Giá trúng thầu ba mỏ cát quá cao, nên âm mưu lũng đoạn thị trường cát bị lộ?

Phiên đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội Tháng Mười Một năm 2023 – Ảnh: Người Lao Động

Tuần qua tại Hà Nội, ba mỏ cát  (Liên Mạc, Châu Sơn, Tây Đằng – Minh Châu) được Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội đưa ra đấu giá.

Đây là cuộc đấu giá đạt hai kỷ lục, thứ nhất là kỷ lục về thời gian khi diễn ra xuyên đêm từ 9 giờ sáng hôm trước tới 5:33 sáng hôm sau (22 tiếng) mới kết thúc. Cùng với thời gian được xem là kỷ lục, giá cuối cùng được chốt của ba mỏ cát cũng thuộc loại đỉnh với tổng cộng gần 1,690 tỉ đồng – gấp từ hàng chục tới hàng trăm lần giá khởi điểm.

Theo số liệu từ ban đấu giá, chênh lệch thấp nhất là mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu có trữ lượng 4,899,000 m3 với giá khởi điểm hơn 19.2 tỉ đồng nhưng trúng đấu giá gần 884 tỉ đồng – cao gấp gần 46 lần. Mức chênh lệch đó còn chưa thấm vào đâu với giá trúng thầu của mỏ Thượng Cát, với trữ lượng hơn 508,000 m3. Ở giá khởi điểm 2 tỷ đồng, các nhà đấu giá đã kéo giá lên đến gần 410 tỉ đồng – cao gấp gần 200 lần giá khởi điểm (!?)

Vụ đẩy giá đấu thầu lên cao chót vót như thế làm dư luận nhớ lại vụ đấu giá đất Thủ Thiêm tại Sài Gòn hồi Tháng Mười Hai năm 2021. Sau khi đẩy giá đấu thầu lên cao, cả bốn công ty trúng thầu lần lượt làm đơn xin bỏ cọc, chấp nhận đóng phạt.

Dư luận hồi đó cho rằng bốn công ty này đã thành công trong việc đẩy giá nhà đất trong vùng lên cao, trong đó họ đang nắm quyền sở hữu không ít những khu đất vàng đang bị đóng băng. Nhờ việc tăng giá này, họ có thể vay tiền ngân hàng thêm hàng ngàn tỷ đồng nữa, nên chấp nhận bỏ cọc, kể cả đóng phạt.

Trở lại vụ đấu giá ba mỏ cát với “giá trúng thầu trên… mặt trăng”. Không cần có sự am hiểu về kinh tế, dư luận đoán được ý gian manh của ba công ty trúng thầu. Bởi họ không thể khai thác, rồi bán cát ra thị trường với mức giá bình thường được.

Mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu nằm trên địa bàn xã Minh Châu, Chu Minh, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì – Ảnh: Dân Trí

Cụ thể, ở mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu, Sở TN&MT ra giá 3,919 đồng/m3, Công ty TNHH Thương Mại Phúc Lộc Thịnh (Công ty Phúc Lộc Thịnh) trúng thầu với giá 180,445 đồng/m3, cao gấp 46 lần.

Mỏ Châu Sơn với trữ lượng hơn 700,000 m3, giá khởi điểm hơn 2.8 tỉ đồng (4.000 đồng/m3), Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn giành quyền khai thác mỏ cát với giá hơn 396 tỷ đồng (565,714 đồng/m3), gấp khoảng 140 lần mức giá khởi điểm.

Hai giá trúng thầu của hai mỏ cát trên vẫn chưa thể so sánh với giá trúng thầu tại mỏ Liên Mạc.

Mỏ này có trữ lượng hơn 500,000 m3, giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng (4,000 đồng/m3). Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP giành quyền trúng thầu với giá hơn 408 tỷ đồng (816,000 đồng/m3), gấp khoảng 204 lần giá khởi điểm.

Để so sánh với giá thị trường tại thời điểm này, Báo Người Lao Động cho biết hiện nay, giá cát xây dựng người dân mua vào khoảng 150,000 – 250,000 đồng/m3 tùy thời điểm; giá bán tại mỏ còn thấp hơn, chỉ dao động 60,000 – 80,000 đồng/m3.

Như thế, từ giá cát trên thị trường, ở góc độ tư duy kinh tế thông thường, không ai có thể hiểu vì sao lại đấu giá cao gấp nhiều lần giá thị trường như thế.

Thông báo trữ lượng và giá khởi điểm các mỏ khai thác

Thêm một điều khiến dư luận đặt câu hỏi về thực lực của ba công ty trúng thầu này:

-Công ty Phúc Lộc Thịnh (thành lập năm 2012) sau vài lần tăng vốn hiện có vốn điều lệ 99 tỷ đồng, nhưng bỏ thầu tới 884 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với vốn điều lệ hiện tại (?)

-Công ty Việt Sơn (thành lập năm 2009) sau vài lần tăng vốn, và liên tục chuyển trụ sở như đi đánh trận, hiện có vốn điều lệ 44 tỷ đồng, nhưng bỏ thầu tới 396 tỷ đồng, cao hơn 9 lần so với vốn điều lệ hiện tại (?)

-Còn Công ty KSP mới đặc biệt. Khối thông tin của doanh nghiệp này rất trống vì KSP chỉ mới được thành lập cách thời điểm đấu giá ba mỏ cát… hơn 1 tháng – Tháng Chín năm 2023 tại quận Hà Đông (Hà Nội). Người đại diện là ông Lê Sơn Tùng, doanh nghiệp thành lập với vỏn vẹn 9.9 tỷ đồng. Hai cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Phong, giữ 52% tỷ lệ và ông Lê Sơn Tùng, giữ 48%.

Đến cuối Tháng Mười, KSP tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng do có thêm sự tham gia của các cổ đông Nguyễn Văn Định, Đặng Hoàng Sơn. Trong ba mỏ cát được đưa ra đấu giá đợt 1, KSP chỉ tham gia đấu giá tại mỏ cát Liên Mạc với mức giá trúng là 408 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ của họ hơn 8 lần (?)

Công ty KSP chỉ mới thành lập vào Tháng Chín năm 2023 – Ảnh chụp màn hình

Ngay sau khi các buổi đấu giá kết thúc, dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao ba công ty trúng thầu biết chắc không thể bán ra thị trường với mức giá họ trúng thầu nhưng vẫn bỏ giá cao đến thế? Chắc chắn họ sẽ bỏ cọc, vậy mục đích cuối cùng của ba công ty trúng giá là gì?

Thực tế trong quá khứ, đã có việc doanh nghiệp tham gia đấu giá rồi bỏ cọc. Cụ thể, cuối năm 2022, đầu năm 2023 Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 12 mỏ cát. Mức giá trúng thầu được đẩy lên cao ngút để trúng thầu nhưng sau đó doanh nghiệp trả mỏ, bỏ cọc.

Liên quan đến buổi đấu giá ba mỏ cát nêu trên, giám đốc một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) cho phóng viên báo Dân Việt biết đã phải “choáng váng” với mức trúng đấu giá của đối thủ. Vị này lấy ví dụ, với mỏ Liên Mạc, khi tham gia đấu giá, mức đầu tư chấp nhận được của doanh nghiệp là khoảng trên 100 tỷ. Nhưng theo được hơn 10 vòng thì phải bỏ do các đơn vị khác tiếp tục bỏ thầu lên cao. Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ:

“Nhưng dù tính cách nào thì tương lai thua lỗ vẫn rõ rệt. Riêng với doanh nghiệp tôi, nếu tính giá hiện nay là 85,000 đồng, chưa bao gồm thuế, chẳng hiểu sao họ lại đấu cao như vậy. Đến giờ tôi vẫn không hiểu vấn đề là gì?”

Hiện nay, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra công văn yêu cầu Chủ tịch TP. Hà Nội và các Bộ: Công an, TN&MT, Tài chính, và Xây dựng, phải kiểm tra lại các yếu tố bất thường trong kết quả trúng thầu ba mỏ cát trên.

Có thể đây là hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, nhưng do làm quá lố, nên bị lộ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: