“Mèo mả gà đồng” khi xưa, không dám thú nhận với vợ

(Minh họa: Nik Shuliahin/Unsplash)

Thưa cô, nói thiệt với cô, ngày trước khi một mình vượt biên qua đây, để vợ con ở lại Việt Nam, tôi cũng có… “này nọ.”

Cô ơi, đàn ông xa vợ con nơi xứ người làm sao mà vững lòng được. Tôi cô đơn buồn bã quá, đi làm về một mình không biết làm gì cho hết thì giờ nên cuối tuần thường đu theo bạn bè cà phê cà pháo, sinh chuyện ngoài luồng mà lý trí không kềm chế được.

Thú thiệt là tôi cũng đã để lại hậu quả là đứa con với người đàn bà sau. Tôi sợ lắm vì tôi đã có gia đình con cái, lại là người đạo gốc, không chấp nhận ngoại tình và ly dị. Đến khi vợ con qua, tôi không dám thú thật. Cũng may là người đàn bà mà tôi có con ngoài giá thú với họ, lại là người rất biết điều, từ khi vợ con tôi qua, không bao giờ bà ấy liên lạc với tôi, dù rằng có đôi lần tôi cũng lén gọi hỏi thăm, nhưng họ đổi số điện thoại, tôi có tìm hỏi một vài người thân thì biết hai mẹ con đã dời đi sang một tiểu bang khác.

Chính sự ăn ở biết phải trái như vậy khiến lòng tôi không yên. Giá như họ đến nhà tìm tôi rồi phân bua với vợ tôi, thì tôi cũng còn dễ cư xử, đàng này họ ôm con biến mất khỏi Trái Đất này. Tự nhiên tôi rơi vào trường hợp thay vì thú tội với vợ thì tôi im luôn. Nhưng khổ nỗi sự “im luôn” đó thường xuyên giày vò tôi, ngay cả lúc tôi ngủ, tôi cũng ác mộng là mọi chuyện đã bị khám phá. Những lúc đang vui chơi với bạn bè, lỡ ai đó nói câu gì có tên người phụ nữ kia là tôi cũng giật thót mình.

Tôi ao ước có lúc nào đó ông Bụt hiện ra cho tôi một điều ước. Thú thật với cô Nguyệt Nga, tôi sẽ ước ngay là làm sao cho vợ tôi biết mọi chuyện!

Thưa cô Nguyệt Nga, sao tôi thấy mình khổ quá! Tôi muốn có can đảm thú thật mọi chuyện với vợ, rồi sau đó ra sao thì sao, nhưng bao lần cứ sắp mở miệng thì đơ ra rồi cơ hội lại qua đi. Cô giúp dùm tôi cách nào để tôi bắt đầu với vợ về lời thú tội? Hay là tôi im luôn?! (Ông Thức)

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ

-Hoà
Sao ông tốt dữ vậy, có đánh đâu mà ông khai?! Lâu nay trong ngoài đều êm thắm, đề huề thì ông nên để yên vậy, đừng làm gì hết cho đến khi bà nhà khám phá ra.

Sau đó ông cứ nói thật là lâu nay ông ân hận lắm, muốn thú thiệt, nhưng ông sợ không dám. Và cũng nói thêm từ đó đến nay ông không hề liên lạc (chớ có kể ra chuyện có đôi lần tôi cũng lén gọi hỏi thăm.) Điều mà ông may mắn gặp phải là bà sau này là người quá tự trọng, rất tốt. Có nhiều người không biết mình là kẻ đến sau, mà còn ghen ngược lại đó ông. Ông may lắm đó! Thôi cứ hưởng phước đi.

-Thưởng Ng.
Cái ông này lạ, không hỏi thì không nói, ai hỏi đâu, ai quan tâm đâu mà cứ đòi nói. Ông không nghĩ rằng nhiều khi bà vợ biết tỏng ra mọi thứ, nhưng bả cũng im cho qua vì thấy ông sống yên hàn vô sự.

Đàn bà họ tinh lắm ông ơi! Đừng có nghĩ họ khờ, họ khôn nứt trời đổ vách đấy ông ạ! Thôi nếu ông biết vậy thì được rồi, cứ yên thế đừng có đụng đậy mà gây biến to.

-Hoà Mai
Thưa chú, con thấy chú sống khổ quá, chú bị dằn vặt chuyện chú làm từ mấy chục năm trước. Mà chuyện cũng không có gì kinh thiên động địa, chuyện vắng vợ lâu ngày, đi hoang với một người đàn bà khác và kết quả có con ngoài giá thú.

Chú cứ nhìn chung quanh đi, có mấy phần trăm người làm chồng chung thuỷ? Có mấy phần trăm người không đi ngang về tắt? Vì thế không sao cả, căn bản là chú không bao giờ phạm tội lần thứ hai, thế là được rồi! Cháu mạn phép sửa lại lời một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tặng chú, chính là hãy cố quên đi mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua!

(Minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, năm nay tôi 70 tuổi, người rất nhiều bệnh khiến tôi không ở một mình được. Tôi có bốn người con, gồm hai con trai và hai con gái. Thấy mẹ bệnh hoạn, mà bố lại không còn, nên các cháu bàn sẽ chia nhau chăm sóc mẹ, cứ mỗi ba tháng thì tôi lại sang nhà một đứa để ở. Cứ thế lâu nay, xoay vòng.

Nhưng rồi, chính tôi thấy quá bất tiện, cứ vừa quen với nhà đứa này thì lại phải dọn sang nhà đứa khác, đồ đạc cứ phải khuân tới khuân lui. Người chăm sóc và đem thuốc men cho tôi cũng vậy, cứ ba tháng thì họ phải mang sang một địa chỉ khác. Ban đầu thuốc men chỉ gửi nhà một đứa, rồi đến phiên ai chăm mẹ thì có bổn phận mang theo, nhưng sau đó quá bận rộn nên chuyện dời dọn như thế không được áp dụng.

Thật không thể phiền toái hơn, có hôm không nhớ mình đang ở nhà đứa nào, nên sáng sớm thức dậy mắt nhắm mắt mở tôi đã bị té khi không nhớ restroom nhà mình đang ở nằm hướng nào. Người già mà, trí nhớ càng ngày càng kém, nhiều khi đói bụng tôi cũng không muốn lấy thức ăn để ăn, vì bốn đứa cách thức ăn uống khác nhau, rồi vợ chồng chúng có những thói quen khác nhau, mà tôi cứ thấy mình đang “ăn nhờ ở chịu” nên luôn luôn trong tình trạng phải nhớ từng đứa mà sống chiều theo. Ngay cả các cháu, tôi cứ gọi tên lộn tùng phèo, nhiều khi muốn vào nhà già ở một mình cho nó yên tịnh thoải mái cô à!

Một mẹ nuôi bốn đứa con sao thấy dễ dàng, mà bốn đứa con nuôi mẹ sao tôi thấy quá khó khăn! Tôi muốn sống với một đứa thôi. Nhưng không đứa nào chịu, đứa nào cũng cho mình chăm sóc chu đáo hơn đứa kia. Tôi muốn vào viện dưỡng lão thì cả bốn đứa đều nói rằng làm vậy thiên hạ nhìn chúng còn ra gì nữa! Chỉ còn tâm nguyện ngày trôi qua mau, cho mau chết là yên cô Nguyệt Nga à! (Bà Thịnh)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: