Khi đứa con chung muốn làm giấy bảo lãnh con riêng của chồng

(Minh họa: Gabrielle Henderson/Unsplash)

Tôi ly hôn đã lâu, hiện đang sống với vợ chồng con gái. Sau khi ly hôn chừng vài tháng thì chồng cũ của tôi lấy vợ và có con ngay, vì thế tuổi con gái tôi và cô bé cùng cha khác mẹ cũng không xê xích nhau mấy.

Tuy không nói ra, nhưng lòng tôi không vui vì cuộc hôn nhân sau của chồng tôi xảy ra nhanh quá, giống như chực chờ để hợp thức hoá quan hệ. Thêm vào đó người vợ sau này là láng giềng của gia đình tôi. Họ quen nhau khi tôi còn là vợ của anh ấy, nghĩa là họ đã ngoại tình với nhau. Đó cũng là giọt nước tràn ly trong mối bất hoà giữa tôi và chồng, dẫn tới việc ly dị.

Không bao giờ tôi kể với bất cứ ai nghe chuyện này, và bề ngoài tôi hoàn toàn giữ thái độ bình thường trong mối quan hệ cũ mới chằng chịt. Tôi vẫn để cho con gái tôi thân thiết với người em cùng cha khác mẹ.

Hiện nay mẹ con tôi đã ở nước ngoài, con tôi cũng khá giả, vẫn hay gửi tiền về cho đứa em không cùng mẹ, đôi khi còn quà cáp cho cô vợ sau của bố. Tôi vẫn bình thường không hề cấm cản con.

Tuy nhiên mới đây có một chuyện mà tôi không muốn xảy ra là con tôi muốn bảo lãnh đứa em. Tôi biết là hồ sơ bảo lãnh sẽ lâu lắm, có thể kéo dài đến 15 năm, khi đó chắc gì tôi còn sống để mà giận. Nhưng tôi vẫn không muốn con mình làm điều đó.

Tôi đau đớn nghĩ lại những chuyện ngày xưa trong gia đình, những đau đớn mà tôi phải chịu đựng trong cơn ghen giận. Tôi không muốn con tôi bảo lãnh, tôi nghĩ đến cảnh, gia đình “họ” đang lân la, đầu ngoài sân sau lần vào bếp. Tôi cũng sinh hận mà lo xa hơn là tôi sợ cảnh cô gái qua đây sẽ ở chung nhà với con gái tôi, rồi biết đâu cảnh xưa lại tái hiện, cái cảnh lân la với chồng người.

Cô Nguyệt Nga ơi, giúp tôi! (Thanh Ng)

GÓP Ý

-Sơn Nguyen
Chị cũng thật là thù dai, tuy nhiên tôi hoàn toàn thông cảm với chị. Chị tức giận là đúng vì theo thư thì có vẻ như sau khi ly hôn chị vẫn ở vậy nuôi con khôn lớn, chồng chị không góp phần nuôi con cùng chị. Có thể con chị không hiểu hết sự việc nên đã hành xử như vậy.

Nhân dịp nào đó, chị tâm sự, nhẹ nhàng thôi với cháu, rồi sau đó để tuỳ cháu xử lý sự việc. Nếu cháu vẫn giữ ý định bảo lãnh thì cứ làm nhưng nếu có nghe tâm sự của chị, cháu sẽ có cái nhìn khác khi người em cùng cha qua đây. Mà còn lâu, cháu sẽ có thể thay đổi theo thời gian và cuộc sống.

-Thuý Hồ:
Thưa chị, việc chị không nói với con những điều không hay của hai vợ chồng chị là việc tốt. Con nó không có tội, nên gieo chi vào đầu con trẻ những chuyện không hay của cha mẹ. Tôi hoàn toàn đồng ý với chị về chuyện không cho con biết.

Nhưng cũng vì cháu không biết chút gì sai quấy của ba nó nên nó mới vậy. Mà biết đâu cháu cũng nghe một phiên bản khác từ cha cháu về chị. Theo tôi chị nên kể cho cháu nghe rồi tuỳ cháu quyết định.

-Marry Đinh:
Điều cô lo lắng về việc có thể xảy ra khi cô kia qua ở chung là rất có thể xảy ra. Theo kinh nghiệm của cháu thì không bao giờ mình cho một người phụ nữ, dù là bạn thân hay chị em ruột của mình vào ở chung với gia đình. Chẳng biết điều gì có thể xảy ra với chồng và người lạ, đề phòng vẫn hơn.

-Hiền Vũ:
Sao tôi nghe nói dạo này Mỹ không cho anh chị em bảo lãnh nhau? Có khi nào con gái chị bảo lãnh gia đình con cái người chồng cũ của chị qua đây không?

(Minh họa: Curtis Adams/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI 

Con gái tôi ly hôn, mà không hề ra toà để làm giấy huỷ hôn thú. Hôm hai đứa tuyên bố đường ai nấy đi, con gái tôi chia tiền ra làm ba phần, chuyển vào ngân hàng cho chồng nó một phần, giữ lại hai phần cho hai mẹ con. Chồng nó xách quần áo ra đi, nhà cửa để lại cho hai mẹ con sống. Tụi nó ly hôn như đùa!

Sau khi ở riêng, thỉnh thoảng chồng nó gọi điện thoại hỏi thăm, nó vẫn trả lời bình thường, ngày tết giỗ, nó vẫn đưa con về bên nhà chồng. Chồng nó có quyết định gì lớn lao cũng đều gọi điện thoại hỏi vợ.

Nói chung, kết quả ly hôn chỉ có một thay đổi là chồng dọn ra khỏi nhà, tiền ai làm ra thì người nấy xài, không chung đụng như cũ. Vì vợ lấy nhà nên vợ phải trả tiền nhà hàng tháng cho ngân hàng. Trước khi dọn ra khỏi nhà, chồng nó dặn bất cứ giấy tờ gì cần chữ ký thì gọi, chồng nó sẽ về và ký. Ý là sau này muốn bán nhà hay lấy chồng khác thì chồng nó sẽ ký giấy ly hôn hay giấy bán nhà.

Tôi thấy chúng nó cư xử quá “văn minh” mà lo. Tôi lo liệu cái “văn minh” kia có mãi mãi là thế theo thời gian không? Lỡ sau này, chồng nó sa cơ thất thế, không có nơi trú ẩn (giờ thì nghe nói vì số tiền chia khá lớn, nên chồng nó đã down mua cái condo nhỏ, dĩ nhiên là đứng tên một mình) rồi quay lại đòi bán nhà thì hai mẹ con nó sẽ thế nào? Việc chia tiền ra làm ba chẳng có giấy tờ gì chứng minh là chia của sau ly hôn. Tôi có nói những lo ngại của mình, nhưng con tôi không thay đổi vì tin rằng chồng nó không bao giờ làm vậy.

Thưa cô, làm mẹ, tôi lo lắng quá, cứ nghĩ ngợi lung tung lo cho con mình. Cô giúp tôi làm cách nào để khuyên con tôi nên ra toà làm giấy tờ đàng hoàng để an toàn khi có biến cố gì xảy ra sau này. Xin cám ơn cô.

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: