuổi bị bạo hành tràn ngập các trang mạng trong nước.

Không phải sống với dì ghẻ hay cha dượng, mà là đang sống cùng cha mẹ, thế mà bé trai hai tuổi (25 tháng tuổi) tên K. (tạm trú tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, Sài Gòn) bị thương tích khắp thân thể gầy guộc, bé nhỏ, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.

Tuổi Trẻ chiều 13 Tháng Tư đưa tin bé K. đang được các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, Sài Gòn) chữa trị tích cực. Bé K. được chuyển đến từ bệnh viện đa khoa Hóc Môn chiều ngày 12 Tháng Tư, với chẩn đoán đa tổn thương, gãy thân xương cánh tay, đa xây xát, bỏng da độ 1-2 (khoảng 6%), chấn thương đầu. Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé trong tình trạng suy hô hấp và sốc mạch 160 lần/phút, huyết áp khó đo, trên người có nhiều vết thương, trong đó hai đầu núm vú lở loét, cánh tay phải bị biến dạng và gãy 1/3, có hai vết loét vùng cột sống gần thắt lưng và trợt da vùng ngực – bụng và hông đùi trái… Chụp CT-Scan não cho thấy bé K bị xuất huyết dưới màng cứng, tụ máu mô mềm da đầu hai bên. Bệnh viện đang cho bé thở máy, bù dịch và bó bột cánh tay phải, chăm sóc các vết thương…

Sáng 12 Tháng Tư, sau khi được cha mẹ bé gọi đến nhà trọ của họ để trông chừng cháu, nhìn thấy bé K. trong tình trạng đầy thương tích, người cô ruột của bé K. đã trình báo với công an địa phương. Công an xã và huyện đã đến nơi ở của bé và làm việc với cha mẹ bé. Bước đầu xác định cha mẹ bé K. âm tính với ma túy, còn người mẹ đã thừa nhận có đánh con.

Công văn của Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố (Sài Gòn) gửi Công an huyện Hóc Môn, Phòng Lao động huyện và Ủy ban xã Thới Tam Thôn cũng đề nghị các cơ quan trên có biện pháp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp đối với bé K.

Theo Tiền Phong ngày 13 Tháng Tư, bà P.T.N.H. (35 tuổi, quê Bến Tre), cô ruột cháu K., kể bà từng chứng kiến cháu bị cha mẹ đánh, thậm chí người cha của bé còn dùng mỏ lết đánh vào vùng đầu cháu. Khi được mẹ bé K. gọi đến nhà trọ trông bé,  bà H. đã hoảng hốt khi thấy cháu bị bỏng khắp người, người mẹ lại nói cháu bất cẩn khi uống sữa nên bị đổ vào người. Bà H. nhìn quanh không thấy sữa, bà nghi cháu bị tạt nước sôi; còn các vết loét trên người bé, bà nghi do bé bị dí đầu tàn thuốc lá vào người.

Bé K, 25 tháng tuổi, lúc mới nhập viện chiều 12 Tháng Tư 2023 – Ảnh: Bác sĩ cung cấp cho Tuổi Trẻ

Cách đó ba tuần, đến phòng trọ của cha mẹ cháu K., nhìn thấy cháu bị cha mẹ đánh đập, bà đã khuyên họ đừng đánh cháu nữa nhưng họ không nghe nên bà buồn không đến thăm cháu. Đã vậy, cha mẹ bé K. còn hăm dọa, nên bà không dám báo công an. Theo bà H., người mẹ bé K. khoảng 20 tuổi, còn người cha 21 tuổi. Bé K. đang được bà nội (mẹ bà H. ) chăm sóc ở bệnh viện.

Trả lời VTC News ngày 13 Tháng Tư, luật sư Bùi Thanh Hoan, Đoàn luật sư thành phố (Sài Gòn) nhận định, nếu bé thực sự bị cha mẹ bạo hành thì đây là hành vi rất nguy hiểm đối với trẻ em. Theo luật sư Hoan, hành vi nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 52 nghị định 144/2021/NĐ-CP; hành vi nặng thì xử lý hình sự theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự, ngoài ra theo quy định tại Điều 134, trường hợp cha mẹ đánh đập con cái dưới 16 tuổi thì với tỷ lệ thương tật dưới 11%, cha mẹ cũng bị phạt tù.

Sau khi giám định thương tật bé K., việc phạt tù cha mẹ bé K. sẽ là kết quả thực thi công lý. Tuy nhiên, sau đó bé K. nhất định phải được giao về cho người khác (thân nhân, ngoài cha mẹ) có tình yêu với trẻ em, nuôi dưỡng cháu, vì không thể để bé K. tiếp tục sống cùng nhà với người cha người mẹ ác nhân như vậy nữa!

“Hổ dữ còn không ăn thịt con”, thế mà… Nhìn cơ thể bé nhỏ của K. chi chít vết thương, tự hỏi sau khi vết thương cơ thể lành hẳn thì chừng nào “vết thương hằn trong tâm hồn” của cháu K. sẽ được chữa lành? Hay “vết thương bị cha mẹ đánh đập” vĩnh viễn sẽ in hằn lên tâm hồn, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của cháu sau này, như tự sự của bạn đọc Phạm Thiết Hùng (Tuổi Trẻ): “Tôi năm nay cũng có thể chết được. Nhưng, những hành vi bạo hành tôi, từ năm ít hơn hai tuổi trở lên, vẫn in hằn trong não bộ của tôi đến hôm nay. Mặc dù tôi được học hành tử tế, được rèn luyện trong gian khổ, biết buông bỏ, thứ tha và rất hiểu, rất thương, đã giúp đỡ cũng như tạo điều kiện cao nhất cho tất cả những người đã từng bạo hành tôi. Song, mỗi khi đọc được bài viết trên báo chí, nhìn thấy trong cuộc sống các hành vi bạo hành trẻ em thì quá khứ lại dội về, rất xót xa…”.

Trẻ em sống cùng cha mẹ thay vì được bảo vệ, được yêu thương, thì lại bị bạo hành, tội ác này quả thật không thể dung thứ. Điều đáng mừng là người dân Sài Gòn (trong đó có cô ruột cháu K. và truyền thông) vẫn còn phản ứng nhanh và mạnh trước những tội ác của người lớn đối với trẻ em.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: