Cây đa đình Chèm và tâm lý “thích thì chặt”

Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có niên đại khoảng 2.000 năm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990 (infonet)

Mấy hôm nay, giữa không khí bất bình khi nhiều di tích văn hóa – lịch sử trong lúc trùng tu đã bị xâm hại và làm cho méo mó bởi nhiều lý do thì sự kiện “cây đa cổ thụ” đình Chèm (Thụy Phương – Bắc Từ Liên, Hà Nội) lại bị chặt, một lần nữa “thêm dầu vào lửa”.

Đình Chèm – ngôi đình có niên đại cả nghìn năm tuổi, nằm bên bờ sông Hồng – vốn là một di tích độc đáo và điển hình của văn hóa Bắc bộ. Nhưng trong quá trình tu sửa, cách đây khoảng một tuần, cây đa lớn trước cổng đình bỗng bị chặt hạ. Người dân tỏ ra tiếc nuối và bất bình, gây nên một làn sóng phẫn nộ ở địa phương và trong cộng đồng mạng xã hội trên cả nước.

Nhưng sau đó không lâu, ngày 24 Tháng Ba 2022, trên trang Làng Việt xưa và nay, trang có hơn 100 nghìn thành viên, tác giả Lí Học đăng bài “đính chính”, khẳng định cây đa này mới được trồng từ năm 1996 và là cây đa lông – không phải đa ta, nghĩa là không phải cổ thụ và không đẹp. Phần lớn bạn đọc “thở phào”, “hạ hỏa” vì như được an ủi. Có lẽ “cơn bão” dư luận sẽ sớm đi qua trong nay mai sau những thông tin và lý giải này.

Đình Chèm hiện được tu sửa và… “nhân tiện”, người ta chặt luôn cây đa trước cổng đình (infonet)

Chúng tôi không bàn đến tính xác thực của thông tin mà tác giả Lí Học và một số tờ báo đã đưa; cũng chưa nói về vấn đề chất lượng trong công tác trùng tu di tích, mà qua phản ứng của bạn đọc như trên trang Làng Việt xưa và nay để nói về một hiện tượng phổ biến, kéo dài, và có tính lặp lại lâu nay: Tâm lý phong trào của người Việt, như một hiện tượng xã hội nổi bật.

Chắc hẳn ít ai quên được phong trào săn lùng và cơn sốt cây si/sanh cách đây khoảng 20 năm trước, phải nói là như một cơn cuồng phong. Thương lái lùng sục khắp nơi. Có những gia đình bỗng phất lên vì đầu ngõ có vài cây si lớn lâu nay vốn chỉ để lấy bóng mát. Nhiều người ôm mộng lớn, dâm cành si xung quanh nhà, đợi vài mươi năm sau đổi đời. Làng tôi có ông làm quan to ở Hà Nội, mua hẳn một cây si cao vút, gốc phải hai người ôm với giá hơn một trăm triệu đồng (khoảng hơn $4,300), thuê xe cẩu đưa về quê, trồng giữa vườn. Ai cũng trầm trồ xuýt xoa.

Mấy năm sau, đùng một cái, si ế, không ai thèm ngó ngàng đến nữa. Nhiều nhà có cây lớn nhưng không chịu bán vì giá lên ngày một, nay tiếc hùi hụi, ngao ngán chặt bỏ. Ông quan to kia sau đó đã phải thuê người hạ cây si, gian nan vô cùng; lại thuê xe chở đi bỏ, mất thêm khoản tiền hàng chục triệu nữa. Cái khó hiểu nằm ở chỗ, nếu đã yêu cây thì hà cớ gì phải chặt bỏ khi giá cả lên xuống? Và bây giờ ở làng tôi, si vắng bóng – không phải vì đã bị thu mua hết sạch, mà vì bị chính người dân đốn đi!

Chuyện cây si chỉ là một điển hình để nhớ đến thời của cây lộc vừng, cây vú sữa…, và gần đây nhất là phong lan. Lan đột biến đã gây ra một cơn địa chấn, làm không ít người tán gia bại sản, khiến lắm kẻ châm biếm mà gọi là “lan đột quỵ”.

Những cái phong trào về cây cối ấy cùng với phong trào nhiều loại “mốt” khác nhau… là bình thường hay bất thường? Chúng tôi cho rằng, đây không phải là xu hướng xã hội tất yếu do một quy luật phát triển theo hướng lành mạnh chi phối, mà nó phản ảnh một cách sâu sắc tâm lý tâm lý phong trào, chạy theo đám đông và thị hiếu nông cạn, không có gốc rễ văn hóa sâu dày, bền vững.

Nó phản ánh nền tảng mỹ học, trầm tích văn hóa, trình độ học vấn của một cộng đồng. Rất có thể, cây đa lông mới bị chặt hạ kia ở đình Chèm từng được trồng trong niềm sung sướng và tự hào vào năm 1996, và bây giờ thì nó trở nên đáng ghét! Thế nào là đẹp, và thế nào là không đẹp? Cái đẹp, tất nhiên là có tính thời đại, nó thay đổi theo thời gian, nhưng cái cách “thay đổi” như chúng ta buộc phải chứng kiến trong thị hiếu của cộng đồng Việt thì quả là kỳ dị.

Ngay cả bóng tre giờ cũng bắt đầu hiếm dần ở nhiều ngôi làng Việt Nam (Ảnh: pexels-rfstudio )

Phong cách có hai thuộc tính: Biến đổi và ổn định. Trong dòng chảy bất tận của nó thì luôn có một hạt nhân bền vững để khi nhìn vào thì người ta lập tức nhận ra cái gọi là bản sắc. Tâm lý thời thượng, chạy theo các hình thức bên ngoài do sự chi phối của các yếu tố ngoại cảnh một cách thụ động luôn là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phá hủy/phá hoại nếu không có một bản lĩnh văn hóa đủ sâu để chủ động tiếp nhận.

Phản ứng tâm lý mà biểu hiện là thị hiếu nhất thời ấy buộc ta phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về căn nền tinh thần của một cộng đồng cũng như chất lượng giáo dục và kết quả của kiến tạo xã hội ít nhất là trong gần một thế kỷ qua – rằng tại sao, và phải làm gì.

Muốn giữ gìn và phát triển văn hóa thì chủ thể văn hóa, trước hết, phải có văn hóa đã, nghĩa là có cái bản sắc, cái nhân vị, cái khẩu vị riêng của mình. Nếu nó chưa có hoặc đã mất thì phải tìm lại hoặc xây dựng, không thể cứ để chìm nổi mãi theo “con nước đầy vơi” như thế được. Tìm lại hoặc xây dựng nên cái bản sắc ấy là vô cùng hệ trọng, vì nó giúp xác tín rằng “ta là ai”; và vì từ đó, nó tạo nên cái nền móng của tất thảy các thiết chế xã hội khác, từ hành chính, kinh tế, giáo dục đến thẩm mỹ, lối sống, ứng xử…, thậm chí cả vấn đề an ninh và an sinh. Nghĩa là quyết định sự phát triển của một quốc gia.

Cây đa đình Chèm đã có thể không bị chặt bỏ hoặc chưa từng được trồng, nếu ta có được cái cốt lõi văn hóa kia. Bao nhiêu di tích lịch sử có lẽ cũng không phải “thay áo mới” hoặc bị “phẫu thuật thẩm mỹ” đến nỗi để lại dị tật suốt đời như thế, nếu chủ thể văn hóa của nó thật sự “biết mình là ai”.

Thật khó tưởng tượng nếu có một ngày người Nhật sẽ chặt cây anh đào để trồng cây sồi của Nga. Nhưng ở nông thôn Việt Nam thì cây tre đang dần biến mất mà thậm chí còn không cây gì được trồng thế vào. Cái “cây văn hóa” của người Việt dường như cũng thế, trồng rồi lại chặt đi theo phong trào, một kiểu phong trào đậm đặc chất “văn hóa cộng sản”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: