Nhạc sĩ Ngọc Chánh – ‘Ngựa hoang về tới bến sông rồi’

Băng nhạc Shortguns. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Queen Bee – một niềm nhớ

“Cô biết tin rồi. Một ngày quá nhiều chuyện xảy ra. Nơi này ảnh hưởng của bão tuyết nên bị mất điện, thêm tin ông ấy vừa ra đi, cả đêm cô không ngủ được.” Tiếng nói của nữ danh ca Thanh Thuý trầm mặc, đượm rõ sự đau buồn, đến nỗi tôi đã phải hỏi ngay khi nghe tiếng cô từ đầu dây bên kia, “cô đang bị cảm hay sao?”.

Không khó hiểu cho nỗi lòng của những người cùng thế hệ, cùng lớn lên dưới bầu trời Sài Gòn vàng son một thưở – miền Nam trước 1975.

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, đầu năm 1971, khi tiếp nhận phòng trà Queen Bee từ ca sĩ Khánh Ly, chính nhạc sĩ Ngọc Chánh là người đã mời được “tiếng hát liêu trai” Thanh Thuý trở lại sân khấu sau năm năm bà tạm xa tiếng vỗ tay của khán giả để lên xe hoa về nhà chồng. Tôi nhắc lại với bà sự kiện này và mạn phép hỏi: “Vì sao nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thuyết phục được cô quay trở lại sân khấu?”

Danh ca Thanh Thuý nói: “Ông Ngọc Chánh đối với gia đình cô như một người anh, một người thân trong nhà. Ai quen biết ông ấy đều sẽ hiểu ông ấy là một người hiền lành, rất tốt với bạn bè. Thêm nữa là năm đó, con trai của cô đã khá lớn, và gia đình cô cũng đã về Sài Gòn, cho nên khi ông ấy mời cô đến hát tại phòng trà của ông, cô đã nhận lời.”

AC Ngọc Chánh, Thanh Thúy tại Úc. Ảnh: Ca sĩ Thanh Thuý

Theo bài viết của Ngọc Hoài Phương đăng trên tuần báo Hồng số 10 phát hành ngày 14 tháng Bảy năm 1971 thì sau năm năm vắng bóng và trở lại sân khấu, danh ca Thanh Thuý vẫn được khán giả yêu mến và đón nhận một cách nhiệt thành như ngày nào:

“Sau hơn 5 năm xa ʟánh ánh đèn màu sân khấu, khi tái xuất giang hồ, giọng hát liêu trai của Thanh Thúy vẫn còn ăn khách như thuở nào. Nàng vẫn được đón tiếp với trọn vẹn cảm tình của giới ái mộ dành cho một thần tượng. Và có lẽ ngay chính nàng cũng không thể ngờ được sau quyết định tiếp tục trở lại nghiệp cầm ca này, nàng lại được tiếp đón nồng hậu đến như vậy.”

Kể từ đó, phòng trà Queen Bee (từ tháng Ba năm 1971 đến tháng Ba năm 1974) là nơi “tụ hội quần hùng”, là điểm hẹn của khách yêu văn nghệ được đến và thưởng thức những tiếng hát nổi tiếng của miền Nam lúc đó như Thái Thanh, Thanh Thuý, Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương…Hơn thế nữa, Queen Bee chính là bệ phóng cho những tiếng hát thành danh sau này như Thanh Lan, Thái Châu, Dạ Hương, Nguyễn Chánh Tín…Trong đó, ca sĩ Thái Châu là học trò của ông.

Nhà báo, nhạc sĩ Kỳ Phát kể với tôi, chính nhờ nhạc sĩ Ngọc Chánh lúc đó “phát hiện” ra tiếng hát Nguyễn Chánh Tín mà sau này, điện ảnh Việt Nam mới có một tài tử Nguyễn Chánh Tín.

Theo MC Trần Quốc Bảo ghi lại theo bài viết của nhà báo Lưu Khâm: “Người ta đến với vũ trường của nhạc sĩ Ngọc Chánh như tìm về một tổ ấm thân thương dưới ánh đèn màu, tiếng nhạc lời ca của những ca sĩ ưu hạng đương thời và đệ nhất ban nhạc Shotguns.

Lắm người ghiền Queen Bee, mê Quốc Tế và sau này ra hải ngoại với Maxim (ở San Jose), Ritz (ở Orange County) cùng ban nhạc Shotguns như mê một nhân tình tài sắc, tâm vẹn toàn. Trong khung cảnh lãng mạn, thơ mộng hài hòa giữa nhạc và ca, thời gian như lắng đọng lại để người ta tạm quên những nỗi nhọc nhằn cơ cực của đời sống.

Ở đây, tâm tình được dàn trải, thương yêu được gắn bó, ước mơ được nối liền, những trái tim cùng thưởng thức một nhịp đập trên cung điệu tài hoa của Shotguns, lắng nghe và ngắm nhìn những tiếng hát hàng đầu, bồng bềnh sương khói có khả năng dìu người ta về những bến đời hạnh phúc.”

Nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Bảo chứng của thời âm nhạc rực rỡ

Nếu những phòng trà “qua tay” của nhạc sĩ Ngọc Chánh đã trở thành miền thương nhớ của một thế hệ, thì ban nhạc Shortguns mà ông là một linh hồn trong đó, chính là một dĩ vãng không thể nhạt nhoà trong tâm trí của người Sài Gòn cũ. Họ đã sống, đã thở, đã buồn vui, và thậm chí, đã chết với một thương hiệu nghệ thuật được làm ra bằng tài năng và tình yêu.

Ban nhạc Shortguns từ chuyên hát nhạc Pop Rock, nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ, đến năm 1969, dưới bàn tay lèo lái của nhạc sĩ Ngọc Chánh, đã chuyển hướng sang hát nhạc Việt trữ tình, lãng mạn.

Thời điểm này, song song với vai trò là trưởng ban nhạc Shortguns và ông chủ của phòng trà Queen Bee, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt tay vào thực hiện các băng nhạc Shortguns. Hơn 30 băng nhạc do ông sản xuất và phát hành từ 1969 đến 1975 là bảo chứng cho một thời âm nhạc rực rỡ của miền Nam.

Nhạc sĩ, nhà báo Kỳ Phát là người đã sát cánh với nhạc sĩ Ngọc Chánh từ cuốn băng thuộc dòng nhạc Nhạc Trẻ đầu tiên (Nhạc Trẻ 1 – Tiếng hát Elvis Phương) cho đến cuốn thứ sáu. Mỗi lần thu ở phòng thu Bùi Hữu Nghĩa, nhạc sĩ Ngọc Chánh chở ông đến đó, để cho ông quyết định từ bài hát đến ca sĩ, đến chiều thì đón ông về.

Băng nhạc Shortguns. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Chính nhờ những băng nhạc trẻ của Trung tâm băng nhạc Shortguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh, một phong trào nhạc Việt hoá nổi lên ở Sài Gòn, chuyển nhạc ngoại quốc sang lời Việt. Có thể kể như: Trường Kỳ – Nam Lộc thực hiện cuốn băng Nhạc Hồng. Trường Giang thực hiện Tình Ca Nhạc Trẻ. Nhạc sĩ Kỳ Phát thực hiện những cuốn băng Thế Giới Nhạc Trẻ. Nhạc sĩ Ngọc Chánh là người góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu dòng nhạc trẻ Việt hoá của ban nhạc Phượng Hoàng (Lê Hựu Hà – Nguyễn Trung Cang), Trần Quang Lộc…đến khán giả.

Có thể nói, hầu hết những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn với nhiều thế hệ, Thái Thanh, Duy Trác, Sĩ Phú, Thanh Thuý, Khánh Ly…cho đến các ca sĩ trẻ sau đó như Anh Khoa, Thái Châu, Dạ Hương…đều đã xuất hiện trong băng nhạc do Trung tâm băng nhạc Shortguns phát hành.

Khi hết hợp đồng ba năm với phòng trà Queen Bee vào tháng Ba năm 1974, nhạc sĩ Ngọc Chánh dời về phòng trà International. Cuộc chiến lan rộng khắp chiều dài đất nước. Nhiều ấp ủ nghệ thuật của nhạc sĩ Ngọc Chánh đã không thực hiện được, cho đến ngày người miền Nam mất nước.

Như nhiều văn nghệ sĩ khác thời đó, ông chấp nhận yên phận chờ “đêm chôn dầu vượt biển.” Ông và các thành viên các trong ban nhạc nhận lời cộng tác với đoàn kịch Kim Cương. Những tên tuổi của Shortguns như Ngọc Chánh, Lê Văn Thiên, Duy Khiêm, và những giọng ca vàng son còn lại như Lệ Thu, Thái Châu, Thanh Tuyền làm cho rạp Kinh Thành luôn trong tình trạng cháy vé.

Ban Shotguns khoảng thời gian 1968-1969, với ca nhạc sĩ từ trái qua như Đức Hiếu, Pat Lâm, Quốc Hùng, Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Hoàng Liêm, Ngọc Chánh, Duy Khiêm. Ảnh: Tài liệu

Sau ba năm chờ đợi, cũng đến ngày nhạc sĩ Ngọc Chánh vượt biển cùng gia đình. Ông dắt theo hai người con của nhạc sĩ Phạm Duy là Duy Minh và Duy Hùng. Ngày 4 tháng Mười năm 1978, ông đến đảo Pulau Tengah, Malaysia. Ngày 1 tháng Tư năm 1979, gia đình ông đến Mỹ do nhà thờ bảo lãnh.

Có thể nói mối duyên tình giữa nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy đã bắt đầu từ ba ca khúc nổi tiếng do ông viết nhạc, Phạm Duy soạn lời, đó là Bao Giờ Biết Tương Tư, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, và Tuổi Biết Buồn.

‘Ngựa hoang về đến bến sông rồi’

Thật khó để những kẻ hậu bối – như tôi, định nghĩa chính xác về một con người như ông. Một nhạc sĩ, một nhà kinh doanh, một bầu sô “mát tay”, hay một nhiếp ảnh gia tài ba với nhiều giải thưởng quốc tế?

Nhạc sĩ, nhà báo Kỳ Phát gọi ông là “một nhạc sĩ mà rất thành công về thương mại.” Ông bắt được nhịp cuộc sống, chính xác và bén nhạy. Ông biến tất cả những biến cố trong đời mình thành cơ hội.

Chỉ vài tháng sau khi nhạc sĩ Ngọc Chánh đến Mỹ, vào tháng Mười năm 1979, trong một dịp tình cờ ông gặp lại Đinh Thành Châu, một người bạn giờ làm chủ nhà hàng tại San Jose. Ông Châu muốn giao cho nhạc sĩ Ngọc Chánh một vũ trường với tiền cho mướn chỉ $2.200 USD một tháng. Cuối năm đó, ông tái lập ban Shotguns tại Hoa Kỳ và biểu diễn ở vũ trường Maxim’s, thành phố San Jose.

Năm 1983, vũ trường này bị cháy, nhạc sĩ Ngọc Chánh chuyển về Orange County để mở vũ trường Ritz, được sang lại từ nhạc sĩ Vô Thường. Ông mở rộng quy mô của phòng trà gấp năm lần chỉ sau năm năm kinh doanh. Đây chính là nơi để những tiếng hát như Ý Lan, Don Hồ, Dalena, Ngọc Lan, Lynda Trang Đài…bay cao và bay xa.

Những ngày tháng cuối đời, ông từ chối tất cả mọi cuộc phỏng vấn. Chú tuấn mã oai hùng, một thời ngang dọc, tung vó hí vang trời giờ đây chỉ muốn “thấy thanh bình”, thong dong, tự tại, với trời xanh, cỏ dại, để “thấy tình yêu dưới chân mình.”

Ông “đã về tới bến sông rồi”, để lại cho đồng cỏ cuộc đời những bảo chứng nghệ thuật giá trị trăm năm.

* Ca khúc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang là bản nhạc phim cho cuốn phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh mang tên Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang. Nội dung lời tâm sự của một giang hồ lừng lẫy từng “dẫm nát tơi bời” nay quay đầu hoàn lương “từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”.

Đọc thêm:

Vĩnh biệt nhạc sĩ Ngọc Chánh

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: