Hiểm nguy chực chờ với xe giường nằm

Xe khách kiểu giường nằm chở 25 hành khách đã tông sập nhà dân ở Phú Yên đêm 25 Tháng Sáu – Ảnh: VnExpress

Xe khách (kiểu giường nằm 25 khách) mang bảng tên Phi Long, biển số Thừa Thiên – Huế, đang chạy vào Nam thì bị tai nạn nửa đêm 25 Tháng Sáu, tài xế thiệt mạng, còn ba vị khách trên xe bị thương.

Chiếc xe đang chạy trên Quốc lộ 1 đã bất thình lình đâm vào ngôi nhà dân ở ven đường, thuộc địa phận thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) do tránh một chiếc xe tải chạy phía trước.

Tài xế mang tên Võ Trọng Dưỡng (47 tuổi, quê huyện Yên Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã bị chấn thương nặng và mất tại bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ba hành khách bị thương nhẹ cấp cứu tại trung tâm y tế huyện Tuy An và đã về nhà sáng 26 Tháng Sáu. May mà không có ai trong ngôi nhà bị xe tông của bà N.T.P. bị thương.

Tai nạn đã làm tường và trụ mái che nhà dân bị tông sập, còn chiếc xe khách bị bẹp dúm phần đầu, hư hỏng nặng. Các hành khách còn lại trên xe bị một phen hồn xiêu phách lạc không rõ có đón xe khác đi tiếp vào Nam được không.

Hiện trường vụ tai nạn ở Phú Yên, khi xe khách Phi Long lao vào nhà dân khiến tài xế thiệt mạng – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuần trước, cũng nửa đêm ngày 17 Tháng Sáu, hai xe khách (kiểu giường nằm) chạy ngược chiều trên Quốc lộ 1 cũng tông vào nhau khiến hai hành khách chết và chín hành khách khác bị thương. Tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1, thuộc địa phận xã Hòa An, huyện Phú Hòa.

Một chiếc xe khách biển số Sài Gòn do ông Lê Hồng Quang (45 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) đang chạy hướng Nam-Bắc, đụng chiếc xe khách biển số Đà Nẵng do ông Đỗ Tấn Quý (46 tuổi, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang chạy hướng Bắc- Nam.

Vụ đụng độ mạnh đã làm hai hành khách là ông N.N.H. (35 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) chết tại chỗ, còn bà N.T.T.T. (44 tuổi, ngụ Đà Nẵng) chết sau khi cấp cứu tại bệnh viện Phú Yên.

Công an vẫn đang điều tra, không rõ vì sao hai chiếc xe đang chạy ngược chiều lại đâm vào nhau.

Bản tin về hai tai nạn của xe giường nằm kể trên được tường thuật rất vắn tắt trên Tuổi TrẻVnExpress. Điều giá trị là đọc bình luận của bạn đọc, sẽ thấy bức tranh toàn cảnh đầy bất trắc khi người Việt trong nước hay Việt kiều chọn đi lại giữa các tỉnh/thành bằng đường bộ, nhất là khi mua vé giường nằm (xe khách) để đi ban đêm – lên xe ngủ, sáng mai tới, cho rằng như thế sẽ “tiết kiệm thời gian” và tránh được nạn kẹt xe nếu đi ban ngày.

Trong năm năm trở lại đây, xe khách kiểu giường nằm đi ban đêm được ưa chuộng vì “tiết kiệm thời gian” nhưng độ an toàn thấp – Ảnh: VnExpress

Hầu hết những chiếc xe khách thiết kế giường nằm cho khách đều quảng cáo là “xe chất lượng cao” nhưng độ an toàn theo bạn đọc là rất thấp, thế nhưng kiểu xe giường nằm đi ban đêm đang là lựa chọn của đa số hành khách, trong đó có không ít du khách Việt kiều muốn đi du lịch các tỉnh miền Trung bằng đường bộ.

Bạn đọc Hoàng Lâm nhận xét: “Tôi cũng lái xe nhưng đi đường sợ nhất mấy ông thần lái xe khách này, chạy ẩu vô cùng, coi thường tính mạng, tài sản của xe khách, mà còn coi thường cả tính mạng hành khách trên xe mình lái nữa. Hồi trước xe ben là hung thần thì bây giờ mấy ông này là vua của các hung thần”.

Bạn đọc Văn Minh bộc bạch: “Tôi không dám chạy xe sau 22 giờ tối khi đi Quốc lộ 1A Bắc – Nam. Tài xế xe khách, xe container chạy lấn làn vô cùng ẩu, đèn xe độ led ánh sáng chói vô cùng. Họ coi thường tính mạng bản thân và hành khách cũng như người tham gia giao thông khác. Cần phải xử phạt thật nặng, sớm lắp camera giám sát toàn tuyến để phạt nguội, chỉ có phạt nặng mới giải quyết được”.

Đội cứu hộ khẩn cấp đưa tài xế ra khỏi chiếc xe khách tông sập nhà dân ở Phú Yên đêm 25 Tháng Sáu – Ảnh cắt từ video

Bạn Thông Lê tâm tư: “Giám sát hành trình, gắn camera, kiểm soát giờ chạy tài xế… Chúng ta có hết nhưng chỉ làm cho có, không thể cứ để lĩnh vực kinh doanh vận tải manh mún và mất an toàn như hiện nay”.

Có ba bạn đọc chia sẻ kinh nghiệm: “Tài xế xe khách đa số kinh nghiệm lâu năm, nhưng không hiểu sao họ chạy rất ẩu. Gần 10 năm mình không dám đi xe khách nữa” (Tèo); “Mọi người không nên đi xe khách, cực chẳng đã mới đi thôi. Nên đi tàu hỏa, tôi hơn 10 năm nay toàn đi tàu hỏa, an tâm vô cùng, giá cũng tầm đó thôi. Tất nhiên phương tiện nào cũng có những rủi ro nhất định, không thể tránh khỏi, nhưng tàu hỏa VN chạy khá an toàn, ưu tiên chậm chắc. Tuyệt vời” (huuthuanphu); “Chỉ chờ đường sắt tốc độ cao, còn chưa có thì đi máy bay hoặc ở nhà cho an toàn” (doquyty83).

Ai từng phải đi trên tuyến Quốc lộ 1 ban đêm nhìn những chiếc xe khách (kiểu giường nằm) đong đưa trước mặt sẽ không khỏi rùng mình. Quốc lộ 1 nhỏ hẹp, nên nhiều đoạn không hề có dải phân cách, nhiều đoạn đường tối om – chỉ sáng đèn khi đi qua thị trấn, thành phố, chỉ cần một xe chạy lấn làn qua phía phần đường ngược lại chút xíu thì cũng đủ gây tai nạn chết người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: