“Văn hóa” của những kẻ vô văn hóa

Tấm hình đang gây bão trên mạng xã hội Việt Nam những ngày gần đây là một tấm hình mà như lời của một Facebooker bình luận: “Đã lột truồng hết bộ mặt vô liêm sỉ của đám viên chức văn hóa, thể thao Việt Nam”. Lướt qua vài trang nhà của những Facebooker có lượng người theo dõi cao và đọc comment, có thể thấy rõ phản ứng bất bình của người dân với đám viên chức “ghế trên ngồi tót sỗ sàng, mặt trơ trán bóng” như thế nào. Trong tấm hình đó, có Ủy viên dự khuyết trung ương đảng CSVN, phó chủ tịch Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam – Tôn Ngọc Hạnh, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương…

Facebooker Linh Ha bình luận:

Những cô gái đứng phía sau mới là những nhân vật chính của buổi lễ xuất quân lên đường tham dự World Cup bóng đá nữ và họ là những người mang lại niềm hãnh diện cho quốc gia chứ không phải các vị quan chức. Các vị này tự cho phép mình là kẻ ăn trên ngồi trốc, mặc dù họ chẳng có công cán gì. Họ khoác lên người những bộ âu phục đắt tiền, lịch lãm nhưng cái sự liêm sỉ thì ngược lại…

Trên trang nhà của Facebooker Lê Huỳnh Phương Thảo có hàng trăm comment với hầu hết bình phẩm chế nhạo và miệt thị đám quan chức:

Son Ngoc: “Zây máu tháng ăn phần”

Phạm Nguyễn: “Tuyển nữ làm lễ xuất quân. Một đàn ruồi nhặng bám quần chị em”

Cong Dac Nguyen: “Dàn bề ngang kềnh càng ăn hại”

….

Về đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, họ thực sự là những “nữ chiến binh” kiên cường. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Mai Đức Chung, các cô gái này đã làm nên kỳ tích trong điều kiện vô cùng khốn khó. Bóng đá nữ Việt Nam bắt đầu từ những sân tập lầy bụi đất, với những đôi giày rẻ tiền, và thậm chí, như ông Chung từng than, “không có cả đủ quần để mặc”.

Họ được “đãi ngộ” bằng những bữa ăn đạm bạc tới xót lòng, trái ngược hoàn toàn với đội tuyển bóng đá nam vốn được hưởng lương thưởng cao ngất. Thế nhưng, chính những cô gái Việt Nam mới làm lên lịch sử. Hơn ai hết, những nữ cầu thủ này mới là người xứng đáng được tôn vinh chứ không phải những kẻ “mặt nạc đóm dày” đứng che khuất các cô trong tấm hình trên.

Cần nói thêm, Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao là một siêu bộ, kềnh càng về tổ chức và hàng năm tiêu tốn khoảng $1.5 tỷ ngân sách. Tiền thân của Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao là Bộ Tuyên truyền và Cổ động được thành lập ngày 1 Tháng Giêng 1946 dưới thể chế Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Trần Huy Liệu làm bộ trưởng. Nó được đổi tên nhiều lần, đến năm 1954 sau Hiệp định Genève thì đổi thành Bộ Tuyên truyền do Hoàng Minh Giám làm bộ trưởng và Tố Hữu làm thứ trưởng. Thế hệ sau này có thể ít người để ý cái tên Hoàng Minh Giám nhưng Tố Hữu thì quá nổi tiếng với những bài thơ xách động sắt máu, cổ xúy cho đấu tranh giai cấp bằng bạo lực: “GiếtGiết nữaBàn tay không ngơi nghỉ/ Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong…”

Tố Hữu có thể coi như một bản sao của trùm phát xít Joseph Goebbels trong công tác tuyên truyền và kích động thù hận xã hội; cổ xúy thanh thiếu niên hăng hái tham gia đấu tố trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc… Tham vọng của người Cộng sản nhuốm đỏ Đông Dương và tiến chiếm miền Nam Việt Nam bằng bạo lực đã được thực hiện nhờ phần công rất lớn của công tác tuyên truyền dối trá do Bộ Tuyên truyền thực hiện dưới sự chỉ đạo của những nhân vật như Tố Hữu.

Năm 1977, Bộ Tuyên truyền đổi tên thành Bộ Văn Hóa và Thông tin theo Quyết định số 96 NQ/QHK6. Từ đó đến nay, bộ này đã đổi tên bảy lần, với nhiều lần nhập vào, tách ra các mảng chức năng Du lịch, Thể thao, Thông tin. Năm 1990, khi Trần Hoàn làm bộ trưởng, siêu bộ này bao gồm “Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch”. Năm 1992, Tổng cục Thể thao và Tổng cục Du lịch tách ra và trực thuộc chính phủ. Sau đó lại nhập lại vào năm 2007.

Dáng vẻ rất “trí thức” và “đầy nét văn hóa” của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao đương nhiệm (ảnh: baotintuc.vn)

Có thể thấy nhiệm vụ chính trị cơ bản và quan trọng nhất của cơ quan này là tuyên truyền, xách động quần chúng, thông qua những hoạt động thể thao, văn hóa để phục vụ lợi ích chính trị cho bộ máy cai trị – rất khác với hoạt động xã hội hay thể thao thuần túy ở các nước dân chủ. Đây là một cơ cấu quyền lực quan trọng đối với những thể chế chuyên chế độc tài. Tuy nhiên, chức năng và nhiệm vụ chính trị cơ bản của cơ quan này dần bị các tổ chức được thành lập sau lấn át.

Cụ thể là mảng báo chí và truyền thông giờ do Bộ Thông tin và Truyền thông (quen được người dân gọi là “Bộ 4T”) và Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý. Kết quả, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bị đóng đinh trong cái lồng tư duy nghèo nàn, loay hoay với việc phục dựng các lễ hội dân gian chẳng hạn chọi trâu, hầu đồng, rước sinh thực khí; rồi vẽ vời các dự án ngàn tỷ, thiết kế ra những kỷ lục “to nhất, dài nhất”…

Dường như sự thua kém về quyền lực lẫn nguồn ngân sách eo hẹp đã gây ra một nỗi ẩn ức, ghen tức rất lớn trong đội ngũ giới chức chóp bu của Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao, những người tự coi mình là có “văn hóa” mà không được hệ thống coi trọng.

Hẳn đó là lý do họ luôn “tranh thủ” “ăn ké” các hoạt động thể thao khu vực hoặc quốc tế của những đội tuyển thể thao quốc gia nói chung, trong đó có bóng đá. Đó là cơ hội để họ chứng minh rằng họ không chỉ là đám “chạy cờ, phong trào”, ăn bám ngân sách; nay phải cho thiên hạ thấy nhờ tài lãnh đạo của họ, thể thao Việt Nam mới có được dịp “sánh vai với các cường quốc năm châu”…

Mà chỉ kết án Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao thì cũng không công bằng. Thực ra các cơ quan cấp bộ của chính phủ cộng sản Việt Nam nói chung đều rất “độc đáo”. Những cơ quan liên quan văn hóa thì vô văn hóa; những cơ quan hoặc tổ chức liên quan giáo dục thì vô giáo dục; những cơ quan hay tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em thì luôn luôn im lặng trước bao nhiêu vụ việc dính dáng tình trạng ngược đãi tàn bạo phụ nữ và những vụ việc liên can vi phạm quyền lợi trẻ em; những cơ quan hoặc tổ chức tôn giáo thì đứng đầu bảng về phỉ báng và bôi nhọ tôn giáo; những cơ quan hoặc tổ chức truyền thông báo chí thì dốc hết “tài cán” để làm sao có thể xóa sổ khái niệm tự do trong ngôn luận càng “triệt để” càng tốt…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: