Chủ đầu tư Hà Nội rao bán homestay ồ ạt vì ế khách

Trào lưu đầu tư homestay để kinh doanh của giới đầu tư địa ốc Hà Nội đang bị tan vỡ – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Các homestay tọa lạc tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang bị các chủ đầu tư Hà Nội rao bán tháo vì ế khách.

Thời gian trước đại dịch COVID-19, nhiều chủ đầu tư ở Hà Nội đã mua đất ở ngoại ô và các vùng đồi núi có cảnh quan thiên nhiên đẹp ở nhiều tỉnh phía Bắc để đầu tư homestay, vừa có nơi cho gia đình nghỉ dưỡng, vừa kinh doanh đón khách du lịch.

Sau đại dịch, không ít chủ homestay đang ngậm đắng khoản lỗ chi phí hoạt động vì ế khách. Vì thế trên các diễn đàn bất động sản, các homestay ở huyện Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) hay một số huyện của tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc… đang bị rao bán rầm rộ.

Thương Trường ngày 26 Tháng Sáu dẫn lời bà Lê Thanh Bình, chủ một homestay tại Hòa Bình, cho biết hai năm trở lại đây, homestay của gia đình bà thường xuyên “thu không đủ bù chi”. Năm 2019, gia đình bà đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho homestay rộng hơn 2,000m2 ở tỉnh Hòa Bình, chia nhiều phòng cho thuê với giá từ 500,000 đồng – 800,000 đồng/phòng/đêm.

Hoạt động chưa đầy năm thì đại dịch nổ ra và cho đến nay, mỗi tháng bà phải bỏ ra 20 triệu đồng để duy trì, tu bổ… vì nguồn thu chả thấm vào đâu. Tuy nhiên, bà trụ không nổi thì ai dám rước về để làm, thế nên rao bán trên nhiều diễn đàn đã khá lâu mà chả có ai hỏi.

Còn ông Văn Thái (Khâm Thiên, Hà Nội) là chủ một khu homestay hơn 4,000m2 tại Ba Vì (Hà Nội) cũng đang chịu lỗ hằng tháng, dù ông đã hạ tiêu chuẩn chỉ nhận khách đoàn xuống… nhận khách thuê lẻ.

Với tám phòng nghỉ, giá trung bình 800,000 đồng/đêm, cứ mỗi cuối tuần nếu lấp đầy thì ông cũng thu được 10 – 12 triệu đồng, cả tháng được khoảng 40 – 48 triệu đồng. Thế nhưng nếu trừ chi phí vận hành, bảo dưỡng thì cũng chỉ còn vài triệu đồng/tháng, chả bõ bèn gì. Đã vậy, không phải tuần nào cũng có khách thuê hết các phòng.

Ế khách nhưng vẫn phải vận hành, tu bổ và bảo dưỡng nên chủ đầu tư homestay đang bị sức ép lớn về tài chánh – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Video của Dân Trí ngày 19 Tháng Sáu dẫn lời ông Phạm Minh Huân, chủ homestay ở Vĩnh Phúc: Thứ bảy – chủ nhật mới có khách, ngày thường khách lẻ tẻ, trong khi chi phí hoạt động 20 – 30 triệu đồng/tháng, chả bù nổi số tiền đã bỏ ra đầu tư.

Còn bà Lưu Thị Ngọc Thanh, chủ chuỗi homestay ở Hà Nội cho biết: “Các nhà đầu tư homestay đang bị sức ép lớn về tài chánh. Điều khó nhất là tìm nguồn khách, vì khi đã đầu tư thành chuỗi, lên đến vài chục căn hộ, một tháng không lấp đầy thì số tiền bị mất có thể vọt lên vài trăm triệu đồng/tháng”.

Khảo sát của Dân Trí ngày 15 Tháng Sáu cũng cho biết một căn homestay có sáu phòng ngủ, sức chứa 30 người ở huyện Ba Vì, tọa lạc trên mảnh đất hơn 1,000m2 đang rao bán chỉ 5 tỷ đồng ($212,300). Chủ đầu tư thú nhận đã đổ vào đây gần 10 tỷ đồng ($424,600) nên ai mua là có thể kinh doanh ngay.

Cũng ở huyện Ba Vì, một homestay khác gần Vườn Quốc Gia Ba Vì đang rao bán cắt lỗ với giá 15 tỷ đồng ($636,900), diện tích đất rộng 1,260m2, trong đó có 200m2 là đất thổ cư hiện đã có sẵn căn biệt thự hai tầng và hai bungalow, xe hơi có thể vào tận nơi.

Chủ một homestay khác ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũng chấp nhận lỗ 1 tỷ đồng, rao bán 3 tỷ đồng ($127,380) một căn nhà đang kinh doanh cho thuê, tọa lạc trong mảnh đất 1,000m2.

Còn các khu nghỉ dưỡng có diện tích từ 5,000 – 10,000 m2 đã hoàn thiện việc xây dựng rao bán hàng chục tỷ đồng  (trên $500,000).

Ông Phạm Minh Hiếu, môi giới bất động sản tại Hòa Bình, cho biết, hiện thị trường bất động sản ảm đạm, người bán nhiều nhưng người mua ít, thế nên các homestay có quy mô nhỏ giá khoảng vài tỷ đồng thì tính thanh khoản sẽ tốt hơn.

Tất nhiên, ai có tiền mua thời điểm này thì giá rẻ hơn, nhưng kinh doanh cho thuê thì chậm, phải chịu một thời gian, nên nhà đầu tư ít vốn không dám liều vay để mua, còn người có tiền vẫn tiếp tục nghe ngóng, ông Hiếu nhận định.

Homestay rao bán nhiều, nhưng người mua chả có mấy ai – Ảnh chụp màn hình

Lao Động ngày 12 Tháng Sáu cũng bàn về hiện tượng bán tháo homestay của giới đầu tư địa ốc Hà Nội và nhận định các homestay quy mô nhỏ giá vài tỷ hiện nay đang được rao bán nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội nhưng rất ít các phản hồi tích cực.

Đa phần những người rao bán đều nêu lý do là cần bán gấp, chấp nhận giảm giá sâu do vay mượn ngân hàng để xây dựng, kinh doanh homestay. Nhưng cũng có một thực tế là sau một thời gian vận hành không có lãi nên nhiều chủ đầu tư đang chịu sức ép rất lớn về tài chính.

Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp, phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng việc tăng giá nhanh trước đó đã khiến phân khúc đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng, villa, homestay… hiện nay có thanh khoản thấp. Tuy dù nhiều chủ đầu tư đã hạ giá bán để mong sớm thoát hàng nhưng mức giá vẫn cao, không phù hợp với nhu cầu thực của phần lớn người dân.

Cũng theo ông Điệp, thị trường bất động sản ở Việt Nam giai đoạn này đang hướng tới các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực, thế nên những bất động sản có tính đầu cơ cao như đất nền, biệt thự, villa, homestay… đang bước vào quá trình thanh lọc mạnh mẽ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: