Chuyện chỉ có ở Mỹ

Minh họa: Donovan Reeves/Unsplash

Xã hội nào cũng có những chuyện tốt và không tốt, hay thậm chí là xấu. Hình như ở thời đại này, người ta thường dùng danh từ chuyện tích cực hay chuyện tiêu cực để gọi chuyện tốt hoặc chuyện xấu.

Sống ở xứ Mỹ đã 46 năm, tôi thấy rõ ràng, chuyện tích cực thường xảy ra nhiều hơn chuyện tiêu cực. Nhưng không hiểu sao, có nhiều người cứ thường xuyên ta thán những chuyện tiêu cực, nhưng ít khi nào nghe họ nhắc tới những chuyện tích cực ở xứ này. Hay là họ muốn tiếp tay với nhà cầm quyền CS Việt Nam để rêu rao rằng ở cái xứ tư bản giãy chết này toàn chuyện xấu? Hãy ở lại với xứ thiên đường XHCN, chứ đừng nên tính chuyện chạy đi đâu. Trong khi các quan chức lớn, nhờ tham nhũng bao lâu nay, đã chi ra bạc triệu đôla để mua hộ chiếu nước ngoài, chờ ngày tàu chìm, chuột chạy.

Điển hình là hôm nay, tôi đi lấy cặp kính mới làm, nhân tiện ghé qua chợ Kroger gần nhà mua vài món lặt vặt. Thấy cam Navel Orange giá $3.99 một bịch tám trái lớn cỡ trung, nên tôi mua một bịch. Khi đi ngang qua máy tính tiền tự động (self checkout), nó tính tôi $4.99. Biết là không thể “cãi” với cái máy, nhưng mà cũng có thể là tôi đã nhìn lầm, nên tôi cứ hoàn tất việc trả tiền. Ngay khi đó, người nhân viên đứng gần đó chuyên môn giúp các khách hàng sử dụng loại máy tự động này, nói với tôi: “Ông ơi, thuốc rửa tay (hand sanitizer) đang để sau lưng ông là miễn phí (free). Ông đừng quên lấy vài chai về nhà dùng nhé”.

(Ảnh: tác giả)
(Ảnh: tác giả)

Trở lại quầy bán cam, thấy rõ ràng giá là $3.99, tôi bèn chụp tấm hình vô cellphone, phòng hờ nếu cần sẽ dùng để làm bằng chứng. Tôi trở lại văn phòng customer service để khiếu nại. Một nhân viên yêu cầu tôi cho xem biên lai và bịch cam, rồi cô ấy làm việc liền. Chỉ một phút sau, cô ta nói tôi đưa cái credit card mà tôi dùng để trả tiền, để cô ấy refund tiền trả lại vô credit card cho tôi.

Tôi hỏi: “Cô trả lại cho tôi bao nhiêu?”. Cô ấy nói: “$4.99, the full amount you paid for it (trọn vẹn số tiền của bịch cam mà ông đã mua)”. Tôi thừa biết lý do tại sao, nhưng cũng giả bộ hỏi: “Why?”. Cô ấy giải thích: “Thưa đó là policy của chúng tôi. Nếu chúng tôi tính tiền lộn thì ông sẽ được món đồ free (không tính tiền)”. Tôi biết có nhiều tiệm buôn lớn có policy như vậy, để nhân viên phải làm việc rất cẩn thận về giá cả. Giá ở ngoài quầy phải giống với giá trong máy tính tiền. Mục đích là để không làm thiệt hại cho khách hàng, và hơn nữa, là làm vui lòng người khách khi bị tính tiền lầm.

Chỉ có ở những nước mà sự mua bán được tự do cạnh tranh, mới có chuyện này xảy ra. Còn ngược lại, ở những nước bán hàng trong những cửa hàng quốc doanh thì người đi mua hàng giống như kẻ ăn xin, còn người bán hàng như thể là quan chức cao cấp. Làm gì có chuyện phải làm vừa lòng khách. Khác nhau quá lớn giữa hai chế độ: Tự do kinh doanh (free enterprise) hoặc kinh tế tập trung (centralized economy) vô tay nhà nước.

Còn nhớ lại cách đây khoảng một năm, khi tình trạng Covid-19 đang phát ra nặng nề, người ta đổ xô đi mua thuốc rửa tay và vài vật dụng khác. Không dễ gì tìm được một chai thuốc rửa tay ở trên quầy. Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, thuốc rửa tay có thể mua được dễ dàng. Còn hôm nay thì thuốc rửa tay cho không. Viết bằng thông báo chưa đủ. Nhân viên còn phải đến nhắc nhở khách hàng đừng quên lấy vài chai về dùng! Có nơi nào trên thế giới được như vậy không, các bạn?

Trên đường đi ra, đi ngang qua quầy pharmacy, một bảng thông báo khá to viết: Covid-19 vaccine is free for everyone. No need to make appointment. Just walk in for the vaccine (Thuốc chủng Covid-19 được chích miễn phí cho tất cả mọi người. Không cần phải lấy hẹn. Cứ bước vào để được chích ngay). Tôi đã chích hai mũi Covid-19 vaccine từ hồi Tháng Hai cũng tại đây. Cách đây hai tuần, Kroger gửi message đến cellphone của tôi để kêu gọi ghi danh online để xổ số. Nếu may mắn, tôi có thể trúng $1 triệu nhờ đã chích vaccine trước đây. Có xứ nào trên thế giới người dân được quan tâm như thế này không các bạn?

Nãy giờ, mới nói chuyện nho nhỏ và chuyện vừa vừa. Bây giờ nói chuyện lớn hơn: Chuyện chính trị ở xứ Mỹ. Tôi tin rằng ai cũng biết, không ở đâu có một nền chính trị tốt tuyệt đối cả. Ngay ở xứ Mỹ này, có hai chính đảng: Dân Chủ và Cộng Hòa. Đảng nào cũng có những chuyện tốt để khen, và chuyện xấu để chê. Đó là những chuyện xấu và tốt do những tờ báo đứng đắn và trung lập viết ra. Còn những tờ báo đã nghiêng hẳn về một đảng, thì miễn bàn, hay miễn đọc thì càng tốt.

Dù tốt hay xấu, nhưng nền chính trị ở Hoa Kỳ có một điểm vô cùng tuyệt vời, mà rất nhiều người không thấy, không biết, hay đã quên. Đó là ở đây người ta có hai chính đảng, và vài đảng chính trị nho nhỏ. Mỗi đảng, muốn thắng cử trong kỳ bầu cử sắp tới, đều phải cố gắng làm những chuyện tốt cho đất nước, cho người dân (cử tri). Không phải như những nước độc tài và độc đảng như Việt Nam, vì biết không có ai cạnh tranh, chính trị gia hay người cầm quyền toàn quyền định đoạt, dù hay hay dở, trúng hay trật, cũng vẫn nắm quyền suốt đời. Rốt cuộc, người dân lãnh đủ biết bao nhiêu những điều bất hạnh, còn quan chức và gia đình càng ngày càng giàu có. Có nơi nào tốt hơn nước Mỹ này không?

Hồ Duy Thiện, DKSG 69-74

***

Bạn đang sống ở Mỹ? Hãy kể những câu chuyện thú vị về nước Mỹ và đời sống ở Mỹ mà bạn đã trải qua cho độc giả lẫn bạn bè và người thân của bạn cùng nghe. Bài gửi về [email protected]. SGN thân mời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: