Chợ Bến Thành: Tiểu thương nói thách bị tạm đình chỉ kinh doanh

Việc một du khách Nhật bị tiểu thương chợ Bến Thành nói thách gấp hơn 10 lần ba đôi vớ đã lan truyền và ảnh hưởng tới việc kinh doanh của chợ – Ảnh : Tuổi Trẻ

Ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1, Sài Gòn) đã quyết định đình chỉ kinh doanh một tuần đối với tiểu thương Võ Thị Thuận (tiểu thương thuê sạp 194 và 196 để trực tiếp kinh doanh) vì đã nói thách gấp hơn 10 lần ba đôi vớ nam.

Trước đó, hồi Tháng Năm 2023, Kiki, một YouTuber người Nhật Bản đã đăng lên YouTube trải nghiệm tồi tệ về việc mua sắm ở chợ Bến Thành.

Trong đó, anh cho biết khi ghé vào một sạp thời trang tại chợ hỏi mua ba đôi vớ nam, cô bán hàng tại đây nói một đôi giá 250,000 đồng, ba đôi nhân ba, nhưng giảm còn 700,000 đồng. Tuy nhiên, sau một hồi bị người mua phản ứng, người bán hạ giá xuống chỉ còn 60,000 đồng.

Trải nghiệm của YouTuber Kiki đã lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng du khách Nhật, gây xôn xao chợ Bến Thành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22 Tháng Tám 2023, ông Nguyễn Vĩnh Hà, đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành, cho biết sạp của bà Thuận bị đình chỉ kinh doanh một tuần (từ ngày 25 Tháng Tám – 31 Tháng Tám 2023), vì hành vi không niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng, nói thách và nài ép khách.

Theo ông Hà, mức xử phạt trên là mức cao nhất theo quy định của chợ. Ngoài xử phạt đối với bà Thuận, ban quản lý chợ cũng đã làm việc với hai người chủ cho bà Thuận thuê sạp và yêu cầu nếu bà Thuận tái phạm phải chấm dứt hợp đồng với bà Thuận. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã làm việc với bà Thuận, yêu cầu bà cam kết không tái phạm.

Sau vụ việc này, Ban quản lý chợ Bến Thành đã kêu gọi tiểu thương trong chợ ký cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không chèo kéo, ép khách mua, nếu tiểu thương nào vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.

Tiểu thương chợ Bến Thành giờ cam kết bán đúng giá niêm yết để lấy lại lòng tin của du khách – Ảnh: Tuổi Trẻ

Không riêng chợ Bến Thành, nhiều khu chợ nổi tiếng thu hút đông du khách quốc tế ở Việt Nam đều có tình trạng nói thách gấp nhiều lần. Họ mặc nhiên tự quy định với nhau: Bán cho người Việt giá đúng, còn du khách quốc tế thì giá gấp hai thậm chí gấp hơn 10 lần.

Kể với Thanh Niên ngày 22 Tháng Tám, ông Trần Thanh Sơn, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh chuyên tuyến Hội An – Đà Nẵng – Huế cho biết, TP.Đà Nẵng có hai khu chợ đông người ngoại quốc lui tới nhất là chợ Cồn và chợ Hàn.

Tại hai nơi này, tiểu thương buộc phải niêm yết giá cho từng món hàng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà du khách không trả giá, ông Sơn nói.

Ở chợ Hàn, giá trả xuống thấp hơn so với niêm yết khoảng 30%, còn chợ Cồn có khi giảm 50% so giá niêm yết. Không riêng du khách quốc tế, khách trong nước và người địa phương cũng phải trả giá khi mua.

Ngay chợ Đông Ba ở Huế hay Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng vậy, du khách vẫn phải trả giá để không bị mua hớ. Tại Hội An, các cửa hàng bán đồ  lưu niệm đều niêm yết giá nhưng du khách vẫn trả giá.

Không ít lần, ông Sơn còn nghe người bán nói rằng “đây là giá Việt Nam” – nghĩa là, không chỉ trả giá, cửa hàng luôn có hai giá, giá cho khách Việt và giá cho du khách ngoại quốc.

Kinh nghiệm của ông Sơn là: “Mỗi lần đưa du khách vào các chợ ở các tuyến điểm miền Trung, tôi luôn tìm cách nói khéo để du khách hiểu và thông cảm về việc trả giá, rằng, người Việt có thói quen đi chợ phải trả giá, nhất là ở các chợ truyền thống.

Giá cả ở các nơi này nhiều khi phụ thuộc vào tình cảm giữa người bán và người mua hay thuận mua vừa bán. Giá đã được niêm yết nhưng có khi lại tùy vào lượng hàng bán ra mà người bán có thể giảm ít hay nhiều cho người mua.

Nếu bán nhiều, họ lời nhiều và có thể chia sẻ lại cho người mua “có cảm tình” bằng cách giảm giá nhiều hơn. Vì thế, tôi bảo du khách cứ mạnh dạn trả giá, coi đó là cuộc giao tiếp với người địa phương và trải nghiệm cách mua bán đặc trưng này”.

Du khách ngoại quốc mua sắm ở chợ Hàn (TP.Đà Nẵng) đều biết phải trả giá nhưng nói thách 5-10% thì còn chấp nhận được – Ảnh: Thanh Niên

Mặt khác, ông Sơn nhận định: Việc trả giá sẽ trở nên thú vị nếu chênh lệch nhau 5 – 10% và người bán coi việc giảm giá là hiếu khách và du khách qua đó cảm nhận thói quen mua bán của người Việt, nhưng khi người bán tham, đưa giá lên quá cao cả 5-10 lần để khách trả thì vô hình chung cả điểm đến hoặc cả chợ đều mang tiếng.

Ông Trần Phong, hướng dẫn viên nhiều năm kinh nghiệm ở Sài Gòn cũng thường căn dặn du khách vào chợ Bến Thành mua sắm phải trả giá thấp hơn 50% giá người bán nói.

Dù đã được hướng dẫn viên dặn dò trước khi xuống xe vào chợ, nhưng không ít lần vẫn có du khách bị mua hớ, khi họ mua sắm xong, lên lại xe và so sánh giá cả món hàng mình mua với bạn cùng tour.

Một chuyên viên du lịch là ông Nguyễn Đức Chí, cho biết thói nói thách ở các chợ Việt Nam đối với du khách ngoại quốc đã được họ “truyền tai” nhau (có người viết luôn thành cẩm nang du lịch Việt Nam) nên trong thực tế, khách Tây đến chợ Bến Thành chủ yếu dạo chơi, ngắm nghía chứ không nhiều người mua.

Điều này cũng xảy ra ở chợ Bình Tây, An Đông… hay các chợ khác ở Việt Nam như Đồng Xuân (Hà Nội) và chợ phiên Sapa (tỉnh Lào Cai).

Ông Chí tiếc nuối: “Việc xuất cảng tại chỗ – qua các du khách ngoại quốc – đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch. Du khách mua sắm hàng hóa bản địa mang lại thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp vào doanh thu chung của nền kinh tế và thúc đẩy nền sản xuất của đất nước.

Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ giữ thói quen nói thách quá cao để khách trả giá xuống còn một nửa sẽ khiến du khách ngán ngẩm, giảm mua sắm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của ngành du lịch”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: